Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung Thu, đâu đây tiếng trống múa lân từ xa dồn dập vang lên làm tôi chợt nhớ về cảm giác tuổi thơ xưa kia. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của những đứa trẻ miền quê nghèo mà tôi chắc rằng không một đứa trẻ nào thời hiện đại có thể cảm nhận được.

Người ta thường nói: “Có đắng cay thì mới biết ngọt bùi”, hay: “Khi thiếu thốn thì mới biết được sự hạnh phúc của no đủ”, hoặc là: “Người sống trong nhung lụa sẽ không cảm giác được niềm hạnh phúc hiện tại”. Vì vậy, khi nhịp sống ngày một phát triển, bánh kẹo, của cải vật chất dư thừa thì còn đứa trẻ nào háo hức đến Trung Thu nữa? Nhưng đối với những ai đã từng trải qua tuổi thơ cách đây hơn 20 năm đều có ấn tượng sâu sắc về Tết Trung Thu, riêng với bản thân tôi và những đứa trẻ cùng làng thì đó là ngày hết sức đặc biệt, trông đợi khao khát từng ngày đến lạ thường.

Tôi còn nhớ mãi ký ức tuổi thơ tươi đẹp đó, mà mỗi khi nhắc đến lòng vừa cảm thấy tự hào xen lẫn hạnh phúc. Tôi tự hào vì mình có một tuổi thơ đẹp mà bất cứ đứa trẻ nào tầm tuổi tôi khi ấy sẽ khó lòng có được, chỉ cần nhớ về hình ảnh bé thơ ấy thôi đã đủ làm tôi mỉm cười quên đi hết mọi nhọc nhằn hiện tại.

Đó là năm tôi 6 tuổi, còn em trai tôi chỉ vừa 3 tuổi. Còn đến 2 tháng nữa mới tới ngày Trung Thu mà con nít cả xóm tôi đã thi nhau chuẩn bị mọi thứ tưng bừng chào đón. Với tụi con nít khi ấy thì Trung Thu như ngày Tết của trẻ em. Anh chị nào lớn hơn một chút học cấp hai, cấp ba thì tập trống và làm đầu lân, những em bé cỏn con như chúng tôi thì đa phần xúm xít lại xem và cùng nhau tự tạo đèn lồng cho chính mình. Không khí vui tươi rộn rã khắp cả xóm làng.

Thời ấy, kinh tế còn khó khăn nên người kinh doanh đèn lồng hay đầu lân tại quê tôi không nhiều như bây giờ. Lác đác cả làng chỉ bán vài ba cái đầu lân đơn giản, dăm bộ mặt nạ ông địa và vài chiếc trống chế tạo sẵn. Hoàn cảnh nhà ai cũng nghèo khó, vì thế muốn có đầu lân để múa bọn trẻ xóm tôi phải tự tay chế tạo. Do vậy đầu lân khi ấy tuy không cầu kỳ như bây giờ và không cái nào giống cái nào nhưng không hiểu sao lại có nét đẹp ngây thơ, cuốn hút riêng.

Trung Thu xưa trong ký ức tuổi thơ
Trong ký ức của tôi, đầu Lân dành cho trẻ em thời xưa được thiết kế rất đơn giản. (Ảnh minh họa: flickr.com)

Hàng xóm sát vách nhà tôi là anh An, học lớp 7, năm ấy anh cùng nhóm bạn định chung nhau làm đầu lân múa dịp Trung Thu, vừa để chơi vừa để kiếm thêm ít tiền tiêu vặt. Hai chị em tôi thích lắm chiều nào cũng qua xem họ làm đầu lân, tập trống, làm mặt nạ. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác ấy, cảm giác trầm trồ ngưỡng mộ sự tài hoa của các anh hàng xóm. Họ đem tre lấy dây thép cố định khung sườn lân, sau đó dùng giấy báo cũ xin được từ hàng xóm dán lên rồi mua sơn tỉ mỉ quét bên ngoài, sau đó gắn mắt lân bằng hai bóng đèn tý xíu kèm theo pin tiểu. Giờ được nhìn những con lân đủ sắc màu rực rỡ cầu kỳ hiện nay, tôi thấy sự ngưỡng mộ của mình đúng là ngô nghê đến ngộ nghĩnh của con nít miền quê, thấy gì cũng tròn xoe mắt há hốc mồm kinh ngạc khâm phục.

Trông bộ dạng hai chị em tôi nhỏ bé đáng yêu, dễ dụ mà là “fan” hâm mộ cuồng nhiệt nên anh An thích thú lắm, anh chế riêng một cái đầu lân nho nhỏ cho thằng em tôi còn cho tôi một cái mặt nạ làm ông địa để đi phụ với lân lớn của anh.

Được lời mời tham dự múa lân của anh An, hai chị em tôi mừng rỡ còn hơn được cho quà bánh, trông chờ từng giờ từng phút đến ngày Trung Thu để được đi múa. Và ngày ấy cũng đến, chúng tôi bắt đầu múa vào ngày mồng 8 cho đến hết 15 âm lịch. Thường múa lân thì toàn là nam, nhưng tôi lại là nữ duy nhất. Tôi được anh An mượn cho bộ đồ võ của ai đó màu nâu sờn, nhét vào bụng rất nhiều quần áo cho to tròn, mang mặt nạ cầm quạt với nhiệm vụ đến quạt cho chủ nhà để xin tiền sau khi lân múa xong, còn em tôi chỉ cầm cái đầu lân con có miếng vải vàng làm đuôi múa phụ theo. Nhìn cảnh lân mẹ, lân con, ông địa lớn, ông địa nhỏ cùng nhau nhảy theo tiếng trống khiến ai nấy cũng cảm thấy ngộ nghĩnh đến bật cười.

Nhưng đến đêm 13 âm lịch, khi vào một nhà cuối xóm, chú ấy là bạn ba tôi nên biết tôi là ông địa, do đó chú bế thốc tôi lên cố gỡ chiếc mặt nạ ra và chọc ghẹo, khiến tôi ngượng đỏ mặt. Chú cười phá lên: “Phát hiện ra rồi nghe nhóc…”, xong xoa đầu đưa tiền cho tôi chứ không phải cho ông địa lớn như mọi khi. Rất nhiều người đi xem lân khi ấy cùng cười theo chú bởi lần đầu tiên họ thấy con gái làm ông địa. Sau đêm đó, biết mình bị phát hiện, đầu óc trẻ con của tôi cảm thấy xấu hổ lắm, tôi bảo anh An rằng tôi không chơi nữa và chuyển qua chơi lồng đèn khiến anh An buồn tiu nghỉu như mất đi một nhân vật quan trọng. Mà quả thật có ông địa con như tôi trông đoàn lân rất vui nhộn đáng yêu, giờ chỉ còn mình em tôi cầm chiếc lân con tí xíu lẽo đẽo múa theo sau, nó thì ham vui lắm.

Trung Thu nào cũng vậy, ba đều mua cho hai chị em tôi hai chiếc lồng đèn, ba tỉ mỉ thắp nến đặt vào trong đèn vì nếu không cẩn thận nó sẽ bén lửa làm lồng đèn bốc cháy, và cũng bởi tôi đã từng làm cây đèn lồng bị cháy rồi nên hoảng quá khóc nức nở và vòi ba mua cho cây khác. Tôi cầm chiếc đèn ba cho đi theo đoàn lân với tiếng trống rộn rã. Lân đi tới đâu là con nít chúng tôi kéo nhau tới đó xem, tay đứa nào cũng xách theo đèn lồng với đủ kiểu. Nhà đứa nào nghèo quá thì dùng hai lon sữa đục khoét chồng lên nhau thắp đèn bên trong kéo đi trên đất nghe tiếng len ken rất vui tai, hoặc làm lồng đèn bằng giấy các-tông theo sách mỹ thuật lớp 4.

Trung Thu xưa trong ký ức tuổi thơ
Trung thu nào cũng vậy ba sắm cho chị em tôi mỗi người một cái đèn lồng. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Ánh trăng tháng 8 to tròn vành vạnh, hòa cùng ánh đèn lồng nhiều màu lấp lánh trong đêm tạo nên một cảnh tượng lễ hội rực rỡ, vui nhộn.

Lân đi tới đâu là con nít lũ lượt kéo tới đó, thành từng đoàn từng đoàn, nếu có đoàn lân nào bắt mắt hơn thì chúng sẽ tách đoàn ra đi theo lân đó vì tò mò sự mới lạ. Dù trời có chuyển mưa phùn bọn trẻ vẫn thích thú đội mưa đi xem lân như sợ ngày mai sẽ hết Tết Trung Thu vậy.

Và đúng thế, chẳng mấy chốc đã qua mấy ngày Trung Thu ngắn ngủi, bánh kẹo mà chị Hằng cho đã chén sạch. Hai chị em tôi tiu nghỉu ngồi ở góc nhà vì một năm chỉ có ngày Trung Thu là thú vị nhất. Và những khoảnh khắc tuổi thơ tươi đẹp mùa thu cứ gắn liền cùng tôi cho đến khi lớn lên.

Giờ đây, khi cuộc sống xã hội ngày một hiện đại thì bánh kẹo cũng nhiều hơn và ngon hơn xưa, lồng đèn thủ công được thay thế bởi lồng đèn nhựa với đủ hình thù bắt mắt chạy bằng điện, đầu lân đầu rồng đa dạng tinh tế, kèm theo những màn biểu diễn múa lân trên không điêu luyện… Có thể con nít hay người lớn đều được thưởng thức Tết Trung Thu đủ đầy vật chất, nhưng chắc chắn sẽ không thể vui như con nít thời xưa.

Bởi khi mà các tòa nhà mọc lên san sát nhau, điện đường phủ kín không gian thì còn đứa trẻ nào được ngắm ông trăng to tròn, được thấy vẻ đẹp lấp lánh của ánh đèn lồng thủ công nhiều màu rực rỡ soi đêm tối? Chúng cũng không cảm giác được niềm hạnh phúc khi tự tay làm cái đầu lân, chiếc lồng đèn, hay cùng nhau lũ lượt đi xem múa lân với tiếng trống xập xình, vui nhộn. Và ngày Trung Thu cũng là lúc cả gia đình tôi được quây quần dưới ánh trăng phá cỗ với các loại bánh làm từ gạo nếp, đặc biệt là bánh trung thu, hai chị em tôi được ba kể đủ chuyện về chú Cuội, chị Hằng mà ngây ngô ước rằng một ngày mình có phép màu có thể bay lên cung trăng để gặp được họ. Cảm giác hòa cùng thiên nhiên dưới tiết trời mát lạnh vừa ấm cúng xen lẫn hạnh phúc yên bình, giản dị mà bây giờ hiếm ai có được.

Hôm nay, khi đã được ăn rất nhiều loại bánh trung thu với giá tiền trăm, có cái tiền triệu nhưng tôi vẫn không sao quên được mùi vị những chiếc bánh trung thu của tuổi thơ. Đèn trung thu ngày nay cũng phong phú với những kiểu dáng bắt mắt hơn nhưng tôi vẫn xúc động mỗi lần nhìn thấy những chiếc đèn đỏ đỏ xanh xanh. Những màn biểu diễn lân của hầu hết người lớn cũng đặc sắc điêu luyện hơn, nhưng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi khi thấy đám trẻ con nô đùa cùng đầu lân đơn giản nhỏ bé.

Trung Thu xưa trong ký ức tuổi thơ
Thời nay Trung Thu náo động nhộn nhịp hơn nhưng không còn cái không khí cái hồn của Trung Thu xưa. (Ảnh: youtube.com)

Đã bao nhiêu năm, tôi không được đón Trung Thu ở quê nhà.

Vừa mới hôm qua, ba mẹ gọi điện hỏi: “Rằm Trung Thu có đưa cháu về chơi không?”. Lòng tôi cứ nghẹn lại. Nếu tôi không đưa cháu về chơi với ông bà, hẳn nhà tôi cũng sẽ không có đèn lồng, ba mẹ tôi sẽ ăn cơm và đi ngủ sớm. Nhà tôi, từ lâu đã vắng vẻ như thế, kể từ ngày tôi xa quê lấy chồng.

Có lẽ, tôi đã biết mình phải làm gì. Trung Thu này tôi sẽ xin cơ quan nghỉ vài ngày để đưa con về quê. Dẫu Trung Thu ở quê có thể không còn như xưa nữa…

Nhã Thanh