Trương Tam Phong là vị cao thủ võ lâm sáng lập Thái Cực Quyền và phái Võ Đang lừng lẫy. Cuộc đời ông đã ghi vào lịch sử rất nhiều Thần tích, khắc hoạ hình tượng về vị Tiên sống giữa nhân gian. 

Sách “Thái Cực Quyền” (Taichi Chuan) của Marshall Ho’o mô tả Trương Tam Phong có dung mạo đẹp đẽ, khôi vĩ, anh tuấn, dáng như rùa, vóc như hạc, tai to mắt sáng, bộ râu lãng tử phi phàm, trang phục bình dị mà trang nghiêm, mang dáng vẻ tiên phong đạo cốt…

Trương Tam Phong đã từng tiên đoán mình sắp tạ thế, nhưng mới “chết” 7 ngày thì ông liền sống dậy và để lại cho đệ tử một bài thơ dự ngôn. Hai năm sau, lời tiên đoán đã thành sự thực.

Thơ dự ngôn nhà Nguyên tiêu vong, nhà Minh thành lập

Theo Minh Sử – Phương kỹ truyện, Trương Tam Phong là người Ý Châu, Liêu Đông, tên là Toàn Nhất, cũng gọi là Quân Bảo, hiệu là Tam Phong. Hơn 100 tuổi ông vẫn có phong thái mạnh mẽ, dù nóng hay lạnh cũng chỉ mặc một chiếc áo vá. Mỗi bữa ông có thể ăn mấy đấu gạo, nhưng cũng có khi mấy ngày, thậm chí mấy tháng không cần ăn mà vẫn dẻo dai sung mãn. Ông leo núi nhanh như bay, trời rét đậm vẫn ngủ trong tuyết, tiếng ngáy vang rền như sấm dậy. 

Đối với Trương Tam Phong, núi Trần Thương ở Bảo Khê là địa danh có ý nghĩa đặc biệt. Ông đã từng vào núi Trần Thương tu Đạo, sau đó ẩn cư tại Kim Đài Quán trên núi Lăng Nguyên. Có thuyết kể rằng, một ngày ông nhìn thấy quang cảnh ba ngọn núi xuyên qua mây vô cùng sống động đẹp đẽ, nên tự đặt hiệu cho mình là “Tam Phong cư sĩ”. Cũng từ đó Trương Tam Phong là cái tên được lưu truyền rộng rãi nhất trong dân gian. 

Cuối thời nhà Nguyên, vào mùa thu năm Chí Chính thứ 26 (năm 1366) khi đang ở Kim Đài Quán, Trương Tam Phong cảm thấy bản thân sắp qua đời nên đã làm thơ xướng tụng rồi rời đi. Không ngờ 7 ngày sau, khi đệ tử Dương Quỹ Sơn chuẩn bị đem thi thể ông đi mai táng thì Trương Tam Phong bất ngờ… sống lại và đưa cho đệ tử một bài thơ. 

Thơ rằng: 

Nguyên khí mang mang phản thái thanh
Hựu tùy chu tước hạ dao kinh 
Bác sàng thất nhật hồn lai phục 
Thiên hạ tề khán nhật nguyệt minh

Dịch nghĩa: 

Nguyên khí mờ mịt trời lại trong
Lại cùng Chu Tước xuống Dao Kinh 
Tháo giường 7 ngày hồn lại phục sinh
Thiên hạ cùng xem mặt trăng mặt trời soi sáng

“Nguyên khí” ở đây có thể hiểu là khí số nhà Nguyên, “Chu Tước” có thể là phép nói ẩn dụ về hoàng đế khai quốc nhà Minh – Chu Nguyên Chương. Còn chữ “Minh” trong nhật nguyệt minh có thể là ám chỉ triều đại mới, tức Minh triều. Chữ “Minh” trong tiếng Hán cũng là ghép từ hai chữ “Nhật” và “Nguyệt” mà tạo thành. 

Như vậy, trong bài thơ tiên tri của mình, Trương Tam Phong đã đưa ra dự ngôn: Vận số của triều Nguyên đã tận, thiên hạ sẽ do triều Minh nắm giữ. Hai năm sau, lời dự ngôn của ông đã thành hiện thực. Khi đó nghĩa quân chống Nguyên có thanh thế rất lớn, Chu Nguyên Chương tiến hành Bắc phạt diệt Nguyên, lập nên nhà Minh.

Về câu chuyện “Trương Tam Phong chết đi sống lại“, thật ra đó chính là tiên thuật của Đạo gia: nguyên thần rời khỏi thể xác sau đó lại hoàn hồn. Trương Tam Phong là bậc Tiên nhân, có thể thoát khỏi sự ràng buộc của thân thể để ngao du thiên hạ sau đó lại trở về, ở tại dương gian mà hoàn thành sứ mệnh của mình.

Bức chân dung tự họa của Trương Tam Phong, bức tranh gốc được cất giữ ở tập tư liệu thứ 10 văn vật quốc gia Lý Văn Trung đời Minh, sau được phát hiện ra và bảo tồn đến ngày nay. (Ảnh: Epoch Times)

Lời tiên đoán Võ Đang hưng thịnh

Đó là vào năm Hồng Vũ thứ nhất triều đại nhà Minh, khi Trương Tam Phong khoảng 130 tuổi. Ông đã thực hiện nghi lễ bái Huyền Vũ Đại Đế tại đỉnh Thiên Trụ Phong trên núi Võ Đang để bày tỏ sự cung kính với vị chủ Thần của một phương. Núi Võ Đang từng là thánh địa của Đạo giáo, nhưng lúc đó gần như hoang phế. Mặc dù vậy ông vẫn điềm tĩnh ở lại trong núi mà tĩnh tu.

Trong quá trình ẩn cư, đạo pháp của Trương Tam Phong ngày càng được truyền bá rộng rãi, thu hút rất nhiều người đến bái sư học Đạo. Ngoài truyền Đạo, ông còn dẫn các đệ tử tu sửa Ngũ Long, Tử Tiêu, Nam Nham. Họ phải dọn sạch cỏ gai, gạch ngói vụn, từ đống hoang tàn mà dựng lên phòng xá đơn giản, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Võ Đang. 

Vào năm Hồng Vũ thứ 17, lúc ấy danh tiếng của Trương Tam Phong đã vang xa bốn cõi, hoàng đế nhà Minh kính cẩn hạ chiếu cầu kiến nhưng ông không gặp. Khoảng 18 năm sau đó, dù triều đình vẫn thiết tha bày tỏ thành tâm thỉnh mời, ông cũng đều từ chối không đi. Về sau Trương Tam Phong đột nhiên “mất tích”, từ đó ông thong dong tự tại, người đời không thể biết tung tích ông ở nơi nào. 

Trước khi rời đi, ông dặn dò mấy đệ tử trông coi cung điện cẩn thận. Ông dự đoán trong tương lai không xa Võ Đang sẽ phát sinh đại sự huy hoàng. Theo ghi chép trong Minh Sử – Phương kỹ truyện, Trương Tam Phong để lại câu nói: “Núi này tương lai tất sẽ hưng thịnh”. Việc đại sự này do Minh Thành Tổ hoàn thành, đã mang đến sự thịnh vượng cao nhất cho núi Võ Đang và tín ngưỡng Đạo giáo trong lịch sử Trung Hoa.

Theo ghi chép trong các sách sử, khi Minh Thành Tổ vẫn còn là Phiên Vương, bởi bị Kiến Văn Đế tước bỏ thuộc địa nên ông khởi binh chống lại hoàng đế. Ngày 5 tháng 7 năm Kiến Văn thứ nhất (năm 1399), Phiên Vương ở trước quân tế cờ, trên trời bỗng nhiên mây đen kéo đến dày đặc.

Phiên Vương buông tóc dài, tay mang trường kiếm, thần thái vô cùng giống với hình tượng vị đại Thần trên núi Võ Đang. Mọi người nhờ thế mới biết, thì ra Thành Tổ chính là Huyền Vũ Đại Đế hóa thân, với tư cách là chiến thần ông đã dẫn đầu quân đội đánh một trận oanh liệt và giành thắng lợi. Đây chính là “chiến dịch Tĩnh Nan” nổi tiếng trong lịch sử. 

Phiên Vương chỉ có trong tay 8000 binh lính, kháng cự với toàn quân triều đình, đây quả thực là một trận chiến ác liệt với thực lực cách xa nhau. Tuy nhiên trong quá trình giao chiến, quân của Phiên Vương được Thần bảo hộ, trên chiến trường nhiều lần xuất hiện cuồng phong, cát bụi mù mịt, làm thế trận chuyển hướng có lợi cho Phiên Vương. Ba năm sau, Phiên Vương chiến thắng, ông đăng cơ xưng đế là Minh Thành Tổ, khai sáng thời đại huy hoàng gọi là “Vĩnh Lạc thịnh thế”.

Từ năm Vĩnh Lạc thứ chín đến thứ mười hai (1411–1424), Thành Tổ bỏ ra rất nhiều tiền của, triệu tập hơn 30 vạn quân cùng thợ thủ công tiến hành tu sửa lại Võ Đang. Ông căn cứ theo câu chuyện tu hành của Huyền Vũ Đại Đế để xây dựng 9 cung, 8 quán, cùng với 33 tòa cung điện khác nhau để làm nên “Hoàng thất gia miếu” và “Trị thế huyền nhạc”, khiến người phàm trần vô cùng ngưỡng mộ.

Tượng Trương Tam Phong trên núi Vũ Đang. (Ảnh: wikipedia.org)

Trương Tam Phong bay lên từ kim điện

Theo Trương Tam Phong toàn tập, vào năm Vĩnh Lạc thứ 14, Minh Thành Tổ lệnh cho đệ tử của Trương Tam Phong là Tôn Bích Vân đến núi Võ Đang đợi ông, đồng thời gửi thư thỉnh mời. Trong thư viết: 

Trẫm ngưỡng mộ chân tiên đã lâu, mong cầu được thân đón bậc nghi phàm, từng sai sứ bày hương án viết thư đi tìm hết danh sơn để mời đón. Đạo đức chân tiên cao cả, cao hơn vạn hữu, thể hợp với tự nhiên, thần diệu không lường. Tài chất của trẫm kém cỏi, đức hạnh mỏng manh, mà chỉ có lòng chí thành mong gặp, suốt đêm ngày không quên. Lại kính cẩn sai sứ dâng thư cẩn trọng mời, mong chờ xe mây giá lâm để thỏa lòng thành kính mong mỏi”.

Tuy nhiên Trương Tam Phong không gặp, chỉ đưa cho Tôn Bích Vân một bài thơ về trao lại cho Thành Tổ và nhờ chuyển lời “Phúc đức vô cương“, mong rằng bệ hạ có thể “Thống trị với tâm sáng, loại trừ dục vọng mà tôn sùng đức“, bí quyết trường sinh chính là ở “Thanh tâm quả dục“. Thanh tâm quả dục chính là đạo dưỡng sinh. Người nghèo nhờ thanh tâm quả dục mà an khang, đức dày, người phú quý nhờ thanh tâm quả dục mà bình an, hưởng thọ lâu dài, rạng rỡ tổ tông, vinh danh hậu thế. Minh Thành Tổ sau khi đọc thơ, phong cho Trương Tam Phong làm Võ Đang Chân Nhân.

Cũng năm đó, Minh Thành Tổ lệnh cho thượng thư Hồ Quảng tiếp tục tìm kiếm. Hồ Quảng đang đêm đi đến Võ Đang, dâng hương khóc lóc cầu xin. Trương Tam Phong thấy Hồ Quảng quá thống thiết mới phi thân mà bay đi. Minh Thành Tổ đang ở triều đình, nhìn thấy Trương Tam Phong liền tới bái kiến. Trương Tam Phong vì vậy mà hát một câu: “Tìm Đạo cầu Chân đi về phía chân trời” rồi rời đi, thong dong bước xuống bậc thang. Bỗng đâu xuất hiện mây ngũ sắc lan toả khắp điện đình, rất lâu sau mới tản mất. Trương Tam Phong phi thân mà đi, quân thần đều tán thán: Trên đời này quả là có chân Tiên!

Kiên Định
Theo NTDTV

Bạn đang đọc bài viết: “Thơ dự ngôn của Trương Tam Phong sau 7 ngày chết đi sống lại” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||97a1f6ac8__

Từ Khóa: