Trải qua hơn 500 năm lịch sử, bộ tộc Bishnoi vẫn giữ những đạo lý và nguyên tắc từ xa xưa mà tổ tiên để lại. Họ sống hài hòa với tự nhiên, yêu thương muôn loài và cây xanh như những người bạn…
Với dân số khoảng 300.000 người, tập trung sinh sống chủ yếu ở vùng sa mạc Thar (bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ), Bishnoi theo tiếng địa phương có nghĩa là 29 (“Bish” là 20, “noi” là 9). Điều này biểu thị cho số điều trong giáo luật mà những người theo đạo Hindu phải tuân theo. Giáo luật này do đạo sư Jambheshwar Bhagwan lập ra cách đây khoảng 540 năm.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, vào thời điểm đó thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo và người Hindu, dẫn đến sự thù địch giữa các tầng lớp, tôn giáo trong xã hội. Trước tình huống này, đạo sư Jambheshwar thuyết phục mọi người, cách duy nhất để hòa giải là tôn trọng tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống.
Theo truyền thuyết, khi đang ngồi thiền dưới gốc cây ở ngôi làng Jhamba, đạo sư Jambheshwar đã giác ngộ. Ông đã tìm ra nguồn nước giúp những người dân ở ngôi làng Jhamba thoát khỏi cảnh hạn hán sau hơn 20 năm và nuôi ý tưởng xây dựng một cộng đồng không chỉ chung sống hòa thuận với nhau mà còn với tự nhiên và muôn loài. Xã hội đó chính là tiền thân của bộ tộc người Bishnoi hiện nay.
Tự nhiên là nhà, thú nuôi là bạn
Trong những điều luật của bộ tộc Bishnoi, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã. Họ cũng có quy định riêng về cách đối xử với các loài động vật này.
Ví dụ, khi gặp những con động vật bị thương, người Bishnoi sẽ đem chúng về và giao cho những thầy tu chữa trị trước khi thả chúng về với tự nhiên. Những người phụ nữ Bishnoi cũng sẵn sàng nuôi dưỡng những con thú non bị bỏ rơi như hươu, nai hay linh dương. Họ cho những con thú này bú chung dòng sữa với con của mình. Bởi vậy, trong những ngôi làng của tộc người này, hình ảnh những con thú mải mê bú sữa của những người phụ nữ đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Khi những con thú lớn lên, chúng lại trở thành những người bạn thân thiết của những đứa trẻ.
Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ đã dạy cách không được làm đau hay sát hại động vật. Người Bishnoi còn sẵn sàng chia sẻ nguồn lương thực ít ỏi của mình với những loài động vật trên vùng đất sa mạc cằn cỗi. Những bát nước và các loại ngũ cốc hay rau củ được đặt rải rác khắp các con đường trong làng và ven bìa rừng, để những con thú có thể tự do đến ăn.
Người Bishnoi cũng có nuôi một số loại gia súc như bò và dê để lấy sữa hoặc dùng trong vận chuyển chứ không bao giờ giết thịt. Khi những con vật này già yếu, họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng cho đến khi chúng chết một cách tự nhiên.
Ngoài ra, người Bishnoi cũng có những quy định về cách đối xử với các loài thực vật. Họ không bao giờ chặt hay nhổ cây đang sống, cho dù để lấy gỗ làm vật liệu xây dựng hay củi đốt. Người Bishnoi chỉ chặt những cây đã chết hoặc cành cây khô để làm củi, phục vụ cho việc bếp núc. Nếu không kiếm đủ củi, họ sẽ thu lượm phân trâu bò, phơi khô để làm chất đốt, chứ tuyệt đối không chặt cây rừng.
Năm 1847, khi quân đội Hoàng gia đến khu rừng của những người Bishnoi để chặt cây, lấy gỗ xây cung điện, những người Bishnoi đã kiên quyết bảo vệ cánh rừng của mình. Tuy nhiên, họ không chống đối bằng bạo lực, mà chỉ kêu gọi quân lính hãy dừng việc chặt cây. Cuối cùng, 363 người Bishnoi đã bị giết chết khi nỗ lực cứu cánh rừng.
Cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc
Cuộc sống của người Bishnoi hết sức giản dị nhưng trang phục lại vô cùng bắt mắt. Họ cho rằng, phụ nữ là biểu tượng của sự sáng tạo, nên sẽ mặc những bộ đồ sáng màu như cam đỏ, xanh…Họ cũng đeo khuyên to bản trên mũi như một cách để làm đẹp. Đàn ông Bishnoi mặc quần áo màu trắng bởi nó tượng trưng cho sự khiêm tốn và thắt lưng buộc bụng, biết chăm lo cho gia đình.
Người Bishnoi sống bằng nông nghiệp. Khi một cặp vợ chồng mới lấy nhau, họ phải tự tạo dựng cuộc sống của mình với hai bàn tay trắng trên mảnh đất cằn cỗi. Họ sẽ đào giếng để lấy nước trồng lương thực và các loại rau củ khác. Người phụ nữ sẽ có nhiệm vụ quản lý ngân sách, còn công việc kiếm sống nuôi gia đình là trách nhiệm của đàn ông.
Ngoài ra, người Bishnoi thường sống trong xóm nhỏ được gọi là Dhannis. Đó chỉ là vài túp lều tròn với mái tranh, “tường” bao quanh được làm từ bùn đất. Theo họ, cách làm nhà này sẽ đem đến cho họ sự thoáng mát, nhất là khi phải sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở sa mạc.
Đặc biệt, bộ tộc Bishnoi sống rất sạch sẽ. Mặc dù ở sa mạc Thar rất khan hiếm nước nhưng họ vẫn tắm gội sạch sẽ hàng ngày. Hầu hết mọi người đều vô cùng tiết kiệm nước, trẻ em phải ngồi tắm trong những cái chậu. Tuy nhiên, những cư dân này vẫn dành ra một lượng nước để chăm sóc và tưới cho cây trồng.
Thoạt nhìn, cuộc sống của những cư dân trong bộ tộc Bishnoi không được sung túc và khá giả lắm, nhưng có một điều bất ngờ là ai cũng hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình và cảm thấy rất hạnh phúc. Câu trả lời chính bởi: Người Bishnoi không truy cầu vật chất nên sẽ không có cảm giác thiếu thốn.
Đa phần con người chúng ta đang quá coi trọng những giá trị vật chất. Nhìn vào cách sống của một số người, ta có cảm giác như vật chất là tất cả những gì họ có và mong muốn có. Họ tích lũy tiền bạc, của cải để trở nên giàu có. Họ sử dụng những giá trị vật chất để đổi lấy niềm vui trong cuộc sống, và tin rằng đó là cách duy nhất để hạnh phúc. Nhưng mà, tiền của không tự nhiên có được mà cần phải tìm kiếm. Vì thế đôi khi, khát vọng kiếm thật nhiều tiền có thể khiến ta đánh mất những niềm vui khác trong cuộc sống.
Người Bishnoi không lựa chọn cách sống đó. Họ hài lòng với đời sống vật chất còn nghèo nàn, an nhiên đón nhận những gì cuộc đời mang lại. Họ có sự kết nối chặt chẽ với tự nhiên, giàu lòng trắc ẩn và sẵn sàng sẻ chia với muôn loài. Quan trọng hơn tất cả, họ có Đức Tin và luôn sống trung thành với những điều được chỉ dạy. Vậy nên, thế giới nội tâm của họ không bao giờ thiếu thốn mà ngược lại luôn được lấp đầy bởi tình yêu thương và lòng biết ơn.
Thừa nhận rằng, tiền bạc, vật chất đều là những yếu tố cần thiết đối với mỗi người. Nhưng, khi ta ra đi, những thứ ấy lại chẳng thể mang theo được. Chúng ta luôn vất vả, lo toan, tranh đấu để giành lấy những thứ ấy. Đó là vì lẽ gì?
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Điều gì là giá trị nhất? Đối với người này là tiền bạc, người kia là sức khỏe, người khác là tình yêu…
Chúng ta chẳng thể nào tìm được một câu trả lời chung cho tất cả: Sự phá sản là đau khổ của người này nhưng có thể chỉ là trải nghiệm của người khác. Việc thăng chức đối với người này là hãnh diện nhưng có thể là nỗi lo âu của người kia. Nơi đây cái chết nặng tựa núi sông, nơi kia nhẹ tựa lông hồng. Có thể đối với người này một đồng tiền vàng giá trị hơn cả sinh mạng, nhưng đối với đa phần người khác, hàng vạn đồng tiền vàng cũng không mua được một sinh mạng.
Cho nên, dù bạn giàu hay nghèo, thành công hay thất bại, sống ở một xã hội văn minh hiện đại hay ở một bộ tộc thiểu số, đó đều không phải là những yếu tố quyết định hạnh phúc. Chúng ta có quyền theo đuổi thứ mình thích, nhưng hãy biết dừng đúng lúc, buông bỏ nếu điều đó vượt quá giới hạn của bản thân. Đừng cố nắm giữ điều không thuộc về mình, bởi chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình – hạnh phúc của tự tại, an nhiên…
(Nguồn ảnh: Life Positive)
Hiểu Minh