Tôi còn nhớ một vị phương trượng ở trong một ngôi chùa trên một ngọn núi đã kể một câu chuyện rằng:
Trong chùa, có một tiểu hòa thượng vô cùng tự tin về trí tuệ và học vấn của mình. Những khi được trò chuyện cùng một người thông minh nào đó, tiểu hòa thượng này rất vui và thích thú.
Nhưng mỗi khi gặp một người có học thức nông cạn, tư duy không mạch lạc, nói chuyện lẫn lộn không phân biệt trên dưới, tiểu hòa thượng sẽ cảm thấy ức chế mà tức giận.
Tiểu hòa thượng sẽ nói những câu như: “Thế mà ngươi vẫn còn không hiểu? Ngươi bị đần à?”. Vì vậy, sư phụ đã nhắc nhở cho tiểu hòa thượng rất nhiều lần, mặc dù tiểu hòa thượng trên miệng luôn thừa nhận sai lầm của mình, nhưng vừa gặp lại tình huống tương tự thì lại nhịn không được mà phát tiết lên.
Sau này trong một lần lên núi đốn củi, có một việc xảy ra lại khiến tiểu hòa thượng cải biến mình.
Ngày hôm đó, tiểu hòa thượng đốn được nhiều củi nên trong lòng cảm thấy rất vui sướng. Trên đường trở về, tiểu hòa thượng cảm thấy hơi mệt liền đặt gánh củi xuống bên suối và uống nước, rửa mặt.
Lúc đó, một con khỉ nhỏ xuất hiện, lúc trước nó đã thường xuyên đến đây chơi và cũng thường xuyên gặp tiểu hòa thượng lên núi đốn củi. Thời gian lâu dần, con khỉ nhỏ và tiểu hòa thượng làm bạn cùng nhau.
Tiểu hòa thượng rửa mặt xong, muốn lấy chiếc khăn để lau mặt thì thấy chiếc khăn vẫn vắt ở trên gánh củi. Tiểu hòa thượng lúc này thực sự mệt rồi nên lấy tay chỉ vào gánh củi ý bảo con khỉ nhỏ ra lấy hộ.
Chú khỉ nhỏ chạy tới gánh củi rồi rút một thanh củi khô và cầm chạy qua đưa cho tiểu hòa thượng. Tiểu hòa thượng cảm thấy rất thú vị, đồng thời đưa tay lên vẽ hình vuông và nói “khăn mặt, khăn mặt’ để cho chú khỉ đi lấy một lần nữa.
Chú khỉ nhỏ cũng vui vẻ đi lấy nhưng vẫn là mang lại một thanh củi khô. Tiểu hòa thượng lại càng vui hơn, vừa cười to vừa cầm một hòn đá nhỏ ném trúng vào chiếc khăn mặt, sau đó chỉ cho chú khỉ và nói “Nhìn thấy chưa? Lấy cái khăn mặt kia kìa!”.
Chú khỉ con lại đi lấy lần nữa và vẫn là lấy một thanh củi khô, nhưng lại dương dương đắc ý như thể là muốn nói rằng: “Ngươi xem, ta tài giỏi chưa?”. Tiểu hòa thượng nhìn thấy bộ dạng hài lòng của chú khỉ lại càng cảm thấy vui thích hơn.
Sau khi trở về chùa, tiểu hòa thượng đem câu chuyện trên kể lại cho vị phương trượng nghe. Nghe xong, vị phương trượng hỏi: “Con cùng các sư huynh, sư đệ giảng đạo lý, bọn họ nghe không hiểu, con sẽ tức giận. Nhưng con khỉ nhỏ nghe không hiểu, con vì cái gì mà lại cảm thấy thú vị?”.
Tiểu hòa thượng sững sờ, trả lời: “Khỉ con nghe không hiểu là chuyện bình thường, bởi vì nó là con vật mà! Còn sư huynh sư đệ của con là con người, họ phải hiểu những lời mà con nói mới phải chứ?”.
Vị phương trượng cười cười rồi nói: “Khỉ với người tất nhiên là không giống nhau, nhưng khả năng hiểu biết của mỗi người thì từ lúc sinh ra đã khác nhau, mà hoàn cảnh sống lại cũng khác nhau. Mọi người có sự khác biệt lớn như vậy, con dựa vào cái gì mà nói ai cũng phải hiểu con đây?”.
Tiểu hòa thượng nghe đến đây cúi đầu không nói gì.
Cải biến quan niệm có thể bao dung tất cả!
“Vì cái gì mà tiểu hòa thượng lại phát cáu với sư huynh sư đệ, còn đối với chú khỉ thì lại thấy thú vị?”. Tình huống là giống nhau còn sự biến hóa như thế nào là do chính bản thân mình. Cho nên vấn đề không phải xuất phát ra từ người khác mà là xuất phát ra từ chính bản thân mình đấy!
Tiểu hòa thượng không tức giận với chú khỉ con là bởi vì tiểu hòa thượng cho rằng mình là người, nên có trí tuệ cao hơn khỉ rất nhiều vì vậy mà có thể bao dung sai lầm của nó.
Còn sư huynh, sư đệ của tiểu hòa thượng là người, tiểu hòa thượng cũng là người, trí tuệ của người với người là ngang cấp với nhau, vì vậy không bao dung được thiếu sót của họ.
Nếu như tiểu hòa thượng có thể cải biến quan niệm, cách nghĩ của mình thì sẽ có thể tiếp nhận và bao dung họ. Khi đó, nhìn thấy thiếu sót của sư huynh sư đệ, tiểu hòa thượng còn có thể tức giận được không? Đương nhiên là không, bởi vì khi ấy tiểu hòa thượng đã có thể bao dung được hết thảy mọi thứ rồi.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Mai Trà biên dịch