Khi vô tình làm rơi đồ ăn xuống đất, chúng ta thường bỏ chúng sang một bên và không thể tiếp tục dùng đến. Lý do là vì đồ ăn đó đã bị bẩn, ăn tiếp sẽ là mất vệ sinh và dễ sinh bệnh. Tuy nhiên, ở giữa thủ đô Manila của Philippines, có một nơi mà món ăn chính hàng ngày của người dân lại đến từ “bãi rác”. Những món ăn này được cư dân ở các khu ô chuột của thành phố gọi là Pagpag.
Pagpag trong tiếng địa phương có nghĩa là “bụi bẩn được rũ ra từ quần áo”. Ý nghĩa này phản ánh phần nào đó nguồn gốc của món ăn. Pagpag có thành phần chủ yếu là các loại thịt thừa, hay còn có thể gọi là thịt tái chế. Pagpag được làm chủ yếu từ thịt gà, nhưng đôi khi chúng là các loại thịt, cá khác cùng với rau củ đã hết hạn sử dụng. Tất cả chúng đều được nhặt lại từ rác thải phân loại mà người ta chở đến từ khắp các cửa hàng ăn nhanh và các siêu thị trong thành phố.
Dạo quanh một vòng các khu ổ chuột ở Philippines, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những túi Pagpag được bày bán, cùng những cửa hàng bán món Pagpag đã nấu sẵn, có thể dùng ngay. Tất cả mọi người ở đây đều biết nguồn gốc của món ăn, nhưng họ vẫn thưởng thức chúng một cách ngon lành gần như mỗi ngày.
Để có được hình dung rõ hơn về món ăn, hãy cùng điểm lại những chặng chính trong hành trình đến bàn ăn của một túi thịt tái chế Pagpag.
Trời rạng sáng, khi rác thải được tập trung về những bãi rác lớn tại Manila, cũng là lúc mà những “người phân loại” bắt đầu ngày làm việc của mình. Họ gom nhặt tất cả những mẩu thịt thừa còn có thể tái sử dụng và đóng chúng vào thành từng túi nhỏ. Sau đó những túi này sẽ được bán lại cho các chủ nhà hàng hoặc những người bán Pagpag ở những khu vực khác nhau.
Đặc điểm nguồn gốc của Pagpag khiến khâu làm vệ sinh tiếp sau trở thành một trong những khâu quan trọng nhất. Những người thu mua Pagpag từ bãi rác sẽ rửa thật sạch những mẩu thịt này, và lọc bỏ xương nếu có thể. Sau đó mới tiến hành đóng túi để bán lại cho người dân hoặc trực tiếp chế biến trong các “nhà hàng”.
Cách thức chế biến Pagpag – thịt thừa cũng khá đa dạng. Trong các “nhà hàng”, người ta có thể nấu thịt tái chế này với nước sốt, hay nấu theo kiểu adobo (om với xì dầu) hay chiên giòn lại với bột. Ở các gia đình, Pagpag thường được chế biến một cách đơn giản hơn, nấu thành canh là một ví dụ.
Điểm chung lớn nhất trong chế biến món ăn này chính là các loại gia vị. Hành, tỏi cùng các loại rau thơm là những thứ rất cần thiết để khỏa lấp thứ mùi đặc trưng của thực phẩm đã qua chế biến thời gian dài.
Sau khi được chế biến kỹ lưỡng, Pagpag trở thành món ăn chính trong những bữa cơm của người dân. Chúng được dùng chủ yếu với cơm trắng nóng. Một phần cơm với Pagpag có giá vào khoảng 0,2 đô la (tương ứng 4-5 nghìn đồng), còn một túi lớn Pagpag đã qua sơ chế được bán lại với giá 0,5 đô la (tương ứng 10-11 ngàn đồng). Không chỉ có giá thành rẻ, mùi vị của Pagpag sau khi chế biến cũng trở nên hấp dẫn và tạo được cảm giác ngon miệng.
Nhiều người có thể lo ngại rằng, món ăn này sẽ gây ra vấn đề tiêu hóa cho cư dân ở đây. Tuy nhiên, những người dân lao động tại đây cho biết, họ đã làm quen với món ăn này từ rất lâu và Pagpag là một phần trong cuộc sống của họ. Lý do dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, đặc biệt ở trẻ em phần nhiều đến từ nguồn nước, họ sử dụng chủ yếu là nước lã không đun sôi.
Nếu dạo qua một vòng những khu ổ chuột và các bãi rác thải của Philippines, chúng ta có thể thấu hiểu được giá trị của Pagpag. Cuộc sống của những người dân nơi đây đều dưới mức nghèo đói. Nhà cửa được làm theo kiểu chắp vá, và tận dụng tối đa những nguyên liệu cũ. Các vật dụng trong nhà phần nhiều cũng là những đồ nhặt nhạnh từ các bãi phế liệu.
Thậm chí, dầu ăn dùng trong bếp cũng là dầu đã qua tái chế. Đó là lý do tại sao, những thứ đồ ăn với người khác là “để bỏ đi” thì với nhóm người nơi xóm nghèo này lại đáng trân quý đến vậy. Pagpag tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho những người thu nhặt, buôn bán chúng. Bên cạnh đó, nó giúp người dân nghèo “cải thiện” bữa ăn của mình. Pagpag thực sự đã giúp người dân ở các khu ổ chuột rất nhiều trong việc duy trì cuộc sống.
Tuy phải lấy thứ thịt tái chế làm đồ ăn, sống trong những căn nhà chắp vá, làm việc cật lực mỗi ngày, nhưng người dân ở đây vẫn rất lịch sự, thân thiện và lạc quan. Bởi họ đang cố gắng cải thiện cuộc sống của mình mỗi ngày. Dù đó là những bước tiến rất nhỏ bé.
Hy Văn