Công việc của một nhiếp ảnh gia đôi khi sẽ cho bạn những trải nghiệm không thể nào quên. Cảnh tượng mà Tim Vollmer được chứng kiến và ghi lại được trong chuyến hành trình đi sâu vào Ladakh, miền bắc Ấn Độ mới đây là một trải nghiệm như thế – bất ngờ và đầy xúc động.
Tim Vollmer là một nhiếp ảnh gia người Iceland yêu mến vô cùng những tác phẩm của Tạo hóa. Anh tổ chức những chuyến hành trình để chụp ảnh và những lớp học ngắn về nhiếp ảnh trong thế giới tự nhiên ở rất nhiều nơi trên thế giới. Lần này, khi đến với cung đường mòn Chadar, nằm chon von trên dãy Himalaya, Tim Vollmer đã tình cờ gặp được những người dân của vùng đất quanh năm giá lạnh Ladakh. Họ cũng đang vượt qua cung đường trên con sông băng ẩn chứa rất nhiều sự dữ dằn. Và lạ thay, trong đoàn người này có cả những phụ nữ mới sinh và những đứa trẻ vừa mới chào đời.
Cuộc hành trình của những người phụ nữ ở xứ sở lạnh giá này đã chạm đến trái tim của Tim. Anh đã xin phép được đồng hành cùng họ một đoạn trên cung đường thiêng liêng mà đoàn người đang trải qua, để được hiểu và được chụp những bức ảnh về họ. Những hình ảnh theo anh sẽ cho những người châu Âu khác được cảm nhận về cuộc sống ở một chiều kích khác, qua câu chuyện chân thực mà bất ngờ đến khó tin này.
Dưới cái lạnh xuống đến – 35 độ C, trên con đường được dát một lớp băng đông cứng, giá lạnh và trơn tuột, đoàn người lặng lẽ đi. Mải miết trong 8 tiếng mỗi ngày, và kéo dài cho tới 8-9 ngày. Đoàn người ấy hầu hết là những người phụ nữ đã sắp đến ngày sinh nở.
Cảnh tượng nhiều khi khiến những người của một dân tộc khác chứng kiến không khỏi nhói lòng. Những người phụ nữ Ladakh bụng mang dạ chửa, ở những ngày cuối thai kỳ ấy đang vượt 72 cây số để tới Lingshed – nơi gần Ladakh nhất có bệnh viện. Họ đang bằng mọi giá tới được nơi an toàn để sinh con.
Như những chú cá hồi muốn sinh con phải bơi ngược dòng nước dữ, những người mẹ của miền Bắc Ấn Độ này cũng đang dùng hết sức bình sinh để thực hiện chuyến hành trình sinh nở của mình. Nhiều lần, Tim chứng kiến họ phải quỳ trên băng trơn, chậm rãi tiến lên để không trượt ngã.
“Đi bộ trên dòng sông đông lạnh, chỉ vài chục centimet phía dưới chân bạn là dòng nước dữ, đang chảy mạnh mẽ thực sự là một cảm giác đáng sợ”, Tim miêu tả cảm giác đi bộ trên con đường trên sông băng Zanskar mà những người phụ nữ Ladahk đang đi qua.
Ban ngày, họ cẩn trọng từng bước chân, nhẫn chịu cái giá lạnh đến cắt da cắt thịt để đi cho hết quãng đường. Khi màn đêm buông xuống, họ tìm vào những hang động, mượn ánh lửa làm nguồn sưởi ấm, để có thể ngả lưng sau một ngày dài.
Tim được biết, gia đình mà anh gặp không phải là trường hợp cá biệt. Tất cả những người mẹ của vùng đất Ladakh cũng đã trải qua chuyến hành trình 8 – 9 ngày đêm trong giá buốt như thế. Thậm chí, nhiều phụ nữ còn phải thực hiện chuyến đi khó nhọc và khắc nghiệt … một mình, không có người thân hay chồng bên cạnh để đỡ đần. Khi một người đàn ông muốn đồng hành cùng vợ, họ sẽ phải đưa những đứa con khác đi theo. Cuộc hành trình vì thế sẽ thêm nhọc nhằn, nguy hiểm cho tất cả.
Các bác sĩ ở Lingshed có lẽ sẽ có cùng sự nể phục những người phụ nữ Ladakh như chia sẻ của nhiếp ảnh gia Tim Vollmer:
“Khi gặp những gia đình này, tôi đã phải khuất phục trước sự hi sinh quá lớn lao của họ để có thể sinh ra những đứa trẻ”.
Những người phụ nữ luôn được coi là phái yếu với vóc dáng bé nhỏ, sức lực yếu đuối. Nhưng họ có một sức mạnh tinh thần to lớn đến từ tình mẫu tử thiêng liêng. Để con có thể được ra đời an toàn, dù có vất vả, khó nhọc ra sao, mẹ cũng có thể chịu đựng, có thể kiên cường cố gắng.
Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, sau khi sinh con, những người phụ nữ này sẽ cuốn những đứa trẻ của mình trong những lớp chăn dày và đặt vào chiếc gùi nhỏ mà họ đã mang theo từ đầu cuộc hành trình. Khi bắt đầu, chiếc gùi chứa đựng không chỉ những tấm chăn mà cả nỗi lo lắng cho cuộc sinh nở, cho sự an toàn của những đứa trẻ.
Còn giờ đây, khi các chị đã mẹ tròn, con vuông, chiếc gùi chứa đựng một sự sống mới, vô cùng quý giá. Những người mẹ sẽ tiếp tục đi lại con đường đã dẫn họ tới bệnh viện để sinh con. Và những đứa trẻ sẽ đi qua hành trình gian khó đầu tiên trong cuộc đời mình. Dù được bọc trong những tấm chăn dày, nhưng cái giá lạnh sắc nhọn của vùng đất này vẫn khiến khuôn mặt của em bé mới sinh tím đi đôi chút.
Tuy nhiên, trên hành trình này, các bé luôn được mẹ ủ ấm và săn sóc. Cái lạnh giá bên ngoài, theo một cách nào đó sẽ là một món quà lớn mà Thượng đế ban tặng cho những đứa trẻ của xứ sở này.
Vượt qua được cái lạnh trong cuộc hành trình, các bé chắc chắn sẽ trở thành những người mạnh mẽ nhất. Và sự gian khó đầu tiên ấy chắc chắn sẽ giúp những đứa trẻ cảm nhận được tình thương ấm nồng và nhất là sự hy sinh mà sau này không bao giờ mẹ kể.
Có lẽ với người Ladahk, những đứa trẻ là những món quà quý giá nhất mà sự sống ban tặng, nên dù vất vả, nhọc nhằn thế nào, chúng ta vẫn nhìn thấy niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt họ khi nâng trong tay sinh linh mới chào đời.
Nguồn ảnh: Dẫn qua Daily Mail
Hải Lam