Việc lường trước được các giai đoạn trong hôn nhân sẽ giúp cho mọi người chuẩn bị tâm lý và dễ dàng cùng nhau vượt qua khó khăn hơn.

Giai đoạn 1: Đam mê

Những năm đầu sau kết hôn là giai đoạn trăng mật của tất cả cặp vợ chồng. Đây là thời kỳ của đam mê, lãng mạn và sự cuồng nhiệt khám phá lẫn nhau. Chính vì thế, tình cảm vợ chồng lúc này được cả hai bên nuôi dưỡng và nâng niu.

(Ảnh: kenh14.vn)

Giai đoạn này rất ngắn ngủi, hai người dành cho nhau sự đam mê và tình yêu mãnh liệt bằng sự tin tưởng, tôn trọng. Các cặp vợ chồng sẽ cùng nhau vẽ ra nhiều viễn cảnh hạnh phúc và cùng nhau cố gắng để đạt được nó.

Giai đoạn 2: Vỡ mộng

Tới giai đoạn này, các cặp vợ chồng phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm túc và có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống chung. Dư âm ngọt ngào của thời kỳ trăng mật ngày càng nhạt phai, thay vì toàn màu hồng thì cuộc sống sẽ xuất hiện nhiều gam màu khác.

(Ảnh: soha.vn)

Trong giai đoạn này, bạn sẽ nhận ra rằng người bạn đời không hoàn hảo như mình vẫn nghĩ, những thất vọng, xung đột dần nảy sinh. Cả hai luôn “chiến đấu” buộc đối phương chấp nhận giải pháp của mình. Mỗi lần bất đồng là cơ hội để xét lại cuộc hôn nhân và đào bới những khiếm khuyết của nhau ngày càng sâu, khiến mối quan hệ trở nên tệ hơn. Đặc biệt, sau khi có con, áp lực về chia sẻ công việc, trách nhiệm với bên nội ngoại, các mối lo kinh tế… khiến mâu thuẫn căng thẳng.

Giai đoạn 3: Thay đổi

Hai con người với những lối sống, thói quen, quan điểm… khác nhau khi về ở chung xảy ra xích mích là khó tránh khỏi. Đây chính là thời điểm nhiều cuộc hôn nhân đứng giữa “ngã ba đường”. Nếu những “cái tôi” không thể dung hoà sẽ đẩy gia đình đến bờ vực đổ vỡ. Nhiều người sẽ đổ lỗi cho đối phương thay đổi, tình yêu không còn nữa và họ chọn cách ly dị để chấm dứt những trận cãi vã.

(eva.vn)

Cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn không phải là tranh cãi xem ai đúng, ai sai, mà thay đổi để dung hoà cuộc sống. Có những người nhận thấy cãi nhau, phê bình là vô ích, vì con cái mà chấp nhận tiếp tục chung sống, dù trong tâm thâm vẫn luôn khó chịu, không bằng lòng. Cũng có những cặp vợ chồng tổ chức lại cuộc sống, làm nó tích cực hơn. Cùng nhau thỏa thuận và chia sẻ suy nghĩ, mong muốn của bản thân với đối phương là cách hai người tìm được cách cải thiện mối quan hệ.

Giai đoạn 4: Chấp nhận

“Chấp nhận” chính là cách để dung hoà sự khác biệt trong hôn nhân. Thay vì cố thay đổi đối phương, người ta bắt đầu tự thay đổi chính mình cho phù hợp với nhau.

(Ảnh: pose.com.vn)

Trong giai đoạn này, khả năng tha thứ cao hơn. Chúng ta nhận ra chung sống với ai đó không phải điều dễ dàng, cần phải tha thứ và chấp nhận nhau bởi vì con người không ai hoàn thiện. Nhờ vậy, xung đột ít xảy ra và không mãnh liệt như những năm trước. Nếu hai vợ chồng đủ bình tĩnh đi hết giai đoạn này thì cuộc hôn nhân sẽ bước sang giai đoạn 5.

Giai đoạn 5: Chung sống đến hết đời

Rất nhiều cặp vợ chồng bỏ cuộc trước khi đi đến giai đoạn này. Đây là giai đoạn mọi thứ đã ngã ngũ và người ta sống trong hòa bình, an phận.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, hạnh phúc sẽ tăng vọt trong hôn nhân sau nhiều thập kỷ chung sống. Lúc này, con cái đã phần nào ổn định. Các cặp vợ chồng có nhiều thời gian hơn và thấy hiểu nhau nhất. Càng vượt qua nhiều khó khăn, người ta càng trân trọng hạnh phúc mình đang có. Tình yêu lúc này được nâng lên trở thành tình thương và thấu hiểu, vì vậy mà bền vững, sâu sắc hơn.

(Ảnh: fdvn.vn)

Với mỗi cặp đôi, các giai đoạn này không dài bằng nhau nhưng hầu như cuộc hôn nhân nào cũng từng đi qua những chặng đường như thế. 5 giai đoạn cũng là 5 cung đường tạo nên vòng tròn hôn nhân khép kín. Kiên nhẫn học cách điều chỉnh mối quan hệ chính là bí kíp để rút ngắn thời gian cãi cọ triền miên, kéo dài giai đoạn hạnh phúc và lái cuộc hôn nhân đi theo ý muốn của mình.

Minh Lan