Socrates nhìn vào mắt của vị khách và nói: “Nếu câu chuyện ngài định kể cho tôi nghe chưa chắc đã là sự thật, cũng không xuất phát từ thiện ý và chẳng có ích gì cho tôi, thì ngài định kể để làm gì? Và liệu tôi sẽ nghe và tin chăng?”.
Socrates xuất thân trong một gia đình khá giả ở Athen. Cha làm nghề điêu khắc, mẹ là nữ hộ sinh. Đối với ông, chỉ có văn nói mới là sống động nhất còn lời đã viết ra thì đã trở nên khô cứng. Vì vậy, cả cuộc đời ông không để lại một tác phẩm nào. Những lời giảng của Socrates truyền tụng đến ngày nay đều là qua ghi chép của những học trò. Khác với nhiều nhà bác học khác, thường nghiên cứu về giới tự nhiên, ông dành phần lớn tâm sức của mình để giải mã con người và đạo đức. Ông từng nói: “Con người hãy nhận thức về chính mình”.
Ánh sáng nội tại trong mỗi người
Socrates cho rằng: “Con người trở về sống với ánh sáng tâm linh nội tại của mình thì sẽ có đạo đức, nhân cách thanh cao, nói những lời đúng đắn”.
Tương truyền vào thời Hy Lạp Cổ đại, một bữa nọ có người tới gặp nhà hiền triết vĩ đại Socrates và bảo: “Ngài có biết tôi mới nghe được một câu chuyện xấu về người bạn của ngài không?”. Sau một thoáng trầm ngâm, Socrates từ tốn đáp: “Trước khi nghe ngài kể, tôi muốn ngài dành một chút thời gian để lọc lựa những gì ngài định nói. Tôi gọi đó là phép thử lọc 3 lớp”.
Lớp thứ nhất lọc tìm sự thật: “Ngài có tin tưởng tuyệt đối rằng những điều mà ngài định kể cho tôi nghe là sự thật?”.
Vị khách trả lời: “Không. Thực ra tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi và…”.
Socrates nói: “Rõ rồi, chính vì thế ngài không biết những điều ngài định nói có phải là sự thật hay không?”.
Socrates hỏi: “Nào, bây giờ chúng ta qua lớp lọc thứ hai được dùng để tìm ra thiện ý. Ngài có khẳng định rằng ngài hoàn toàn xuất phát từ thiện ý khi định kể cho tôi nghe những chuyện xấu của bạn tôi?”.
Vị khách của Socrates trả lời: “Không, ngược lại…”.
Socrates nói: “Thế nên những chuyện xấu của bạn tôi có thật hay không vẫn là một câu hỏi. Xin ngài chớ vội buồn, có thể ngài sẽ qua lớp lọc còn lại. Xin ngài cho tôi biết: Chuyện mà ngài sắp kể có ích cho tôi hay không?”.
Người kia đáp: “Không”.
Socrates nhìn vào mắt của vị khách và nói: “Nếu câu chuyện ngài định kể cho tôi nghe chưa chắc đã là sự thật, cũng không xuất phát từ thiện ý và chẳng có ích gì cho tôi, thì ngài định kể để làm gì? Và liệu tôi sẽ nghe và tin chăng?”.
Tạo hóa ban cho con người lý trí thẳng ngay, để phân biệt đúng sai, tốt xấu, đó là lý trí trong sáng, bản tính Chân thật. Ban cho mỗi người cái tâm yêu thương vạn vật, không cầu mong gì cả trong lúc làm lành, đấy là Chí Thiện. Phú sinh cho mỗi người, sức kiên cường chịu mọi gian khổ, đấy là chính là lòng Nhẫn nại. Ba điều trên là ánh sáng nội tại, ai cũng có.
Ánh sáng nội tại chính là luân lý đạo đức và tinh thần sáng suốt. Cho nên Socrates kêu gọi con người trở về sống với nội tại, tức là trở về đạo đức, luân lý. Xã hội thái bình theo Socrates cũng là một xã hội được đạo đức luân lý ngự trị, điều hành.
Socrates cho rằng con người không trở về với ánh sáng tâm linh thì: “Hầu hết thế nhân chỉ là con rối giữa cuộc đời mà không còn là con người đích thực của họ. Người ta nói mà không biết những gì mình nói, làm mà không biết rõ việc mình làm. Tất cả là trống rỗng và dối gạt. Một con người không tự chủ, một con rối giữa đời. Họ không phải là con người độc lập mà phải gọi họ đích thực là nô lệ. Dù cho giàu có đến mấy cũng là một người nô lệ. Nô lệ của dục vọng, của ham muốn… và họ không còn tự mình định đoạt công việc và số phận của mình”.
Đề cao giá trị đạo đức
Bắt đầu từ Socrates, con người trở thành một trong những chủ đề trọng tâm của triết học phương Tây. Socrates từng đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao thế gian loài người điên đảo? Tại sao lòng người tràn đầy dục vọng? Tại sao giả dối, thù hận tràn lan? Ông cho rằng nguyên nhân là vì ta quá chú trọng đến những sự vật, sự kiện quanh mình mà quên mất chính con người của ta. Người ta quên mất cái bản ngã thực sự của mình, khá tương đồng với quan điểm của đạo Phật.
Con người tàn ác xấu xa, dùng quyền lực lóe mắt thiên hạ, nhưng dù có tiền bạc chất như núi cũng luôn là kẻ khổ sở, là kẻ phạm tội trước ánh sáng lương tri của chính mình. Trái lại người sống hòa hợp với ánh sáng tâm linh, với cái Chí Thiện của vũ trụ thì luôn được bình yên, dù gặp phải nghịch cảnh luôn được thư thái trong lòng.
Socrates cho rằng: “Hiểu biết là cơ sở của điều thiện, ngu dốt là cội nguồn của cái ác, và chỉ có cái thiện phổ biến mới là cơ sở của đạo đức, mới là cơ sở của đức hạnh. Ai tuân theo cái thiện phổ biến thì người đó mới có đạo đức”. Nếu bị cư xử bất công, người đạo đức vẫn sẵn sàng gánh chịu. Cũng như Socrates cam chịu bị bỏ tù, bị kết án tử hình dù án ấy hoàn toàn bất công.
Người đạo đức coi tất cả nghịch cảnh đến trong đời mình chính là những cơ hội để bồi đắp thêm hình tượng con người chân chính, cao thượng của mình. Với Socrates, đạo đức là vĩnh hằng, là bất tử. Bởi thế trước lúc chết, Socrates nói với Criton, học trò của mình rằng: “Các con chỉ chôn cái thể xác của thầy thôi”.
Đến nay những gì mà triết lý của Socrates mang đến cho nhân loại vẫn còn nguyên giá trị. Những triết lý sâu sắc của ông là những viên gạch đầu tiên xây nên toàn bộ ngôi nhà văn minh của Châu Âu ngày nay.
Chân Tâm