Chúng ta không tự nhiên cất tiếng khóc oa oa chào đời, cũng không tự nhiên biết đi, biết nói, cũng chẳng tự nhiên mà lại khôn lớn trưởng thành. Mỗi từng bước chân ta đi trên cuộc đời này, tất cả đều không thể thiếu vắng tình yêu thương của mẹ cha…
Gần đây, rất nhiều cư dân mạng đang chia sẻ một video về một buổi sinh hoạt đầu tuần tại trường THCS Nhật Tân Hà Nội. Đây là một hoạt động ngoại khóa với chuyên đề Cách ứng xử trong gia đình do thầy Nguyễn Thành Nhân – chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm dẫn dắt. Những lời chia sẻ tưởng chừng đã quá quen thuộc với các bạn trẻ, nhưng bằng sự khơi gợi, truyền cảm, thầy Nhân đã chạm đến trái tim của các cô cậu học trò.
Nội dung chính trong bài giảng đề cập đến những thói xấu mà hầu như bạn trẻ nào cũng mắc phải, đó là sự ích kỷ, ương bướng, nổi loạn của những đứa con “lớn xác” vô tâm, không chịu nghĩ cho bố mẹ. Đồng thời thầy cũng định hình lại cho các bạn về những giá trị nền tảng trong gia đình, sống với lòng biết ơn và yêu thương đấng sinh thành.
Chúng ta đều biết, khi còn nhỏ, cha mẹ là tấm bình phong che mưa che gió, phong ba bão táp để bảo vệ chúng ta lớn khôn. Đến tận khi chúng ta đã trưởng thành, có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, cha mẹ vẫn đau đáu một lòng lo lắng không nguôi. Cha mẹ dành cả đời tần tảo cho con, chỉ cho đi chứ không bao giờ mong cầu nhận lại. Đi khắp thế gian này cũng chẳng tìm đâu ra người tốt với ta hơn cha mẹ.
Nhưng mà, chúng ta lại ngại ngùng bày tỏ yêu thương với cha mẹ, ngại ngùng nói một lời cảm ơn, thậm chí đã làm sai rồi cũng không biết nói một lời xin lỗi – điều mà những đứa trẻ lên 3 cũng có thể làm được. Chúng ta đã bao giờ tự hỏi, với người lạ, chúng ta có thể nói dễ dàng đến vậy, mà tại sao, với cha mẹ, những người thân nhất, yêu thương ta nhất thì lại khó khăn đến thế?
Lời xin lỗi dễ như vậy, sao các bạn không nói được? Vì các bạn ích kỷ, sau đó các bạn ngang bướng, các bạn trở nên nổi loạn, các bạn là cái rốn của vũ trụ. Toàn bộ tình cảm ông bà, cha mẹ dành cho các bạn, cho nên càng lớn lên sự ngỗ nghịch của mình, đòi hỏi của mình làm cho các bạn quên bẵng đi xin lỗi và cảm ơn.
Thầy Nguyễn Thành Nhân
“Bao nhiêu người ngồi đây để mặc mẹ các bạn bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà không hỏi thăm được một câu: “Mẹ ơi, tháng này mẹ có vất vả không?” – Dường như sự vô tâm và đòi hỏi của chúng ta cứ mỗi ngày một lớn. Thậm chí, có nhiều bạn, bố mẹ chỉ là người lao động bình thường nhưng vẫn thường xuyên đòi hỏi tiền bạc, quần áo mới.
Rồi cả những lần các bạn trẻ trách giận bố mẹ, thậm chí còn có ý định bỏ nhà đi, nghe lời xúi giục của bạn bè chống đối bố mẹ, nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình. Khi ấy, bạn có biết mình đã khiến bố mẹ đau lòng như thế nào hay không?
Những tiếng khóc nghẹn ngào của sự hối lỗi – “Khóc không có nghĩa là yếu đuối. Con gái, hay con trai, đâu cứ là khóc tức là người yếu ớt. Khóc chỉ là vì muốn giải thoát một điều gì đó. Đôi khi, giọt nước mắt rơi vì gia đình chính là giọt nước mắt hạnh phúc vì thế không có gì mà xấu hổ. Mà niềm hạnh phúc ấy xứng đáng được trân trọng”, thầy Nhân an ủi.
“Người có lỗi là con người, biết sửa lỗi là thành nhân, còn ai cười và tự hào với lỗi của mình, đó là tội đồ”. Lời nhắn nhủ cuối cùng của thầy đã thức tỉnh nhiều bạn trẻ, những ai còn vô tâm, còn đòi hỏi, còn oán trách cha mẹ. Chúng ta đã sai rồi, bởi chúng ta vẫn là con người, nhưng mà chúng ta vẫn còn cơ hội để sửa. Những ai còn đang trách giận bố mẹ thì hãy nên nói lời xin lỗi ngay, bởi lẽ, thời gian sẽ chẳng chờ đợi ai cả. “Một ngày có 280 người mãi mãi không bao giờ trở lại vì tai nạn giao thông. Đừng bao giờ để đến khi bố của bạn mất rồi mới quỳ bên quan tài, khóc bù lu bù loa, nói lời xin lỗi, vì ông ấy chẳng thể nghe thấy đâu”, thầy Nhân nhấn mạnh.
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Tình cảm cha mẹ dành cho những đứa con muôn đời vẫn bao la dạt dào như thế. Vậy nên, nếu ai đó còn may mắn có cha mẹ bên đời, hãy yêu thương và quan tâm mẹ cha hơn nữa, hãy trân trọng từng giây phút ở bên họ, bởi bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì sẽ đến với cha mẹ vào ngày mai.
Nguồn ảnh: dantri
Linh An