Ở Trung Quốc từ xưa đến nay, ngọc bích luôn được xem là một món đồ có giá trị cao nhất, trên cả bạc và vàng. Vào thời xa xưa, ngọc bích là một vật linh thiêng thường được đặt trong các lăng mộ của hoàng đế hoặc được đặt trong các nghi lễ trang trọng. Giới quý tộc đều đeo ngọc trên người để thể hiện đạo đức và địa vị của mình.
Ngọc bích (jade) được sử dụng phổ biến vào thời Trung Hoa cổ đại là ngọc Nephrite, ở trạng thái tinh khiết nó có màu trắng bên cạnh đó nó thường có màu xanh lá cây, vàng nhạt, nâu, xám, đen hay thậm chí là một vài vết lốm đốm trên thân (biểu hiện của tạp chất, chủ yếu là hợp chất sắt). Các loại đá ngọc bích bao gồm: Nephrite, Bowenite (một loại Serpentine) và Jadeite được người Trung Quốc gọi với cái tên thân mật “Yu” (ngọc bích).
Hứa Thận, từ thời Đông Hán (206 TCN-221 SCN) ghi chép lại về 5 đức tính của ngọc bích trong Thuyết văn giải tự: Từ bi – tượng trưng cho ánh sáng và hào quang của ngọc; Trung Trực – đại biểu sự thuần khiết của ngọc; Trí huệ – tượng trưng cho sự tĩnh lặng và sâu thẳm của ngọc; Chính trực và dũng cảm – ngọc có thể bị vỡ nhưng không thể bị làm cho thành cong.
Chín giai thoại dưới đây sẽ giải thích tại sao người Trung Quốc lại sùng kính ngọc bích đến như vậy:
1. Nữ Oa vá trời
Nữ Oa là một nữ thần cổ đại trong thần thoại Trung Quốc nổi tiếng với việc tạo ra con người và sửa lại trụ cột ở thiên đàng. Trong cuốn Hoài Nam Tử, một bộ sách cổ của Đạo giáo Trung Quốc ghi chép lại: Bốn cột trụ chống trời trên Thiên Cung đã bị gãy, do trận chiến giữa thủy thần Cộng Công và hỏa thần Chúc Dung.
Cộng Công bị Chúc Dung đánh bại, và đụng vào vách Bất Chu Sơn ở phía tây khiến trụ trời bị gãy sụp, nước của thiên hà rơi xuống trần gian.
Nữ Oa đã tìm và dung luyện đá ngũ sắc để vá bầu trời. Sau đó, bà phân tán phần còn lại của chúng rải rác xuống trần gian, và biến chúng thành ngọc bích. Đá ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.
Trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Giả Bảo Ngọc là một hóa thân của một viên đá ngũ sắc huyền diệu còn lại chưa dùng của Nữ Oa, nó đã phát sinh cái tình của con người bèn xuống trần gian để trải nghiệm sự đời của thế nhân. Và được đầu thai với tên là Bảo Ngọc – nghĩa là viên ngọc quý, khi sinh ra đã có một viên ngọc tuyệt đẹp trong miệng.
2. Tây Vương Mẫu tặng ngọc cho Đế Nghiêu
Tây Vương Mẫu (Nguồn ảnh: cul.chinese.cn)
Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, Tây Vương Mẫu, là một nữ thần ngự trị ở Phương Tây, sống tại núi Côn Lôn. Người ta tin rằng Tây Vương Mẫu trong vườn của bà có trồng giống đào tiên 3000 năm mới kết quả, ăn vào trẻ mãi không già, cải tử hoàn sinh.
Trong văn học hoặc kinh kịch Trung Quốc,Tây Vương Mẫu được mô tả là một nữ thần uy nghiêm và quyền lực, cai quản chốn thiên đình và các vị thần. Câu chuyện nổi tiếng nhất của Tây Vương Mẫu là đến từ Tây Du Ký, một cuốn tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân trong thời nhà Minh, kể về Tôn Ngộ Không đã ăn trộm những quả đào tiên của bà.
Những giai thoại đầu tiên về Tây Vương Mẫu có thể được tìm thấy trong Kinh Thư – cuốn cổ thư ghi chép các tư liệu từ thời Thượng cổ. Trong đó bà đã trao ngọc bích tuyệt đẹp và tấm bản đồ cho vua Nghiêu.
Ngọc bích Tây Vương Mẫu trao cho vua Nghiêu là một loại ngọc bích có tên Jue, đặc trưng của ngọc là có hình tròn và có một khe hở với trung tâm là một khoảng rỗng.
3. Hòa thị bích
Hòa thị bích là một viên đá ngọc bích được tìm thấy vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bởi một người tên là Biện Hòa. Ông phát hiện đó là ngọc quý và đưa nó cho Sở Lệ Vương.
Sở Lệ Vương sai thợ ngọc xem, người thợ này cho là đá không phải là ngọc. Sở Lệ Vương liền cho người họ Hòa này là nói dối, rồi sai người chặt chân trái anh ta.
Đến khi Vũ vương nối ngôi, người họ Hòa này lại đem ngọc đến dâng, nhưng thật không may khi chân ông lại bị chặt tiếp vì lý do tương tự.
Đến Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa tuổi đã cao lại mang ngọc đến kêu khóc, Văn Vương mới sai người đem đá bổ ra, quả nhiên đó là ngọc thật. Vua đã đặt tên cho miếng ngọc là Hòa Thị Bích (Ngọc bích họ Hòa) và từ đó viên ngọc này được coi là quốc bảo của nước Sở.
4. Hoàn Bích Quy Triệu
Khởi nguồn từ điển cố Tiểu sử của Liêm Pha và Lạn Tương Như trong Sử Ký Tư Mã Thiên, cụm từ Hoàn Bích Quy Triệu này có nghĩa là trả lại một cái gì đó nguyên vẹn cho chủ nhân của nó.
Sau thời hậu chiến, nước Chu trao Hòa Thị Bích cho nước Triệu. Vua nước Tần khi đó là Tần Chiêu Nhương Vương vì muốn lấy báu vật nước Triệu nên đã viết phong thư gửi rằng muốn đổi 15 tòa thành lấy viên ngọc Hòa Thị Bích.
Lúc đó Tần rất mạnh, còn nước Triệu thì yếu thế nên vua Triệu đã phái hiền tài Lạn Tương Như, đem ngọc Hòa Thị Bích đàm phán với nước Tần.
Lạn Tương Như nhận ra rằng vua Tần không thật lòng muốn đổi 15 ngôi thành cho nước Triệu, bèn dùng mưu lược và lòng dũng cảm của mình rời khỏi nước Tần và đem ngọc quý trở về nước Triệu.
Sau đó khi nước Tần thống nhất Trung Hoa vào năm 221 TCN, Hòa Thị Bích được đưa vào làm Ngọc tỉ truyền quốc của của Tần Thủy Hoàng và trở thành biểu tượng quyền uy tối cao của hoàng đế.
5. Hồng Môn Yến
Năm 206 trước Công Nguyên, Hạng Vũ và Lưu Bang hai nhà lãnh đạo nổi bật của các lực lượng nổi dậy chống lại nhà Tần.
Chỉ có một người có thể giành được quyền tối cao trên Trung Quốc và lên ngôi. Để mưu đồ giết Lưu Bang, Phạm Tăng – quân sư của Hạng Vũ đã mời Lưu Bang đến dự tiệc tại Hồng Môn. Trong bữa tiệc, Phạm Tăng đã ra ám hiệu bằng mặt dây chuyền ngọc bích để nhắc Hạng Vũ thời cơ giết Lưu Bang đã đến, nhưng Hạng Vũ lại phớt lờ ám hiệu đó.
Phạm Tăng đã phải gọi cho một sát thủ tên là Hạng Trang để đâm Lưu Bang trong khi giả vờ múa kiếm. Lưu Bang đã phát hiện và thoát khỏi bữa tiệc ở Hồng Môn.
Trước khi bỏ trốn, Lưu Bang bảo Trương Lương tặng cho Hạng Vũ và Phạm Tăng ngọc bạch bích và đôi chén ngọc. Hạng Vũ nhận lấy ngọc bạch bích nhưng Phạm Tăng cầm chén ngọc đặt xuống đất, tuốt kiếm đập vỡ tan.
Sau này quân Lưu Bang dồn Hạng Vũ tới sông Ô Giang. Hạng Vũ tự sát sau khi thất bại và Lưu Bang thành lập triều đại nhà Hán.
6. Ngọc Liên Hoàn
Trong Chiến Quốc Sách , kể rằng vua Tần đã gửi một sứ giả đem chuỗi hai vòng ngọc bích kết lại với nhau tới nước Tề, dò xem nước Tề có chịu quy phụng nước Tần không.
Vì hai chiếc ngọc được kết lại với nhau, nên không thể tháo rời chúng. Để đáp lại nước Tần, thái hậu nước Tề đã đập vỡ chiếc ngọc trước mặt sứ giả. Sau đó, vua Tần đem quân đánh chiếm nước Tề.
Người Trung Quốc luôn kính trọng đối với một anh hùng biết giữ khí tiết và dù hoàn cảnh áp lực lớn đến mấy cũng không khiến họ phải cúi đầu, phẩm chất này có nhiều điểm tương đồng với các nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn phương Tây: Ernest Hemingway.
Tục ngữ cổ của Trung Quốc có câu : Ninh vi ngọc toái, bất vi ngoã toàn – nghĩa là Thà làm ngọc vỡ, không làm ngói lành.
7. Chuyện Tiêu Sử – Lộng Ngọc
Thời xưa vua Tần Mục Công có một cô con gái, khi đầy 1 tuổi, có kẻ dâng ngọc lên bàn, cô bé nhặt ngay viên ngọc rồi ngắm nghía mãi, Mục Công thấy vậy bèn đặt tên cho con là Lộng Ngọc.
Lớn lên, Lộng Ngọc nhan sắc đẹp tuyệt trần. Nàng có tài thổi ống sinh hay lắm, không học ai mà thành âm điệu. Tần Mục Công sai thợ làm ống sinh bằng ngọc để cho nàng thổi. Nàng thổi ống sinh ấy, tiếng trong như tiếng chim phượng.
Mục công đã sai thợ xây một cái lầu cho nàng ở, đặt tên là Phượng lâu, theo nghĩa đen có nghĩa là nơi cư trú của Phượng hoàng.
Trong thần thoại Trung Quốc, rồng và phượng đại biểu cho sự hạnh phúc giữa vợ và chồng. Ở Trung Quốc, một chàng rể hiền đối xử tốt với người vợ của mình được ca ngợi như rồng đối với phượng.
8. Đá Vũ Hoa
Đá Vũ Hoa là một loại đá đặc biệt chỉ được tìm thấy ở Nam Kinh, Trung Quốc, do địa hình đặc thù nơi đó. Đá Vũ Hoa được biết đến với màu sắc tươi sáng và mặt đá được mài nhẵn bởi dòng chảy của sông Dương Tử.
Người ta nói rằng trong triều đại nhà Lương (502-557), có một vị cao tăng là pháp sư Vân Quang ở đây giảng kinh thuyết pháp, cảm động trời xanh nên được trời ban cơn mưa hoa, rơi xuống đất hóa thành đá. Bởi vì những hòn đá nhỏ là những giọt mưa từ trên trời rơi xuống hóa thành, cho nên mọi người gọi là đá Vũ Hoa và gọi gò đá nơi Vân Quang hòa thượng giảng kinh là “đài Vũ Hoa”.
9. Những giọt lệ hóa thành ngọc
Nguồn gốc của các loại đá quý như ngọc bích, mã não hay ngọc trai có các phiên bản khác nhau trong truyền thuyết Trung Quốc.
Xưa có người lặn xuống đáy biển tìm ngọc, lạc vào cung điện của nhân ngư, tìm được bảo ngọc do nước mắt của nhân ngư đọng lại.
Theo Văn tuyển: Nguyệt mãn tức châu toàn, nguyệt khuy tức châu khuyết (khi trăng đầy trai có ngọc, khi trăng khuyết trai không có ngọc).
Lý Thương Ẩn, nhà thơ của triều đại nhà Đường, cũng nhắc tới vào bài thơ Cẩm Sắc của ông: Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ (Biển rộng trăng thanh châu đẫm lệ).
(Theo m.chinaculture.org)
Hoàng Lâm