Một cá nhân trong mệnh không có điều gì đó, liệu có thể dựa vào đi cửa sau mà đạt được những gì mình muốn không? Đối với những chuyện nhỏ thì cũng có thể đi cửa sau nhờ vả được, nhưng một khi liên quan đến những việc lớn về danh lợi, chẳng hạn như thi cử đỗ đạt v.v., nếu trong mệnh không có, thì dù có đi cửa sau cũng không thể thành tựu, dưới đây là một ví dụ.
Trong những năm Hiếu Tông Thuần Hy của nhà Nam Tống, Vương Hoài làm tể tướng, trình thư lên hoàng đế xin cho Uông Ứng Thìn làm tri cống cử chủ trì kỳ thi tiến sĩ. Ông đích thân viết thư cho Uông Ứng Thìn, thúc giục lên Kinh càng sớm càng tốt.
Khi Uông Ứng Thìn chuẩn bị lên đường, liền nhớ đến một người bạn thuở còn nghèo khó, ông trong đời thân thiết nhất với người bạn này, mặc dù bản thân đã là quan cao, bổng lộc hậu hĩnh, nhưng người bạn này thì đã qua nhiều lần ứng thí, nhưng đều bị quan viên Bộ Lễ chủ trì kỳ thi loại bỏ. Uông Ứng Thìn trong tâm rất nhớ người bạn, nên đã viết một lá thư đưa cho con rể của người bạn, hẹn anh chàng đến một ngôi chùa ở huyện Phú Dương để gặp mặt. Con rể của người bạn sau khi nhận được lá thư liền đến ngay.
Uông Ứng Thìn ở cùng phòng với anh chàng, giường đối giường. Trong đêm khuya, Uông Ứng Thìn lặng lẽ nói với anh ta: “Ta lần này vào kinh, rất có khả năng sẽ đảm nhiệm chức tri cống cử, chủ trì kỳ thi tiến sĩ, ta sẽ đặc biệt chiếu cố đến bố vợ của cậu. Khi viết văn chương theo yêu cầu trong đề thi, cậu bảo ông ấy hãy viết lên trước đoạn văn ba chữ cổ, để đánh dấu.” Người bạn cũ sau khi biết được tin này, trong lòng tự nhiên tràn đầy cảm kích và hoan hỉ.
Khi Uông Ứng Thìn chủ trì kỳ thi tiến sĩ, ông tìm đi tìm lại trong các bài thi, quả nhiên tìm thấy một bài viết ba ký tự cổ ở trước chính văn. Uông Ứng Thìn ngay lập tức cho bài văn đó điểm cao và đưa lên hàng đầu. Nhưng khi ông khớp phách, nhìn thấy cái tên, thì đó lại không phải là tên của người bạn! Uông Ứng Thìn trong tâm cảm thấy vô cùng kỳ quái.
Vài ngày sau, bạn cũ của Uông Ứng Thìn đến bái kiến, Uông Ứng Thìn nhìn thấy bạn, hỏa khí bốc lên, liền trách mắng: “Nhất định là bạn chỉ ham tiền tài không muốn danh dự, đã bán bí mật cho người khác! Bạn làm sao có thể làm tôi thất vọng như thế?”
Nhưng người bạn lại chỉ trời thề thốt, nói: “Tôi mắc bạo bệnh, suýt chút nữa thì chết, căn bản không thể tham gia kỳ thi, sao dám tiết lộ cho người khác!” Nhưng Uông Ứng Thìn vẫn không tha thứ cho bạn.
Chẳng bao lâu, người đàn ông đã vượt qua kỳ thi nhờ viết ba chữ cổ đã đến gặp Uông Ứng Thìn. Uông Ứng Thìn hỏi anh ta: “Lão huynh trong kỳ thi đầu tiên, mặt trước tờ giấy viết ba chữ cổ, là vì sao vậy?”
Người đàn ông trầm mặc một lúc lâu rồi mới nói: “Chuyện này rất kỳ quái. Vì tiên sinh đã hỏi tôi, tôi không dám không nói lời chân thật. Khi tôi đến dự thi, từng tá túc một đêm ở một ngôi chùa tại huyện Phú Dương. Đang lúc nhàn rỗi, tôi cùng với hòa thượng trong chùa đang đi tản bộ dọc hành lang, thì nhìn thấy một cỗ quan tài trong phòng, bên trên phủ một lớp bụi dày. Hòa thượng nói: ‘Đây là con gái của một viên quan, quan tài đã đặt ở đây mười năm, mà không có người thân nào đến nhận cốt nhục. Chúng tôi cũng không dám tự tiện mai táng khi chưa được phép!’ Hai người chúng tôi trầm mặc một lúc rất lâu. Đêm đó, tôi mơ thấy một nữ nhân từ hành lang bước tới hỏi tôi: ‘Quan nhân lên kinh thành thi cử, tiểu nữ có một câu muốn nói với bác. Khi bác đi tham gia kỳ thi, có thể viết ba chữ cổ lên trước bài chính văn, nhất định sẽ trúng cao! Chỉ hy vọng bác đừng quên tôi, để đống thịt hủ xương thối của tiểu nữ sớm được an táng!’ Sau khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy điều này thật kỳ lạ, nên tôi đã làm như lời cô nương ấy nói, quả nhiên tôi đã thi trúng đầu bảng. Gần đây tôi đã đến chùa để mai táng cho cô nương.”
Uông Ứng Thìn nghe xong lời này, không khỏi kinh ngạc hồi lâu!
Sự việc này có hai phương diện cảnh báo mọi người không nên gian lận, thứ nhất là: công danh phú quý đều là việc trong mệnh đã định, nếu có, sẽ có quỷ thần đến giúp đỡ bạn; Nếu không có, thì dù bản thân quan chủ khảo có muốn chiếu cố cho bạn thi đỗ, thì cũng không thành. Đến cuối cùng, ngay cả bước vào trường thi cũng không xong, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của thông minh tài trí! Thứ hai là: Khi một người sinh một niệm đầu, nói một câu nói, thì dù đêm khuya người tĩnh, không ai biết đến, nhưng quỷ thần đều sẽ biết! Nếu có người trong thâm tâm muốn lừa gạt người khác, cho rằng sẽ không có người nhìn thấy, thì đó là hồ đồ mà thôi!
Dưới đây lại kể một câu chuyện khác về một thư sinh nghèo nhận nuôi đứa bé bị bỏ rơi, cuối cùng trúng bảng vàng.
Chuyện xảy ra vào thời nhà Thanh, có một vị thư sinh tên là Viên Đạo Tế ở Ninh Ba, Chiết Giang, nhưng vì gia đình bần hàn, cuộc sống khó khăn, chàng không thể tham gia kỳ thi mùa thu. Mãi đến ngày 15/7, chàng vẫn ở nhà. Có bạn bè thân thích tặng cho chàng ba lượng bạc, khuyên chàng nên ứng thí, nên chàng đã lên đường. Vừa đi được chưa lâu, thì gặp một em bé sơ sinh bị người ta vứt bỏ, không ai nhận nuôi dưỡng, em bé đang khóc oa oa ở đó, như thể đang đói muốn chết. Thư sinh họ Viên rất cảm thương đứa trẻ, liền móc túi rút ra ba lượng bạc giao cho hai vợ chồng ở quán đậu phụ gần đó, nhờ họ nuôi dưỡng anh nhi.
Khi chàng đến tỉnh thành, những đồng hương và bạn bè đều chán ghét sự nghèo khó của chàng, không tiếp nạp chàng. Duy chỉ có một tăng nhân biết chàng từ trước miễn cưỡng thu nhận chàng. Đêm đó, vị hòa thượng nằm mơ thấy các vị thần thành hoàng tụ tập với nhau, trình danh sách thi tỉnh cho Văn Xương đế quân xem, nhìn thấy trong đó có một người bị bãi truất, cần phải xác minh và bổ sung người khác. Lúc này, thành hoàng Ninh Ba bẩm báo: “Viên thư sinh có tâm cứu người, người này nên có thể trúng bảng.” Đế quân sai người gọi chàng đến, nhìn thấy chàng dáng vẻ tiều tụy, bèn nói: “Người này tướng mạo không ổn, trông thật xú lậu, làm sao đây?” Thành hoàng bèn bẩm báo: “Việc này dễ giải quyết, có thể bảo phán quan mang râu cho anh ta mượn.” Vị hòa thượng tỉnh dậy, cảm thấy rất sợ hãi.
Sáng sớm hôm sau, ông đang định nói với Viên sinh, khi nhìn thấy Viên sinh, nguyên ban đầu không có râu trên mặt, nhưng hiện tại, đột nhiên hai má của Viên sinh râu mọc rất dài, ông không thể ngừng cười. Viên sinh hỏi tại sao, hòa thượng kể lại cho chàng nghe chuyện xảy ra trong giấc mơ, những gì được nói trong mộng hoàn toàn giống hệt như bộ râu đang mọc của Viên sinh, cả hai đều thập phần kinh ngạc. Sau này, khi bảng vàng được công bố, Viên sinh quả nhiên có tên trong danh sách.
Nguồn: “Hạc lầm ngọc lộ”, “Bắc đông viên bút lục tục biên”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch