Lần giáng sinh thứ ba: quy y Phật Tổ

Giáng Tiên, nàng tiên nữ đã về trời, đúng hạn định theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nhưng khi nàng đã ở trên trời thì lòng trần lại canh cánh, ngày đêm da diết trong lòng nỗi nhớ cha mẹ, chồng con. Những ngày hội quần tiên, những lúc quây quần bên chị bên em cùng bạn bè, bỗng nhiên nàng lại nét mặt thoáng buồn, rồi lén gạt thầm dòng nước mắt…

Những cử chỉ ấy, cuối cùng rồi cũng đến tai Ngọc Hoàng. Ngài cho gọi nàng lại để nghe nàng giãi bày tâm sự và thỉnh cầu ước nguyện. Khi thấu hiểu, Ngài cho nàng được phép trở lại cõi trần lần thứ 3, nhưng đổi tên là Liễu Hạnh.

Khác với lần đi đày trước, lần này do tự nguyện, nên trong lòng nàng hoàn toàn thư thái, vui vẻ, chỉ mong sao cho chóng xuống trần. Khi về đến nhà vừa đúng lúc gia đình đang làm giỗ mãn tang cho nàng, mọi người đều hết sức ngạc nhiên và vô cùng sung sướng. Nàng ôm lấy mẹ mà khóc, rồi kể hết sự tình, dặn anh hãy gắng lo chăm sóc cha mẹ, vì lần này xuống trần nàng không thể ăn ở như lần trước, rồi trở về nhà chồng.

Đào Lang, từ ngày vợ mất, vẫn ngày đêm thương nhớ không khuây. Liễu Hạnh đẩy cửa bước vào, gặp nhau vợ chồng con cái mừng mừng tủi tủi. Nàng cũng kể rõ mọi chuyện cho chồng biết, khuyên chồng hãy cố gắng luyện chí, yên tâm theo đuổi sự nghiệp công danh, đừng quên chăm sóc con thơ, phụng dưỡng cha mẹ. Nàng quét dọn, sửa sang nhà cửa, may vá quần áo cho chồng cho con, rồi bỗng chốc lại thoắt biến lên mây… Cứ như thế, thỉnh thoảng nàng lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, nàng mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.


Từ đó, tung tích của nàng như mây nổi, nước trôi, không nhất định ở một nơi nào cả. Nàng biến hóa và có phép nhiệm mầu như thần như thánh, bởi vì nàng cũng chính là thần thánh.

Có khi nàng là cô gái đẹp vừa đi vừa thổi sáo dưới ánh trăng. Có khi nàng là bà lão đầu tóc bạc phơ, ngồi tựa cây gậy trúc ở bên đường. Có khi nàng là người bán hàng, mở quán trên lưng đèo. Lại có khi, như mọi người, nàng đi thăm viếng, vãn cảnh chùa chiền… Người nào giở thói trăng hoa, hoặc làm điều bạc ác, nàng thẳng tay trừng trị.

Tiếng lành đồn xa. Ở khắp mọi nơi, mọi người thi nhau bàn tán về tung tích và hành vi của nàng. Câu chuyện càng ngày càng được thêu dệt thêm mãi, hư hư thực thực. Và ai ai cũng đều nghiêm trang, kính cẩn gọi nàng là Tiên Chúa.

Trận giao chiến trên Đèo Ngang

Đèo Ngang, Quảng Bình với vẻ đẹp như tranh của núi –đèo- biển cả
Đèo Ngang, Quảng Bình với vẻ đẹp như tranh của núi –đèo- biển cả

Đó là thời vua Lê Thái Tổ (1385-1433) trị vì. Lần ấy, Tiên Chúa đang hóa phép thành cô gái, mở quán bán cho khách bộ hành ở chân đèo Ngang (thuộc Quảng Bình). Lời đồn đại về một cô gái nhan sắc tuyệt vời bỗng đâu xuất hiện ở nơi đèo heo hút gió, làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên. Rồi chỗ nào cũng thấy thì thào bàn tán. Chẳng mấy chốc, lời đồn đại cũng tới tận kinh đô.

Hoàng tử con vua sắp kế nghiệp, vốn là một chàng trai lười biếng học hành nhưng lại ham chơi bời phóng túng. Có khi còn làm cả những việc khinh mất chẳng giữ gìn đến thể diện quốc gia.

Khi hay tin đồn có người con gái tuyệt vời, hoàng tử ngày đêm ao ước, đứng ngồi không yên. Nghĩ rằng mình là hoàng thái tử, ở ngôi Đông cung, sắp tới sẽ được kế vị ngai vàng, thì chẳng lẽ lưu vật ấy còn dành cho ai nữa? Nếu không đến mau, e rằng nàng đã thành gia thất thì thật uổng phí… Thế là, hoàng tử giấu bặt vua cha, chọn một đoàn bộ hạ tin cẩn rồi lặng lẽ rời khỏi kinh thành, nhằm về hướng nam thẳng tiến. Ngày đi, đêm đi, chỉ dừng lại những khi thật mệt nhọc, chẳng mấy chốc đoàn người ngựa đã gần tới chân đèo Ngang.

Ở nơi mở quán, Tiên Chúa bấm độn biết hoàng tử đang đến tìm mình, lại cũng biết đó là một chàng trai vô vị, tầm thường, kiêu căng mà hiếu sắc.

Để răn đe trước, Tiên Chúa hóa phép biến thành cây đào mọc ở bên đường, ngay chỗ hoàng tử đang dừng chân. Trên cây chỉ có một quả đang chín mọng.

Vừa chợt thấy quả đào, hoàng tử tưởng là của trời cho, không đợi sai lính hầu, vội trèo ngay lên cây ngắt xuống. Quả đào ửng đỏ, thơm phức, vừa cầm trên tay, Hoàng tử đã vội đưa ngay lên miệng. Bỗng đâu, chỉ trong chớp mắt, quả đào nhỏ dần rồi biến mất, ngay trên tay hoàng tử. Bọn lính hầu thấy vậy kinh hãi kêu lên, còn hoàng tử cũng mặt cắt không còn giọt máu. Sau cơn bàng hoàng, cả bọn lại hò nhau lên đường, hoàn toàn không hiểu tý gì về ngầm ý răn đe mà Tiên Chúa đã báo trước.

Khi giáp mặt cô chủ quán, cả thầy lẫn tớ đều thảng thốt thẫn thờ. Thật danh bất hư truyền, chưa bao giờ hoàng tử thấy một người con gái nào đẹp đến như thế. Và cũng chưa bao giờ chàng ta lại mê mẩn cuồng si đến như thế.

Hoàng tử hạ lệnh cho quân lính dừng chân, rồi gọi đồ ăn thức uống. Cố tình trưng ra quần áo bảnh bao và những cọc tiền vàng óng. Lại cố tình ăn uống khề khà cho thật chậm thật lâu, cốt sao kể kéo đến tận chiều tối. Rồi khi mặt trời tắt hẳn, cả bọn mới giả bộ ngây ngô, nói rằng trời tối thế này thì đi làm sao được.

Một tên vò đầu bứt tai, xun xoe đến gần cô chủ quán:

– Xin cô vui lòng cho chúng tôi nghỉ lại trong quán một đêm nay, tiền nong hết bao nhiêu chúng tôi cũng chẳng ngại…

Tiên Chúa thừa rõ tâm tư của cả bọn này, bèn tươi cười đáp:

– Ấy chết, các ông là những người quý phái, nghỉ lại đây sao tiện. Chỉ đi nửa dặm nữa là có xóm có làng, có dân phu phục dịch. Ở đây vừa mất tiền vừa chật chội. Vả lại quán chúng tôi là phận đàn bà con gái, không nhận khách trọ đàn ông bao giờ.

Nghe thấy thế, hoàng tử đứng bật dậy, sẵng giọng:

– Đàn ông với chẳng đàn bà. Đã là quán hàng, chẳng nơi nào có sự phân biệt như thế. Trời tối rồi, chẳng lẽ để chúng ta ngủ ở giữa đường hay sao? Quân bay, cứ vào dọn dẹp.

Tiên Chúa lặng thinh không nói gì. Tưởng chủ quán hoảng sợ, hoàng tử liền đổi giọng, vừa nói vừa vỗ vỗ vào túi tiền lớn mà tên lính hầu vẫn đeo bên mình:

– Xin cô đừng lo. Chỉ một đêm nay cô cũng kiếm được bằng mấy năm mở quán.

Tiên Chúa bỏ vào phòng trong, không muốn nghe nữa.

Ở phòng ngoài, bọn lính hầu thu dọn các thứ vào một góc rồi quây màn trướng cho hoàng tử nghỉ. Còn bọn chúng thì nằm la liệt quanh quán.

Khi ấy, đang tiết tháng tám, trời thu mát mẻ, và ở giữa chân đèo thoáng đãng, trăng gió lại như khách hữu tình. Hoàng tử sai bày tiệc rượu rồi năn nỉ mời chủ nhân ngồi đối ẩm.

Tiên Chúa, phần vì không muốn để người của triều đình mất thể diện, phần thì cũng muốn thử xem bọn này còn định giở trò gì, nên cũng nhận lời. Dưới ánh đèn, vừa uống rượu hoàng tử vừa huyên thuyên, khoe khoang đủ mọi thứ chuyện. Nào là nay mai sẽ lên ngôi thiên tử. Nào là gấm vóc bạc vàng sẽ chẳng thiếu thứ gì. Nào là ai mà được ở ngôi hoàng hậu thì sẽ là người diễm phúc…

Tiên Chúa im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng lại gật đầu ra ý tán thưởng, mặc dù đã cười thầm trong bụng.

Thấy vậy, hoàng tử tưởng “nàng” đã xiêu lòng, liền hoa chân múa tay rất là đắc ý, rồi bất thình lình, ôm gọn cô chủ quán vào trong lòng. Tiên Chúa bừng bừng nổi giận, gạt phắt Hoàng tử ra, chạy thẳng vào trong buồng. Hoàng tử loạng choạng đứng dậy, và trong cơn si cuồng rồ dại, cũng chạy vào theo.

Chỉ trong chớp mắt, Tiên Chúa đã phi thân lên núi, bắt ngay một con khỉ cái mang về. Lại hóa phép cho nó thành một cô gái cực kỳ xinh đẹp, còn mình thì biến đi.

Ở trong buồng, lúc đầu Hoàng tử chẳng nhìn thấy gì, sau một hồi mắt đã quen với bóng tối, mới lờ mờ nhận thấy “cô gái” đang ở trong góc, bèn nhảy tới, ôm ghì lấy rồi đè xuống. Đúng lúc ấy, “cô gái” lại biến thành con khỉ, do Tiên Chúa đã hóa phép. Hoàng tử kinh hãi rụng rời, kêu rú lên một tiếng thảm thiết, rồi ngã vật ra, bất tỉnh nhân sự.

Bọn lính hầu ở bên ngoài nghe tiếng rú, tưởng chủ nhân bị hại liền bật cả dậy, xông thẳng vào buồng. Có tên còn giật vội mấy mẩu nến đang cháy ở bàn tiệc, để soi cho rõ. Trước mặt chúng, cảnh tượng bày ra mới khiếp hãi làm sao. Con khỉ cái miệng rộng đến tận mang tai, nhe hai hàm răng trắng ởn, đang cười lên khành khạch. Rồi vụt một cái, khỉ lại biến thành con rắn hổ mang, bạnh cổ, thè lưỡi phun ra phì phì … Rắn hổ ngạo nghễ trườn lên người hoàng tử, rồi trườn lên vách, vươn lên xà nhà, đi mất …

Trong bọn lính hầu, nhiều tên cũng ngất xỉu. Còn lại những tên cứng bóng vía nhất, sau cơn bàng hoàng, vội vực hoàng tử dậy và lay gọi những tên kia. Chúng nháo nhào cả lên, hà hơi, đánh gió, xoa dầu … hàng tiếng đồng hồ sau hoàng tử mới tỉnh lại.

Ngay nửa đêm hôm đó, bọn lính hộc tốc đưa hoàng tử về trạm gần nhất, rồi từ đấy, ngày đi đêm nghỉ, đưa chàng ngược trở lại kinh đô. Về tới hoàng cung, Hoàng tử đã trở thành một kẻ ngẩn ngơ, điên điên dại dại… Cả hoàng triều bối rối, lo sợ. Tìm thầy tìm thuốc có đến cả tháng mà bệnh tình hoàng tử vẫn không thuyên giảm. Kịp có viên đại thần người gốc xứ Thanh Hóa đến báo: ở quê có tám vị Kim Cương bùa pháp cực giỏi có thể chữa được bách bệnh, cho người vào xin thì mới cứu được.


Một ngàn năm về trước Phật Bà Quan Âm một lần hiện ra ở biển Đông, hóa phép thành hai cái túi, một ở giữa biển, một ở trên núi Ó thuộc làng An Đông đều ở xứ Thanh. Sau thời gian rất lâu, hai túi nở thành hai đóa hoa, và từ mỗi đóa hoa, lại hiện ra bốn vị thần tướng đều có phép thuật biến hóa thật là huyền nhiệm.

Theo lệnh Phật Bà, tám vị thần tướng tỏa đi tám hướng, thân chinh mang thuật pháp tiểu trừ bọn tà ma vẫn đang lẩn quẩn sách nhiễu trong vùng. Khi bọn tà ma bị diệt, Phật Bà lại triệu hồi họ về chỗ cũ. Người trong vùng vẫn quen gọi là Bát bộ Kim Cương.

Lập tức một bọn thị vệ được lệnh nhà vua trở vào Thanh Hóa để xin bùa phép. Nhờ có bùa phép, hoàng tử dần dần khỏi bệnh. Sau khi bình phục, hoàng tử cúi đầu nhận tội trước vua cha, và kể lại sự việc xảy ra ở chân đèo Ngang, tuy nhiên cũng đã tìm cách nói sao để giảm nhẹ lỗi lầm của mình. Nhà vua, vốn sẵn cảm tình với bà phi sinh ra hoàng tử thứ hai, nên chẳng ngại ngần truất ngôi Đông cung của hoàng thái tử và lập con thứ lên thay. Tuy vậy, tay đứt ruột xót, lại căm giận một kẻ tiện dân mà dám động vào người hoàng tộc, nên trong bụng nghĩ phải quyết ra tay diệt trừ.

Vì nghe câu chuyện có vẻ lạ lùng nên nhà vua chẳng dám khinh xuất, bèn cho tên tướng thân tín cùng một tốp lính đi điều tra nội vụ. Một tháng sau, viên tướng trở về tấu trình ngọn ngành mọi chuyện. Nhà vua, vốn là bậc cao kiến, nghĩ rằng chỉ có các Pháp sư và Phù thủy cao tay mới có thể diệt trừ được kẻ “yêu nữ” này.

Các pháp sư và phù thủy lừng danh trong nước lập tức được lệnh triệu hồi về kinh, dẫn sĩ tốt đi chinh phạt. Chẳng bao lâu sau, những kẻ sống sót đều phải quay về, nạp mình trước sân rồng hoạch tội, vì chẳng những không bắt được nữ chủ quán mà lại còn bị đánh cho tan tác, tơi bời. Bất đắc dĩ, nhà vua phải cầu cứu đến tám vị Kim Cương.


Tám vị này, vốn là những bậc tu hành, chẳng mặn mà gì đến chuyện đánh dẹp của triều đình, lần trước có cho bùa phép thì chẳng qua chỉ là muốn cứu vớt một kẻ nạn nhân mà thôi.

Nhà vua phải cho đại thần mang lễ vật đi lại nhiều lần mới thỉnh cầu được họ. Các vị Kim Cương, sau khi nhận lời, bèn phi thân tới đèo Ngang. Sau khi bài binh bố trận xong, họ dụ Tiên Chúa vào giữa, rồi từ tám hướng tiến vào đánh.

Ở giữa vòng vây, Tiên Chúa chẳng hề nao núng, ứng phó cực kỳ linh hoạt. Các phép thuật của các vị Kim Cương đều bị mất hiệu lực. Cây đổ, đá lăn, thú dữ nhe nanh múa vuốt cũng không làm hại được Tiên Chúa. Thoắt biến rồi thoắt hiện, các phép thuật của các vị Kim Cương đều như nhằm vào chỗ không người, nhiều khi lại nhầm vào nhau, tự gây ra thiệt hại. Tiên Chúa thản nhiên như thường còn các vị Kim Cương càng lúc lại càng thấm mệt. Khi đã núng thế, một vị bay vút lên trời, đi cầu khẩn Đức Phật, xin một cái túi, nói là để bắt yêu tinh vừa mới xuất hiện.

Nhờ cái túi thần, cuối cùng các vị Kim Cương đã lừa bắt được Tiên Chúa. Họ đưa Tiên Chúa về kinh, trình trước sân rồng. Nhà vua sai thiết triều rồi xét hỏi:

– Nhà ngươi là ai?

– Muôn tâu … Tiên Chúa đáp. Tôi là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, xuống trần làm người mở quán bán hàng.

– Mở quán bán hàng thì cớ sao lại làm hại đến hoàng tử?

– Thưa… ở đời có lửa thì ắt có khói, có nhân ắt có quả. Tôi chỉ trừng trị kẻ nào làm điều bất thiện mà thôi. Nếu đấy là hoàng tử thì lại càng phải xử công minh để làm gương cho bàn dân thiên hạ, như vậy mới là đúng với phép nước.

Nhà vua thấy không còn gì hỏi được nữa, nhưng cũng chẳng thể để mất thể diện quốc gia, bèn để nét mặt ra vui tươi, rồi hỏi:

– Công nương nói chí phải. Ta đã có chiếu trách phạt hoàng tử rồi. Nay chỉ muốn hỏi công nương cho rõ mọi chuyện mà thôi.

Sau khi nghe Tiên Chúa kể lại hành vi của Hoàng tử, Nhà vua đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nói lời cảm tạ rồi chúc Tiên Chúa lên đường may mắn…

Cuộc gặp gỡ với Phùng Khắc Khoan và nguồn gốc di tích Phủ Tây Hồ

Tiên Chúa không trở lại chân đèo Ngang nữa, mà lại vân du theo hướng Bắc, đến miền xứ Lạng, là nơi có nhiều phong cảnh đẹp. Các động Tam Thanh, Nhị Thanh… là nơi Tiên Chúa thường hay thăm viếng. Một lần đang trên đường, Tiên Chúa gặp đoàn sứ do Phùng Khắc Khoan dẫn đầu đi sứ sang Trung Hoa.

Gặp người con gái đẹp, xưa nay chưa từng thấy bao giờ, ông chánh sứ cảm kích ứng khẩu đọc liền một bài thơ tứ tuyệt. Nào ngờ nghe xong, Tiên Chúa cũng ứng khẩu đọc luôn mấy câu thơ đối lại. Các vị trong đoàn sứ bộ thảy đều ngạc nhiên, và cảm phục vì tài đối đáp, vì lời thơ vừa trang nhã lại đầy ý tứ. Thế là họ bảo nhau dừng chân mấy ngày ở trạm nghỉ, rồi mời Tiên Chúa ở lại cùng nhau xướng họa đề thơ.

Khi hỏi lai lịch, nơi ở, Tiên Chúa chẳng nói năng gì mà chỉ đọc lên một bài thơ đố. Phùng Khắc Khoan vốn là người nhanh trí, hiểu rằng người con gái này chẳng phải người thường, bèn đọc một bài thơ hẹn gặp lại, sau khi đoàn sứ trở về.

Nhớ lời hẹn, một năm sau Tiên Chúa có mặt ở vùng Hồ Tây ngay bên cạnh kinh thành. Khi ấy Phùng Khắc Khoan đã hoàn thành sứ mạng trở về, cùng hai người bạn là ông Ngô, ông Lý đang đi vãn cảnh. Họ gặp nhau mừng rỡ, chuyện trò, rồi lại đề thơ, xướng họa như xưa. Cả ba người, là những bậc tài danh đương thời, đều hết lòng thán phục tài thơ của Tiên Chúa vừa thanh cao, lại vừa huyền nhiệm, không lời nào có thể nói hết được.

Hiện nay những câu đối, những dấu tích về 2 lần gặp gỡ tại Lạng Sơn và Phủ Tây Hồ còn lưu lại ở Đền Mẫu Đồng Đăng (nơi Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh lần đầu) và Phủ Tây Hồ (lần gặp thứ 2)

(Xem tiếp trang 3)