Hãy suy nghĩ về hậu quả của việc la hét con cái để giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc của mình. Phân tích nguồn gốc của việc to tiếng và hậu quả của chúng trong gia đình là điều cần thiết để thay đổi hành vi này.
Chúng ta đều biết tầm quan trọng của giáo dục dựa trên sự tôn trọng. Ngoài ra, có rất nhiều biện pháp khác không cần dùng đến la hét hoặc hình phạt. Tuy nhiên, trong một vài tình huống thực tế chúng ta dường như cảm thấy bất lực và bắt đầu to tiếng với con cái của mình. Một vài phụ huynh không nhận ra hậu quả tiêu cực xuất phát từ hành vi này. Do vậy trong bài viết này, chúng tôi nêu lên hai hậu quả nguy hại nhất đối với sự phát triển của trẻ:
La hét có thể ảnh hưởng đến lòng tự tin của con trẻ
La hét thể hiện sự thiếu kiên nhẫn và khoan dung. Khi chúng ta tuyệt vọng vì điều gì đó, chúng ta có xu hướng cao giọng và đòi hỏi điều đó thứ bằng cách hét lên. Nhưng la hét con cái có thể khiến chúng tin rằng: Chúng đang làm không tốt; chúng không đạt đến sự kỳ vọng của cha mẹ, nhất là khi chúng ta muốn chúng vâng lời.
Khi tình trạng này kéo dài, chúng ta đã truyền cho trẻ những suy nghĩ tồi tệ. Chúng có thể tin rằng bất kể chúng làm gì thì sẽ không bao giờ đủ tốt; rằng cha mẹ sẽ không bao giờ hài lòng; rằng chúng sẽ không thể làm bất cứ điều gì khiến cha mẹ vui sướng. Suy nghĩ rằng chúng không làm tốt công việc, rằng chúng xứng đáng với những tiếng la hét này có lẽ sẽ đi cùng con trẻ trong suốt quãng đời còn lại.
Lý lẽ không mạnh hơn khi bạn la hét – Alejandro Cason –
Nền tảng lòng tự tin của con trẻ bắt nguồn từ bên ngoài. Những người gần gũi chúng, bằng tình yêu và sự động viên khen ngợi, sẽ khiến chúng cảm thấy chúng có khả năng làm mọi thứ. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải truyền cho con cái một lòng tin lệch lạc. Đôi khi cần thiết để chúng thất vọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là những kỳ vọng vào con cái của chúng ta cần phải phù hợp với lứa tuổi và hiểu biết của chúng. Và quan trọng nhất, chúng ta phải nhận ra con cái chúng ta không hoàn hảo.
Những người không có gì quan trọng để nói thường hét lên – Enrique Jardiel Poncela –
Hãy hiểu con cái chúng ta
Ví dụ thông thường, ta hay la hét con cái vào buổi sáng khi ta đang vội. Nhưng trẻ em không thể làm mọi thứ nhanh như chúng ta. Sự nhanh nhẹn của chúng phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ tự chủ của chúng; có thể ta phải giúp chúng một tay để đến trường đúng giờ.
Nếu chúng ta để cho chúng quá ít thời gian hoặc đòi hỏi điều gì đó vượt quá khả năng của chúng, chắc chắn chúng sẽ không hoàn thành phần việc, thấy thế cha mẹ liền la hét, tạo cho chúng ấn tượng rằng chúng không có khả năng làm tốt mọi thứ, rằng cha mẹ không yêu thương chúng bởi chúng bất tài.
Nên nhớ rằng trách nhiệm của cha mẹ là giúp đỡ con trẻ cho đến khi chúng trở nên tự chủ hơn. Bằng cách này, chúng ta phát triển sự tự tin thực sự của chúng khiến con trẻ dần dần hành động đúng cách: Biết nghe lời cha mẹ, giúp việc nhà, dọn dẹp phòng của chúng. Và chúng sẽ không làm những việc này nếu chúng sợ. Hành động của chúng nảy sinh từ sự hiểu biết về vai trò của chúng. Chúng sẽ biết rằng chúng có khả năng tự làm mọi thứ.
Khi chúng ta tranh luận, lẽ phải không thuộc về ai hét nhiều nhất mà thuộc về người có khả năng đưa ra những lập luận một cách đầy đủ nhất – Fernando Savater –
La hét khiến con trẻ diễn giải những cảm xúc sai lầm
Cha mẹ phải là tấm gương cho con cái. Khi chúng ta la hét và mất kiên nhẫn, điều đó có nghĩa là chúng ta mất kiểm soát ở một số tình huống nhất định. Thông điệp mà chúng ta truyền cho con cái, trong trường hợp này, là chúng ta không thể kiểm soát bản thân. Những đứa trẻ học được rằng tiếng la hét là một phản ứng thích hợp đối với căng thẳng; chúng sẽ tiếp thụ cách phản ứng này và có lẽ sẽ bắt chước nó trong tương lai.
Làm thế nào một cuộc sống có thể bắt đầu từ những tiếng la hét của người mẹ và nước mắt của đứa con? – Baltazar Gracián –
Do đó, cha mẹ có trách nhiệm học cách kiềm chế cảm xúc của mình. Ngay cả khi chúng ta sợ, mệt mỏi hay tức giận, chúng ta phải kiểm soát bản thân trước mặt con trẻ. La hét khi ta đang căng thẳng khiến con trẻ thấy rằng tức giận là một lý do đủ để xử tệ với người khác.
Mỗi khi con cái làm gì đó chúng ta không nên lo lắng quá. Chúng ta phải khuyến khích con trẻ tìm hiểu và khám phá khả năng thực của chúng. Vai trò của chúng ta là đồng hành cùng con trong cuộc phiêu lưu của chúng bằng cách kiềm chế nỗi lo sợ của chúng ta. Chúng ta phải tự tìm hiểu xem cảm xúc tiêu cực của mình xuất phát từ đâu.
Chúng ta có thể muốn chúng hành động như chúng ta mong muốn, chứ không phải như chính chúng muốn. Suy nghĩ đơn giản rằng chúng đang làm không tốt hay chúng bị tổn thương đâu đó khiến chúng ta sợ hãi, đó là sự thật. Nhưng la hét con cái để bảo vệ chúng hay để hướng dẫn hành động của chúng thường không phải là một ý tưởng hay. Sẽ hiệu quả hơn nhiều là hãy tin tưởng chúng và nghĩ rằng chúng có thể tự chăm sóc bản thân.
Kết luận
Bạn vừa khám phá ra trong bài viết này, hai trong số những tác động tiêu cực nhất của việc la hét với con trẻ. Biết những tác hại này, cha mẹ phải học cách kiểm soát cảm xúc, học cách giải quyết hiệu quả nhất các vấn đề và xung đột của bản thân.
Tuy nhiên, nếu bạn đã từng la hét con cái thì đừng tự trách mình. Không ai là hoàn hảo. Điểm mấu chốt là bạn quyết định thay đổi, ngay bây giờ khi bạn biết những tác hại gây ra từ hành vi này.
Theo Nos Pensées
Xuân Hà biên dịch