Mỗi năm qua đi, trong khi Sài Gòn đang chan hòa ánh nắng, Hà Nội đang lãng đãng vào thu, thì miền Trung lại nơm nớp nỗi lo bão lũ. Năm nay cũng vậy, cơn bão số 10 vừa qua đổ bộ vào dải đất miền Trung, cuốn đi tất cả những tài sản được gìn giữ, chắt chiu cả đời của đồng bào…
“Mẹ con tôi may mắn lắm. Thật may mắn thì tôi mới ôm con chạy kịp”
Câu nói của chị Trần Thị Chinh (32 tuổi, trú thôn Đan Sa, phường Quảng Phúc, Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) thật không khỏi khiến người ta chạnh lòng suy nghĩ; mừng vì ba mẹ con đã thoát chết trong gang tấc, nhưng cũng buồn vì căn nhà giờ đây đã thành đống đổ nát, chị Chinh và các con chẳng còn biết bám víu vào đâu.
Ngày 15/9, khi cơn bão số 10 đổ bộ, chồng chị Chinh đang đi làm xa tận Sài Gòn nên ba mẹ con chỉ biết ôm nhau ẩn nấp trong căn nhà cấp 4. Ngoài trời, gió rít lên từng cơn và giật liên hồi khiến mái tôn nhà nhấp nhổm theo, cho đến khoảng 10h thì nó bắt đầu xuất hiện lỗ hổng lớn, Chị Chinh vô cùng sợ hãi, vội vàng ôm hai con, tông cửa, xông ra ngoài rồi chạy thẳng sang nhà hàng xóm trú nhờ.
Chỉ ít phút sau, mái tôn bị cơn gió mạnh thổi tung nóc bay xa hàng chục mét, bức tường cũng bị đổ sập xuống ao. Chỉ trong thoáng chốc căn nhà đã thành một đống đổ nát, chị Chinh đứng từ nhà hàng xóm nhìn theo, nước mắt trào ra không nói nên lời. Căn nhà là tất cả vốn liếng mà hai vợ chồng chị vất vả dành dụm bấy lâu, rồi sau này, cả nhà chị biết lấy chỗ nào làm chốn dung thân?
Cơn bão đi qua, chị Chinh ôm con về nhà. Hai tạ lúa trong bồ, gạo trong thùng đều đã ướt nhẹp. Sách vở, áo quần của các con cũng bị gió bão cuốn phăng tất cả. Mẹ con chị trắng tay…
Nhà cửa tan hoang, chồng lại đi làm ở xa, chị cũng chẳng dám kể nhiều vì sợ anh lo lắng nên cứ âm thầm mà chịu đựng. Chẳng còn gạo ăn, mấy đứa nhỏ thương mẹ chẳng chịu sang nhà hàng xóm ăn chung mà cứ ở nhà nhai mỳ tôm với mẹ sống qua ngày.
Bé Lam Hồng mới 6 tuổi vừa vào lớp 1 cứ ôm hai cuốn vở ướt nhẹp mếu máo: “Con ăn mỳ tôm rồi, con không đói nhưng sách vở con ướt hết rồi sao mà đi học. Cô giáo con la cho coi”.
Chị Chinh ngậm ngùi an ủi con gái, hứa sẽ mua cho con sách vở mới mà trong lòng nặng trĩu. Căn nhà này không biết đến bao giờ mới được sửa chữa, đêm nay và những đêm tới, mẹ con chị lại phải sang nhà hàng xóm ngủ nhờ…
Bữa ăn sau cơn bão
Cơn bão đi qua, gia đình ông Đinh không còn lại gì hết. Toàn bộ tài sản của cả gia đình đều bị hư hỏng. Lúa ướt, gạo ướt, ti vi vỡ, gạch ngói vỡ tung khắp nhà. Vợ chồng ông chỉ biết ôm nhau khóc rồi tự động viên nhau dọn dẹp lại đống đổ nát.
Trước mùa gió bão, gia đình ông Đinh đã dành dụm, vay mượn để gia cố lại căn nhà. Thế nhưng, cơn bão này to quá, suốt 10 năm nay chưa từng có cơn bão nào lớn đến thế, căn nhà nhỏ của họ chỉ chống chọi được đến hơn 12h trưa 15/9 rồi đổ sập. Mái ngói, tường nhà vỡ thành từng mảnh. May mắn thay chỉ ít phút trước, cháu bé mới một tháng tuổi cùng mẹ đã chạy sang nhà hàng xóm xin trú ẩn.
Bà con hàng xóm ai nấy ái ngại cho gia cảnh gia đình ông Đinh. Họ là hộ nghèo của phường Quảng Phúc hàng chục năm qua. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng và công việc thợ nề của ông Đinh. Siêng năng làm lụng là vậy nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết mãi không buông.
Rồi cơn bão số 10 ập đến như một cú đánh giáng xuống những số phận đáng thương, gây thêm bao khó khăn cho họ. Mấy người hàng xóm tốt bụng góp lại với nhau được 10 lon gạo mang sang hỗ trợ. Cả gia đình mừng mừng tủi tủi, rối rít cảm ơn.
Cô con dâu ông Đinh nhanh chóng bắc bếp nấu vội một nồi cháo to, nước lỏng bỏng và ra vườn hái mấy quả chuối xanh bị bão quật ngã vào kho ruốc làm bữa tối cho cả nhà.
Bữa tối được dọn ra với nồi cháo loãng và đĩa chuối kho ngay giữa mâm. Cả nhà ngồi xung quanh, vừa húp cháo vừa động viên nhau ăn lấy sức mà sửa nhà để còn đón cháu ngoại về. Thương sao dải đất miền Trung, quanh năm lầm lũi làm lụng, còm cõi chắt chiu, để rồi, thoáng chốc bị bão cuốn bay tất cả…
Cơn bão số 10 qua đi, một lần nữa chúng ta càng cảm nhận rõ ràng về sự nhỏ bé của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhìn cảnh hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, từng con đường, góc phố chìm trong biển nước mà thấy lòng quặn thắt. Mùa bão nổi, lòng người cũng đầy giông tố, chỉ biết cầu nguyện trời xanh che chở, bớt mưa, bớt gió mạnh để miền Trung bớt khổ đau…
Linh An
Xem thêm:
- 2 ngư dân thoát chết kỳ diệu khi ôm can nhựa lênh đênh trên biển trong bão số 10
- Cử tri Mỹ nói về Tổng thống Trump: ‘Giới truyền thông cần trung thực và tôn trọng ông’
- Bộ Y tế Peru mời các học viên Pháp Luân Công hướng dẫn tập cho người dân thủ đô