Chỉ số Vn-Index đã chinh phục thành công ngưỡng 1.150 điểm và đang tiến sát mốc 1.160 điểm. Trong bối cảnh thị trường thăng hoa, vẫn có không ít cổ phiếu đi ngược xu hướng, đặc biệt là những cái tên được kỳ vọng đúng ra phải tăng mạnh.
Theo trang tin Cafef, cổ phiếu CTD của Coteccons giảm gần 35% sau khi đạt đỉnh 240.000 đồng, MWG của Thế giới Di động bập bùng quanh ngưỡng 125.000–130.000 đồng rồi đổ đèo về dưới 115.000 đồng, SAB của Sabeco mất gần 100.000 đồng còn hơn 220.000 đồng.
Dù vậy, câu chuyện này không chỉ đơn giản là một cổ phiếu bị dòng tiền “bỏ rơi”. Bản chất của thị trường chứng khoán là phản ánh kỳ vọng, và sự sụt giảm của mỗi cái tên đều có lý do riêng của nó.
Cũng như cổ phiếu nhiều doanh nghiệp được đánh giá thuộc “hàng cơ bản”, những yếu tố về một tương lai không chắc chắn là lý do chính khiến nhà đầu tư quay lưng với những cổ phiếu này.
Với Thế giới Di động, doanh nghiệp từng mang lại nhiều thành quả với những nhà đầu tư kiên định nắm giữ cổ phiếu này lại đang bước vào giai đoạn chuyển giao giữa những động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề của MWG là việc chuyển giao này đang bộc lộ nhiều điểm không chắc chắn.
Vươn lên nhờ chuỗi siêu thị điện thoại và điện máy, MWG nhanh chóng trở thành công ty có quy mô đứng đầu và nắm thị phần lớn nhất trên thị trường. Thành công của doanh nghiệp này có thể thấy rõ qua kết quả kinh doanh những nằm gần đây và đà tăng liên tục của cổ phiếu. Nhưng khi thị trường điện máy bắt đầu bão hòa, đà tăng 2 con số hàng năm của MWG dần trở thành thử thách. Vấn đề đặt ra là liệu ban lãnh đạo công ty có tìm kiếm được “công thức tăng trưởng” mới và triển khai nó thành công hay không.
Ban lãnh đạo công ty khẳng định “sẽ dốc toàn lực cho Bách Hóa Xanh” năm 2018 cho “công thức thành công” mới, nhưng nó lại khiến đa số nhà đầu tư bất ngờ, rồi lại hoài nghi. Thị trường “màu mỡ”, nhưng Thế giới Di động chân ướt chân ráo liệu có cạnh tranh lại những đại gia hiện tại. Chưa kể, sau 2 năm triển khai thì thành tích Bách Hóa Xanh có được vẫn chưa quá nổi trội khi cả doanh thu và độ phủ đều không đạt chỉ tiêu đề ra.
Báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh tháng 1/2018 của MWG ghi nhận doanh thu đạt 7.861 tỷ đồng, hoàn thành 9% kế hoạch 2018 và tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 300 tỷ đồng, hoàn thành 12% kế hoạch và tăng trưởng 12%.
Với Sabeco, câu chuyện của doanh nghiệp bia giữ thị phần lớn nhất thị trường, có thể đơn giản là vấn đề định giá. Con số hơn 320.000 đồng/cổ phiếu, mức đỉnh thị giá cổ phiếu này từng được nhiều công ty chứng khoán trên thị trường đánh giá là “phi lý”. Động lực cho sự phi lý đó là sự xuất hiện của Thaibev trong thương vụ đấu giá gần 54% cổ phần.
Một phiên đấu giá cổ phần thành công ngoài mong đợi, Thaibev thông qua các công ty tại Việt Nam đã thâu tóm thành công doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn, còn Nhà nước đã thu về hơn 5 tỷ USD từ thoái vốn.
Khi mọi thứ đã “hạ màn”, khi động lực tăng giá đã bị triệt tiêu, không còn lý do nào để nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ một cổ phiếu bị định giá “phi lý”. Giảm hơn 100.000 đồng về thị giá có thể là con số cao, nhưng mức 220.000 đồng có thể mới là con số hợp lý cho doanh nghiệp bia này.
Với trường hợp của Coteccons, doanh nghiệp đứng đầu thị trường về xây dựng lại là một câu chuyện khác về hoạt động kinh doanh. Không phải tìm kiếm động lực tăng trưởng, cũng không phải do vấn đề định giá, Coteccons là một trường hợp về sự “đổ đèo” so hoạt động kinh doanh không như kỳ vọng.
Tiêu đề một báo cáo của ACBS về Coteccons cuối tháng 1/2018 viết rằng: “Lỡ kế hoạch lợi nhuận năm 2017 do biên lợi nhuận gộp Qúy IV/2017 thấp kỷ lục”. Công ty chứng khoán này quyết định hạ khuyến nghị từ mua xuống nắm giữ. Khi đó cổ phiếu CTD còn 191.000 đồng.
Lập luận của ACBS xuất phát từ kết quả kinh doanh quý IV/2017 khi doanh thu thuần của CTD đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 22%, nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng, không tăng trưởng. Trong đó biên lợi nhuận gộp của CTD trong giai đoạn này chỉ còn 6,4%.
Nguyên nhân chính, theo ACBS, là do giá nguyên liệu tăng, một số dự án ký mới với các khách hàng trung thành có biên lợi nhuận thấp (khoảng 6%) và việc ghi nhận một số dự án bị đẩy sang năm 2018. Trong số những nguyên nhân này, hai yếu tố sau đóng vai trò chính khiến biện lợi nhuận gộp của CTD giảm mạnh. Kết quả này cũng kéo biên lợi nhuận gộp năm 2017 của CTD chỉ còn 7,4%, giảm 1,3% so với năm 2016.
Xu hướng kém khả quan của những cổ phiếu từng được coi là cơ bản này đang đi ngược với thị trường chung khi chỉ số VN-Index đang tiệm cận ngưỡng cao kỷ lục thiết lập 11 năm trước.
Kết thúc phiên ngày 19/3, chỉ số chủ chốt này của Việt Nam tăng 0,79% lên 1.159,22 điểm, cách ngưỡng cao kỷ lục khoảng 20 điểm.
Quang Minh tổng hợp