Quý Tiện Lâm, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, nhà phiên dịch văn học, chuyên gia tiếng Phạn và tiếng Pali đã từng nói: Học thuộc 148 câu thơ cổ này, bạn có thể đề cao tầng thứ, không chỉ về phương diện văn học. Đối với những nhà thư pháp gia mà nói, học thuộc những bài thơ từ này, khai bút sẽ có thể dễ dàng trôi chảy rồi.

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả những câu cổ thi nổi tiếng trong kho tàng văn hoá truyền thống phương Đông, ngõ hầu khơi gợi lại phong vị cổ kính thanh tao dường như đều có trong sâu thẳm mỗi người. Trải qua mưa gió cuộc đời, chúng tôi tin rằng khi đọc những câu thơ cổ này, quý độc giả sẽ có nhiều chiêm nghiệm.

Tiếp theo kỳ 1   2   3

51.人固有一死,或重於泰山,或輕於鴻毛。(史記報任少卿書)

“Nhân cố hữu nhất tử, hoặc trọng như Thái Sơn, hoặc khinh như hồng mao” (Sử ký – Báo Nhiệm Thiếu Khanh thư).

Dịch nghĩa: Người đời ai cũng phải chết, có cái chết nặng như núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Tư Mã Thiên viết “Thư đáp Nhiệm Thiếu Khanh” vào thời điểm ông đang viết dở bộ Sử ký thì bị tội thiến, đã ra khỏi ngục, không được làm Thái sử lệnh nữa mà làm một chức quan hầu cận Hán Vũ Đế. Trong thư, ông bộc bạch rằng sở dĩ còn nuốt nhục mà ráng sống là vì “chết đi thì văn chương không tỏ rõ được với đời sau”, “tự ký thác chí hướng vào lời văn thô thiển, thu thập những việc cũ tản mát trong thiên hạ (…), cũng là muốn nghiên cứu đạo lý trong thiên hạ, tìm hiểu những lẽ biến thiên xưa nay, lập thành học thuyết của một nhà”. “Sử ký” của Tư Mã Thiên là bộ sách sử vĩ đại bậc nhất trong lịch sử thế giới, riêng lượng chữ đã phi thường (526.500 chữ) (Theo “Sử ký Tư Mã Thiên” – Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê).

52.智者千慮,必有一失;愚者千慮,必有一得。(史記淮陰侯列傳)

“Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất; ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc” (Sử ký – Hoài Âm Hầu liệt truyện).

Dịch nghĩa: Người thông minh suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần thất thủ, kẻ ngu dốt suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần đắc thủ.

Câu nói này là của Lý Tả Xa, vị quân sư lỗi lạc của Hàn Tín. Ông ban đầu là phó soái của Triệu Vương, Triệu Vương không nghe theo kế sách của Lý Tả Xa nên đại bại trước Hàn Tín. Hàn Tín treo thưởng ngàn lượng hoàng kim cho ai bắt được Tả Xa, sau đó lại đích thân cởi trói cho Tả Xa, dùng lễ đối với sư phụ để tiếp đãi.

Ban đầu Lý Tả Xa thà chết không nói một câu, nhưng thành ý của Hàn Tín đã làm ông cảm động, buông bỏ hận thù trong lòng, trở thành mưu sĩ mà Hàn Tín tin cậy nhất, giúp Hàn Tín diệt Yên, bình Tề.

Sau khi Lưu Bang lên ngôi Hoàng Đế, Hàn Tín công cao chấn chủ bị giáng chức xuống làm Hoài Âm Hầu. Dù vậy, kể từ đó Lưu Bang vẫn không yên tâm, triệu Lý Tả Xa vào kinh thành, để ông phụ tá thái tử Lưu Doanh. Sau khi Hàn Tín bị Lã Hậu hại chết, Lý Tả Xa vô cùng đau lòng, ông lựa chọn từ quan quy ẩn.

Người thông minh suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần thất thủ, kẻ ngu dốt suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần đắc thủ.
Người thông minh suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần thất thủ, kẻ ngu dốt suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần đắc thủ. (Ảnh: lishiquwen.com)

53.繩鋸木斷,水滴石穿。(漢書枚乘傳)

“Thằng cứ mộc đoạn, thuỷ tích thạch xuyên” (Hán Thư – Mai Thặng truyện).

Dịch nghĩa: Thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn.

54.若要人不知,除非己莫為。(漢枚乘上書諫吳王)

“Nhược yêu nhân bất tri, trừ phi kỷ mạc vi” (Hán Mai Thặng – Thượng thư gián Ngô vương).

Dịch nghĩa: Nếu không muốn người khác biết, trừ phi bản thân đừng làm (việc đó).

55.少壯不努力,老大徒傷悲。(漢樂府長歌行)

“Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi” (Hán Nhạc Phủ – Trường ca hành).

Dịch nghĩa: Khi trẻ khỏe, không gắng sức tự cường, đến khi tuổi cao, chỉ có thể tự mình đau buồn hối hận mà thôi.

56.疾風知勁草,歲寒見後凋。(後漢書王霸傳)

“Tật phong tri kính thảo, tuế hàn kiến hậu điêu” (Hậu Hán Thư – Vương Bá truyện).

Dịch nghĩa: Gió mạnh (mới) biết cỏ cứng, đông lạnh (mới) thấy héo úa sau cùng.

Câu này ý muốn nói, trong gian khổ hoạn nạn mới thấy rõ anh hùng, bão tố cuộc đời chính là trường khảo nghiệm đối với người quân tử.

Gió mạnh (mới) biết cỏ cứng, đông lạnh (mới) thấy héo úa sau cùng.
Gió mạnh (mới) biết cỏ cứng, đông lạnh (mới) thấy héo úa sau cùng. (Ảnh: qiao88.com)

57.失之東隅,收之桑榆。(後漢書馮異傳)

“Thất chi đông ngung, thu chi tang du” (Hậu Hán Thư – Phùng Dị truyện).

Dịch nghĩa: Mất ở gốc đông (lúc mặt trời mọc), thu lại góc tây (lúc mặt trời lặn).

Ý nói ban đầu lầm lỡ mất mát, về sau lại đền bù được vậy. Trong vũ trụ này có lý “không mất thì không được”, và “thiện ác hữu báo”. Đạo Trời vốn công bằng, bạn cho đi bao nhiêu thì ắt sẽ nhận lại được bấy nhiêu vậy.

58.精誠所至,金石為開。(後漢書廣陵思王荊傳)

“Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai” (Hậu Hán Thư – Quảng Lăng Tư vương Kinh truyện).

Dịch nghĩa: Tâm hết mực chân thành có thể khiến vàng đá mở ra.

Con người thực sự thành tâm có thể cảm động được trời đất, khiến đá vàng vì vậy mà nứt ra. Ý nói thành tâm thành ý thì dẫu khó khăn đến đâu cũng đều có thể giải quyết được.

Vào thời Tây Hán, có một võ tướng trứ danh tên là Lý Quảng, giỏi cưỡi ngựa bắn tên, ra trận vô cùng dũng cảm, nên được gọi là “Phi tướng quân”.

Có một lần, Lý Quảng đi săn ở chân núi Sơn Nam, chợt phát hiện trong bụi cỏ có một con mãnh hổ. Lý Quảng vội vàng giương cung lắp tên, toàn thần chăm chú, dùng hết sức lực bắn ra một mũi tên. Vốn có tài bắn cung rất giỏi, Lý Quảng cho rằng con hổ nhất định đã bị trúng tên mà chết nên đến gần để xem, không ngờ bắn vào là một tảng đá có hình dạng giống con hổ. Mũi tên không những cắm vào tảng đá mà gần như toàn bộ mũi tên còn đâm xuyên qua đó.

Lý Quảng vô cùng sửng sốt, không tin mình có thể có khí lực lớn đến vậy nên ngay sau đó liền thử lại một lần nữa. Anh ta lùi lại mấy bước, giương cung lắp tên, lấy hết sức hướng về phía tảng đá mà bắn. Nhưng liên tiếp mấy mũi tên đều không cắm được vào tảng đá, cái thì bị vỡ nát, cái thì bị gãy đôi, trong khi tảng đá chẳng hề hấn chút nào.

Mọi người đối với chuyện này thì vô cùng kinh ngạc, đều nghi ngờ không giải thích được, ngay sau đó họ liền đến thỉnh giáo học giả Dương Hùng. Dương Hùng đáp: “Nếu như thành tâm thành ý, thì sắt đá cũng phải cảm động”.

Tâm hết mực chân thành có thể khiến vàng đá mở ra
Tâm hết mực chân thành có thể khiến vàng đá mở ra. (Ảnh: sohu.com)

59.貧賤之知不可忘,糟糠之妻不下堂。(後漢書宋弘傳)

“Bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường” (Hậu Hán Thư – Tống Hoằng truyện).

Dịch nghĩa: Nghèo hèn thì không thể quên bạn tri kỷ, người vợ từ thủa hàn vi không thể bỏ được.

Tống Hoằng là đại thần thời kỳ đầu Đông Hán, nổi tiếng chính trực vì dân, làm quan thanh liêm, dám nói lời ngay thẳng.

Chị gái của Quang Vũ Đế là Hồ Dương công chúa sớm đã góa bụa, Quang Vũ Đế liền mời nàng đàm luận cùng với quần thần trong triều đình, công chúa nói: “Tống đại nhân là người uy nghiêm trọng đức, quần thần không ai sánh bằng”.

Sau này Quang Vũ Đế triệu đưa Tống Hoằng đến diện kiến. Quang Vũ Đế liền kêu công chúa ngồi phía sau tấm bình phong, rồi nói với Tống Hoằng: “Ngạn ngữ có câu: ‘Sang đổi bạn, giàu đổi vợ’, phải vậy không?”

Tống Hoằng liền đáp: “Thần nghe rằng: ‘Nghèo hèn thì không thể quên bạn tri kỷ, người vợ từ thủa hàn vi không thể bỏ được’”. Hoàng đế Quang Vũ quay sang phía công chúa nói: “Việc bất thành rồi”.

60.志士不飲盜泉之水,廉者不受嗟來之食。(後漢書)

“Chí sĩ bất ẩm đạo tuyền chi thuỷ, liêm giả bất thụ ta lai chi thực” (Hậu Hán Thư).

Dịch nghĩa: Bậc chí sĩ dẫu khát mấy cũng không uống trộm nước suối, người liêm khiết dẫu đói mấy cũng không ăn miếng nhục.

Theo Soundofhope.org
Như Ý biên dịch và chú giải