Tôi sinh ra tại Trung Quốc và gắn bó với mảnh đất này đã mấy chục năm. Bởi thế, rất nhiều thói quen sinh hoạt và tư tưởng quan niệm dường như đã trở thành thâm căn cố đế, bám dễ kiên cố trong đầu của tôi. Sau khi chuyển sang sinh sống ở nước ngoài, tôi đã phải rất vất vả để thích nghi và hòa nhập được với cuộc sống mới.
Xem thêm Phần 2, Phần 3, Phần 4.
Trải qua những cuộc vận động kiểu như “Đại cách mạng Văn hoá”, chỉ trong không đầy 1 thế kỷ, nền văn hóa truyền thống vốn có từ xa xưa đáng tự hào của người Trung Hoa (bao gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) đã bị hủy diệt hầu như không còn thứ gì. Người dân cũng được giáo huấn bởi tư tưởng bởi thuyết vô thần.
Thuyết vô thần đó đã làm thay đổi tư tưởng người Trung Quốc một cách chóng mặt. Dường như người ta không còn biết quan tâm tới suy nghĩ và lợi ích của người khác. Điều này biểu hiện rõ nhất ở việc người Trung Quốc luôn lớn tiếng ồn ào trò chuyện nơi công cộng, hoặc có những hành vi không lễ độ, không quan tâm tới cảm nhận của người khác, bao gồm cả trong cách giáo dục con cái mình.
Trái ngược hoàn toàn, Nhật Bản là một quốc gia rất yên tĩnh, có lễ giáo. Cho dù bạn tới những nơi công cộng hay các khu dân cư đều có thể cảm nhận rõ điều này. Bất kể là ở trên xe điện ngầm hay khi xếp hàng nơi công cộng, người Nhật đều luôn giữ im lặng, cố gắng không làm phiền người khác. Khi trò chuyện giao tiếp, họ cũng cố gắng giảm âm lượng xuống mức thấp nhất.
Nhớ lại quãng thời gian mới tới Nhật, tôi thường xuyên nói chuyện rất to ở nơi công cộng, trên xe điện ngầm gọi điện thoại cũng lớn tiếng như ở Trung Quốc. Lúc này tất cả mọi người xung quanh đều nhìn tôi với ánh mắt khác thường. Nhưng tôi lại cho rằng chuyện ấy là hoàn toàn bình thường, trái lại còn cảm thấy người Nhật rất khác thường. Suy nghĩ đó của tôi cũng đã ảnh hưởng rất lớn tới con mình.
Một lần nọ tôi cùng các con đi xe bus tới ga tàu. Những đứa trẻ nhà tôi vô cùng hồn nhiên. Lúc mới lên xe chúng còn chịu khó im lặng. Một lát sau chúng bắt đầu cãi lộn, nghịch ngợm, trêu đùa nhau. Khi đó tôi chỉ nhắc nhở chúng vài câu cho qua chuyện mà không để tâm.
Mấy đứa trẻ nhà tôi nhân đó lại càng tiếp tục cười nói như ở nơi không người. Khi tôi xuống xe bus có một người phụ nữ trung niên ngồi cùng hàng ghế với tôi đuổi theo và nói một cách đầy tức giận: “Xin chị đợi chút, vừa nãy chị và các con rất ồn ào làm phiền người khác. Xin chị hãy chú ý lần sau đừng nói lớn tiếng trên xe bus như vậy nữa”.
Nghe thấy những lời người phụ nữ đó nói, tôi ngây người ra chưa kịp phản ứng gì thì chị ấy nói tiếp: “Có phải vừa nãy các con chị gây ồn ào náo loạn không? Đề nghị chị đừng để các con lớn tiếng vậy trên xe bus và nơi công cộng, làm như vậy là không lịch sự”.
Lúc này tôi mới hiểu rõ ý của chị ấy, xe bus là nơi công cộng chứ không phải là nhà mình, chúng ta cần suy nghĩ tới những cảm xúc của người khác. Tôi đỏ mặt ngập ngừng nói: “Rất xin lỗi mọi người, làm phiền mọi người rồi”. Nhìn thấy tôi cúi đầu xin lỗi một cách chân thành, người phụ nữ đó mới gật đầu và rời đi. Sau đó khi lên tàu điện ngầm các con tôi rất im lặng không gây náo loạn nữa, tuy nhiên tôi luôn chú ý nhất cử nhất động của chúng, sợ lại một lần nữa vì sơ ý mà làm phiền người khác.
Sống càng lâu ở Nhật, tôi càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với con người nơi đây và nhận ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia rất yên tĩnh. Một lần nọ trên chuyến xe bus, có một cặp vợ chồng cùng cậu con trai ngồiở hàng ghế phía sau tôi. Cậu con trai không ngừng kêu la: “Nóng, con nóng quá, nóng quá!”.
Người cha ngồi cạnh chỉ nhỏ nhẹ nhắc con: “Đừng nói nữa, con ồn ào quá”. Tôi kìm lòng không nổi liền quay lại nhìn gia đình họ, người cha đỏ mặt cúi đầu không nói gì, anh hy vọng cậu con trai ngừng nói nhưng cậu bé lại vẫn nói.
Sau khi được cha nhắc nhở, giọng cậu bé có nhỏ đi nhưng cậu ta vẫn không ngừng kêu la. Người cha thấy vậy vẫn chỉ nhỏ nhẹ thái độ trước sau như một: “Con ồn ào quá, ồn ào quá đấy”. Sau vài phút, máy lạnh trên xe bus được bật, cậu bé cũng yên tĩnh không nói nữa. Tôi vô cùng bội phục cách người cha giáo dục con trai. Để không làm phiền tới người khác anh đã rất nhẫn nại nhắc nhở con hết lần này tới lần khác.
Lại có lần khác tôi đi thang máy trong một siêu thị, thang máy đông chật người, nhưng rất yên tĩnh. Lúc này bỗng một bé gái tầm 2 tuổi đang được cha mình bồng trên tay bỗng hét ầm lên, làm ánh mắt của tất cả mọi người dồn về phía họ. Người cha lập tức nói với con: “Con thật là mất lịch sự quá”, sau đó dùng tay ra hiệu cho con không hét nữa nhưng đứa bé vẫn không chịu và cố hét ầm lên. Vừa lúc đó cánh cửa thang máy được mở, người cha vội vàng ngại ngùng bế con gái chạy vội ra ngoài vì sợ ảnh hưởng tới mọi người.
Ở bất kể chỗ nào nơi công cộng tôi đều thấy người Nhật rất biết cách giữ yên tĩnh, và những đứa trẻ cũng vậy. Đương nhiên cũng có những lúc có trẻ con khóc, hoặc thậm chí có những đứa trẻ nằm lăn dưới đất gào thét ăn vạ. Lúc này tôi chỉ thấy các bậc cha mẹ chúng nhỏ nhẹ khuyên ngăn bên cạnh chứ không dùng bạo lực đánh mắng con.
Đến lúc đó tôi mới hiểu được lý do tại sao nước Nhật lại có thể yên tĩnh và có tổ chức trật tự như vậy? Nguyên nhân đơn giản vì từ nhỏ trẻ em Nhật đã được giáo dục cố gắng để không làm phiền tới người khác, và luôn biết cách suy nghĩ cho người khác nhất là ở những khu vực công cộng.
Khi xảy ra động đất sóng thần, khi ở giai đoạn vất vả gian nan nhất người Nhật vẫn có thể yên lặng đứng xếp hàng chờ đợi tới lượt mình, đó là bởi họ không chỉ để ý suy nghĩ tới bản thân mà còn luôn biết chú ý tới lợi ích của người khác.
Tác giả: Tâm Di
Kiên Định biên dịch
Xem thêm:
- 5 bí ẩn vẫn còn nằm trong bóng tối ở Trung Quốc
- Người thành công là người có thể nhìn thấy cơ hội trong nghịch cảnh
- Người thành công thường nói những câu gì nhất?