Tại sao sự chăm sóc tận tình lại mang đến tổn thương? Hay là vì tình yêu bao bọc cũng chính là một con dao hai lưỡi?
Trong thời đại ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ quá nuông chiều con cái, yêu con đến mức làm tổn thương con, khiến cho những đứa trẻ bước ra ngoài xã hội mà không có kỹ năng cơ bản để sinh tồn. Vấn đề ấy được minh hoạ thông qua câu chuyện về bầy thiên nga dưới đây:
Vào một ngày giữa mùa thu, có bầy thiên nga hạ cánh xuống hòn đảo nghỉ chân trên hành trình bay vào phương nam tránh rét. Trên hòn đảo có cặp vợ chồng ông lão đánh cá. Khi vừa nhìn thấy những vị khách bé nhỏ, họ vô cùng vui mừng, từ đó ngày nào cũng cho chúng ăn những con cá nhỏ mà họ kiếm được.
Mùa đông đến, bầy thiên nga không tiếp tục bay về phương nam mà ở lại trên đảo. Đến khi mặt hồ đóng băng, chúng không còn nơi nào để kiếm ăn, vợ chồng ông lão thấy vậy lại cho chúng vào lều, giúp chúng sưởi ấm và cho chúng ăn đến tận mùa xuân năm sau, khi mặt hồ tan băng.
Một ngày rồi một ngày, một năm lại một năm, mỗi mùa đông, cặp vợ chồng già lại che chở cho bầy thiên nga ấy. Cho đến một năm nọ, họ trở nên già yếu buộc phải rời hòn đảo để trở về đất liền, bầy thiên nga từ đó cũng biến mất. Nhưng không phải chúng bay về phương nam, mà là vì không còn ai cho ăn nên chúng đành lòng chết đói trên đảo.
Vợ chồng ông lão đánh cá giống như cha mẹ, còn đàn chim thiên nga lại giống như những đứa trẻ được cha mẹ yêu thương. Họ chăm sóc thiên nga một cách tận tình, chu đáo, hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đến mức khiến người ta phải thốt lên: “Ông bà lão thật tốt bụng, còn những con thiên nga này cũng thật may mắn!”.
Nhưng khi những con thiên nga chết đi, chúng ta mới hiểu rằng: chính tình yêu thương của vợ chồng ông lão đã khiến chúng ỷ lại và dựa dẫm, từ đó hình thành một thói quen xấu, đó là chờ người khác cho ăn chứ không tự lực cánh sinh. Chúng vốn dĩ sinh ra phù hợp với tự nhiên nhưng vì thói quen xấu này mà bị tự nhiên đào thải.
Trong cuộc sống cũng có những bậc cha mẹ tạo cho con cái một mái nhà ấm áp và bao bọc đến trọn đời. Khi con còn nhỏ thì ôm ấp trên tay, sợ con ngã, sợ con đau, con muốn gì là thực hiện bằng được. Bằng mọi giá, họ không để con phải động tay vào bất cứ công việc nhà nào, không muốn con phải chịu khổ, phải vất vả, để các con sống một cuộc sống “cơm dâng tận miệng, áo dâng tận tay”. Khi các con lớn lên, họ lại sợ chúng phải va chạm bên ngoài, sợ con bị bắt nạt, bị chèn ép… nên đã dùng tất cả các mối quan hệ tìm cho con một công việc tốt, còn để lại cho con cả gia sản khổng lồ. Cho dù cha mẹ từng vất vả đổ mồ hôi sôi nước mắt, thì cũng cam tâm dành tất cả cho con…
Cũng giống như tình yêu của vợ chồng ông lão, đó là một thứ tình yêu vô tư không vị kỷ. Nhưng khi nghĩ về cái chết của bầy thiên nga, liệu chúng ta có nên tiếp tục tình yêu ấy? Trên thực tế, tình yêu bao bọc tạo cho con trẻ sự thoải mái nhất thời, nhưng nó cũng là “cái bẫy” của cuộc sống. Những ai đã rơi vào “bẫy” thì cuộc sống của họ sẽ luôn phụ thuộc, một khi xuất hiện “sự kiện hồ đóng băng” trong cuộc đời, thì những gì họ phải đối mặt cũng sẽ khốc liệt như bầy chim thiên nga.
Cuộc sống không thể thiếu tình yêu, nhưng khi tình yêu trở thành một thứ “bao bọc và chăm sóc toàn diện” thì đó không còn là tình yêu nữa, mà là cái bẫy ngọt ngào làm hại những người được yêu thương…
Ngọc Linh
Theo Forhuaren