Tháng 7 âm lịch mưa dầm dề. Hình như đó là cái tháng mang nhiều nỗi u sầu nhất trong năm. Đó là nỗi u sầu của các cô hồn dã quỷ đang lang thang lạc lõng ở một nơi không phải âm gian, không phải trần thế…
Đó là nỗi u sầu từ ngàn xưa vọng về của Bồ tát Mục Kiền Liên khi thấy mẹ bị đày đọa nơi địa ngục. Đó là nỗi sầu rưng rưng của những người con đã mất mẹ với cành hoa trắng cài lên ngực trong mùa Vu Lan. Nhưng có ai sầu bằng ông bà Ngâu mà nỗi buồn hóa nước mắt đã rỏ xuống trần thế từ lúc có đất trời. Nói như nhạc sĩ Đặng Thế Phong: “Đến bao năm nữa trời… vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu?”.
Vậy vợ chồng Ngâu là ai?
Đó là Ngưu Lang và Chức Nữ. Ngưu Lang, một vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ dệt vải tên là Chức Nữ mà bỏ bê công việc, để trâu đi loạn vào cung Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì tiếng tiêu mê hoặc của Ngưu Lang nên trễ tràng việc dệt vải.
Ngọc Hoàng tức giận bắt hai người phải xa nhau. Một người đầu sông Ngân, một người cuối sông. Sông Ngân tức là dải Ngân Hà.
Nhưng sau đó, Ngọc Hoàng thương tình ra ơn cho họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch. Khi chia tay, nước mắt họ rỏ xuống trần hóa thành cơn mưa và được gọi là mưa ngâu.
Cũng vì Ngưu Lang – Chức Nữ, Ngọc Hoàng ra lệnh cho xây một cây cầu để họ vượt qua sông Ngân mà gặp nhau. Tuy nhiên, đám thợ xây cầu tranh cãi nhau chí chóe mãi không xây xong cầu nên bị biến thành lũ quạ đen và bị bắt phải lấy đầu xếp thành cầu để Ngưu Lang Chức Nữ bước lên. Tuy nhiên, khi hai người này bước lên cầu, thấy dưới chân một đám màu đen lúc nhúc bèn lấy làm ghê sợ mà ra lệnh lũ quạ phải nhổ trọc lông đầu. Do vậy, mới gọi là cầu Ô Thước (Ô là chim quạ). Vì thế, cứ tới tháng 7 âm lịch là lũ quạ lại họp nhau lại và lông đầu chúng xơ xác.
Lời bàn:
Vào những đêm trời trong, chúng ta nhìn lên dải Ngân Hà có thể thấy hai sao Ngưu Lang và Chức Nữ ở hai bên rìa của dải Ngân Hà. Người xưa gọi đó là hai người yêu nhau bị chia cắt, là ông Ngâu bà Ngâu.
Bạn đọc cũng đừng ngạc nhiên vì trên trời có vị thần chăn trâu hay vị tiên dệt vải. Ta cũng biết trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không có thời gian phải đi làm thần giữ ngựa, tên chức quan là Bật Mã Ôn, làm việc tại cơ quan có tên là Ngự Mã Giám. Các nàng tiên nữ dưới sự điều động của Tây Vương Mẫu có thể đi làm các việc dệt vải, hái đào…
Nhưng đã là thần tiên thì sao lại còn giữ cái tình của con người? Lại động tâm vì thanh, sắc? Ngưu Lang thì mê mẩn tấm nhan sắc của Chức Nữ. Chức Nữ lại ý loạn tình mê vì tiếng tiêu của Ngưu Lang. Do vậy, họ không đạt tiêu chuẩn tâm tính của các Thần và phải bị giáng hạ. Cũng như anh chàng Thiên Bồng nguyên soái (Trư Bát Giới) lòng dục xốn xang, hồ đồ ngớ ngẩn xông vào cung Quảng Hàn để tính cách bờm xơm với Hằng Nga tiên tử, thế thì phải bị trừng phạt. Và thế là Ngưu Lang Chức Nữ đã ra ngoài biên giới của cõi trời.
Ấy thế mà cái tình của họ vẫn không hết. Mỗi lần gặp nhau là một lần sụt sùi. Cái duyên tình trần tục kia chưa đoạn thì vẫn cứ mãi bị chia cách. Cho nên, hàng năm cứ đến tháng 7 âm lịch là trời mưa mãi không thôi và nhạc sĩ Đặng Thế Phong mới cất tiếng hỏi: “Đến bao năm nữa trời… vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu?”
Tháng 7 âm lịch, trời đã sang thu. Bản thân mùa thu đã là mùa của nỗi sầu. Chữ “Sầu” 愁 trong Hán tự bao gồm bộ Hòa 禾, bộ Hỏa 火, bộ Tâm 心. Bộ Hòa 禾 (lúa) với bộ Hỏa 火 (chín) hợp thành chữ Thu 秋 có nghĩa là khi lúa chín là mùa Thu. Đó là mùa của thu hoạch, lo toan nơi cất trữ (thu tàng), do đó có thêm bộ Tâm. Cái Tâm luôn phải lo nghĩ nên “sầu”.
Nguyễn Du viết:
“Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Tìm đâu cho thấy cố nhân
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương…”
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong lúc mới sáng tác bài “Giọt mưa thu”, ông đặt tên bài hát là “Sầu vạn cổ”. Có nghĩa là nỗi buồn của muôn kiếp người xưa nay. Thiển nghĩ, con người ta đã rớt xuống cõi trần này thì khó thoát khỏi nỗi sầu nhân thế của ly biệt, mà cái ly biệt đau đớn nhất là ly biệt vì sinh tử với người ta yêu thương. Đã ngàn năm vạn năm rồi, Ngưu Lang Chức Nữ vẫn đang nức nở vì tình, như thế nhân cũng đang nức nở, như mối tình Phong – Tuyết [1] cũng nức nở vì ly biệt trong Giọt mưa thu:
“Ai nức nở thương đời
châu buông mau
dương thế bao la sầu”
Giá như Ngưu Lang Chức Nữ có thể gạt lệ, buông bỏ mối tình riêng bi lụy mà thay bằng lòng từ bi nhu hòa vô hạn với chúng sinh, một đặc điểm cao thượng của người tiên, thì ngay lập tức họ có thể trở về với Tiên giới. Mà có lẽ lúc ấy cõi trần mới đỡ sụt sùi, biết đâu…
Lúc này, ở ngoài trời kia:
“Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời…
… Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu”.
Ngày buồn, tháng nhớ, năm chia ly thứ bao nhiêu rồi không rõ.
Tỉnh Thức
***
[1] Bài viết có sử dụng ca khúc “Giọt mưa thu” của cố nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong. Nhạc sĩ có một mối tình rất đẹp và buồn với người con gái tên Tuyết ở Nam Định.