Trong thế giới nhạc cụ truyền thống của người Trung Hoa cổ đại, Tì Bà được ví như một nàng tiên kiêu sa với giọng nói êm ái ngọt ngào. Tiếng Tì Bà ngân nga truyền tải đầy đủ tâm tư tình cảm, nỗi lòng sâu thẳm của người chơi. Tì Bà Ngữ chính là bản nhạc mà dùng phím đàn để giãi bày tâm sự. Tiếng đàn giống như sự kiếm tìm tri kỷ tri âm.

Tì Bà Ngữ là bản hòa tấu do Lâm Hải sáng tác. Ông đã rất thành công khi thực hiện bản phối âm giữa nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ truyền thống phương Đông.

Trong bản phối của bản Tì Bà Ngữ, âm thanh của piano, kết hợp với âm thanh đa dạng của ống sáo, tiêu, nhị… làm nền tôn lên vẻ thanh tao cao quý của tiếng tì bà. Cùng tiếng ngân xướng của giọng nữ khiến bản tì bà trở lên trong trẻo cuốn hút nhưng thoang thoảng nỗi buồn, đầy tâm tư thầm kín.

(Ảnh: Pinterest.com)

Tiếng đàn mang theo lời tâm sự thầm kín của một giai nhân

Âm thanh da diết truyền tải nỗi buồn thương nhưng lại làm người nghe thêm đắm say bởi tiếng đàn đầy uy lực mà quyến rũ.

Tiếng đàn như đang đi tìm một nỗi niềm cảm thông và sự đồng cảm. Giống như người thanh tao dùng âm thanh của cây đàn Tì bà tìm tri âm tri kỉ. Nhưng ở đời đâu dễ tìm được nghĩa tình Bá Nha – Tử Kì. Mấy ai nghe đàn bà hiểu được tâm tư của người chơi. Mấy ai nghe cung bậc của âm thanh mà thấy được thăng trầm trong suy nghĩ ẩn dấu sau mỗi phím đàn.

Bản Tì Bà Ngữ là ngôn từ không biên giới của âm nhạc. Âm thanh của tiếng Tì Bà văng vẳng trên sông nước khiến người nghe như thấy được hình ảnh giai nhân lênh đênh trên con thuyền giữa vùng bao la mênh mông hiu quạnh. Tay ôm cây đàn gảy lên khúc tự tình riêng tư thầm kín. Như tiếng khóc nỉ non trôi nổi của một kiếp người phiêu bạt giữa dòng đời.

Tiếng dạo đàn giãi bày bao nỗi buồn u uất. Cảm xúc buồn khổ như được kìm nén, chôn chặt tận đáy tâm hồn của một con người đã từng một thời tài sắc làm hương lạ say mê ở đời. Ấy vậy mà giờ đây như bông hoa đã phai tàn hương sắc, rồi đem giai điệu của tì bà với nỗi buồn bực nghe tới não nề tâm can.

Kĩ thuật vê điêu luyện kết hợp với ngón đàn của người nghệ sĩ, tiếng đàn càng trở nên da diết, buồn thương, sầu thảm. Tiếng đàn khi như tiếng khóc trong mưa, lúc lại nỉ non thủ thỉ nhẹ nhàng bên tai. Âm vực trầm bổng lúc lên cao khi xuống thấp, âm thanh trong vắt long lanh như châu ngọc.

Tiếng đàn tì bà sầu thương mang theo lời trách giận cuộc đời sao vội bạc bẽo. Nhưng trong âm thanh không thấy sự oán hận nào, chỉ đâu đó là nỗi đau khổ khiến nỗi lòng giai nhân như nước tuôn trào khỏi bình bạc vỡ. Tiếng đàn gợi nhớ tới câu thơ mà Bạch Cư Dị đã từng miêu tả tiếng đàn của nghệ nhân trên sông ở Lạc Dương:

“Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước,
Ngựa sắt giong xô xát tiếng đao;
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây… ”

(Ảnh: Pinterest.com)

Kiếp người là buồn khổ, phù du phiêu bạt nỗi truân chuyên

Trong mỗi mảnh đời riêng của từng người, ai cũng đã từng một lần than khổ. Cái khổ của kiếp làm người lặn ngụp trong nỗi truân chuyên đa đoan. Làm thân người bản thân là chịu khổ, nóng chịu cũng không được, lạnh chịu cũng không được. Nghèo cũng khổ, giàu cũng có cái khổ riêng. Hỏi đâu là sự an lạc cho kiếp người.

Phải chi con người sinh ra trên cõi đời là phải chịu khổ để hoàn trả những điều xấu tệ mà bản thân đã từng gây ra khi tự mình chẳng biết. Nay khóc than rồi oán thán đất trời, liệu rằng đó có phải một lần nữa vô minh?

Bởi vậy mà trong tiếng đàn của bản Tì Bà Ngữ không mang theo âm hưởng của sự oán hận, có chăng chỉ là nơi giãi bày tâm sự buồn khổ trong sự bi thương hay là lời than vãn nỉ non của một giai nhân tài sắc nổi danh một thời, thì giờ đây cũng chỉ là ngồi nhìn về quá khứ hồi tưởng lại thủa xa xưa mà tiếc nuối ngậm ngùi, rồi lỡ trách thời gian cuộc đời sao vội vã cuốn trôi đi những danh vọng ở đời. Để rồi lại nuối tiếc khôn nguôi rồi ngậm ngùi chua xót khi nhìn lại hiện tại và tương lai là khoảng mịt mù tăm tối trong sự vô định mà đơn côi hờn tủi.

Hay tiếng đàn của nàng Vương Chiêu Quân mang theo nỗi buồn bi thảm, giọt lệ hóa mưa khi gảy tiếng đàn tang thương làm cánh chim nhạn không thể vỗ cánh bay mà gieo mình xuống mặt cát. Lời nói chia li của người biệt xứ nhớ quê nhà, ngoảnh về phía cố hương mà lòng đau thắt. Tiếng đàn mang theo là sự cùng cực nỗi khổ đọa đày.

Lại ngỡ như tiếng văng vẳng ngân vang của nỗi buồn chia ly của tình cha con phụ tử giữa hoàng đế đại Đường và nàng công chúa Văn Thành.

Tất cả đều là mượn cây đàn tì bà mà diễn tả cho tâm sự thầm kín của người chơi đàn. Tì Bà Ngữ là bản nhạc thay hàng trăm vạn lời muốn nói của những nỗi buồn khổ khác nhau một kiếp người. Để rồi tự thấy thân phận đời người là ngắn ngủi nhỏ bé trong dòng đời chảy xiết. Rồi loay hoay tìm lối thoát cho cuộc đời mình. Tìm ở đâu con đường an lạc trong tâm, tìm đâu về với mảnh đất thực sự thanh tịnh trong bụi trần thế gian? Phải chăng đó là câu hỏi của không phải ít người đang một mình lặn tìm trong bể khổ.

琵琶语 – Tì Bà Ngữ

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tịnh Tâm

Xem thêm: