Đang đứng gọi cơm ở tiệm, anh bị giật mất túi xách với rất nhiều những giấy tờ quan trọng. Đang trong lúc lo lắng và hốt hoảng, sự quan tâm chân thành của một bác xe ôm khiến anh bình tâm lại để xử lý vấn đề, ngày hôm sau một tin nhắn từ số lạ giúp anh nhận lại đồ. Sau vụ cướp, những người xa lạ ở Sài Gòn đã giúp anh hiểu ra rằng đây là nơi mà mình muốn sống. 

Bị giật đồ ở nơi xa lạ

Tài khoản Facebook Đông Vũ vừa kể lại câu chuyện bị cướp ngày đầu năm của mình trong những dòng trạng thái vẫn còn nguyên vẹn sự lo lắng. Đông Vũ sinh sống ở Hà Nội, anh mới chỉ vào Sài Gòn vài lần trong những chuyến đi chơi hoặc công tác. Vốn biết rằng cướp giật là hiện tượng phổ biến ở thành phố đông đúc này, nhưng khi trở thành nạn nhân, anh mới thực sự trải nghiệm cảm giác hoang mang và rối bời khi bị mất đồ một cách bất ngờ.

Trả lời phỏng vấn với báo Tri Thức Trẻ, Đông Vũ cho biết khi bị cướp mất túi xách, anh đã đuổi theo kẻ cướp giật, la lớn nhưng vô ích. Trong túi đều là những giấy tờ cá nhân quan trọng, không có những giấy tờ này, anh cũng không thể lên máy bay về Hà Nội. Đứng giữa thành phố rộng lớn và xa lạ, trong những giây phút đầu tiên này, anh không biết mình sẽ phải làm gì, đi đâu để tìm túi và giải quyết vấn đề như thế nào.

Lo lắng nhưng không hề cô đơn 

Hoang mang, bối rối là tâm lý thường thấy ở những người bị cướp, bởi sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến họ chưa thể lấy lại được bình tĩnh. Tuy nhiên, Đông Vũ là một người may mắn khi nhận được rất nhiều sự hỏi thăm, quan tâm. Anh chia sẻ rằng, ngay sau khi anh đăng tin về vụ cướp và nhờ mọi người nếu có nhìn thấy chiếc túi (như ảnh đính kèm) có thể liên lạc với anh, người nhà và bạn bè đã gọi điện thăm hỏi và trấn an anh.

Nhưng đáng quý và cũng là ấn tượng lớn nhất đối với Đông Vũ trong tai nạn lần này đó là những điều anh nhận được từ những người dân Sài Thành, những người mà anh chưa hề quen biết.

Ngay gần chỗ Vũ bị mất đồ, một bác xe ôm lớn tuổi, khi nhận thấy tình cảnh rối bời của Vũ lúc ấy, đã nhanh chóng đề nghị giúp đưa anh đến công an để trình báo về sự việc này. Đông Vũ đã chia sẻ lại trọn vẹn đoạn đối thoại đáng nhớ ấy trên trang cá nhân của mình, như một đoạn tư liệu quý về sự “tử tế” quý giá trong xã hội hiện đại này.

Cuộc hội thoại như một đoạn tư liệu quý về “sự tử tế” trong thời đại này.

Bác xe ôm không biết chữ ấy đã để lại trong lòng anh một ấn tượng rất sâu sắc về “sự tử tế” của người dân ở Sài Gòn, mảnh đất với những pha cướp giật đáng sợ nhưng cũng lại có quá nhiều những tấm lòng đầy quan tâm như thế.

May mắn lại một lần nữa mỉm cười với chàng trai đất Bắc. Khi thấy cơ hội tìm lại được túi và nhất là giấy tờ quá mong manh, anh nhận được một tin nhắn từ số điện thoại không quen. Người gửi tin muốn xác nhận anh có phải là Đông Vũ và gửi cho anh địa chỉ để nhận lại túi.

Dù rất hạnh phúc khi biết được rằng mình sẽ nhận lại được đồ, nhưng những ấn tượng từ thực tế cuộc sống không cho phép anh hoàn toàn thoát khỏi sự lo lắng. Trên đường đi nhận lại đồ, anh thấp thỏm không yên vì sợ rằng phải cần nhiều tiền để chuộc lại túi, mà bản thân anh khi ấy không có nhiều tiền. Vậy mà, khi đến nơi, anh được trao lại chiếc túi với đồ đạc, giấy tờ, tiền bạc (tiền Việt và ngoại tệ) nguyên vẹn như lúc ban đầu. Người nhặt được túi là một anh thợ sửa xe đạp trẻ tuổi. Người đó cũng không hề đòi tiền chuộc và còn dặn dò anh nhớ phải để ý và cẩn thận hơn.

Miền đất nào có sự tử tế ngự trị, miền đất đó mang ánh sáng của Thiên đường

Sau kỷ niệm khó quên này, Đông Vũ, tên thật là Vũ Huy Hiệp (26 tuổi) còn chia sẻ thêm về một ước mơ mà anh đã ấp ủ từ lâu. Mỗi lần có cơ hội được vào lại Sài Gòn là một lần anh cảm thấy mình muốn ở lại và gắn bó với mảnh đất này. Anh còn hóm hỉnh dùng tính từ “điên cuồng” để miêu tả về ao ước ấy.

Bạn bè và những người thân của anh chưa một lần sống ở thành phố này đều có chung một thắc mắc, điều gì ở mảnh đất ấy lại khiến anh rung động tới vậy. Sài Gòn, trong tâm trí nhiều người dân Hà Nội vốn ưa thích sự bình yên luôn thật tấp nập, thậm chí còn rất xô bồ, chưa kể đến kẹt xe, đường ngập, cướp giật đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Đông Vũ và bác xe ôm Sài Thành tốt bụng và vô cùng đáng yêu.

Đông Vũ đã chân thành chia sẻ, chính trong những hoàn cảnh không ai muốn rơi vào đó, anh tìm thấy sự quan tâm chân thành, tấm lòng rộng mở và cả sự vô tư, đáng yêu của những con người nơi đây. Đây chính là điều khiến Sài Gòn trở thành miền đất rất đáng sống trong tâm hồn anh.

Mảnh đất này cũng đã giúp anh học được một bài học quý giá:

“Qua cơn hoạn nạn này, tôi mới nhận ra một điều là dù cuộc sống có như thế nào, mình phải luôn lạc quan nhất, tử tế nhất … rồi trời xanh ắt sẽ an bài mọi thứ!”

Và phải chăng, ở nơi đâu có sự tử tế cũng chính là tấm lòng lương thiện, luôn vì người khác ngự trị, nơi ấy chính là nơi đáng sống nhất và là nơi lấp lánh ánh sáng của Thiên đường.

Nguồn ảnh: Tri Thức Trẻ

 Hải Lam