18 hộ dân đồng bào Vân Kiều tự nguyện dựng trại bảo ngay cửa rừng để thay phiên trông coi, ngăn chặn lâm tặc hoạt động.
Để ngăn chặn lâm tặc phá rừng gần 1.000 ha rừng Bắc Hướng Hóa, 18 hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh (Quảng Trị) tự nguyện dựng trại ngay cửa rừng và thay phiên canh giữ suốt ngày đêm, theo Zing.
Đầu năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) đã giao khoán gần 10.000 ha rừng cho 109 hộ gia đình ở 3 xã Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh. Riêng xã Hướng Linh có 18 hộ được giao gần 1.000 ha.
Ông Hồ Văn Vi, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng xã Hướng Linh, cho biết sau khi được giao khoán bảo vệ gần 1.000 ha rừng vào năm 2014, người dân rất vui. Họ vừa có thêm thu nhập từ kinh phí do chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững chi trả, vừa được tham gia bảo vệ rừng của địa phương.
Từ khi nhận khoán đến nay, các hộ dân gặp nhiều khó khăn trong việc tuần tra, kiểm tra do khoảng cách từ nhà đến cửa rừng xa, tiềm ẩn nguy cơ rừng bị xâm hại.
Để rút ngắn khoảng cách đi lại, mới đây 18 hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh đã tự nguyện dựng trại ngay cửa rừng để giúp việc tuần tra bảo vệ rừng được thuận tiện.
Theo ông Vi, trại này luôn có người trực (mỗi ca 5 người) kể cả ban đêm. Hễ nghe tiếng máy cưa, người dân lập tức đến ngay hiện trường, đồng thời báo cho Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Để duy trì công tác bảo vệ rừng, 18 hộ dân đã trích một khoản tiền nhỏ từ Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng để hỗ trợ xăng xe, thức ăn cho tổ bảo vệ rừng.
“Nếu đã nhận giữ rừng, nhận tiền rồi mà để rừng bị mất thì chúng tôi cảm thấy có lỗi với những cán bộ kiểm lâm và người dân”, ông Vi nói.
“Rừng rú thì mênh mông, nhiều khi mình không quản lý hết được”
Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Vĩnh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắkrông, người vừa được điều động lên “giữ rừng”. Ông Vĩnh khẳng định ngay rừng ở thôn Kreng, khu vực Bãi Tranh được giao cho BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đắkrông và chính quyền xã quản lý, có sự phân cấp, quy định rõ ràng, theo báo Bảo Vệ Pháp Luật.
“Ở đây có sự phân cấp, quy định rõ ràng là rừng mà giao cho chủ rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ (ý nói BQL rừng phòng hộ). Rừng mà chưa giao cho ai hết thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm”- ông Vĩnh cho biết và khẳng định có trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm trong đó: “Tất nhiên trong đó còn có Kiểm lâm địa bàn, có công an, có dân quân, có các lực lượng khác cùng trợ giúp để chủ rừng và chính quyền quản lý, bảo vệ rừng”.
Ông Hà Văn Hoan, Phó giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, cho biết đơn vị quản lý rộng gần 23.000 ha rừng. Do thiếu lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng nên tình hình phá rừng ở khu vực giáp ranh với huyện Vĩnh Linh, huyện Đakrông diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm, ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hoạt động quản lý bảo vệ rừng, trong đó có mô hình dựng lán trại bảo vệ như ở xã Hướng Linh.
Dù trong hợp đồng giao khoán với 18 hộ dân ở xã Hướng Linh không có điều khoản dựng lều bảo vệ rừng nhưng sau khi ban quản lý đề xuất, người dân đã tự nguyện bỏ công sức ra làm.
Đức Huy (tổng hợp)