Thường nghe nói: Trong chữ Nho có trời đất. Nhìn ký tự nhỏ vậy, nhưng các học giả lại có thể dựa vào đó mà tiên đoán vận mệnh con người.

Vào triều Minh có một Nho sỹ tên là Hồ Hoằng, tự Nhậm Chi. Thời trẻ Hồ Hoằng từng theo học thuật số, ông cần cù khắc khổ, ngày ngày tu học miệt mài và chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Những năm đầu Chính Thống đời vua Minh Anh Tông, Hồ Hoằng du lãm khắp Hàng Châu, tình cờ gặp được một lão tiên sinh tinh thông dịch lý. Sau đó Hồ Hoằng đã cùng lão tiên sinh đi khắp bốn phương, dần dần lĩnh hội được toàn bộ mật pháp của ông lão và trở nên nổi tiếng với nghề xem bói đoán cát hung.

Xem quẻ đoán cát hung

Những năm đầu Cảnh Thái đời vua Minh Đại Tông, Hồ Hoằng cùng Ngự sử Trương Đô đi chinh phạt thảo khấu là Đặng Mậu Thất ở Phúc Kiến. Trong những ngày ở cùng quân đội, ông đã xem bói cho rất nhiều người và kết quả vô cùng chuẩn xác, khiến ai nấy đều kinh ngạc cảm thán mãi không thôi. Sau này khi Hồ Hoằng đến Tô Châu, không ít sỹ phu đã đến hỏi ông về tiền đồ và cát hung họa phúc.

Trong đó có một Nho sỹ tên là Đỗ Quỳnh, vì tuổi tác đã cao mà các con trai lại lần lượt qua đời nên ông lo lắng sẽ phải sống trong cảnh tuyệt tử tuyệt tôn. Thấy Đỗ Quỳnh bốc được quẻ ‘Đỉnh’ hào ‘Sơ’, Hồ Hoằng liền khẳng định: “Hào con gặp vượng, ngài nhất định sẽ có hai trai”. Còn một vị ngự sử mang họ Triệu thì bốc được quẻ ‘Sư’ địa thủy, Hồ Hoằng bèn nói rằng: “Triệu ngự sử, ngài sẽ tham gia kỳ thi vấn đáp về chính trị, sau đó đảm nhiệm chức ngự sử, đến khi bãi quan thì sẽ có con trai”.

Trong khi đó, vị tham chính họ Chúc lại bốc được quẻ ‘Tỷ’ hào ‘Nhị Ngũ’. Hồ Hoằng nói rằng: “Vào hội mừng công giữa thánh thượng và quần thần, ông ắt sẽ ở trong hoàng cung và được thân cận với vua, sau này sẽ nhậm chức ở Đại Phiên”.

Điều đáng nói là, trải nghiệm của cả ba vị khách trên đều ứng nghiệm.

(Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Một vị khách khác là thượng thư họ Dương cũng đến gặp Hồ Hoằng và bốc được quẻ ‘Phục’ hào ‘Lục Nhị’. Hồ Hoằng nói với ông ta rằng: “Đến tuổi trung niên ông sẽ có cơ hội kỳ diệu: Nếu làm quan đến tam phẩm thì sẽ thọ 90 tuổi, còn nếu làm quan đến nhị phẩm thì thọ mệnh giảm đi 4 hoặc 5 năm, con cháu sẽ được nhờ phúc lộc âm đức của ông”. Không lâu sau, nhờ mang thân phận là cựu thần của phủ Thái tử nên Dương thượng thư được sủng ái và được tấn phong làm Đại Tông Bá. Ông sống đến 85 tuổi rồi tạ thế. Con trai của ông cũng được phong chức chủ bạc ở huyện Ngô.

Nhìn chữ biết vận mệnh

Hồ Hoằng từng gặp hai thư sinh đang trên đường tham gia kỳ thi Hương, cả hai cùng hỏi ông về chuyện công danh hoạn lộ. Hồ Hoằng nói: “Trong hai vị, có một người vì gặp trở ngại nên không thể vào thi, còn người còn lại thì đỗ đạt”. Nghe ông đoán vậy, cả hai đều tỏ ra bán tín bán nghi.

Quả nhiên sau đó, một vị vì nhận được tin phụ thân qua đời nên đành phải bỏ lỡ kỳ thi để về quê lo tang sự, vị còn lại thì được tiến cử.

Có người hỏi Hồ Hoằng vì sao ông có thể tính toán được chuẩn xác như thế, ông đáp: “Nói về vị thư sinh phải về an táng phụ thân, chính vào lúc anh ta muốn hỏi tôi thì có người mang nước đi qua đó. Nước là chữ Thủy (水) và đứng là chữ Lập (立), ghép lại thành chữ Khấp (泣) nghĩa là khóc, cho nên tôi biết cậu ấy sẽ gặp chuyện bi ai. Còn về cậu thư sinh đỗ đạt, khi anh ta đang hỏi tôi thì bất ngờ có một người tới đứng bên cạnh, tạo thành chữ Vị (位) nghĩa là chức quan, cho nên tôi biết cậu ta chắc chắn sẽ đỗ”.

64 quẻ được ghi lại trong “Chu Dịch” thì hình vẽ mỗi quẻ đều do 2 quẻ bát quái xếp chồng lên nhau mà thành, mỗi quẻ có 6 hào. Hình vẽ là 64 quẻ tiên thiên bát quái của Phục Hy. (Ảnh: epochtimes.com)

Lại có một thư sinh ứng thí viết chữ Xuyến (串) và hỏi về tiền đồ, Hồ Hoằng nói: “Xuyến (串) tức là ‘nhị trung’ (二中), nghĩa là đỗ hai lần. Như vậy cậu không chỉ sẽ đỗ đạt mà còn được đề bạt làm tiến sỹ”.

Một thư sinh khác nghe được câu chuyện đó, cũng viết chữ Xuyến (串) rồi đến hỏi Hồ Hoằng về tiền đồ. Hồ Hoằng đáp rằng: “Cậu không cần nói về công danh đâu, mà nên lưu ý giữ gìn thân thể”. Về sau đúng như lời ông nói, anh ta đỗ hai lần nhưng lại mắc bệnh nặng.

Lúc này Hồ Hoằng mới giải thích nguyên nhân rằng: “Người đến trước viết ra là ngẫu nhiên, trong khi người đến sau là bắt chước học theo, chính là có tâm ý trong đó. Chữ Xuyến (串) thêm chữ Tâm (心) vào dưới thì chính là Hoạn (患), nghĩa là tật bệnh”. Từ đó ông đoán rằng chàng thư sinh này sẽ gặp vấn đề về sức khỏe.

Có câu nói rằng: “Mỗi đoá hoa là một thế giới, mỗi chiếc lá một càn khôn”, sự vật dù bé nhỏ đến đâu cũng đều có mặt vĩ mô của nó. Thế nên bói quẻ hay bói chữ đều có thể nhìn ra một số chi tiết trong cuộc đời, từ đó mà đoán trước cát hung phúc họa.

Mạn Vũ
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

videoinfo__video3.dkn.tv||70521e70e__

Xem thêm:

Từ Khóa: