Mỗi người phụ nữ một hoàn cảnh, người nhặt ve chai, người làm ô sin, người bán hàng,… nhưng họ đều có tình thương với những chú mèo bị bỏ rơi tội nghiệp. 17 năm qua họ đã “cưu mang” được hơn 10.000 con mèo, chăm bẵm như con, thậm chí còn chuẩn bị cả chỗ ngủ cho chúng nằm.

Bà Quách Thị Trinh (58 tuổi) làm nghề bán hàng tại chợ Thiếc, Q.11, Tp.HCM. Từ năm 2000 bà đã bắt đầu cưu mang mèo bị bỏ rơi. Thấy ai không muốn nuôi mèo, mèo chưa tìm được chủ mới hay bị bỏ rơi bà mang về nuôi hết, cho uống sữa, thuốc men, chăm chút chu đáo. Trung bình mỗi tháng bà tìm chủ mới cho khoảng 60 con mèo.

“Tôi cũng không biết mình thương mèo như thế nào, nhưng mà nhìn chúng lang thang, ướt nhẹp dưới mưa, rồi bị chó cắn, chuột cắn, đói rét không biết chết ở đâu, tôi cầm lòng không được, thế là lại nhặt, mang về”, bà Trinh nói.

4 phụ nữ làm "vú nuôi" cho hơn 10.000 con mèo suốt 17 năm
Bà Trinh bán hàng trước cửa nhà coi đàn mèo như con (ảnh: Thúy Hằng).

Bà Trinh chia sẻ, hằng ngày bà thức dậy từ tờ mờ sáng để cho mèo ăn, uống thuốc, dọn dẹp nhà cửa. Những ngày mèo khỏe bà thấy rất vui, còn lúc chúng ốm đau bệnh tật, bà đau lòng, không còn muốn làm gì hết.

Trong nhóm của bà Trinh còn có bà Nguyễn Kim Anh (63 tuổi), bà Trần Thị Hoa, còn được gọi với cái tên thân mật “Năm mèo” (62 tuổi) cũng ở quận 11 và bà Trần Thị Mai (65 tuổi) cùng nhau nuôi số mèo nhặt được và tìm chủ mới cho chúng. Đến nay, tổng số mèo các bà “cưu mang” khoảng hơn 10.000 con. Mỗi người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn riêng, không có công việc ổn định nhưng đều có sở thích nuôi mèo.

4 phụ nữ làm "vú nuôi" cho hơn 10.000 con mèo suốt 17 năm
Bà Nguyễn Kim Anh ôm đàn mèo mà bà nuôi, đi đâu xa sẽ cho chúng vào túi xách đi cùng (ảnh: Thúy Hằng).

Bà Anh tuổi cao, chân tay đau yếu, hàng ngày đi dọn dẹp nhà thuê để kiếm sống qua ngày. Nơi ở của bà Kim Anh chỉ là căn phòng nhỏ, mỗi tối bà chỉ ngả lưng vào chiếc ghế kê ở góc phòng, còn giường nệm nhường hết cho mèo nằm. Sống một mình nhưng bà không hề cô đơn vì có đàn mèo hơn 20 con suốt ngày quấn vào chân. “Lúc mà chúng tôi buồn nhất, đó là nhìn những con mèo cứ lả đi, thoi thóp và chết dần trong vòng tay mình. Nhưng ít nhất, tôi cũng mong mỗi con mèo được chết dưới một mái nhà, không chết bờ chết bụi”, bà Anh nói.

Bà Anh kể, có đêm mèo kêu khóc không ngủ được bà lại phải dậy để đút sữa, cháo cho chúng ăn. Nhà nuôi mèo bận như con mọn nên bà không dám đi đâu lâu, nếu đi sẽ cho chúng vào trong chiếc túi du lịch xách đi cùng.

Trong khi đó, bà Hoa bị bệnh tim, nuôi con tâm thần đang điều trị ở bệnh viện, mưu sinh bằng nghề quét dọn thuê nhưng trong nhà cũng nuôi đến gần 100 con mèo.

Còn bà Mai ngày nắng cũng như ngày mưa đều bươn chải ngoài đường với nghề thu mua ve chai, đồng nát. Trong lúc bới phế liệu bà nhặt được rất nhiều mèo, có con run rẩy trong mưa, đói khát nên bụng teo tóp, bà mang hết về nuôi.

4 phụ nữ làm "vú nuôi" cho hơn 10.000 con mèo suốt 17 năm
Những con mèo bị bỏ rơi sẽ được đăng lên Facebook để tìm chủ mới.

Lúc đầu, nhóm phụ nữ “cưu mang” mèo này không được lòng người thân, hàng xóm vì người ta nghĩ mèo quậy phá hoặc lây bệnh… Tuy nhiên, câu chuyện yêu thương động vật của các bà đã truyền cảm hứng cho mọi người, nhìn lũ mèo ngoan ngoãn, đáng yêu nên nhiều người đến ủng hộ tiền mua thức ăn hoặc tìm giúp chủ mới cho chúng. Trong 4 “gia đình” thì bà Trinh có điều kiện hơn cả, thường thì bà Trinh sẽ bỏ tiền túi để mua sữa, thuốc, cơm, thức ăn,… cho mèo; một phần còn lại được các mạnh thường quân hỗ trợ.

Điều mà nhóm phụ nữ “cưu mang” mèo này trăn trở nhất là những người chủ vứt bỏ mèo con mới sinh tội nghiệp, chúng sẽ chết vì đói khát nếu không được cứu kịp thời.

Bà Trinh nói: “Tôi luôn muốn nhắn với mọi người, hãy đưa mèo trưởng thành tới bác sĩ thú y để triệt sản, chỉ có như vậy thì số mèo con mới không sinh sản quá nhanh và bỏ đi tội nghiệp”. Hiện, bà Trinh đã công khai cả số điện thoại trên Facebook, ai muốn xin mèo hay liên hệ bác sĩ thú y, bà sẵn sàng giúp. Bà còn đặt 2 chiếc lồng sắt, mấy hộp nhựa đựng thức ăn nước uống cho mèo trước cửa nhà để nhận mèo người ta bỏ hay mèo hoang lượm được về nuôi.

Mỹ Duyên