Khi phải đối diện với một trận động đất mạnh cấp 8, với cương vị là Hoàng đế đương triều, Khang Hy đã xử lý như thế nào?
Khang Hy (1654 – 1722) tên thật là Ái Tân Giác La Huyền Diệp, là Hoàng đế thứ tư của triều đại nhà Thanh. Ông trị vì 61 năm, là bậc quân vương có thời gian tại vị lâu nhất trong 12 đời đế vương, đồng thời cũng là vị vua có trí dũng trời ban, tài trí mưu lược, một đời hiển hách, công danh rạng ngời.
Huyền Diệp tư chất thông minh, từ nhỏ đã cần mẫn học tập, thông thạo các sách thánh hiền, lục kinh yếu chỉ. Dân gian truyền rằng, mỗi bài văn ông đều đọc 100 lần, sao chép 100 lần và học 100 lần. Bởi vậy mà ngay từ nhỏ, Hoàng đế đã dưỡng thành một tính cách dũng mãnh kiên cường, là bậc quân vương văn võ song toàn, đa tài đa nghệ, lại xử lý công việc quốc gia đại sự rất khéo léo, ổn thỏa.
Trưa 28/7 năm Khang Hy thứ 18 (tức ngày 2/9/1679), một trận động đất kinh hoàng với tâm chấn tại Bình Cốc Tam Hà mạnh 8 độ richter xảy ra tại kinh đô. Trận động đất không những ảnh hưởng tới kinh thành, mà còn gây thiệt hại tới 6 tỉnh xung quanh bao gồm: Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Liêu Ninh, Sơn Đông, Hà Nam cùng với hơn 200 châu huyện khác nhau. Tại kinh thành, nhiều đoạn tường thành, các trụ sở chính quyền, nhiều nhà dân đều bị đổ sập, rất nhiều người chết và bị thương.
Đối diện với tai họa xảy ra bất ngờ, Hoàng đế Khang Hy nhanh chóng thực hiện các biện pháp khác nhau để khắc phục hậu quả, giảm thiểu tổn thất tới mức tối ta. Một mặt ông lấy 10 vạn lượng bạc trong kho bạc nhà nước để cứu trợ nạn dân. Mặt khác ông kêu gọi các quan lại và những người giàu có quyên góp tiền của để cứu trợ.
Nhưng quan trọng nhất là ông ra lệnh cho quan lại lớn bé trong triều phải nghiêm chỉnh kiểm điểm lại bản thân và các công tác của mình một cách toàn diện. Ông tự mình làm gương “biết kính sợ Trời Đất” và “liêm khiết tiết kiệm”, đồng thời yêu cầu các quan phải “nhất định sẽ nhổ tận gốc các tệ nạn xã hội đã kéo dài bấy lâu nay”. Ông nói: “Các khanh cần loại bỏ từ tận gốc thói hư tật xấu của bản thân, công chính tự thề với mình, ra sức cải đổi những điều sai trái của bản thân, nuôi tâm chí vì dân vì nước”.
Hai ngày sau khi xảy ra động đất, vua Khang Hy ra lệnh triệu tập nội các, các quan Cửu khanh, chiêm sự, khoa, quan lại Mãn Hán, còn cho gọi các Đại học sĩ Minh Châu, Lý Úy tới cung Càn Thanh, nghiêm khắc căn dặn và phê bình mấy viên quan “từ lúc được bổ nhiệm tới nay, sinh kế quá đầy đủ, hoàn toàn chẳng còn chút tâm đền ơn báo quốc”, chẳng những không thanh liêm chuyên cần mà ngược lại hành vi “càng thêm tham lam vô độ, đã thành thói quen” rồi. Hoàng đế còn tỏ rõ quyết tâm, nếu những loại người “gian ác” như thế không “cố gắng tỉnh ngộ và thay đổi”, một khi bị điều tra ra thì “hoàn toàn chiếu theo quốc pháp, quyết không tha thứ”.
Vài ngày sau, Khang Hy lại một lần nữa triệu tập các quan lại người Mãn, người Hán, trên từ quan Học sĩ xuống dưới tới quan Phó đô ngự sử ra cửa Tả dực môn, cho người truyền chỉ thị, tuyên bố rõ 6 điều tệ nạn trong việc chính sự mà ông nhận thấy:
Một là: Các cấp quan lại cai trị hà khắc và bắt dân chúng phải lao dịch nặng nề, vơ vét của dân cho đầy túi tham khiến nhân dân khốn khổ.
Hai là: Có rất nhiều quan đại thần vì tư lợi mà làm trái phép công.
Ba là: Trong lúc dùng binh, tùy tiện giết người đốt nhà, cướp bóc của người dân vô tội.
Bốn là: Quan lại địa phương chứng kiến những điều khốn khổ của nhân dân mà không dâng sớ tâu trình phản ánh. Còn đối với việc cứu trợ cho dân chúng những lúc thiên tai hạn hán, thì xâm phạm cướp đoạt bừa bãi, báo cáo giả dối, nhân dân trong thực tế không được hưởng sự cứu trợ của nhà nước.
Năm là: Hình phạt tù ngục bất công, nhiều vụ án tồn đọng không xem xét giải quyết.
Sáu là: Người nhà và nô bộc của nhiều vương công đại thần chiếm đoạt lợi ích của dân đen, can thiệp vào việc kiện cáo tố tụng, làm càn bậy coi thường pháp luật.
Khang Hy yêu cầu các quan đại thần, phải đề xuất các biện pháp cụ thể để nghiêm cấm 6 loại tệ nạn như trên. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng, muốn loại trừ được tệ nạn, thì mấu chốt là các quan lớn phải làm gương mẫu trước tiên, bởi vì “Quan đại thần liêm chính, thì các quan Tổng đốc, Tuần phủ mới kiêng sợ, không dám vì việc tư lợi mà làm trái pháp luật. Tổng đốc, Tuần phủ thanh liêm chính trực, thì quan lại cấp dưới tự nhiên sẽ có phẩm hạnh trong sạch, tuy chỉ có một chút lỗi lầm thiếu sót cũng nhất định lo lắng và tu chỉnh, không gây ra những việc tổn hại nặng nề cho dân chúng”.
Các quan đại thần căn cứ theo lệnh của Hoàng đế, trong vòng 10 ngày đã nghĩ ra các biện pháp trừ bỏ 6 điều tệ nạn kể trên, bao gồm “cách chức truy tố”, “vĩnh viễn không bổ nhiệm làm quan” và cả biện pháp xử phạt nghiêm khắc là tử hình đối với những kẻ vi phạm nghiêm trọng. Khang Hy đã phê chuẩn những biện pháp xử lý ấy.
Hoàng đế Khang Hy sở dĩ làm như vậy bởi ông luôn tuân theo quy luật của vũ trụ, là người “Kính Trời hiểu mệnh”. “Trời” ở đây tức là Tự Nhiên, tức là đặc tính của vũ trụ, siêu việt không gian và thời gian. Người Trung Quốc từ xưa đã nhận thức được quy luật “Thiên nhân hợp nhất”, hiểu được rằng có những sức mạnh tiềm ẩn đằng sau mọi thứ trong tự nhiên. Vì vậy, những thiên tai ấy thường là sự cảnh cáo từ Thiên thượng.
Ngày nay, do ảnh hưởng của quan niệm vô Thần, người ta đã dần mất đi niềm tin vào Thần Phật. Những thiên tai vốn là lời cảnh báo của Thần Phật, trong mắt họ chỉ còn là những thảm họa tự nhiên. Người ta dùng đủ mọi loại thuốc để trừ bệnh dịch nhưng không biết được rằng tu sửa nhân phẩm mới chính là cách phòng trị tai họa hữu hiệu nhất. Mấy ai có thể được như Hoàng đế Khang Hy, biết hướng vào nội tâm mà suy xét lỗi lầm, mà tu chỉnh thuận theo cơ Trời để lại đạt được trạng thái “Thiên nhân hợp nhất”?
Kiên Định