Một thần tích kỳ diệu nhất đã xảy ra, tất cả những người xem hỏa thiêu kinh ngạc phát hiện, trong tàn than đen, trái tim của nàng Trinh Đức Jeanne xứ Arc không hề bị lửa thiêu. Một người lính Anh kêu lên: “Thượng Đế ơi, chúng ta đã thiêu chết một vị Thánh”...

Những tòa tháp cao âm u kỳ quái, những bức tường đá xù xì, phủ đầy dây leo, những cánh cửa gỗ cũ kỹ dựa vào những thanh sắt và đinh tán hoen gỉ đã duy trì hàng trăm năm, cứ xô qua xô lại. Ở đây, bạn sẽ dựng hết tóc gáy, bởi vì bạn có thể nghe thấy tiếng la hét thảm thiết và tiếng roi rít trong không khí. Nhưng đây chưa phải là lúc đáng sợ nhất, vào ban đêm ninh tĩnh, khi bạn chỉ có một mình, sàn nhà đá xanh lạnh lẽo sẽ rỉ ra những giọt nước màu đỏ đậm, trăng qua khung cửa sổ bằng sắt như lạc xuống từng tầng từng tầng, âm thanh leo cầu thang kẽo kẹt, càng lúc càng gần, đến trước cửa phòng bạn, rồi đột ngột dừng lại.

Những phiên tòa tôn giáo ở châu Âu thời trung cổ đầy bí ẩn và quỷ dị, phù thủy cuối cùng luôn bị thiêu chết, có đám quần chúng vui vẻ và ngọn lửa đằng đằng, giống như một hội chợ quê bình thường và náo nhiệt. Sau một lần kinh hãi, con người lại sẽ nhanh chóng quên đi, rồi mong chờ niềm hoan lạc được hỏa thiêu một phù thủy khác lần sau.

Nhưng vào năm 1431, một phiên tòa ở Burgundy, miền bắc nước Pháp, đã khiến cả thế giới không thể nào quên. Vì họ đã thiêu chết một nữ anh hùng, một vị cứu tinh, một thiếu nữ mới chỉ 19 tuổi, nữ Trinh Đức Jeanne xứ Arc.

Sự tình bắt đầu với cái chết của Vua Charles IV của Pháp. Vua Charles IV không có con trai thân sinh. Vậy ai sẽ kế thừa vương quyền? Người có huyết thống gần nhất là Edward, cháu ngoại của vua Pháp, vì vậy hãy để Edward thừa kế. Nhưng vấn đề là, người cháu ngoại này có thân phận rất khủng, ông ấy hiện tại đã là vua của nước Anh. Quý tộc nước Pháp đương nhiên không chịu, cái này chẳng phải tương đương với việc nước Anh nuốt chửng nước Pháp sao?

Vì vậy, họ đã liên thủ với Giáo hội để thay đổi các quy tắc, đổi một người khác lên làm vua. Họ còn đòi nước Anh phải trả lại vùng đất nguyên lai thuộc về Pháp. Điều này khiến nước Anh tức giận, bất kể họ hàng thân thích ra sao, hai nước bắt đầu đánh nhau. Cuộc chiến này cũng không hề nhẹ, họ đã đánh nhau ròng rã hơn một trăm năm, nó được gọi là Chiến tranh Trăm năm Anh – Pháp.

Nữ Trinh Đức Jeanne xứ Arc xua tan hắc ám bằng thanh kiếm được Thánh nhân trao trong mộng

Đến năm 1428, người Anh với sự hỗ trợ của Công tước xứ Burgundy của Pháp đã chiếm được một nửa lãnh thổ của Pháp. Khi vua Pháp đang trong thời điểm nguy nan nhất, một thiếu nữ chăn cừu bình thường đã dùng thanh gươm được Thánh nhân ban tặng trong giấc mơ của nàng để xua tan bóng tối, dùng chiếc vương miện sáng ngời mang đến hy vọng cho nước Pháp, nàng chính là Nữ Trinh Đức Jeanne xứ Arc. Những lời hứa và sự an bài của Thượng Đế luôn là thứ mà người thường không cách nào lý giải, vì sao Ngài lại ủy thác một tiểu cô nương tới gánh vác trọng trách cứu nước?

Jeanne ngay từ nhỏ đã yêu thích cầu nguyện và sám hối trong giáo đường. Một lần linh mục nói với nàng: “Hôm nay con đã đến đây nhiều lần, con còn có điều gì muốn sám hối không?” Jeanne nói với linh mục, nàng kỳ thực không có gì để xưng tội, nàng thích đến giáo đường, là vì cứ mỗi lần khi chợt nghĩ đến giáo đường, nàng lại có thể nhìn thấy “Ngài”. Linh mục vội hỏi: “Ngài là ai? Ngài ấy trông như thế nào?” Jeanne đáp: “Y phục màu trắng, trên đầu có một vòng hào quang màu trắng”. Vị linh mục hiểu ra, ông cả đời chưa từng được thấy Thần, mà Jeanne đã nhìn thấy. “Ông ấy nói gì với con?” – vị linh mục muốn biết. “Ông ấy chỉ dẫn cho con, mỗi lần nhìn thấy Ông, con đều cảm thấy một sự ấm áp cực đại”. Jeanne đáp.

Khi cô nương chăn cừu Jeanne xứ Arc mười sáu tuổi, nàng đã gặp một thiên sứ, từ đó nhận được khải thị của Thượng Đế, yêu cầu nàng phục hồi vùng đất nước Pháp đã bị người Anh chiếm đóng vào thời điểm đó. Hình ảnh cho thấy một bức tranh tường mô tả cuộc đời của Jeanne xứ Arc trong nhà thờ Domremy la Pucelle ở miền đông nước Pháp. (Jean Christophe Verhaegen/ AFP)

Mọi người trong làng đều biết, thiếu nữ Jeanne xứ Arc có thể nghe và nhìn thấy Thánh nhân hướng dẫn nàng. Ngày đó, người Anh đã đến, đốt cháy ngôi làng của Jeanne, hãm hiếp em gái của nàng. Jeanne xứ Arc vô cùng sợ hãi đã ngất đi, và khi tỉnh dậy, nàng đã có một thanh trường kiếm đặt ngay bên cạnh. Kể từ đó, nàng khoác lên mình bộ áo giáp của đàn ông, và bắt đầu chiến đấu. Nàng vốn là nữ nhi yếu đuối, nhưng với lực lượng chí thánh chí thiện vốn có, càng ngày càng có nhiều người theo nàng.

Năm 1429, với sự hiệp trợ của Jeanne xứ Arc, vua Charles VII đã cử hành một buổi lễ đăng quang hoành tráng. Sau khi Jeanne xứ Arc giành lại lãnh địa của những quý tộc Pháp bị người Anh chiếm đóng, nông dân sẽ thành lập các thôn làng tự trị ở đây, vì vậy nông dân và binh lính rất yêu mến Jeanne xứ Arc. Mặc dù Jeanne xứ Arc đã giúp nhà vua giành lại vương quyền, nhưng nàng cũng muốn giúp nhân dân giành được quyền lực, tước bỏ quyền lực độc tài của quốc vương. Vua Charles VII muốn trao cho Jeanne danh hiệu bá tước để đổi lấy binh quyền của nàng. Nhưng Jeanne trả lời: “Không muốn gì khác ngoài một nước Pháp tự do!” Câu trả lời này khiến vua Charles VII cảm thấy lực lượng của nhân dân đang uy hiếp vương quyền của ông. Vào thời điểm then chốt khi Jeanne xứ Arc chỉ huy cuộc bao vây Paris, vua Charles VII đã triệu hồi hầu hết quân đội hoàng gia về, bán rẻ Jeanne xứ Arc, cuối cùng nàng bị bắt.

Vào ngày 21 tháng 2 năm 1431, giáo chủ với tư cách là quan tòa, cùng với các nhà thần học từ Đại học Paris, và tất cả các lực lượng tôn giáo và xã hội do người Anh kiểm soát, đã thành lập một tòa án để xét xử Jeanne xứ Arc với tội danh: môn đồ dị giáo, thi hành thuật phù thủy.

Người đầu tiên công kích Jeanne xứ Arc là vị linh mục, người đã đặt nghi vấn về sự hướng dẫn mà Jeanne xứ Arc đã nghe được từ Thánh nhân: “Ta hỏi ngươi, Jeanne, đó rốt cuộc có phải là những Thánh nhân Saint Michele, Saint Marguerite và Saint Catherine muốn ngươi chiến đấu với người Anh không?”

Đối với Giáo hội mà nói, lời nói của những thiên sứ này là thật hay giả mới là trọng điểm, họ nhận định rằng lời chỉ bảo của Thần mà Jeanne phục tùng theo đều là chỉ thị của ác quỷ. 

Hồng y Winchester thẩm vấn Jeanne xứ Arc. Được vẽ bởi Gillot Saint-Èvre, hiện ở Louvre, Paris. (Phạm vi công cộng)

Rồi đến lượt các nhà thần học chất vấn, họ ngạo mạn, đầu não đầy những thứ bẩn thỉu: “Thánh Margaret chẳng phải nói tiếng Anh sao? Ngươi nghe mà hiểu được sao? Thánh Michael có tóc không? Ngươi ôm là nửa thân trên hay nửa thân dưới của ông ta?” Họ nghĩ rằng, với những câu hỏi này, bất kể trả lời thế nào, đều có thể làm nhiễu loạn niềm tin của Jeanne, và có thể mê hoặc thế nhân. 

Những nhà thần học hỏi Jeanne: “Thánh Catherine có khỏa thân không?” Jeanne xứ Arc hỏi lại: “Các người cho rằng Thánh nhân không có y phục ư?” Đám người lại hỏi: “Chà, điều này, ta, ta hỏi ngươi một lần nữa, ngươi có nghĩ rằng ngươi được Chúa ban ân sủng không?” Jeanne buột miệng trả lời: “Nếu không, nguyện Thiên Chúa rủ lòng thương; Nếu có, nguyện Thiên Chúa tiếp tục đoái thương tôi”. Câu trả lời này đơn giản là hoàn mỹ tuyệt diệu, những nhà thần học bị đánh bại. 

Đến lượt các tiến sĩ của Giáo hội tiến lên, họ chỉ trích Jeanne: “Ngươi không nghe mệnh lệnh từ Giáo hội Thánh Mẫu”. Jeanne phản bác: “Không đúng, tôi phục tùng Giáo hội, bất quá, trước tiên nên vâng lời Thiên Chúa”.

Cuối cùng quan tòa nói: “Jeanne xứ Arc, tại sao ngươi cứ luôn mặc quân phục nam giới?”

Jeanne không trả lời, nàng cúi đầu. Sau khi Jeanne xứ Arc bị quân Anh bắt, nàng có lẽ đã bị người Anh cưỡng hiếp nếu không phải vì chiếc chiến bào thời trung cổ này rất khó cởi ra.

Theo quan niệm truyền thống của Giáo hội Công giáo, người ta nói rằng con người phải giao tiếp với Thiên Chúa thông qua Giáo hội. Jeanne xứ Arc đã trực tiếp nghe thấy giọng nói của Thần, điều này hiển nhiên đã vi phạm luật lệnh tôn giáo, còn dám nói rằng mình đã giao lưu với thiên sứ, đó là một tội lớn. Những âm thanh giao tiếp với nàng, toàn bộ bị định là ma quỷ. Thậm chí về việc mặc y phục nam giới, họ không thèm phân định trắng đen, phán bừa rằng nàng vi phạm pháp tắc thần thánh mà Thượng Đế đính lập để phân biệt nam nữ.

“Thượng Đế ơi, chúng ta đã thiêu chết một Thánh nữ”

Vào sáng sớm ngày 30 tháng 5 năm 1431, tại quảng trường Rouen cũ, một giàn hỏa thiêu được dựng lên, chất đầy củi. Jeanne xứ Arc, người đã kiệt sức vì bị thẩm vấn và tra tấn, bị trói vào giàn hỏa thiêu, rồi ngọn lửa bùng lên. Giữa ngọn lửa, Jeanne gọi tên Chúa, thiên sứ và các Thánh nữ. “Những gì tôi nghe là ý muốn của Thiên Chúa! Giọng nói tôi nghe thấy tuyệt đối sẽ không phản bội lừa dối tôi!”

Jeanne xứ Arc bị trói vào cọc, cầu nguyện với cây thánh giá trên tay. Được vẽ bởi họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jules-Eugène Lenepveu. (Phạm vi công cộng)

Trong nỗi đau không thể tưởng tượng nổi, Jeanne xứ Arc đã kết thúc cuộc đời 19 năm ngắn ngủi của mình. Ngọn lửa kéo dài suốt 4 giờ đã tàn nhẫn nuốt chửng thân thể của Jeanne xứ Arc. Người ta không nghe thấy tiếng gào thét của mụ phù thủy bị thiêu đốt, mà chỉ nghe thấy tiếng hô ôn hòa và kiên định của nữ Trinh Đức Jeanne xứ Arc, khiến những người ở đó đều hoang mang sợ hãi. Cuối cùng, một thần tích kỳ diệu nhất đã xảy ra, tất cả những người xem hỏa thiêu kinh ngạc phát hiện, trong tàn than đen, trái tim của nàng Trinh Đức Jeanne xứ Arc không hề bị lửa thiêu.

Một người lính Anh kêu lên: “Thượng Đế ơi, chúng ta đã thiêu chết một vị Thánh”. Người Anh hạ lệnh: “Ném, ném, ném, ném ngay trái tim này xuống sông Seine!” 

Tên đao phủ Froy chịu trách nhiệm châm lửa, biết tội ác của mình rất thâm trọng, hắn từ đó về sau bỏ trốn vào tu viện.

25 năm sau cái chết của Jeanne xứ Arc, Giáo hoàng Galistus III tuyên bố rằng Jeanne xứ Arc đã chết để bảo vệ tôn giáo, quốc gia và quốc vương của nàng, nàng là một người tử vì Đạo. Nước Pháp mở lại phiên tòa để rửa vết nhơ cho Jeanne xứ Arc, nói rằng muốn khôi phục lại danh tiếng cho nàng.

Bức tượng Jeanne D’Arc ở miền trung nước Pháp (Ảnh: http://france-souverainete.fr/)

Từ giới quý tộc cho đến dân thường ở Paris, tất cả đều tập trung về Ile de la Cité ở Paris. Nhà thờ Đức Bà trên đảo trở nên quá đông đúc, mẹ của Jeanne xứ Arc đã rơi nước mắt khi kể về cách bà đã nuôi nấng và dạy dỗ con gái mình kính sợ Thần, nhiệt ái Thần, tuân thủ ý chỉ của Thần. Tiếng khóc của người mẹ không chỉ vang vọng tại Nhà thờ Đức Bà Paris, nó đánh thức lòng ngưỡng mộ Thần ẩn tàng trong thâm tâm của dân chúng đối với Thần tích xác tín này, từ đó mà bồi dưỡng nên nền tảng tín ngưỡng cho năm thế kỷ đỉnh cao văn hóa nghệ thuật nhân loại, và những thành tựu dân tộc đáng tự hào của nước Pháp.

Đến tận ngày nay, những người tốt vẫn thường bị hiểu lầm, những Thần tích nhân gian vẫn thường bị cười nhạo. Các bạn ơi, hãy hướng tới nữ Trinh Đức Jeanne xứ Arc, hãy dành một sự khoan dung cho những điều bạn không tin, biết đâu rằng, bạn có thể đã thực sự sai lầm.

Tác giả: Giang Phong, Epoch Times
Mộc Lan biên dịch