“Tây du ký” là tác phẩm đầu tiên trong “Tứ đại danh tác” được chuyển thể thành phim, được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc. Bộ phim đã tạo nên một cơn sốt và gây dựng được tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn ở rất nhiều các quốc gia châu Á khác.
Sau ba thập niên, tuy có nhiều bộ phim về đề tài Tây du ký, nhưng phiên bản của đạo diễn Dương Khiết luôn giữ được sức sống mãnh liệt, không phải vì kỹ xảo mà nhờ nó đã giữ được cái hồn, cái thần của nguyên tác.
Trong e-kíp sản xuất bộ phim huyền thoại này, một số người đã vĩnh viễn ra đi.
Đạo diễn Dương Khiết
Tờ Sina đã miêu tả Tây du ký của đạo diễn Dương Khiết là “thần kỳ phim truyền hình”. Quá trình quay bộ phim rất gian nan, cực khổ, đối mặt với muôn vàn khó khăn từ điều kiện vật chất thiếu thốn, thiên nhiên khắc nghiệt cho đến sự hoài nghi, mâu thuẫn của lòng người. Nhưng vì sứ mệnh cao cả của mình, suốt 6 năm thực hiện loạt phim, bà đã cùng đoàn làm phim rong ruổi khắp đất nước, kiên cường, rắn rỏi, tỉnh táo và quyết tâm.
Ngày 15/4/2017, diễn viên đóng vai Đường Tăng – Trì Trọng Thụy thông báo đạo diễn Dương Khiết đã qua đời sau một thời gian hôn mê ở tuổi 88.
Trên trang cá nhân, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng bảy tỏ sự đau buồn khi biết tin này: “Tôi được anh Trì Trọng Thụy thông báo tin dữ, đau đớn vô cùng. Đây là mất mát lớn của làng phim truyền hình Trung Quốc. Dương đạo diễn không chỉ là ân sư của tôi mà còn là người dẫn dắt tôi trên con đường nghệ thuật. Không có Tây du ký thì không có Lục Tiểu Linh Đồng ngày hôm nay. Không có Tây du ký thì khán giả không thể thấy tôi đóng Mỹ Hầu Vương trên màn ảnh. Chúng tôi mãi nhớ về bà, mong bà an nghỉ”.
Năm 2004, khi được hỏi về bộ phim huyền thoại mà mình thực hiện, đạo diễn Dương Khiết đã tổng kết bằng một câu ngắn gọn mà vô cùng sâu sắc: “Chúng ta hãy giữ những tháng ngày ấy trong tâm hồn, coi đó là những kỷ niệm thân thương nhất. Bởi đó là mối duyên trong cuộc đời”.
Có lẽ mối duyên trong cuộc đời bà chính là sinh ra để làm Tây du ký. Giờ đây, bà có thể thanh thản ra đi, phiêu diêu tự tại ở một nơi nào đó, vì bà đã sống trọn vẹn với mối thiện duyên của mình.
Diễn viên Diêm Hoài Lễ
Sinh năm 1936 tại tỉnh Sơn Đông, Diêm Hoài Lễ là diễn viên lớn tuổi nhất trong bốn thầy trò. Hình ảnh Sa Tăng cần cù, chất phác, điềm đạm, luôn luôn gánh vác hành lý được Diêm Hoài Lễ thể hiện xuất sắc.
Ngoài Tây du ký, ông còn tham gia diễn xuất trong các tác phẩm truyền hình nổi tiếng khác như Tam quốc diễn nghĩa (vai Trình Phổ), Ỷ thiên đồ long ký (vai Tạ Tốn), Đông Chu Liệt Quốc (vai Tề Công) và Kỷ Hiểu Lam (vai Trần Huy Tổ).
Ngày 12/4/2009, ông qua đời tại bệnh viện sau một thời gian dài chống trọi với bệnh phổi. Đây cũng là ngày sinh của diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng. Vì thế từ ngày Diêm Hoài Lễ mất, Lục Tiểu Linh Đồng quyết định tổ chức sinh nhật giản dị để tưởng nhớ người bạn của mình.
Diễn viên Vương Phu Đường
Vương Phu Đường đảm nhiệm vai Ngưu Ma Vương – người có nhiều ân oán với Tôn Ngộ Không. Trước khi tham gia Tây du ký, ông là diễn viên kịch nổi tiếng.
Với tính cách thân thiện, dễ gần, Vương Phu Đường được đoàn làm phim yêu quý. Vai diễn Ngưu Ma Vương của ông tuy chỉ xuất hiện ít tập nhưng vẫn để lại dấu ấn trong lòng khán giả vì tài phép cao cường và tính cách có phần trào phúng. Vương Phu Đường qua đời vào năm 2005 ở tuổi 73.
Diễn viên Mã Tăng Thọ
Mã Tăng Thọ là diễn viên gạo cội của nền kinh kịch Trung Quốc. Ông nổi tiếng nhờ những vở diễn “Núi Đỗ Quyên”, “Chùa Pháp môn” và đặc biệt là vai Thủy Đức Tinh Quân trong Tây du ký. Trước khi mất, ông vẫn giữ được tinh thần lạc quan và động viên những người thân trong gia đình. Ông qua đời ngày 31/1/2017, hưởng thọ 77 tuổi.
Diễn viên Hàn Thiện Tục
Trong Tây du ký, nam diễn viên Hàn Thiện Tục đảm nhiệm nhiều vai, gồm có Lão Trượng, thủy tặc Lưu Hồng, quan võ đời Đường, Độc Giác Quỷ Vương, chính bởi vậy ông gắn bó thân thiết với các diễn viên chính trong đoàn làm phim. Ngoài ra ông còn tham gia diễn xuất trong Tam quốc diễn nghĩa (1994). Ông qua đời ở tuổi 79.
Nhạc sỹ Diêm Túc
Dù không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ nhưng không thể không nói đến đóng góp của nhạc sỹ Diêm Túc với bài nhạc phim kinh điển “Xin hỏi đường ở phương nào?”.
Bài hát có ca từ ngắn gọn, nhưng khúc chiết, thể hiện được nguyện ước vượt mọi gian nan trùng điệp để tìm được chân kinh của bốn thầy trò Đường Tăng.
Trong tang lễ của ông ngày 18/2/2016, tất cả đã cùng nhau hát vang bài ca “Xin hỏi đường ở phương nào?” như lời tiễn biệt vị nhạc sỹ có vai trò quan trọng trong nền âm nhạc đương đại Trung Quốc
Gió mây sấm chớp mặc sức gầm thét
Mãi một hào ca
Hướng về chân trời, hướng về chân trời
Bao mùa luân phiên xuân hạ thu đông
Trải bao phen cay đắng ngọt bùi
Xin hỏi đường ở phương nào?
Đường dưới chân ta.
Diễn viên Thiết Ngưu
Nam diễn viên vào vai Phật Di Lặc qua đời ngày 5/3/2015, thọ 93 tuổi. Ông tên thật là Dương Tích Nghiệp, quê ở tỉnh Sơn Đông.
Đạo diễn Dương Khiết từng chia sẻ rằng bà đã rất vất vả nhưng chưa tìm được người đóng Phật Di Lặc, mãi cho tới khi gặp Thiết Ngưu. Dáng vẻ bên ngoài cùng khuôn mặt tròn phúc hậu của ông khiến nữ đạo diễn ngay lập tức nhận ra mình đã tìm được người hoàn hảo cho vai diễn này. Ngoài Tây du ký, diễn viên Thiết Ngưu cũng tham gia một số bộ phim nổi tiếng khác như Liêu Trai, Truyền thuyết bát tiên.
Lý Minh
Video xem thêm: 20 năm trước, diễn viên nổi tiếng Trung Quốc đã phải từ bỏ sự nghiệp vì đức tin