Nếu “ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”, thì cũng có thể nói một phần linh hồn Việt đã được gói ghém trong các tác phẩm văn thơ xưa. Nhưng để hiểu về văn thơ cổ đại thì không thể không nhắc đến những điển tích, điển cố mang nhiều nội hàm và ý nghĩa sâu xa. Chỉ khi tìm về với tích cũ truyện xưa, ta mới có thể thưởng thức trọn vẹn tinh hoa văn hoá của nước nhà, và cũng để thấy rằng thi ca cổ đại quả thực là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”…
Bạn có biết, sự tích rằm Trung Thu gắn liền với một điển tích trong các tác phẩm thi ca xưa?
Trong hai thi phẩm bằng chữ Nôm nổi tiếng của Việt Nam, là kiệt tác “Cung oán ngâm khúc” và truyện thơ “Bích Câu kỳ ngộ”, đều cùng nhắc đến một điển tích có liên quan đến chị Hằng, đó là Nghê Thường.
Nói về “Cung oán ngâm khúc”, đây là bài ca sầu bi của một cung nữ tài sắc, từng được vua yêu chiều, ái ân thắm thiết nồng nàn. Nhưng đến khi hương nhạt hoa tàn, chỉ mình nàng gối chiếc đơn côi, người cung nữ quạnh quẽ trong cấm cung mà xót thương cho thân phận mình, lòng thầm hoài niệm về một thời đã xa. Khi ấy, sắc thì “hương trời đắm nguyệt say hoa”, trí thì “cờ tiên rượu thánh ai đương”, còn tài thì:
“Dẫu mà tay múa, miệng vang
Thiên tiên cũng ngảnh Nghê Thường trong trăng…”
Khác với “Cung oán ngâm khúc”, “Bích Câu kỳ ngộ” lại là tình yêu trong sáng giữa chàng thư sinh Trần Tú Uyên và nàng tiên Giáng Kiều. Câu chuyện diễn ra dưới thời vua Lê Thánh Tông, kể rằng: Một hôm trong chuyến du xuân ở chùa Ngọc Hồ, chàng nho sinh Tú Uyên nhặt được chiếc lá hồng có đề câu thơ. Chàng vừa định đề thơ hoạ lại thì thấy thấp thoáng một bóng hồng, khiến chàng từ ấy ngày đêm tơ tưởng. Thì ra, đó chính là nàng tiên Giáng Kiều trong bức tranh tố nữ mà sau này được treo ở thư phòng của chàng. Gặp nhau thật xiết bao ân tình, nàng đã hoá phép ra lâu đài thành quách, lại bày tiệc hoa để cùng chàng kết nghĩa phu thê. Đoạn miêu tả vũ khúc hát mừng cặp tân lang tân nương, trong truyện viết:
“Lả lơi bên nói bên cười,
Bên mừng cố hữu, bên mời tân lang.
Đong đưa khoe thắm đua vàng,
Vũ y thấp thoáng, Nghê Thường thiết tha.”
“Nghê Thường” là tên gọi của một điệu múa nơi thiên giới, có tên đầy đủ là “Nghê Thường vũ y khúc”, bắt nguồn từ câu chuyện du tiên vừa hư vừa thực, vừa mộng vừa ảo của Hoàng đế Đường Huyền Tông (685-762).
Đường Huyền Tông bình sinh là một người sùng Đạo, kính Trời, ông cũng thường qua lại với một trong Bát Tiên là Trương Quả Lão, coi Trương Quả Lão như người bạn thân thiết của mình.
Trong cuộc đời mình, Hoàng đế Đường Huyền Tông đã nhiều lần mộng thấy tiên cảnh. “Thái Bình Quảng Ký” chép rằng, Đường Huyền Tông từng mơ thấy hơn mười vị Tiên cưỡi mây ngũ sắc đáp xuống sân rồng, mỗi vị cầm trên tay một loại nhạc cụ cùng diễn tấu. Bản nhạc ấy du dương thánh thót, đúng là âm thanh từ thiên thượng. Đến khi nhạc dừng lại, một vị Tiên tiến lên phía trước nói: “Bệ hạ có biết đây là bản nhạc gì không? Đây là ‘Tử Vân Khúc’ của Thần Tiên, giờ tôi muốn truyền thụ lại cho bệ hạ để làm âm nhạc tiêu chuẩn cơ bản của Đại Đường”. Lát sau ông tỉnh lại, dư âm của bản nhạc dường như vẫn còn vang vọng, ông hồi tưởng lại và sau đó làm thành bản Tử Vân Khúc nổi tiếng trong Nhạc phủ.
Vậy còn vũ khúc Nghê Thường thì sao? Theo sách “Dị Văn Lục”, đó là vào đêm rằm Trung Thu niên hiệu Khai Nguyên, Đường Huyền Tông ngẩng lên trời thấy trăng sáng, lòng mơ tưởng được đặt chân lên cung chị Hằng thăm thú. Lúc ấy, vị đạo sĩ La Công Viễn đã dùng phép tiên, biến dải lụa trắng thành chiếc cầu đưa hoàng đế lên cung điện Nguyệt.
Trong cung điện lưu ly rực rỡ ánh đèn, các nàng tiên môi thắm má đào, xiêm y lộng lẫy đang thướt tha nhảy múa theo tiếng nhạc du dương. Hoàng đế Đường Huyền Tông vốn am hiểu âm luật, nên chỉ cần lắng nghe vũ nhạc ông đã có thể ghi nhớ trong lòng.
Huyền Tông hỏi vị đạo sĩ: “Trang phục các tiên nữ đang mặc là gì?”.
Vị đạo sĩ trả lời: “Đó là vũ nhung phục, còn điệu múa này là Nghê Thường vũ y khúc”.
Trở lại Trường An, Đường Huyền Tông vẫn không quên cảnh tượng ông vừa chứng kiến. Ánh trăng vẫn sáng vằng vặc, và giai điệu ca múa của các tiên nữ như vẫn thấp thoáng ẩn hiện đâu đây, ông dần dần hồi tưởng rồi chép lại những gì mình nhớ được.
Một ngày kia tới trạm Tam Hương, Đường Huyền Tông dõi nhìn ra núi Tiên Sơn phía xa xa. Trước cảnh núi non điệp trùng, mây mờ che phủ, ông bỗng tức cảnh sinh tình, nhớ lại toàn bộ cảnh tượng trong chuyến du Nguyệt trước đây. Sau khi trở về, ông sáng tác Khúc Nghê Thường với kết cấu của một đại khúc sử dụng cho cung đình.
Cũng từ đó, hai chữ “Nghê Thường” đã trở thành điển tích để miêu tả những điệu múa thướt tha, vừa đẹp mà cũng vừa thoát tục thanh cao như chỉ có ở nơi tiên cảnh.
Vũ khúc Nghê Thường, hay chuyến du ngoạn của Hoàng đế lên cung trăng (Emperor’s Journey to the Moon):
Tâm Minh