Trong ấn tượng của những người yêu “Tây Du Ký”, Sa Tăng là một đồ đệ chất phác, trung hậu, siêng năng, cần mẫn. Nhưng trong lần đầu tiên xuất hiện, Sa Tăng lại mang vẻ ngoài của một con yêu quái đeo 9 chiếc đầu lâu…

Sa Tăng vốn là Quyển Liêm Đại tướng trên Thiên Đình, là vị thần trông coi xe loan ở điện Linh Tiêu. Năm xưa, vì vô ý làm vỡ chiếc chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống hạ giới. May mắn gặp Quan Thế Âm Bồ Tát, Sa Tăng được trở thành đồ đệ phò giá Đường Tăng để chuộc lại lỗi lầm.

Chiếc vòng đầu lâu trên cổ Sa Ngộ Tĩnh

Trong ấn tượng của những người yêu “Tây Du Ký”, Sa Tăng là một người chất phác, trung hậu, không ngại khó ngại khổ. Tuy nhiên ấn tượng đầu tiên khi Sa Tăng xuất hiện trong “Tây Du Ký” lại hoàn toàn mang hình dạng của một con ác quỷ:

“Xanh chẳng ra xanh, đen chẳng ra đen, mặt mày tối om, dài chẳng ra dài, ngắn chẳng ra ngắn, thân cẳng đỏ sẫm. Cặp mắt thì lóng lánh, tựa ngọn đèn bếp tro. Miệng một chiếc sừng thò, tựa con dao hàng thịt. Răng nanh như kiếm tuốt, tóc đỏ quạch rối tung. Quát một tiếng vang lừng, rẽ nước lao vun vút”.

Và điều đặc biệt là trên chiếc vòng cổ của Sa Tăng có 9 cái đầu lâu. Về lai lịch của chiếc vòng cổ này, Sa Tăng đã giải thích cho Quán Âm Bồ Tát rằng:

“Con ở khúc sông này đã ăn thịt không biết bao nhiêu người. Trước đây, đã có mấy người đi lấy kinh qua đây, họ đều bị con ăn thịt tất. Phàm đầu lâu của những người bị con ăn thịt, con vứt cả xuống sông Lưu Sa, chúng đều chìm nghỉm xuống đáy. Thứ nước này, đến chiếc lông ngỗng cũng không nổi được. Duy chín chiếc sọ của những người lấy kinh này cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không sao chìm được. Con lấy làm lạ lắm, bèn xâu chúng lại thành một chuỗi, lúc rỗi rãi đem ra nghịch chơi…”.

Trong cuốn “Thơ thoại Đại Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh” xuất hiện từ trước khi Ngô Thừa Ân viết Tây Du Ký, cũng kể rằng nguyên hình của Sa hòa thượng là Thâm Sa Thần từng nói với Tam Tạng rằng: “Dưới sợi dây chuyền là những vị hòa thượng từng bị ta ăn thịt, ta xâu cái đầu lâu khô vào trong này”.

Quá khứ Đường Tam tạng đã 9 lần đi lấy kinh và đều bị Sa Tăng ăn thịt. Ảnh dẫn theo truongton.net

Trong vở kịch Tây Du Ký thời nhà Nguyên, nhân vật Sa Tăng cũng nói: “Có một tăng nhân phát nguyện tới Tây Thiên thỉnh kinh đã đi qua đây. Sao hắn có thể đi qua được dòng sông cát này của ta được chứ? Vậy là ông ta đã làm hòa thượng chín đời, và bị ta ăn thịt cả 9 lần, 9 cái đầu lâu ấy giờ vẫn ở trên vòng cổ của ta”.

Như vậy, hóa ra 9 chiếc đầu lâu trên vòng cổ của Sa Tăng là những đời trước của Đường Tăng, đã bị Sa hòa thượng ăn thịt cả 9 lần. Tới đây thì chúng ta cũng không khó để lý giải được vì sao trong Tây Du Ký thường nhắc tới việc Đường Tăng là Kim Thiền Tử chuyển sinh, đã tu hành 10 kiếp.

Cũng vì lý do đó, nên 9 chiếc đầu lâu này cũng có quan hệ đặc biệt với Đường Tăng, là bảo vật giúp Tam Tạng vượt qua sông Lưu Sa để tiếp tục lên đường sang Tây Trúc. Điều này được thể hiện qua ba chi tiết:

Chi tiết đầu tiên là khi Bồ Tát nói với Sa Tăng: “Nhà ngươi cứ đeo chuỗi đầu lâu ấy vào cổ, đợi khi người lấy kinh tới sẽ có việc dùng ngay”.

Chi tiết thứ hai, đó là khi thầy trò Đường Tăng vừa qua núi Hoàng Phong thì gặp sông lớn. Đây là con sông “Lưu Sa tám trăm dặm, nước yếu sâu ba nghìn, lông ngỗng không nổi được, hoa lau cũng phải chìm”, ngay cả tài phép như Bát Giới hay thần thông như Ngộ Không cũng không thể cõng Tam Tạng qua sông được.

Vì sao lại như vậy? Trong “Tây Du Ký” giải thích rằng: “Cắp Thái Sơn nhẹ như hạt cải, dắt người phàm khó thoát bụi hồng”, Đường Tăng dẫu sao vẫn là một người đang tu luyện, chưa thoát khỏi bể khổ trầm luân, thế nên một tấc, một bước cũng khó. Chỉ đến khi đã được thu phục, Sa Tăng tháo chuỗi đầu lâu trên cổ ra, cùng với chiếc hồ lô của Bồ Tát, lấy dây xâu thành hình chín cung làm thành một con thuyền, lúc ấy cả bốn thầy trò mới vượt qua được Lưu Sa.

Kể rằng:

“Sư phụ lúc ấy mới nhẹ nhàng chắc chắn vượt sông Lưu Sa, gió lặng sóng êm qua làn nước yếu. Con thuyền vút đi như tên, loáng một cái mọi người đã đặt chân lên bờ bên kia, thoát khỏi sóng to, không dính nước bùn, chân tay khô ráo, thanh tịnh vô vi”.

Chi tiết thứ ba, chỉ khi đã hoàn thành sứ mệnh đưa Đường Tăng qua sông, 9 chiếc đầu lâu mới được “siêu thoát”, biến thành 9 vệt gió âm mà bay đi. Điều ấy nói lên rằng 9 kiếp tu hành trước đây của Đường Tăng đã không uổng phí, giúp Tam Tạng hoàn tất chặng đường tu luyện ở kiếp này.

Trái với vẻ ngoài dữ tợn và chiếc vòng cổ đầu lâu đáng sợ của mình, Sa Tăng lại có một trái tim rất từ bi, lương thiện, tràn đầy lòng biết ơn.

Trong “Hồi thứ 13: Tà ma phạm chính đạo – Tiểu Long nhớ Ngộ Không”, yêu tinh Khuê Mộc Lang Bắt công chúa Bách Hoa Tu của nước Bảo Tượng làm vợ. Đường Tăng bị yêu tinh bắt vào động và gặp được công chúa. Công chúa mong ngóng mòn mỏi được trở về với phụ hoàng nhưng đành bất lực. Công chúa muốn cứu Đường Tăng ra ngoài và nhờ Đường Tăng mang một bức thư cho phụ vương của mình. Chuyện này bị yêu tinh Khuê Mộc Lang biết được. Sa Tăng đã nhận hết trách nhiệm về mình. Một là để báo ơn tri ngộ của Đường Tăng, hai là để cứu công chúa.

Sa Tăng lại có một trái tim rất từ bi, lương thiện, tràn đầy lòng biết ơn. Ảnh dẫn theo danviet.vn

Sa Tăng thầm nghĩ: “Công chúa đã cứu mạng sư phụ ta, quả là ơn trời biển. Nếu ta nói ra sự thực thì ông ấy sẽ giết công chúa mất. Làm vậy chẳng phải là lấy oán báo ơn hay sao? Thôi, thôi, thôi! Lão Sa ta cùng ở cùng sư phụ bấy lâu nay, cũng chẳng có công lao gì để báo đáp sư phụ. Hôm nay cũng đã bị trói ở đây, thì mang cái mạng này đền ơn sư phụ vậy”. Sa Tăng bèn hét lớn:

“Yêu quái kia, chớ thất lễ! Sư phụ ta làm gì có thư từ nào, người đừng đổ oan cho sư phụ ta như vậy sẽ làm hại tới tính mệnh của ngài! Chúng ta tới đây đòi công chúa, là vì ngươi đã bắt sư phụ ta vào trong động. Sư phụ ta đã từng nhìn thấy diện mạo của công chúa. Chúng ta đến nước Bảo Tượng xin ấn ngọc khi đi qua biên giới. Vị hoàng đế đó mới kể về tướng mạo của công chúa, hy vọng rằng trên đường đi may mắn tìm được nàng. Sư phụ ta mới nhắc tới vị công chúa đó, hoàng đế liền biết ngay đó chính là công chúa, mới ban rượu quý và bảo chúng ta tới đòi công chúa về cho phụ vương của nàng. Đây là sự thực, sao ngươi lại nghi ngờ công chúa viết thư gì cho hoàng đế đây? Ngươi muốn giết thì hãy giết lão Sa ta, đừng hại oan cho dân thường, mà làm tổn hại thiên lý”.

Những chi tiết dẫu nhỏ trong Tây Du Ký cũng có sức gợi mở và gửi gắm ý nghĩa thâm sâu muốn cảm hóa lòng người.

Vậy nên chúng ta cũng đừng vội vàng phán xét người khác qua bề ngoài của họ. Có thể trên hình hài của họ vẫn còn những dấu ấn do kiếp trước từng làm điều xấu, nhưng điều quan trọng hơn là sự lương thiện luôn nảy mầm, đơm bông trong trái tim họ.

Theo aboluowang
Nhã Văn biên dịch 

Xem thêm: