Người phương Tây có một khái niệm phổ biến về “vòng tuần hoàn của việc tốt”, người phương Đông tin vào luật Nhân – Quả, khi bạn làm điều tốt bạn sẽ nhận lại được điều tốt và ngược lại.
Hãy cùng chúng tôi đi tới hai vùng đất cách xa nhau, với những câu chuyện tương đồng để hiểu thêm về cách vận hành của “vòng tuần hoàn” hay “quy luật” này. Để xem những điều tốt đẹp sẽ quay trở lại với bạn theo cách nào và để tin tưởng hơn vào một thế giới tốt đẹp vốn không quá khó để trở thành hiện thực.
Giá trị của một đồng tiền
Shree Krishna và hoàng tử Arjuna của xứ Pandava là hai nhân vật chính trong trường ca Bhagavad Gita hay còn được gọi là “Bài hát của Đấng Tối cao” bằng tiếng Phạn cổ của người Ấn Độ.
Có câu chuyện rằng, trong khi Krishna và hoàng tử Arjuna đi dạo quanh thành phố, họ thấy một giáo sĩ nghèo khổ đang không ngừng van nài cầu xin sự giúp đỡ và lòng thương xót của những người qua đường. Bất giác Arjuna cảm thấy xót thương cho ông ta và đưa ông một túi chứa 100 đồng tiền vàng mà không cần suy nghĩ.
Vị giáo sĩ mừng rỡ và cảm ơn Arjuna rối rít. Sau đó ông lên đường trở về nhà. Trên đường đi, ông nhìn thấy một người ăn xin khác. Vốn dĩ vị giáo sĩ có thể để ra một hoặc hai đồng tiền vàng để giúp đỡ người đó. Tuy nhiên, ông ta đã chọn cách làm ngơ và đi qua. Và trên đường về nhà mình, một tên trộm đã đánh cắp mất chiếc túi chứa đầy những đồng tiền vàng của ông và bỏ chạy.
Với vẻ mặt vô cùng đau khổ và chán nản, vị giáo sĩ không còn cách nào khác ngoài việc quay trở lại và tiếp tục đi ăn xin. Lại một lần nữa, vào ngày hôm sau khi Arjuna nhìn thấy vị giáo sĩ đó đang ăn xin, anh đã vô cùng ngạc nhiên vì với một chiếc túi đầy những đồng tiền mà anh đã đưa thì ông có thể dùng cả đời, vậy mà trước mắt anh vị giáo sĩ vẫn đang cầu xin sự bố thí của những người qua đường.
Anh gọi vị giáo sĩ lại gần mình và hỏi rõ nguyên do. Vị giáo sĩ kể với anh về toàn bộ những rắc rối mà ông đã gặp và Arjuna lại cảm thấy thương xót cho ông. Vì vậy, lần này anh lại đưa cho ông một viên kim cương tuyệt đẹp.
Vị giáo sĩ cảm thấy hạnh phúc quá đỗi và quay trở về nhà. Trên đường đi, ông lại gặp một vài người cần sự giúp đỡ nhưng ông vẫn lựa chọn cách tiếp tục làm ngơ. Khi đến nhà mình, ông thận trọng đặt viên kim cương vào trong một bình nước rỗng với dự định sau đó đổi nó thành tiền mặt và sống một cuộc sống sung túc, giàu sang. Lúc đó, vợ của ông không ở nhà. Vị giáo sĩ vô vùng mệt mỏi và ông quyết định chợp mắt ngủ trưa trong giây lát.
Khi ông đang ngủ, vợ ông trở về nhà và lấy cái bình nước rỗng đi về phía con sông gần bên để lấy nước. Bà đã không để ý có một viên kim cương trong bình. Khi đến con sông, bà đặt toàn bộ bình nước xuống dòng sông đang chảy để nước tràn vào, khiến viên kim cương đã bị nước cuốn trôi đi mất.
Khi vị giáo sĩ tỉnh dậy, ông đến xem chiếc bình và hỏi vợ ông về viên kim cương. Bà nói với ông rằng bà đã không để ý đến nó và chắc hẳn là nó đã bị trôi theo dòng nước. Vị giáo sĩ không thể tin vào sự kém may mắn của mình và một lần nữa ông tiếp tục đi ăn xin.
Lại một lần nữa Arjuna và Shree Krishna nhìn thấy ông đang ăn xin và Arjuna tiếp tục hỏi nguyên do sự tình. Arjuna cảm thấy thất vọng và bắt đầu nghĩ liệu vị giáo sĩ này có thể có một cuộc sống hạnh phúc hay không.
Shree Krishna, vốn là hiện thân thứ tám của thần Vishnu trong đạo Hindu, nhìn thấy vậy đã nhoẻn miệng cười. Khác với Arjuna, Shree Krishna chỉ cho vị giáo sĩ một đồng tiền xu, vốn không đủ để mua một bữa trưa hay bữa tối cho một người.
Arjuna hỏi Shree Krishna rằng: “Lạy Ngài, tôi đã cho ông ta những đồng tiền vàng và ngay cả kim cương, mà vốn dĩ có thể giúp ông ta có một cuộc sống giàu sang, tuy nhiên điều đó không giúp ích gì được cho ông ta. Vậy thì làm sao chỉ với một đồng xu lại có thể giúp ông lão nghèo khó này được đây?”
Shree Krishna mỉm cười và bảo Arjuna đi theo vị giáo sĩ đó để xem chuyện gì sắp diễn ra.
Trên đường đi, vị giáo sĩ nghĩ đồng xu Shree Krishna cho không thể mua nổi một suất ăn trưa cho mình. Tại sao anh ấy cho ông một số tiền quá ít ỏi như thế? Trong lúc ông đang miên man suy nghĩ thì ông chợt thấy một ngư dân đang cố gắng gỡ một con cá ra khỏi lưới của mình. Con cá không ngừng vùng vẫy tìm lối thoát. Vị giáo sĩ chợt cảm thấy thương xót cho con cá đó. Ông nghĩ rằng một đồng tiền này sẽ không thể giải quyết được vấn đề của mình, thì tại sao ông không thể cứu con cá đó.
Vì vậy vị giáo sĩ đã trả tiền cho người ngư dân và đổi lấy con cá. Ông đặt con cá trong cái bình nước nhỏ mà ông luôn luôn mang theo bên mình.
Con cá vật lộn trong bình nước nhỏ, và chấm dứt hành động đó bằng cách nhả ra một viên kim cương từ trong miệng mình. Vị giáo sĩ la lên sung sướng. “Tôi tìm thấy rồi. Tôi đã thấy nó rồi”.
Cùng thời điểm đó, tên trộm đã cướp mất túi tiền với 100 đồng tiền vàng của ông đi ngang qua nơi đó. Hắn ta nghĩ rằng vị giáo sĩ đã nhận ra mình và có thể sẽ khai báo khiến mình bị trừng phạt. Hắn ta bắt đầu run sợ và chạy đến chỗ vị giáo sĩ, khẩn khoản xin lỗi ông và trả lại cho ông túi tiền đựng 100 đồng tiền vàng. Vị giáo sĩ không thể tin vào mắt mình về những gì vừa xảy ra.
Arjuna đã nhìn thấy tất cả và anh thốt lên rằng: “Thưa Ngài, bây giờ con đã hiểu sự an bài của Ngài”.
Khi bạn có khả năng dù rất nhỏ bé để giúp đỡ những người khác, đừng để cơ hội đó vụt qua mất. Những việc làm tốt của bạn sẽ luôn quay trở lại và đền đáp cho bạn những gì xứng đáng nhất.
Nếu bạn chưa được thuyết phục bởi câu chuyện mang màu sắc thần thoại Ấn Độ trên, hãy cùng đến với một câu chuyện hoàn toàn có thật ở châu Âu đầu thế kỷ 20.
Trong Thế chiến thứ II, vị tổng tư lệnh của quân Đồng minh Châu Âu lúc đó là Dwight Eisenhower đang trên đường về Pháp. Hôm ấy tuyết rơi dày đặc, thời tiết lạnh giá, chiếc xe lao đi như vũ bão. Trên con đường mờ mịt, Eisenhower bỗng nhìn thấy một cặp vợ chồng già đang ngồi bên đường, run rẩy vì giá rét.
Eisenhower lập tức cho người xuống xe hỏi thăm cặp vợ chồng. Lúc ấy, vị tham mưu nhắc nhở: “Thưa ngài, chúng ta phải đến cuộc họp khẩn cấp ở tổng bộ, hay là việc này cứ giao lại cho cảnh sát địa phương xử lý”.
Tuy nhiên Eisenhower vẫn kiên quyết nói: “Nếu như đợi cảnh sát địa phương đến thì hai người đó đã chết vì lạnh rồi!”.
Thì ra cặp vợ chồng đang đến Paris để thăm con trai, nhưng xe bị hỏng giữa đường. Trong màn tuyết dày đặc không nhìn thấy một ai, họ không biết phải làm thế nào nên đành ngồi chờ trong vô vọng.
Eisenhower không hề do dự, lập tức mời họ lên xe và đặc cách đưa hai vợ chồng già kia về nhà con trai họ ở Paris trước, sau đó mới quay về tổng bộ.
Mãi sau đó Eisenhower mới biết rằng, sự thiện lương của mình đã cứu ông thoát khỏi một vụ ám sát.
Lúc ấy, quân Đức Quốc Xã đã nhận được mật báo về lịch trình của ông nên mai phục sẵn trên đường. Nhưng kế hoạch hoàn hảo lại thất bại do sự thay đổi hành trình đột ngột vào phút chót. Sau chuyện này, Hitler bắt đầu nghi ngờ các tin tình báo mà mình nhận được mà không hề biết rằng, Eisenhower vì giúp cặp vợ chồng già mà đã chọn con đường khác.
Dù việc tốt bạn làm có thể không quá to tát, nhưng chắc chắn nó sẽ tạo ra một sức ảnh hưởng to lớn tới ai đó, hoặc có khi chính là bản thân bạn. Chính vì thế mà mọi tôn giáo và các nền văn hóa trên thế giới đều đánh giá cao và khuyến khích con người ta làm việc tốt.
Bởi khi làm một điều tốt đẹp cho người khác, bạn đã chuyển sự tập trung vào những điều bất hạnh của bản thân ra ngoài, chú tâm tới những điều bất hạnh của người khác và giúp đỡ họ.
Khi bạn quên đi bản thân, thế giới của bạn rộng mở, và khi thế giới rộng mở, một sự đổ vỡ lúc trước có thể là quá sức chịu đựng đối với bạn thì nay sẽ trở nên nhỏ bé thôi. Khi bạn rộng lượng, bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ và hữu ích hơn, tinh thần phấn chấn hơn và như một mãnh lực hấp dẫn, những điều tốt đẹp khác sẽ bị hút tới bạn. Và bởi mọi thứ trên thế giới này đều vận hành theo quy luật vô hình nhưng hiện hữu, nên gieo Nhân nào sẽ gặt Quả đó.
Và hãy nhớ lan truyền lòng tốt của bạn bằng cách khi giúp đỡ người khác, thay vì mong muốn được nhận lại sự đền đáp của họ, hãy bảo họ làm một việc tốt cho người khác như một sự đáp trả lại bạn. Khi lòng tốt lan truyền, một lúc nào đó, nó sẽ quay trở về với bạn.
Phương Lâm – Thu Hiền