Cuộc đời mấy ai tự tin rằng mình luôn đúng và không bao giờ làm phiền lòng một ai. Bài học của cổ nhân vẫn còn nguyên giá trị, làm thế nào để biết vì sao người lại bất công, vô lối với mình?

Khi đi áo trắng khi về áo thâm

Một hôm trời nắng Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra thì mặc áo trắng, đi được nửa đường gặp trời mưa, quần áo ướt hết mới vào ẩn mưa ở nhà bà con. Người ấy thấy Dương Bố ướt cả cho mượn cái áo thâm.

Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua đuổi. Dương Bố giận toan cầm gậy đánh.

Anh là Dương Chu chạy ra bảo:

“Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi, thì trắng, lúc về thì đen, phỏng em có không lấy làm lạ mà không ngờ được không?”.

Lời bàn:

Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra lầm lắm ư! Lỗi tại mình thay đổi không tại con chó cắn xằng. Vậy nên ở đời khi mình làm điều gì khác thường, mà người ta không rõ, thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia, thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.

Câu chuyện trên được ghi lại trong Liệt Tử (tác phẩm của Liệt Ngữ Khấu hay do người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Xung Hư Chân Kinh, hay Xung Hư Chí Đức Chân Kinh).

Chuyện được chép lại trong cuốn Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân (Nxb Vĩnh Thịnh, 1951).

Một câu chuyện nhỏ được kể từ rất xa xưa, nhưng nó mãi còn giá trị cho đến mai sau. Trong đời sống hàng ngày, có thể đã có không ít lần ta cũng như Dương Bố, chỉ vội trách người sao đối xử với ta vô lý mà quên mất việc đầu tiên cần làm khi gặp bất công, đó là xem lại chính mình.

Quân tử có hàm dưỡng, khi phát sinh vấn đề tốt hay xấu đều nhìn vào tự mình đầu tiên, sửa được mình ắt sự việc hanh thông. (Ảnh: Youtube)

Xét lại chính mình, luôn tìm ra lỗi

Tôi nhớ có lần đi siêu thị, quầy rau quả trong đó sẽ có chỗ cân đo và thanh toán riêng. Thấy cả một đám người bu đông lại chờ tới lượt, người nọ chen người kia, tôi cũng tự thấy gấp gáp mà đứng sát vào. Đợi mãi chưa tới lượt, cô bán hàng chủ động, xong cho người này thì lại lấy hàng của người bên cạnh cân mà không có ý gì là chú ý tới tôi.

Đến lúc lâu quá rồi tôi mới hỏi, sao tôi đứng đây lâu vậy mà chưa tới lượt, cô lại cứ lấy đồ của những người bên kia. Cô ấy ngẩng mặt lên nhìn tôi và nhẹ nhàng nói rằng: “Anh vui lòng nhìn biển chỉ dẫn, xếp hàng ở bên phải quầy, anh đang đứng ở bên trái”.

Hóa ra vì tôi nhanh nhảu, thấy đông mà gấp gáp chen vào chẳng cần biết xếp hàng ở đâu. Lại còn tự cảm thấy bất công, trách nhầm người khác. Mấy người cũng bu lại bất chấp hàng lối như tôi sau đó cũng hiểu ra và quay sang bên phía ngược lại để xếp hàng.

Cũng lại là câu chuyện chợ búa, rau quả, lần này tôi được đứng quan sát. Một người phụ nữ sau một hồi chọn rau cất tiếng hỏi người bán hàng: “Hôm nay nhà em không nhập rau sạch của bên X à?”. Chỉ là một câu hỏi tôi thấy cũng bình thường, bỗng dưng cô bán rau nổi đóa: “Nhà tôi chỉ có từng đó thôi, chị không ưng thì sang hàng khác mà mua!”.

Tất nhiên chị khách hàng bị sốc và tức tối bỏ đi. Tôi cũng đang lấy làm lạ về thái độ của cô bán hàng, thì như hiểu ý, cô ấy nói: “Mua đồ mà cứ lật qua lật lại, rau chứ có phải hòn đá đâu mà bà ấy nhấc lên rồi ném xuống, nát hết cả rau của người ta, người đến sau ai người ta mua nữa”. Thì ra mọi sự đều có nguyên do cả.

Cái sự vô tâm, vô ý của mình gây ra cho người khác những bất bình hay tự làm bản thân mình thấy bất bình rồi lại trách người khác. Việc đó không hiếm. Mà thậm chí có những việc mình cho rằng hoàn toàn do người khác sai, nhưng nếu nghĩ kỹ lại, thì cũng lại là tại mình cả.

Ý thức của mỗi người nếu như không nghĩ cho người khác, lại chỉ nhìn ở bề mặt sự việc có khi lại không đúng với ngữ cảnh cũng giống như câu chuyện bà bán rau kia vậy. (Ảnh: CTV)

Tôi trách anh bạn thân biết mai là ngày cưới tôi mà còn ép chủ rể uống say mèm, khiến hôm sau tôi như người mất hồn, chẳng cười nổi trong ngày trọng đại của mình. Một thời gian sau tôi vẫn phải giải thích cho người nhà bên vợ về cái dáng vẻ chán đời của mình tại lễ cưới. Nhưng tôi trách anh bạn mãi rồi cũng nhận ra, mình cũng vì ham vui mà xuôi theo. Nếu tôi biết giữ mình thì anh bạn cũng đâu có cơ hội mà “đắc tội” này.

Tôi oán cái phường trộm cắp móc mất cái điện thoại Iphone của tôi. Mà thật ra nếu không vì sự bất cẩn và phô diễn của tôi, nếu tôi để nó vào trong túi quần trước, thì cũng chẳng tiếp tay cho người ta làm việc thất đức.

Tôi thầm trách mẹ vợ sao vô ý, cứ ở nhà tôi hoài mà không nhận ra, bà thương vợ tôi, con còn nhỏ mà ngoài việc đi làm ở cơ quan còn phải tất bật chăm con, chăm cả chồng. Trong khi tôi chẳng giúp được gì việc nhà cho vợ, chỉ biết đi làm, về nhà chơi một tí với con rồi lại ôm cái tivi.

Chúng ta nhiều lúc tự cho mình những đặc quyền, nhưng quả thật bản thân lại không biết nghĩ cho người khác. (Ảnh: santannaenergyservices)

Mạnh Tử nói: “Người quân tử sở dĩ khác người là vì lúc nào cũng để tâm đến việc Nhân và việc Lễ. Đã là người có nhân, thì yêu người; đã là người có lễ, thì kính người. Mà theo nhẽ thường, yêu người thì người tất yêu lại, kính người thì người tất kính lại.

Người quân tử ăn ở như vậy, mà thỉnh thoảng còn có kẻ đem thói ngang ngược đối đãi lại, thì tất nhiên tự xét ngay mình lại, chắc mình còn bất nhân, chắc mình còn vô lễ, thì họ mới đối xử với mình như thế, chớ tự dưng thì có khi nào họ lại ngang ngược với mình được.

Nếu người quân tử xét lại thật mình có nhân, thật mình có lễ, mà người ta đối đãi với mình vẫn ngang ngược như trước, thì tất lại xét lại mình ta nhân, ta lễ thật nhưng ta chưa được hết lòng chăng”.

Thế nên luôn phải xem lại bản thân mình, nếu chưa đủ Nhân để đối đãi với người như cách mình muốn được đối đãi lại, chưa đủ Lễ để người khác thấy được tôn trọng và đề cao, thì vẫn là mình còn lỗi. Nhân và Lễ cũng lại không chỉ ở hành động bề ngoài, mà nếu thấy đã đủ Nhân và đủ Lễ nhưng người vẫn trách ta thì phải chăng là ta chưa thực hành Nhân, Lễ bằng lòng thành thật sự.

Tự xét lại mình trước, không chỉ là cách làm bản thân thêm hoàn thiện, mà còn tạo ra cái khí phách, uy nghi tự nhiên, khiến cho người dễ thuận theo điều phải. Chẳng phải không cần lớn lối, đe nẹt, áp đặt, ta đã tự làm cho người và mình cùng hay thêm sao.

Thuần Dương

Từ Khóa: