Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 31/3 xin gửi đến quý độc giả bản tin đáng chú ý sau:

Cộng đồng mạng góp tiền ủng hộ tài xế bẻ lái cứu hai cô gái ngã xe ở Hải Phòng

Sáng 30/3, tài xế xe tải là anh Đỗ Văn Tiến (xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) kể lại: “Chiếc xe đang lao đi với tốc độ khá nhanh, bất ngờ 2 cô gái đi xe máy ngã ra đường. Theo phản xạ tôi, tôi đánh lái để tránh thiệt hại về người. Lúc đánh lái xong, tôi không còn làm chủ được tay lái nữa”.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Được biết, pha đánh lái cứu người xuất sắc diễn ra ở đường gần cổng Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Nam Triệu (thuộc địa phận xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) lúc 13h30 chiều 29/3.

Theo camera an ninh của một nhà dân ven đường ghi lại, thời điểm trên có 2 cô gái đi cùng một xe máy bất ngờ va chạm với xe máy khác đi cùng chiều rồi ngã ra đường.

Đúng lúc này có một xe tải chở đá lao nhanh từ phía sau tới nhưng tài xế đã kịp thời bẻ lái sang trái né được hai cô gái. Chiếc xe tải đâm phải 2 ôtô con bên đường khiến chúng hư hỏng nặng. Sau đó, xe tải bị lật nghiêng, đá vung vãi khắp đường.

Tài xế đã xử lý xuất sắc tránh được vụ tai nạn đáng tiếc dù xe anh bị lật nghiêng. (Ảnh: Otofun)

Khi tai nạn xảy ra, anh Tiến vẫn tỉnh táo và cùng người dân dọn dẹp đá trên đường. Một lúc sau, anh Tiến thấy đau buốt ở sườn, đến viện chụp chiếu thì bác sĩ cho biết bị gãy 2 xương sườn. Anh Tiến được bó bột và về nhà điều trị.

Mừng vì cứu được người, nhưng anh Tiến tỏ ra khá buồn bởi sau khi xảy ra tai nạn, hai cô gái bỏ đi ngay không đoái hoài hỏi thăm anh. Mặt khác, anh Tiến còn đang phải đối mặt với khoản tiền đền bù cho 2 chiếc ôtô bị đâm hỏng.

Khi clip này được chia sẻ rộng rãi trên một số diễn đàn về ôtô, nhiều người khen ngợi anh Tiến có tay lái “lụa” và phản xạ nhanh, cứu hai cô gái khỏi tử thần.

Cộng đồng mạng góp tiền ủng hộ tài xế bẻ lái cứu hai cô gái thoát chết ở Hải Phòng
Cộng đồng mạng góp tiền ủng hộ tài xế Tiến. (Ảnh chụp từ màn hình)

Đến trưa 30/3, trên các trang mạng xã hội như otofun.net, nhiều người đã bày tỏ sự cảm phục và thể hiện bằng hành động giúp đỡ tài xế Tiến vượt qua khó khăn. Theo đó, sau khi đến tận nơi thăm hỏi và gặp gỡ gia đình anh Tiến, một số thành viên đã đăng số tài khoản người thân tài xế lên diễn đàn.

Rất nhanh sau đó, hàng chục người đã chủ động chuyển tiền tới chủ tài khoản để giúp anh Tiến có tiền đền bù. Nhiều thành viên trên otofun.net bày tỏ, số tiền tuy không lớn, nhưng thể hiện nghĩa cử, tình cảm với người tài xế có hành động cứu người đáng ngợi ca.

Hàng tấn khoai tây ế chờ “cứu”, vẫn nhập khoai rẻ bèo từ Trung Quốc

Mấy ngày gần đây, trên Facebook xuất hiện phong trào kêu gọi giải cứu khoai tây cho người dân Lạng Sơn. Được biết, chương trình “Hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai tây” do các cấp bộ Đoàn tỉnh phát động nhằm cứu nguy cho hàng chục tấn khoai tây đang nằm phơi tại ruộng, theo Dân Việt.

Với mức giá 5.000 đồng/kg (bằng 1/3 mức giá bình thường ngoài thị trường), huyện Đoàn Chi Lăng phối hợp với Thành đoàn Lạng Sơn mở các gian hàng tiêu thụ tại ki ốt R-10,11 đường Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn; cổng chính chợ Giếng Vuông, TP. Lạng Sơn và cổng UBND thị trấn Đồng Mỏ.

Người dân Chi Lăng lo lắng vì khoai tây không nơi tiêu thụ. (Ảnh: IT)

Được biết, khoai tây Chi Lăng do người nông dân trồng theo tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Năm nay bà con được mùa khoai tây nhưng giá bán lại thấp và tiêu thụ rất chậm.

Không chỉ ở Chi Lăng, nhiều diện tích khoai tây của người dân huyện Văn Quan cũng rơi vào tình cảnh ế thừa.

Bà Hoàng Thi Liêm (xã Khánh Khê, Văn Quan) cho biết, với mức giá bán khoai tây như hiện nay bà con không có lãi, bới chi phí giống, phân bón khá lớn. Với giá bán thấp như thế này, bà con không thu hồi đủ vốn đã bỏ ra.

“Thời tiết thuận lợi nên năm nay khoai tây được mùa, củ to, bóng đẹp nhưng sức mua chậm, vắng bóng thương lái đến thu mua, không nhộn nhịp như mọi năm”, bà Liêm than thở.

Vẫn còn tồn một lượng lớn khoai tây trong dân. (Ảnh: FB)

Ông Hoàng Văn Phú – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Khê cho biết: “Năm nay Khánh Khê xuống giống hơn 3,5ha khoai tây. Do không có thương lái thu mua nên nhiều diện tích khoai đã bị thối, hỏng. Tiếc của, bà con chủ yếu mang ra chợ bán lẻ, bán cạnh đường với giá 3.000- 4.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ rất chậm”.

Nghịch lý là, trong khi người dân trồng khoai tây đang trong cảnh “điêu đứng” vì rớt giá, thì tại các siêu thị, loại nông sản này vẫn có giá bán 18.000 – 20.000 đồng/kg, cao gấp 5-7 lần giá thu mua tại vườn.

Trong khi đó, mỗi ngày vẫn có một lượng khá lớn khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc, do giá khoai tây tại nước này chỉ khoảng 1.800-2.000 đồng/kg.

Công văn đề nghị các cơ sở ủng hộ chương trình giải cứu khoai tây của Đoàn Thanh niên Lạng Sơn.

Chia sẻ trên Facebook của mình, chị Đỗ Hậu, thành viên Hội Thiện nguyện Hữu Lũng cho biết, chỉ trong vài ngày, đã có vài tấn khoai tây của bà con Lạng Sơn được tiêu thụ nhờ sự ủng hộ của mọi người.

3 lý do không nên hợp thức hóa mại dâm tại Việt Nam

Tham gia diễn đàn về mại dâm, bạn đọc Hai Nguyen đưa ra nhiều lý do để thuyết phục rằng không nên hợp thức hóa nghề mại dâm ở Việt Nam.

1. Mọi người lấy lý do là các nước khác cho phép hành nghề mại dâm, họ quản lý được thì mình cũng làm được.

Đó là lý lẽ không thuyết phục. Không phải cái gì nước ngoài có thì mình cũng cố bắt chước theo. Chẳng hạn như Mỹ cho sở hữu súng, chẳng lẽ mình cũng bắt chước làm theo? Chẳng hạn như Nhật Bản công nhận ngành giải trí người lớn là ngành công nghiệp thì mình cũng bắt bước mở ngành này? Hay ở nhiều nước cho phép đàn ông lấy nhiều vợ thì mình cũng bắt chước làm như vậy?

“Không! Không! Không phải lấy cái cớ người ta làm được thì mình cũng làm được. Phải tính đến nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố văn hóa, con người, điều kiện xã hội, điều kiện lịch sử của mỗi vấn đề”.

Các phố đèn đỏ ở các nước khác gặp rất nhiều vấn đề trong quản lý hiện nay, mọi người nếu đọc báo tiếng Anh sẽ thấy họ nói những hậu quả và hệ lụy trong các phố đèn đỏ rất nhiều, để hiểu các nước đang rất đau đầu về hậu quả của nó.

Trong các chương trình xã hội ở các nước có nghề mại dâm, đặc biệt ở các nước phát triển, họ luôn tìm cách hạn chế sự phát triển ngành nghề này để ngày càng thu hẹp lại, hướng giáo dục con người tránh xa những ngành nghề như vậy.

2. Mọi người lấy lý do là mại dâm tồn tại từ xa xưa và nay vẫn tồn tại, không thể cấm triệt để nên thay vì cấm thì hãy công nhận.

Đó là một lý lẽ không có căn cứ. Lòng tham của con người thì lúc nào mà chả có. Từ tham ô, ăn cắp, cướp của, ăn trộm, làm hàng giả… tất cả đều có từ xa xưa cả thôi đấy.

Và có lẽ xã hội càng phát triển thì những hành vi xấu xa từ lòng tham của con người cũng chẳng bao giờ mất đi. Nhưng không lẽ vì không thể cấm cản và loại trừ được lòng tham thì chúng ta lại đi công nhận nó?

“Không! Không! Không bao giờ các giá trị đạo đức của xã hội lại cho phép thừa nhận lòng tham thành một hành vi, hoạt động công khai cả”.

Chúng ta không loại trừ triệt để được nhưng chúng ta cần có luật pháp để hạn chế và giáo dục.

Cũng như vậy, mại dâm là một hoạt động dựa vào sự khoái lạc của bản thân, kinh doanh trên thân xác của người phụ nữ, làm mất các giá trị đạo đức, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, nên chúng ta cần phải có luật cấm để hạn chế và mang tính giáo dục con người.

3. Mọi người lập luận rằng mại dâm có thể mang lại nguồn thu chính đáng vì người hành nghề mại dâm cũng phải “lao động”.

Các hoạt động mại dâm trước đây lén lút, giờ thì được công nhận sẽ thúc đẩy du lịch và đóng góp ngân sách cho nhà nước. Lý lẽ này không thuyết phục. Các bạn thử nghĩ người buôn bán ma túy có phải đang “lao động” không, những người làm hàng giả có phải đang “lao động” không? Họ cũng làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm ấy!

Hàng hóa giả nếu được bán trong các cửa hàng cũng phải đóng thuế như bao hàng hóa khác không, cũng đem lại ngân sách cho nhà nước đấy. Hay việc sao chép, ăn cắp bản quyền giúp giảm giá thành sản phẩm để cho mọi người sử dụng cũng giúp ích cho xã hội? Vậy những việc làm như thế đó cũng nên được công nhận sao?

“Không! Không! Không phải cái gì chỉ có đem lại lợi nhuận, về kinh tế, về ngân sách ngay trước mắt là chúng ta có thể khuyến khích ngay”.

Chúng ta phải căn cứ cả về những hậu quả, hệ lụy của nghề mại dâm. Nếu chúng ta không làm rõ được những hệ lụy, những cái giá phải trả của ngành nghề này thì chúng ta không thể thừa nhận nó như là một ngành nghề chính danh, góp ích cho xã hội.

Một thực tế không thể phủ nhận là người hành nghề mại dâm phải đối mặt với: mất hết các mối quan hệ xã hội thông thường, nguy cơ bị nhiễm các loại bệnh xã hội rất cao, nguy cơ thất nghiệp khi qua độ tuổi sung mãn sinh lý, giáo dục con cái gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tội phạm, nạn buôn người luôn tăng theo ở các địa điểm có hành nghề mại dâm.

Nếu bạn làm cha mẹ, bạn sẽ nghĩ sao khi con bạn nói với bạn bè của nó “ba mẹ tớ làm nghề mại dâm”, hoặc bạn sẽ nói gì khi con bạn nói “con không cần học đâu, sau này con làm nghề bán dâm”?

Và dù mại dâm có được công nhận hay không công nhận thì từ bao đời nay, các nước đều xem đó là tệ nạn cần giảm chế. Những người hành nghề này đa số đều không muốn người thân gia đình bạn bè biết. Và quãng thời gian đó của họ được xem là đáng quên và ám ảnh nhất trong cuộc đời…

Có câu rằng: ‘còn duyên kẻ đón người đưa hết duyên đi sớm về trưa một mình’. Các đức ông chồng cũng lưu ý:

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày cuối tuần vui khỏe và hạnh phúc!

———–

Đại Kỷ Nguyên News