Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.
Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.
Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.
Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục dài kỳ về Kim Dung để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên [1]
Nghĩa là:
Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh
Kỳ 1: Bài giảng thâm ảo của thần tăng vô danh chùa Thiếu Lâm (1)
Bối cảnh câu chuyện
Thiên Long Bát Bộ lấy bối cảnh thời nhà Tống. Lúc đó, nhà Tống đã suy yếu, trong khi đó các lân bang lại mạnh lên. Nam có Đại Lý, Bắc có Đại Liêu và Kim, Tây có Thổ Phồn và Tây Hạ. Những trận giao tranh ác liệt nơi biên viễn giữa triều Tống và Liêu làm khắc sâu mối thù giữa hai dân tộc Hán và Khiết Đan. Trong bối cảnh đó, Tiêu Phong, bang chủ Cái Bang bỗng bị phát hiện là một dân Khiết Đan và bị các bang chúng, thân hữu cho đến các nhân sĩ võ lâm người Hán mắng chửi, săn đuổi, tìm diệt. Và một trong những pha đụng đầu là nơi chùa Thiếu Lâm đất Hà Nam của nhà Đại Tống. Đây là màn cao trào lúc bao bí mật được phanh phui.
Đang lúc thế cục căng thẳng bỗng xuất hiện hai đại cao thủ võ lâm, đó là Tiêu Viễn Sơn, quý tộc người Khiết Đan, cha của Tiêu Phong; và Mộ Dung Bác, cha của Mộ Dung Phục, vốn là hậu duệ của hoàng đế nước Yên. Thì ra Mộ Dung Bác đã rắp tâm gây ra sự hiểu lầm trong một trường ác đấu giữa Tiêu Viễn Sơn và nhân sĩ võ lâm Trung Nguyên trên cửa ải Tống – Liêu là Nhạn Môn Quan. Xong việc đó, Mộ Dung Bác ẩn thân nơi chùa Thiếu Lâm chờ đại biến để dựng cờ khôi phục lại ngai vàng cho dòng Tiên Ti nước Yên của ông ta.
Còn Tiêu Viễn Sơn, vì căm hận những kẻ đã gây ra tai họa cho mình và gia đình, đã lên đường tiêu diệt hoặc làm cho thân bại danh liệt từng kẻ thù một. Ông có biết đâu Mộ Dung Bác là kẻ ngầm giật dây cho Tống Liêu diệt nhau để Tiên Ti đắc lợi. Vì có ngoại hình giống hệt con trai mình, Tiêu Viễn Sơn gây hiểu lầm cho nhân sĩ võ lâm rằng Tiêu Phong đã gây ra những cuộc thảm sát đó. Nhưng Tiêu Viễn Sơn vẫn chọn chùa Thiếu Lâm làm nơi “ngọa hổ tàng long”. Vốn là hai kẻ cực kỳ hiếu võ lại bụng đầy tính toán, hai người này tham lam đọc hết cả những bí kíp võ công thượng thặng của chùa Thiếu Lâm mà bao nhiêu thế hệ tăng lữ mới đúc kết lại được.
Khi hai cha con Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong gặp hai cha con Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục tại chùa Thiếu Lâm nơi có hàng ngàn cao thủ tụ tập, giữa họ đã hình thành cái thế chẳng đội trời chung chỉ mong báo thù rửa hận. Họ rượt đuổi nhau lên tới tận Tàng Kinh Các, thư viện chứa hàng ngàn cuốn kỳ thư của chùa Thiếu Lâm. Lại xuất hiện thêm nhà sư Cưu Ma Trí của nước Thổ Phồn trợ thủ cho cha con Mộ Dung Bác. Cục diện đầy nộ khí tưởng như sắp tuốt kiếm giương cung đến nơi.
Bài giảng của thần tăng vô danh
Bỗng lúc này có một thanh âm già cả vọng vào, cả 5 người lập tức biến sắc. Họ là những người võ công cao cường nhất thiên hạ mà không phát hiện có người đứng ngoài. Chẳng biết là thần thánh phương nào đây?
Hay hơn hết, độc giả hãy thưởng thức đoạn miêu tả thú vị này trước khi cùng chia sẻ nhận thức của người viết:
Năm người nghe nói, đều kinh hãi, sao ở bên ngoài có người mà mình không hay biết? Nghe giọng nói của người này, tựa hồ ở bên ngoài cửa sổ đã lâu. Mộ Dung Phục quát lên:
– Ai đó?
Không đợi đối phương trả lời, bình một chưởng hai cánh cửa bật tung bay mất, rơi ra ngoài các. Chỉ thấy bên ngoài hành lang một nhà sư già gầy ốm mặc áo bào xanh tay cầm cây chổi, đang khom lưng quét dọn. Nhà sư đó tuổi tác đã cao, cằm lưa thưa mấy sợi râu cũng đã bạc trắng, hành động chậm chạp, hữu khí vô lực, không ra vẻ người có võ công. Mộ Dung Phục lại hỏi:
– Ông trốn ở đây bao lâu rồi?
Vị lão tăng từ từ ngẩng đầu lên nói:
– Thí chủ hỏi ta trốn ở nơi đây đã… đã bao lâu ư?
Năm người cùng đăm đăm nhìn ông già, thấy đôi mắt đục lờ không chút tinh thần nhưng giọng nói chính là người mới vừa lên tiếng ca ngợi Tiêu Phong. Mộ Dung Phục đáp:
– Chính thế, ta hỏi ông trốn ở nơi đây từ bao giờ?
- Mộ Dung Phục lớn tiếng hỏi vị cao tăng. (Ảnh: Youtube)
Nhà sư già bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm tính toán một hồi lâu, lắc đầu, vẻ mặt ra chiều hoang mang nói:
– Ta… ta không nhớ rõ nữa, chẳng biết là bốn mươi hai năm, hay là bốn mươi ba năm. Tối hôm đầu tiên khi vị Tiêu lão cư sĩ này đến xem kinh thì… thì ta cũng đã ở đây hơn chục năm. Về sau… về sau Mộ Dung lão cư sĩ cũng đến, rồi mấy năm trước, nhà sư Thiên Trúc Ba La Tinh cũng lại đến trộm kinh. Ôi! Kẻ đến người đi lục lạo kinh thư trong các loạn cả lên, chẳng biết để làm cái gì?
Tiêu Viễn Sơn hết sức kinh ngạc, nghĩ bụng khi mình đến chùa Thiếu Lâm lén nghiên cứu võ công, tăng nhân toàn chùa nào có ai hay, làm sao nhà sư này lại biết nhỉ? Chắc hẳn ông ta ở ngoài nghe trộm lời mình nói, rồi giả vờ nói khuếch nói khoác, bèn đáp:
– Thế sao trước nay ta không hề gặp ông?
Vị lão tăng đáp:
– Cư sĩ chỉ chăm chăm vào võ học điển tịch, đâu có để ý gì đến chuyện ngoài, thành thử đâu có trông thấy lão tăng. Ta còn nhớ tối hôm đầu cư sĩ đến đây mượn đọc là bản Vô Tướng Kiếp Chỉ Phổ. Ôi, thế là từ đó cư sĩ rơi vào ma đạo mất rồi, tiếc thay, tiếc thay!
Tiêu Viễn Sơn sợ hãi không đâu cho hết, tối đầu tiên đến đọc lén trong Tàng Kinh Các quả là tìm được một bản Vô Tướng Kiếp Chỉ Phổ là một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, tưởng chỉ một mình mình biết, không lẽ lúc đó vị lão tăng này trông thấy thật hay sao? Ông chỉ biết ấp úng:
– Ông… ông… ông…
Nhà sư già nói tiếp:
– Lần thứ hai cư sĩ đến mượn xem là bản Bát Nhã Chưởng Pháp. Khi đó lão tăng thầm tắc lưỡi, biết rằng cư sĩ đã nhập ma càng lúc càng sâu, trong lòng không nỡ nên để một bộ Pháp Hoa và một bộ Tạp A Hàm ở nơi cư sĩ thường hay lấy kinh mong cho cư sĩ mượn để nghiên cứu tìm đường giải thoát. Ngờ đâu cư sĩ trầm mê trong võ công, không lý gì đến Phật Pháp chính tông, bỏ hai bộ đó sang một bên tìm được một quyển Phục Ma Trượng Pháp, hí hửng đem đi. Ôi, đắm chìm vào trong biển khổ, không biết đến bao giờ mới biết quay đầu?
Tiêu Viễn Sơn nghe ông ta thuận mồm nói ra, thuật lại chuyện ba mươi năm trước mình vào Tàng Kinh Các xem kinh thế nào không sai một mảy, từ ngạc nhiên biến sang sợ hãi, từ sợ hãi biến thành kinh hoàng, mồ hôi lạnh toát đầy lưng, trái tim tưởng chừng ngừng đập.
Vị lão tăng chầm chậm quay đầu lại nhìn Mộ Dung Bác. Mộ Dung Bác thấy mắt ông lờ đờ tưởng nhìn mà không thấy nhưng dường như những gì bí mật ẩn giấu trong tâm khảm mình, chuyện gì cũng biết rõ mồn một, không khỏi nổi gai ốc, cực kỳ bối rối. Chỉ nghe nhà sư thở dài một tiếng nói:
– Mộ Dung cư sĩ tuy là người bộ tộc Tiên Ti, nhưng đã di cư đến Giang Nam mấy đời rồi, lão tăng chắc mẩm cũng đã tập nhiễm văn thái phong lưu của Nam triều. Ngờ đâu khi đến Tàng Kinh Các cũng chẳng coi chút vi ngôn pháp ngữ của tệ phái tổ sư cùng ngữ lục các vị cao tăng đời trước vào đâu cả, nhất thiết bỏ qua như chiếc dép rách, kiếm ra một bản Niêm Hoa Chỉ Pháp lại coi như châu bảo. Truyện đời xưa có người mãi độc hoàn châu, để tiếng cười chê muôn thuở. Hai vị cư sĩ là đương thế cao nhân, sao cũng làm chuyện ngu si như vậy. Ôi, dù cho mình hay cho người thì cũng chỉ có hại mà thôi.
Mộ Dung Bác trong lòng thảng thốt, quả thực khi vừa vào Tàng Kinh Các, bộ võ công bí tịch đầu tiên ông tìm xem, đúng là Niêm Hoa Chỉ Pháp. Nhưng lúc đó ông đã tra xét bốn bề, rõ ràng trong Tàng Kinh Các không có một ai, sao vị lão tăng này lại trông thấy nhỉ? Lại nghe vị lão tăng kia tiếp:
– Bụng dạ cư sĩ so với Tiêu cư sĩ lại còn ôm đồm hơn. Tiêu cư sĩ tu tập chẳng qua cũng chỉ những cách làm thế nào khắc chế võ công phái Thiếu Lâm, còn Mộ Dung cư sĩ thì gom tất cả bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản tự đem đi, sao ra, rồi sau mới quay lại Tàng Kinh Các trả lại chỗ cũ. Hẳn là trong bao nhiêu năm qua cư sĩ đã tận tâm kiệt lực để dung hợp quán thông cả bảy mươi hai môn, không chừng đã truyền lại cho lệnh lang nữa kìa.
Ông ta nói đến đây, đưa mắt nhìn sang Mộ Dung Phục liếc một cái, rồi lắc đầu, lại nhìn sang Cưu Ma Trí, lúc ấy mới gật gù nói:
– Đúng rồi, lệnh lang niên kỷ còn nhỏ, công lực chưa đủ, không cách gì nghiên tập bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, thì ra truyền cho vị cao tăng Thiên Trúc này đây. Đại Luân Minh Vương sai rồi, hoàn toàn sai lầm rồi, thứ tự điên đảo, đại nạn chỉ trong sớm tối mà thôi.
Cưu Ma Trí chưa từng vào trong Tàng Kinh Các nên không kính sợ gì vị lão tăng này, lạnh lùng đáp:
– Cái gì mà thứ tự đảo lộn, đại nạn chỉ trong sớm tối? Lời của đại sư, chẳng phải là toan hù dọa người ta hay sao?
Vị lão tăng nói:
– Không phải nguy ngôn tủng thính đâu. Xin Minh Vương giao trả lại bộ Dịch Cân Kinh đi.
Cưu Ma Trí bấy giờ mới hoảng, nghĩ thầm: “Sao lão lại biết ta cướp được của gã đầu sắt bộ Dịch Cân Kinh? Bảo ta trả lại đâu có dễ dàng như thế?”. Miệng vẫn nói cứng:
– Cái gì mà Dịch Cân Kinh? Lời của đại sư khiến chẳng ai hiểu gì cả!
Nhà sư già tiếp:
– Võ công bản phái truyền từ Đạt Ma lão tổ. Môn đệ nhà Phật học võ cốt để cường thân kiện thể, bảo hộ đạo pháp, hàng phục yêu ma. Dù cho tu tập võ công gì chăng nữa cũng phải giữ lòng từ bi nhân thiện. Nếu không chịu lấy Phật học làm cơ sở thì khi luyện võ sẽ làm tổn thương mình trước. Công phu luyện càng thâm sâu, thân mình bị thương càng nặng. Nếu như luyện tập chỉ là tay đấm chân đá, binh nhận ám khí các loại ngoại công thì cũng chẳng sao, có hại cho thân thể cũng chỉ chút ít, nếu như thân thể cường tráng thì cũng có thể vượt qua được…
Bỗng dưới lầu có tiếng người lao xao, rồi lộp cộp mấy tiếng lên cầu thang, tám chín tăng nhân nhảy lên trên các. Đi đầu là hai vị cao tăng Huyền Sinh, Huyền Diệt, theo sau là Thần Sơn thượng nhân, Đạo Thanh đại sư, Quán Tâm đại sư mấy vị cao tăng từ ngoài đến, rồi đến hai nhà sư Thiên Trúc Triết La Tinh, Ba La Tinh huynh đệ, kế nữa là hai nhà sư chữ Huyền Huyền Cấu, Huyền Tịnh. Các nhà sư thấy cha con Tiêu Viễn Sơn, cha con Mộ Dung Bác, cả Cưu Ma Trí năm người đều ở trong các, chăm chú nghe một lão tăng mặt mũi tầm thường, đều hết sức ngạc nhiên. Những nhà sư đó đều là những người công phu tu tập cao minh nên không tiến lên làm rộn mà cùng đứng sang một bên, nghe ông ta nói gì. Mọi người đi lên nhưng nhà sư kia làm như không hay biết, vẫn tiếp tục nói:
– Nếu như luyện võ công thượng thừa của bản phái, chẳng hạn như Niêm Hoa Chỉ, Đa La Diệp Chỉ, Bát Nhã Chưởng các loại mà không dùng lòng từ bi của nhà Phật ngày ngày hóa giải thì lệ khí thấm vào tạng phủ mỗi lúc một sâu, còn hại gấp trăm lần chất độc từ bên ngoài. Đại Luân Minh Vương vốn dĩ là đệ tử nhà Phật, tinh nghiên Phật Pháp, hiểu biết lý luận trên đời có một không hai, thế nhưng nếu không giữ tâm từ bi bố thí, phổ độ chúng sinh thì dù cho điển tịch yêm thông, biện bác không có chỗ nào vướng mắc nhưng rồi cũng không thể tiêu giải được cái khí chất tai ngược mà khi luyện công phu thượng thừa kia nhiễm vào.
Quần tăng mới nghe qua mấy câu đã thấy những lời nhà sư già nói ra chứa đầy tinh nghĩa, những điều đó trước nay chưa từng được nghe qua, trong bụng ai nấy bàng hoàng. Có mấy người liền chắp tay tán thán:
– A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai!
Lại nghe nhà sư nói tiếp:
– Chùa Thiếu Lâm từ khi kiến tạo nghìn năm qua, cổ vãng kim lai, chỉ có Đạt Ma tổ sư là một thân kiêm thông đủ các tuyệt kỹ, sau đó không một vị cao tăng nào biết hết bấy nhiêu võ công, là bởi tại đâu? Điển tịch của bảy mươi hai tuyệt kỹ đều có đủ trong các này, xưa nay không cấm đoán môn nhân đệ tử tham duyệt, Minh Vương có biết vì sao hay không?
Cưu Ma Trí đáp:
– Chuyện đó là riêng của bảo sát, làm sao người ngoài biết được?
Huyền Sinh, Huyền Diệt, Huyền Cấu, Huyền Tịnh đều nghĩ thầm: “Vị lão tăng này ăn mặc chỉ là một phục sự tăng lo việc quét dọn lặt vặt, sao lại biết nhiều hiểu rộng đến thế nhỉ?”. Phục sự tăng tuy cũng là sư trong chùa Thiếu Lâm nhưng chỉ cạo đầu mà không bái sư, không được truyền thụ võ công, không tu thiền định, chẳng được liệt vào Huyền Tuệ Hư Không các hàng vai vế, ngoài việc tụng kinh lễ Phật chỉ nhóm lửa, cuốc đất, quét nhà, bổ củi. Bọn Huyền Sinh là cao tăng đệ nhất trong chùa, không biết nhà sư này cũng không phải là chuyện lạ, có điều nghe ông ta nói năng cao nhã, kiến thức trác tuyệt, không khỏi toát mồ hôi. Vị lão tăng lại nói tiếp:
– Bảy mươi hai hạng tuyệt kỹ của bản tự, công phu nào cũng có thể làm tổn thương chỗ yếu hại, lấy mạng người khác, độc ác ghê gớm không hợp với tính từ hòa của trời đất, thành thử mỗi hạng tuyệt kỹ đều phải có Phật Pháp từ bi tương ứng để hóa giải. Cái đạo lý đó không phải tăng nhân trong chùa ai cũng biết, chỉ có những ai đã luyện đến bốn năm môn tuyệt kỹ rồi, khi đó lãnh ngộ thiền lý tự nhiên sẽ thấy có chướng ngại. Trong phái Thiếu Lâm ta, cái đó gọi là Võ Học Chướng, so với Tri Kiến Chướng của các tông phái khác thì cũng thế thôi. Nên biết Phật pháp là để cứu độ thế gian, còn võ công lại để giết người, hai đằng ngược chiều nhau, khắc chế lẫn nhau. Chỉ những người Phật Pháp càng cao, lòng từ bi càng thịnh thì võ công tuyệt kỹ mới luyện được nhiều. Nhưng cao tăng đạt tới cảnh giới tu tập đó, lại chẳng còn ham muốn đi học thêm những pháp môn giết người lợi hại nữa rồi.
Đạo Thanh đại sư gật đầu nói:
– Được nghe lão sư phụ thuyết giảng, tiểu tăng hôm nay quả là như vén đám mây mù.
Nhà sư già chắp tay đáp:
– Không dám, lão nạp có chỗ nào nói sai mong các vị chỉ điểm cho.
Quần tăng cùng đáp lễ:
– Thỉnh sư phụ tiếp tục giảng Phật Pháp cho nghe.
Cưu Ma Trí nghĩ thầm: “Bảy mươi hai tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm bị Mộ Dung tiên sinh ăn trộm, tiết lộ ra ngoài rồi, các nhà sư Thiếu Lâm lòng không cam chịu, chẳng biết làm sao nên bày đặt đưa một lão tăng ra làm ma làm quỷ, để dọa cho người khác không dám luyện võ công của họ. Ha ha, Cưu Ma Trí này đâu có dễ gì mà mắc mưu?”.
Vị lão tăng lại tiếp:
– Trong bản tự dĩ nhiên cũng có người Phật Pháp tu hành chưa đủ nhưng đã cố gắng luyện tập võ công thượng thừa thành ra đến khi luyện rồi nếu không tẩu hỏa nhập ma thì cũng nội thương không chữa được. Huyền Trừng đại sư của bản tự một thân siêu phàm tuyệt tục về võ học, so với tất cả các cao tăng hai trăm năm qua thì là người võ công số một. Vậy mà chỉ qua một đêm đột nhiên cân mạch đứt hết, thành kẻ phế nhân cũng vì lẽ đó mà ra…[2]
Lời bàn:
Hóa ra những người cao minh nhất, lại là những người giản dị nhất. Một chấp sự tăng làm việc lặt vặt trong chùa Thiếu Lâm, một người còn chưa được chính thức tính là sư mà khiến cho từ anh hùng hảo hán, nhân sĩ võ lâm đến các chức sắc của tôn giáo phải kính cẩn lắng nghe và cúi đầu thán phục. Mới hay “đại trí nhược ngu”, những người trí tuệ nhất giấu mình dưới vẻ ngoài ngu ngơ đờ đẫn. Ai biết đấy là con thần long ẩn dưới đáy vực nước, chẳng bận tâm đến cá trôi cá mè làm oai làm phước phía trên?
Thế nên, trên thực tế có những khi chú tiểu bổ củi gánh nước đốt lò lại tinh thông Phật Pháp, khai công khai ngộ nhanh hơn là trụ trì quyền cao chức trọng. Bởi vậy, bậc chân tu đâu có phân kẻ sang người hèn.
Chỉ vài câu thủng thẳng nhẹ nhàng mà khiến hai đại hán chẳng sợ trời, không sợ đất, coi sống chết là chuyện nhẹ tựa lông hồng phải toát mồ hôi lạnh. Thực ra thần tăng vô danh muốn nói đến điều gì? Rằng người ta truy cầu học võ là để có sức mạnh áp chế người khác. Những người như Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác có phải học võ vì rèn luyện thân thể hay tự vệ thôi đâu. Họ đều vì có động cơ riêng. Người muốn phục thù, kẻ mong xưng hùng xưng bá thiên hạ. Khi luyện các chiêu thức đa sát khí ấy họ chỉ nghĩ đến việc sau này sẽ dùng chúng để độc bá võ lâm chứ đâu giống với cái tâm hiếu võ hồn nhiên của Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông.
Ngược lại, trong tâm họ đầy ý niệm tranh đấu, hiếu sát thì lệ khí sẽ sinh ra thấm vào tạng phủ, đấy là theo cách nói của thần tăng vô danh. Ta có thể hiểu rằng tâm không lành thì trường năng lượng xấu sẽ vây bọc cơ thể. Càng ráo riết học bằng được thì cái tâm hiếu sát càng nặng. Lâu ngày sẽ sinh ra bệnh tật mà võ công cũng không tăng tiến lên được.
Có câu: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”, tâm hung dữ thì sẽ phản ánh ra hình tướng bệnh trạng như thế. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các Kinh Phật cho nhiều thì mới không sinh ra bệnh tật mà cảnh giới võ công mới có đột phá. Mà thần tăng vô danh chính là một minh chứng.
Nhưng đạo lý thâm sâu là khi người ta đã tinh thông Phật điển, tu đến khi tâm đầy lòng từ bi thì thấy chúng sinh đều khổ, đều đáng thương xót và trong tâm của bậc đại ngộ đâu còn phân biệt chia lìa người với ta. Thế thì còn học những chiêu thức võ công ác độc ấy làm gì? Khi ấy, là cảnh giới của người đắc Đạo, không còn suy nghĩ như người thường nữa.
Nhìn rộng ra một chút, ta thấy Tàng Kinh Các như một biểu tượng của thế giới tri thức và đạo đức, tâm linh của con người. Nếu người ta chỉ cắm cúi tìm trong tri thức khoa học những điều có thể làm tăng sức mạnh của mình mà không có ý thức rèn luyện đạo đức và tâm tính, thế thì chẳng chóng thì chầy, con người sẽ tự hại chính mình. Mà trình độ khoa học kỹ thuật sẽ không nâng lên được nữa, không những thế sẽ đến lúc sụp đổ. Những vũ khí hạch tâm, bom hóa học, vũ khí gây địa chấn, tạo thời tiết, v.v. toàn là những chiêu thuật có sức phá hoại và giết chóc đáng ghê sợ kia đang đặt trong tay những người như thế nào? Họ có lòng từ bi hay không? Hay họ đang tự hại chính họ và hại cả nhân loại?
Như Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, bệnh đã ăn vào cao hoang, mệnh như ngọn đèn sắp tắt chỉ trong sớm tối thì tuyệt chiêu, bí kíp còn để làm gì nữa đây? Rốt cuộc đều là hư ảo.
Những người đã vượt ra khỏi vòng tục lụy, mà tâm từ bi cũng như cảnh giới võ học đã tiến về phía Thần như thần tăng vô danh là có tồn tại, nhưng không cần ai biết đến. Còn tiếng tăm vang dội “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong” ấy, dù cao thật là cao cũng chỉ là cảnh giới trong cõi người mà thôi.
Nhưng không phải mọi người đều tỉnh ngộ. Vẫn có một kẻ nhếch mép cười khinh khỉnh. Ý nghĩa của chuyện này thế nào và kết cục của Mộ Dung Bác cũng như Tiêu Viễn Sơn ra sao? Truyện vẫn còn những diễn biến hết sức bất ngờ. Xin mời quý độc giả tiếp tục theo dõi kỳ sắp tới.
Y Hoàng
Chú thích:
- [1] Những chữ đầu của 14 tác phẩm của Kim Dung ghép lại thành 2 câu thơ
- [2]: trích từ bản dịch Thiên Long Bát Bộ của dịch giả Nguyễn Duy Chính