Cuộc săn lùng các nguồn năng lượng, tài nguyên bền vững – thân thiện môi trường vẫn tiếp tục, khi biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Nhưng tin tốt là, những nỗ lực này đem đến một số kết quả tuyệt vời, khi nhiều công ty, thành phố trên thế giới bắt đầu thực hiện các “chương trình Xanh” để bảo vệ và khôi phục lại hành tinh của chúng ta.

Nhiều tranh luận từ khắp nơi trên thế giới vẫn đang xoay quanh vấn đề nóng lên toàn cầu do sự phát triển kinh tế và ô nhiễm không khí, khiến thời tiết ngày càng nóng hơn, băng đang tan chảy và tài nguyên dần cạn kiệt. Nhiều quốc gia đã đi đến “Thỏa thuận chung Paris” – một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2015 về biến đổi khí hậu, chi phối các biện pháp giảm carbon dioxit từ năm 2020.

Hơn thế nữa, các chính phủ cũng như các doanh nghiệp đang nỗ lực trên con đường làm “Xanh” lại môi trường sống. Giống như công ty Lacoste, đã tạm thời thay đổi logo của họ thành hình ảnh của mười loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng để hỗ trợ cho Chiến dịch “Bảo tồn các loài”. Dưới đây là 10 sáng kiến ​​tuyệt vời của “Hành trình Xanh” từ khắp nơi trên thế giới sẽ làm bạn ngạc nhiên và truyền cảm hứng cho bạn!

1. Công trình xanh ở Chicago, Illinois

Chicago là một trong những thành phố hàng đầu thế giới về các chương trình thân thiện với môi trường khi có hơn 295 dự án Xanh được cấp chứng nhận bởi LEED (Hội đồng thiết kế năng lượng và môi trường).

Trung tâm Công nghệ Xanh Chicago được thành lập từ năm 2014, là bước quan trọng đầu tiên hướng tới hành trình Xanh, và là tòa nhà nhận được xếp hạng LEED cao nhất.

Ảnh: pinterest.ca

Chương trình Giấy phép Xanh sau đó được khởi xướng để tăng tốc quá trình xin giấy phép và đưa ra khả năng giảm phí cho các dự án xanh. Có vẻ như “Xanh” đã trở thành xu hướng màu mới của thế giới.

2. Các dự án năng lượng mặt trời ở California

Nếu có một nơi có thể truyền cảm hứng về sức mạnh của việc sử dụng năng lượng mặt trời, thì đó phải là bang “Ánh dương” – biệt danh của tiểu bang Florida, Mỹ. Bởi vì nơi đây là “nhà” của Solar City – công ty con của Tesla và tập đoàn Sunrun, hai doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ lắp đặt năng lượng mặt trời cho cả nước Mỹ. Đây cũng là “nhà” của Sun Power – nhà sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả nhất trên thế giới.

Ảnh: lemondedelenergie.com

Bang California, Mỹ cũng có các chương trình cơ chế bù trừ điện năng tốt nhất, cho phép người dùng lưu trữ năng lượng mặt trời để sử dụng vào ban đêm. Chương trình khuyến khích tự tạo (SGIP) cung cấp các hệ thống năng lượng bao gồm tua-bin gió, nhiệt thải đến công nghệ điện, tua-bin khí, pin nhiên liệu và hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến,… để hỗ trợ dự án năng lượng mặt trời cũng như giảm thiểu chi phí pin năng lượng mặt trời.

Những giải pháp này khiến năng lượng mặt trời không chỉ là dạng năng lượng hiệu quả nhất mà còn tiết kiệm chi phí nhất. Hiện tại, mục tiêu của các công ty Điện lực ở bang California là đảm bảo đến năm 2020, họ sẽ sản xuất được 33% tổng năng lượng bằng năng lượng tái sinh. Đúng như thế, nguồn năng lượng tái sinh này là năng lượng mặt trời.

3. Giải pháp thay thế phương tiện giao thông ở Portland, Oregon

Thành phố Portland, thuộc tiểu bang Oregon, Mỹ, đang xúc tiến các giải pháp để nói lời tạm biệt với vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm cả không khí lẫn tiếng ồn. Trong nỗ lực biến thành phố trở thành nơi an toàn hơn giúp nhiều người hơn nữa sử dụng xe đạp làm phương tiện chính, thành phố đã thiết lập các tuyến đường dành riêng cho xe đạp.

(Ảnh: Biketown)

Portland cũng thành lập Liên minh phương tiện Xe đạp, hiện được gọi là Street Trust – một tổ chức thúc đẩy việc vận động sử dụng xe đạp nhằm mục đích tạo ra các nhóm cộng đồng thường xuyên sử dụng xe đạp cho việc đi lại.

Nhiều tuyến đường đi xe đạp đang trong quá trình thực hiện, với sự cho phép của Cục Giao thông Vận tải Portland.

4. Dự án thành phố sinh thái ở Hamburg, Đức

Dự án này được thiết kế để biến thành phố trở thành một cộng đồng lớn thân thiện môi trường, với các văn phòng, khách sạn, lối đi, các tiện nghi khác, và tất cả các quảng trường ngoài trời. Việc xây dựng thành phố này được lên kế hoạch theo cách giảm 30% mức tiêu thụ năng lượng.

Ảnh: mmadblog.wordpress.com

Thành phố sinh thái được xây dựng để tiết kiệm năng lượng nhất có thể, sử dụng hệ thống sưởi ấm nước bằng năng lượng mặt trời và tua-bin gió cao tầng để tạo ra ít nhất 10% năng lượng chính của thành phố.

Dự án này hướng đến mục tiêu đạt thứ hạng cao nhất GSBC (Chứng chỉ xây dựng bền vững của Đức), BREEAM (Phương pháp đánh giá môi trường của cơ sở nghiên cứu xây dựng của Anh) và Chứng nhận LEED.

5. Vỉa hè mát mẻ ở Mỹ

Đây là một khái niệm mới đang bắt đầu truyền cảm hứng cho các dự án trên nước Mỹ. Dự án sử dụng các mái nhà và vỉa hè tối để hấp thụ một tỷ lệ lớn ánh sáng mặt trời. Việc sử dụng một loại chất kết dính hoặc một số lớp phủ bề mặt nhất định có thể làm cho vỉa hè mát lạnh không hấp thụ nhiều nhiệt, mà phản quang năng lượng mặt trời.

Ảnh: lonelyplanet.com

Mặt đường mát mẻ được thực hiện với các bề mặt khác nhau để tăng công suất phản xạ, do đó giúp phản xạ bức xạ cực tím ra khỏi khí quyển. Khi nhiệt độ được làm mát, việc sử dụng năng lượng sẽ giảm. Nhiệt độ thấp hơn cũng cho phép điều hòa không khí làm mát các tòa nhà với ít năng lượng hơn. Việc giảm sử dụng năng lượng sẽ làm giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí.

Mặc dù chi phí thực hiện dự án có thể khá cao và cũng không phải dễ dàng trong việc thu thập vật liệu xây dựng, nhưng hai bang California và Arizona đang trong quá trình thực hiện một phần dự án và đang nỗ lực phát triển việc thiết kế.

6. Tái phát triển nhà ở Lilyfield tại Sydney, Úc

Ảnh: cebn.org

Dự án này được đưa ra vào tháng 2 năm 2011 và nhận được Xếp hạng 5 Sao Xanh. Sao Xanh (Green Star) tương đương với chứng nhận LEED cho sự phát triển của các tòa nhà thương mại, tòa nhà chính phủ ở Úc.

Điều đó làm cho Lilyfield trở thành dự án phát triển nhà ở xã hội đầu tiên được đưa ra bởi Hội đồng Công trình Xanh của Úc theo tiêu chuẩn xếp hạng Sao Xanh. Dự án có khoảng 60-80 căn hộ, có kích thước khác nhau.

Khu phức hợp cũng được xây dựng ở vị trí đắc địa để tiếp cận giao thông công cộng và thuận tiện cho việc sử dụng xe đạp để giảm nhu cầu về bãi đậu xe lớn. Nó cũng cung cấp một hệ thống chiếu sáng ngoài trời hiệu quả, chỉ sử dụng 2,5% tổng lượng điện được sản xuất tại Úc, sử dụng hệ thống sưởi ấm nước bằng năng lượng mặt trời và các tấm quang điện.

7. Tòa nhà “ăn khói” ở thành phố Mexico, Mexico

Ảnh: bloomberg.com

Trong nỗ lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng y tế của đất nước, Bộ Y tế Mexico đã tài trợ cho dự án Xanh trị giá 20 tỷ đô la – tòa nhà bệnh viện Manuel Gea González ở thành phố Mexico. Tòa nhà được xây dựng có khả năng “ăn” khói bụi bên ngoài.

Mỗi ngày bệnh viện Manuel Gea Gonzalez có thể xử lý được lượng khí thải ra từ hàng ngàn phương tiện giao thông đi ngang khu vực này, nhờ vào lớp phủ có một hiệu ứng độc đáo, theo đó nó trung hòa các tác động của ô nhiễm không khí khi nó phản ứng với ánh sáng.

Tất cả đều nhờ vào 2.500 mét vuông trên một mặt tiền của tòa nhà được thiết kế bằng cách phủ một lớp titan điôxít quang xúc tác. Dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, các chất độc hại trong không khí tiếp xúc với vật liệu này sẽ chuyển thành nước và khí cácbon điôxít. Khí cácbon điôxít có thể được cây xanh hấp thụ thông qua quá trình quang hợp.

Công nghệ được phát triển bởi xưởng sản xuất Nghiên cứu và Thiết kế, tập trung vào các sáng kiến ​​cho các tòa nhà thân thiện với môi trường, do công ty Elegant Embellishments, có trụ sở tại thủ đô Berlin, Đức thiết kế và sản xuất.

Một loại hệ thống tương tự cũng được trưng bày tại khách sạn Palazzo ở thành phố Milan, nước Ý.

8. Dự án SolaRoad tại Krommenie, Hà Lan

Ảnh: straconsult.com

SolaRoad là dự án con đường xe đạp đầu tiên trên thế giới, sử dụng các công nghệ khác nhau trong công nghệ năng lượng mặt trời để tạo ra các tuyến đường xe đạp làm từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Đây là sản phẩm trí tuệ của nhiều tổ chức từ năm 2010, tiếp theo sau nguyên mẫu ban đầu là các dự án cho đường cao tốc thông minh được tiến hành vào năm 2011.

Vào tháng 10 năm 2014, dự án SolaRoad đầu tiên chính thức được mở tại thành phố Krommenie, dài khoảng 72 mét. Đây là tuyến đường giao giữa hai vùng ngoại ô. Khi tuyến đường được mở rộng, nó có khả năng cung cấp năng lượng cho một số ngôi nhà ở ngoại ô.

Con đường này không chỉ là một bước tiến trong giải pháp giao thông thay thế, mà còn tiên phong trong việc mở rộng ý thức về việc sử dụng năng lượng và phương tiện giao thông lành mạnh hơn.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi một cặp vợ chồng đến từ bang Idaho, Mỹ đã thu được 2 triệu đô la bằng cách gây quỹ cộng đồng, khi họ trở thành những người đầu tiên đề xuất ý tưởng về những con đường được lắp đặt bằng năng lượng mặt trời.

9. Dự án đường nhựa KK ở Bangalore, Ấn Độ

Ảnh: altassets.net

Công ty quản lý chất thải nhựa K.K được khởi nghiệp bởi hai anh em Amjad và Ahmed Khan, có trụ sở tại thành phố Bangalore, Ấn Độ đã tạo ra một cách cải tiến khá khác thường để biến rác thải từ nhựa thành những con đường thật sự. Nghiên cứu của họ về việc sử dụng nhựa thay thế đã đưa đến khám phá rằng nhựa và bitum (còn được gọi là nhựa đường), là những chất rất giống nhau.

Điều này không chỉ có tác dụng trong việc giảm lượng rác thải chất đống tại các bãi chôn lấp, mà còn hỗ trợ cho việc sửa chữa những con đường bị hư hỏng bởi những vết nứt và lỗ hổng từ nhiều năm sử dụng.

Con đường đầu tiên từ dự án này được làm vào năm 2002, sau khi được Viện nghiên cứu Đường bộ Trung tâm, Delhi chấp thuận.

10. Thời trang không chất thải

Khái niệm sau đây sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi: ai bảo rằng ý thức bảo vệ môi trường không thể áp dụng trong lĩnh vực thời trang? Khái niệm thú vị này lần đầu tiên được đưa ra và thực hiện bởi Tiến sĩ Mark Liu, người bắt đầu tìm hiểu khái niệm này vào năm 2006 khi ông làm luận án Thạc sĩ Dệt may Tương lai của mình.

Ảnh: steemit.com

Thời trang không chất thải đề cập đến các mặt hàng quần áo tạo ra ít hoặc không có chất thải dệt trong sản xuất, có thể được xem là một phần của phong trào thời trang bền vững. Nhiều trang phục dân gian truyền thống là những ví dụ khá gần với quần áo không chất thải như Kimono, Sari, Chiton,…

Vì thế, ý tưởng chính ở đây là giảm thiểu lượng vải bị lãng phí trong khi may quần áo thông qua một phương pháp có vẻ đơn giản là tái cấu trúc vải thừa theo một mẫu phù hợp với thiết kế. Mục đích ban đầu là đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 15% nguyên liệu cho mỗi sản phẩm may mặc, điều này sẽ có lợi cho cả thương mại và môi trường.

Dòng sản phẩm thời trang không chất thải đầu tiên của tiến sĩ Liu được ra mắt tại Esthetica, một dự án Thời trang sinh thái Eco-Fashion, trong Tuần lễ thời trang London (LFW) 2008. Các bộ sưu tập của ông đã xuất hiện rất nhiều lần khác tại LFW và thậm chí còn được trưng bày trong các bảo tàng trên toàn thế giới. Công ty Tonle hiện là nhà sản xuất chính của quần áo thời trang không chất thải.

Nhìn chung, có rất nhiều sáng kiến Xanh đang diễn ra trên khắp thế giới, góp phần theo những cách ít hay nhiều để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Từ việc giáo dục công chúng về biến đổi khí hậu đến phát triển công nghệ Xanh tiên tiến, nhưng quan trọng nhất là việc thay đổi nhận thức của chúng ta đối với môi trường sinh thái và vạn vật xung quanh, để mỗi người đều có khả năng biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.

Tâm An