Phú quý công danh,
Số duyên đã định.
Chính đại quang minh
Lọc lừa nên tránh.
Tây du ký* kể rằng, sau khi Đường Tăng thu nhận Tôn Ngộ Không và thu phục Bạch Long Mã, tâm ý hợp nhất, tinh tấn hướng về Tây. Suốt hai tháng trời đi một đoạn đường bình yên, tháng ngày thấm thoắt đã sang tiết xuân, núi rừng khoe màu biếc, cây cỏ nảy mầm xanh. Một buổi chiều tà, xa xa trong hẻm núi có bóng lâu đài thấp thoáng, điện gác lờ mờ, hai thầy trò dừng chân tá túc ở Quan Âm Thiền Viện.
Một nhà sư già bước ra đón tiếp thầy trò Tam Tạng, chuyện trò thăm hỏi mới biết lão sư này đã 270 tuổi. Tạm không bàn đến việc Hành Giả nói: “Vẫn chỉ là hạng cháu vạn đời của ta”, Tây du ký, hồi thứ 16 “Viện Quan Âm, các sư lừa bảo bối, Núi Hắc Phong, yêu quái trộm cà sa” có viết:
“Nhà sư già cũng chỉ cho là câu nói ngớ ngẩn không để ý và không hỏi nữa, đoạn sai pha trà. Một tiểu đồng bưng ra một chiếc khay ngọc màu mỡ dê, trên có ba chiếc chén lam bịt vàng. Lại thấy một tiểu đồng khác bưng một chiếc ấm đồng bạch rót ra ba chén trà hương.
Thật là:
Sắc ngời hoa lựu đỏ,
Hương ngát tựa quế hoa.
Tam Tạng trông thấy, khen ngợi rối rít.
– Bộ ấm chén đẹp quá! Thật là đồ đẹp thức ngon!
Nhà sư già nói:
– Đâu có, đâu có! Ngài ở thượng quốc thiên triều thiếu gì của báu, bộ ấm chén này có gì đâu mà ngài quá khen! Ngài từ thượng quốc đến đây, chắc là có bảo bối, cho chúng tôi xem một tý.
Tam Tạng nói:
– Đáng tiếc là tôi từ phương Đông sang đây, chẳng có vật gì quý cả. Vả lại, nếu có thì đường xa dặm thẳm cũng không mang đi được.
Hành Giả đứng bên cạnh, nói:
– Thưa sư phụ, hôm trước con thấy ở trong tay nải có tấm áo cà sa không là vật quý sao? Lấy ra cho mọi người xem một chút!
Các nhà sư nghe nói tấm áo cà sa, đều cười. Hành Giả nói:
– Các người cười cái gì?
Vị viện chủ nói:
– Ngài vừa mới nói rằng tấm áo cà sa là vật quý, thì buồn cười thật. Áo cà sa ấy, chúng tôi đây cũng có hai mươi ba chiếc. Còn như sư tổ chúng tôi làm hòa thượng ở đây hai trăm sáu mươi năm, dễ có tới bảy tám trăm chiếc.
Rồi nhà sư già ấy gọi:
– Mang ra đây cho các ngài ấy xem.
Nhà sư già ấy cũng muốn khoe khoang, bèn gọi lão nhân mở kho. Bọn tiểu đầu đã khiêng ra mười hai chiếc hòm đặt ở giữa nhà, mở khóa ra, chăng dây mắc giá áo khắp bốn xung quanh nhà, rồi vắt từng chiếc lên, mời Tam Tạng xem. Thật là:
Khắp nhà gấm vóc,
Bốn phía lụa là”.
Thế nhưng sau khi nhìn thấy tấm áo cà sa toả hào quang lấp lánh của Đường Tăng, thì mới biết “bộ sưu tập” kia chỉ toàn hạng tầm thường cả.
“Nhà sư già thấy tấm áo quý giá quá, quả nhiên nảy lòng tham, bước lên, quỳ trước mặt Tam Tạng, chảy nước mắt, nói:
– Đệ tử tôi thật là vô duyên!
Tam Tạng đỡ dậy, nói:
– Ngài nói gì vậy?
Nhà sư già nói:
– Tấm áo cà sa của ngài vừa lấy ra cho xem, thì trời tối sập, mắt tôi kèm nhèm nhìn không được rõ chẳng là vô duyên sao?
Tam Tạng nói:
– Thắp đèn lên để ngài xem lại.
Nhà sư già nói:
– Bảo bối của ngài đã sáng lắm rồi, đốt đèn thì mắt tôi càng chói, không nhìn kỹ được đâu.
Hành Giả hỏi:
– Vậy như thế nào, thì ngài mới xem kỹ được?
Nhà sư già nói:
– Mong ngài rộng lòng làm ơn cho tôi mượn mang vào phòng sau xem kỹ một đêm. Sớm mai tôi xin trả lại ngài, để ngài sang phương Tây. Chẳng hay ý ngài thế nào?
Tam Tạng nghe nói, giật mình, ngầm trách Hành Giả, nói:
– Chỉ tại con, chỉ tại con! Hành Giả cười, nói:
– Sợ cái gì! Để con gói lại đem đi cho họ xem. Cớ việc gì xảy ra, lão Tôn xin chịu cả.
Tam Tạng ngăn không được, Hành Giả đưa cà sa cho nhà sư già, nói:
– Ngài cứ xem đi. Sáng mai đúng hẹn trả tôi. Chớ có làm bẩn đấy.
Nhà sư già mừng rỡ, sai tiểu đồng mang áo cà sa đi ngay. Lão còn dặn các nhà sư khác quét dọn chùa trước sạch sẽ, kê hai chiếc giường mây đầy đủ chăn gối mời hai thầy trò đi nghỉ. Một mặt lại sai sửa soạn cơm chay để sáng mai tiễn chân, rồi, ai nấy rút lui.
Thầy trò Tam Tạng đóng cửa đi ngủ. Chuyện không nói nữa. Lại nói chuyện nhà sư già kia lừa hai thầy trò Tam Tạng cầm được áo cà sa trong tay, mang về phòng sau nhìn tấm áo khóc gào đau khổ, làm các sư trong chùa sợ hãi, không dám đi ngủ trước. Bọn tiểu đồng cũng chẳng hiểu vì sao, vội chạy đi báo với các sư rằng:
– Sư tổ khóc mãi đến canh hai vẫn chưa thôi.
Hai đồ đệ được nhà sư già ấy yêu quý nhất bước vào hỏi:
– Thưa sư tổ, vì sao ngài lại khóc?
Nhà sư già nói:
– Ta khóc vì ta vô duyên, không nhìn được bảo bối của Đường Tăng.
Hai nhà sư trẻ nói:
– Tổ sư tuổi cao đức trọng. Tấm áo cà sa của họ đã đặt trước mặt, ngài cứ việc giở ra mà xem, việc gì phải khóc.
Nhà sư già nói:
– Nhưng xem không được lâu. Năm nay ta đã hai trăm bảy mươi tuổi, mặc qua hàng trăm tấm áo cà sa nhưng đâu được như tấm áo cà sa này, đâu được làm Đường Tăng!
Nhà sư trẻ nói:
– Sư phụ nói sai rồi. Đường Tăng chỉ là một nhà sư lang thang bỏ quê bỏ quán. Ngài tuổi cao hưởng phúc nhiều là tốt lắm rồi, lại còn muốn làm một nhà sư lang thang làm gì?
Nhà sư già nói:
– Ta tuy tại gia thảnh thơi, vãn cảnh vui thú nhưng chẳng được mặc tấm áo ấy. Giá mà ta chỉ được mặc một ngày thôi, thì chết cũng thỏa, cũng đáng đi tu ở thế gian này.
Các nhà sư khác nói:
– Ngài thật lẩn thẩn, muốn mặc áo của họ thì khó gì? Ngày mai chúng ta giữ lại một ngày, là ngài được mặc một ngày; giữ họ lại mười ngày là ngài được mặc mười ngày. Việc gì phải khóc lóc khổ sở?
Nhà sư già nói:
– Dù có giữ họ hàng năm, thì cũng chỉ được mặc như thế thôi, chẳng được lâu dài.
Đang bàn bạc, bỗng có một vị hòa thượng trẻ là Quảng Trí ló đầu ra nói:
– Thưa sư tổ, muốn được lâu dài cũng rất dễ. Nhà sư già tươi tắn lên, hỏi:
– Con có cao kiến gì chăng?
Quảng Trí thưa:
– Hai thầy trò Đường Tăng đi đường xa vô cùng mệt nhọc vất vả, lúc này đang ngủ say. Chỉ cần mấy tay lực lưỡng cầm đao, thương, mở phòng ra giết quách đi, vùi xác ở vườn sau. Chỉ có chúng ta biết mà thôi. Chiếm nốt cả con ngựa bạch, hành lý, và cả tấm áo cà sa làm của báu gia truyền. Như thế chẳng phải là mưu kế lâu dài cho con cháu sao?
Nhà sư già nghe nói, mừng lắm, vội lau nước mắt, nói:
– Hay lắm, hay lắm! Kế ấy tuyệt diệu! Bèn sai chuẩn bị đao, thương.
Trong bọn ấy lại có một hòa thượng trẻ tên gọi Quảng Mưu, cũng là sư đệ của Quảng Trí bước ra nói:
– Kế ấy chưa hay. Nếu muốn giết họ phải suy nghĩ kỹ đã. Cái lão mặt trắng thì còn dễ. Còn tên mặt lông lá thì khó đấy. Vạn nhất giết không nổi, thì thành ra mình lại rước vạ. Con có một kế chẳng phải dùng đao, thương gì hết không biết ý ngài thế nào?
Nhà sư già nói:
– Con có kế gì?
Quảng Mưu thưa:
– Cứ như ý con, hội họp mọi người lớn nhỏ bên các phòng phía đông, mỗi người phải có một bó củi khô chất xung quanh ba gian chùa kia, rồi phóng hỏa đốt. Thầy trò họ muốn chạy cũng không có lối thoát, cả ngựa cũng cháy trụi. Như vậy, những nhà ở phía trước núi, sau núi nhìn thấy, sẽ cho rằng tự họ không cẩn thận làm cháy cả ngôi chùa của chúng ta. Còn hai hòa thượng kia lại không bị thiêu chết hay sao? Chúng ta bịt được đầu mối. Lúc ấy tấm áo cà sa là bảo bối gia truyền của chúng ta.
Các nhà sư nghe nói, ai nấy mừng rỡ, đều nói:
– Khá lắm, khá lắm! Kế này tuyệt vời! Tuyệt vời!
Bèn sai người các phòng vác củi đến”.
Than ôi! Chỉ vì tấm áo cà sa mà các nhà sư ở thiền viện Quán Âm đã mưu giết người, cướp của, nói dối, phạm vào ba trong năm đại giới cấm của nhà Phật. Nhà sư già đặc trưng cho hạng người chuộng hình thức, sa vào hình thức, giả tu, lạc vào ma đạo. Đức Phật Thích Ca từng dự ngôn rằng vào thời mạt Pháp, các tăng nhân “ở trong Pháp ta, tuy cạo đi tóc râu, mặc lên áo cà sa, huỷ phá giới cấm, hành xử không như Pháp, là Tỳ Kheo giả”, quả là ứng với trường hợp này.
Nhà sư già nói: “Giá mà ta chỉ được mặc một ngày thôi, thì chết cũng thỏa, cũng đáng đi tu ở thế gian này”. Hoá ra, vinh diệu của người tu hành chỉ là ở chỗ được mặc cà sa báu thôi sao? Người tu luyện tu tâm dưỡng tính, buông bỏ chấp trước vào danh lợi tình, bồi đắp thiện tâm, một mai Phật tính tròn đầy chính là viên mãn. Có thể thấy bản lai diện mục thánh thiện và từ bi chính là vinh diệu của bậc tu hành, chứ mặc áo cà sa đẹp có ý nghĩa gì đâu?
Nhà sư già có sở thích sưu tập bảo bối, đây là một sở thích mà nhiều người thường cũng có, mới nghe qua chưa thấy trầm trọng gì. Nhưng so với tôn chỉ “thanh tâm quả dục”, lối sống đạm bạc đơn giản của nhà Phật thì tính là sai rồi. Lòng tham hóa thành ngọn lửa thiêu rụi Quan Âm Thiền Viện, thiêu rụi rừng công đức. Hơn nữa, nhà sư già đã sống đến 270 tuổi mà chấp trước này không bỏ, càng ngày càng phình to. Có câu rằng: “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, chỉ một sở thích không phù hợp với đức hạnh của người tu cũng có thể khiến mê mờ lý trí, dẫn tới tội ác cực đại.
Câu chuyện này là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với người tu luyện: Bất kỳ chấp trước nào dù nhỏ đến đâu, nếu không thể nghiêm túc buông bỏ thì sẽ ngày một bành trướng, cuối cùng dẫn người tu lạc vào ma đạo. Có người tu luyện viết sách, viết báo hồng dương Phật Pháp, nâng niu từng bài viết của mình. Nâng niu thì không vấn đề gì, nhưng nếu quá chấp trước vào bản thân những bài viết ấy, thì sẽ dễ như nhà sư già sưu tập áo cà sa, cận kề nguy hiểm. Cũng có người tu luyện lập ra các hạng mục công việc để hộ trì Phật Pháp, nhầm tưởng sự thành công của các dự án kia là thành tựu trong tu luyện, mà quên mất rằng Pháp hữu vi chỉ như trăng trong đáy nước mà thôi. Chỉ có hướng nội tu tâm, sẵn sàng buông bỏ mọi truy cầu chấp trước, kể cả bản thân các “Phật sự” ấy, thì mới có thể thành chính quả.
Đôi câu đối mở đầu hồi thứ 16: “Viện Quan Âm, các sư lừa bảo bối, Núi Hắc Phong, yêu quái trộm cà sa” có ẩn ý sâu sắc. “Lừa” đối với “trộm” là cùng một tính, mà “các sư” với “yêu quái”, “viện Quan Âm” với “núi Hắc Phong” lại có gì chênh vênh. Làm người tu luyện mà ý niệm, ngôn hành bất chính thì không khác nào yêu quái, Đạo quán Phật đường cũng biến thành sào huyệt của tà ma. Trong hồi thứ 17, khi Quán Âm Bồ Tát giả trang làm yêu quái để thâm nhập vào động quỷ, Tôn Ngộ Không đã khen ngợi: “Tuyệt quá, tuyệt quá! Ngài là Bồ tát yêu tinh, hay là yêu tinh Bồ tát đấy? Bồ tát cười, nói: Ngộ Không, Bồ tát, yêu tinh đều là ý niệm cả. Nếu bàn cho đến gốc, thảy đều không có”. Người tu luyện cần cẩn trọng với từng ý niệm của chính mình, giữa Bồ tát và yêu tinh đôi khi chỉ khác nhau một niệm.
Một niệm nảy sinh đấy vạn ma,
Tu trì vất vả khó khăn là.
Đã đành tắm gội không vương bụi.
Vẫn phải dày công khổ luyện mà.
Quét sạch vạn duyên về cõi tịch,
Diệt phăng nghìn quái chẳng buông tha.
Rồi đây thoát khỏi vòng vây hãm,
Viên mãn bay lên cõi Đại La.
Ảnh minh họa: Phim Tây Du Ký 1986
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.