Tuyển tập tác phẩm của nhà văn Kim Dung xếp ở vị trí thứ 7 trong Top 40 cuốn sách có ảnh hưởng nhất nền văn học Trung Quốc trong 40 năm qua.
Kết quả cuộc bình chọn 40 cuốn sách qua 40 năm cải cách kinh tế Trung Quốc vừa được công bố trên tờ Beijing News. Có tất cả 100 tác phẩm được đề cử nhưng chỉ 40 cuốn sách lọt top. Những tác phẩm này được đánh giá cao về tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội, chính trị và hệ tư tưởng.
Kết quả được tính trên điểm bình chọn trung bình của độc giả, ban biên tập của Beijing News và hội đồng giám khảo là các học giả ở nhiều lĩnh vực. Trong Top 40, loạt tiểu thuyết của Kim Dung đứng ở vị trí thứ 7.
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924, là một trong những nhà văn nổi tiếng của văn học Trung Quốc hiện đại. Nhắc đến Kim Dung, khán giả nhớ đến ngay các tác phẩm đình đám như Thiên Long Bát Bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký… Sách của Kim Dung đều rất ăn khách và liên tục được tái bản. Tiểu thuyết kiếm hiệp cuối cùng của ông là Lộc Đỉnh Ký, sáng tác từ năm 1969-1972.
Các tác phẩm võ hiệp của nhà văn thường được lấy cảm hứng dựng thành phim. Trong đó, TVB là đàn anh dẫn đầu trong việc tái hiện những trang tiểu thuyết của nhà văn lão làng lên màn ảnh nhỏ. Không chỉ hấp dẫn về nội dung, những "đứa con tinh thần" của Kim Dung còn có chiều sâu trí tuệ và tính nhân văn sâu sắc.
Kim Dung còn là người đồng sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hồng Kông. Ông cũng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học như Bắc Kinh, Chiết Giang, Nam Khai…
Tác phẩm đứng đầu trong Top 40 cuốn sách có ảnh hưởng nhất nền văn học Trung Quốc thuộc về Một chín tám tư của tác giả người Anh George Orwell. Sách xuất bản lần đầu tiên vào năm 1949, được xem là tác phẩm kinh điển về tư tưởng chính trị và khoa học giả tưởng.
Một chín tám tư cũng từng được tạp chí TIME đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất từ 1923-2005.
Một số tác phẩm đáng chú ý khác lọt top bao gồm: Thời hoàng kim (Vương Tiểu Ba), Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez), Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị (Hannah Arendt), Vạn lịch thập ngũ niên (tên tiếng Anh: 1587, a year of no significance: The ming dynasty in decline, Hoàng Nhân Vũ), Đường về nô lệ (Friedrich Hayek)…
Không ít độc giả bày tỏ nuối tiếc vì các tác phẩm được chọn chủ yếu xuất bản từ thập niên 1980-1990 của thế kỷ trước, không có cuốn nào xuất bản trong vòng 10 năm trở lại đây.
(Tổng hợp)