Trong lịch sử khoa bảng nước ta, ai cũng biết cụ Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình nên được gọi là “Tam Nguyên”. Nhưng ít ai biết rằng ngoài “Tam Nguyên Yên Đổ”, lịch sử Việt Nam còn có một “Tứ Nguyên Nguyễn Đăng” học vấn trác tuyệt, thường được dân gian nhắc đến với cái tên thân thương là: “Trạng Tỏi”.

Nguyễn Đăng sinh năm Bính Tý (1576) đời vua Lê Anh Tông, trong một gia đình nghèo khó ở xã Đại Toán, huyện Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh. Làng Đại Toán chuyên sống bằng nghề trồng hành, tỏi nên gọi là làng Tỏi. Làng gồm 4 thôn đều có tên nôm là Tỏi: Tỏi Mão, Tỏi Thuỷ, Tỏi Đồng, Tỏi Mai. Tuy nghèo nhưng gia đình ông có truyền thống hiếu học, cha mẹ ông đã nuôi các con ăn học chu đáo.

Làng trồng hành tỏi có Trạng nguyên

Khi còn nhỏ, nghe nói cụ nghè Nguyễn Đình Tuân, quê ở làng Võ, xã Quảng Bố, huyện Lang Tài là người hay chữ, dạy giỏi trong vùng, gia đình Nguyễn Đăng đưa cậu bé đến tận nhà thầy xin học. Cụ nghè chỉ nhận những người hiếu học và thông minh, nên ra một câu đối, ai đối hay mới nhận làm môn sinh. Nguyễn Đăng vui vẻ nhận lời. Cụ nghè ra vế đối: 

“Vó vó, te te, võng tiến sĩ”

Vế này đặt ra ba yêu cầu hóc búa về nội dung: một là “vó, te, võng” là những đồ dùng sinh hoạt, làm ăn của nhà nông; hai là làng Vó, làng Te đồng thời là những nơi cụ nghè ở; ba là ở nơi thôn dã nghèo khó như vậy mà xuất sinh một ông nghè như thế, chứng tỏ là nơi có truyền thống hiếu học.

Nguyễn Đăng nghe xong liền đối ngay:

“Hành hành, tỏi tỏi, kiệu trạng nguyên”

Vế đối của cậu bé thật là lời hay ý đẹp, đáp ứng được cả 3 yêu cầu của vế ra: “hành, tỏi, kiệu” vừa là tên của rau, của các loại gia vị vừa là địa danh của quê ông. Trong một làng quê chỉ có nghề trồng hành, tỏi, rau màu lặt vặt như vậy mà sinh ra một “quan trạng” thì thật hiếm thấy!

Nghe xong, cụ nghè khen hay và chấp nhận cho Nguyễn Đăng theo học.

Khoa thi năm Nhâm Dần (1602), Nguyễn Đăng 26 tuổi đã thi đỗ giải nguyên qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Ông còn đỗ thủ khoa kỳ thi ứng chế (kỳ thi đặc cách do vua Lê Kính Tông mở) nên được nhà vua ban tặng danh hiệu là “Tứ Nguyên”. Danh hiệu này có lẽ độc nhất vô nhị trong nước. Tuy nhiên, nhân dân địa phương quen gọi ông là “Trạng Tỏi”. Cụ nghè làng Vó mến tài ông ngay từ ngày đầu nhập học nên đã gả con gái của mình cho ông.

Cụ nghè làng Vó mến tài Nguyễn Đăng ngay từ ngày đầu nhập học nên đã gả con gái của mình cho ông. (Ảnh: wikipedia.org)

Tài văn chương khiến cả triều đình nhà Minh thán phục

Nguyễn Đăng là một văn quan mẫn tiệp với triều Lê, được vua Lê Kính Tông, Lê Thần Tông rất mến phục và trọng dụng. Triều đình bổ nhiệm ông chức Hộ bộ Hữu thị lang, tước Phúc Nam Hầu. Năm Hoằng Định Quý Sửu (1613), Nguyễn Đăng được triều đình cử đi sứ Trung Quốc, bấy giờ thuộc triều nhà Minh, đời vua Minh Thần Tông, niên hiệu Vạn Lịch. Thời gian đi sứ là 10 năm.

Đến năm thứ ba, Hoàng đế nhà Minh triệu tập sứ thần các nước ở Trung Quốc nhân ngày đại khánh, mở tiệc chiêu đãi các sứ thần, và chỉ thị cho các sứ thần mỗi người làm một bài thơ hoặc phú nói về chùa Phi Lai, một danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc. Cái tên “Phi Lai tự” xuất phát từ sự tích ngôi chùa tự nhiên ở đâu bay tới chỉ trong có một đêm. Hạn trong 5 ngày phải nộp bài để Hoàng đế ngự lãm.

Mới hơn 2 ngày, Nguyễn Đăng đã làm xong bài “Phú chùa Phi Lai” (Phi Lai tự phú) và là người nộp bài đầu tiên. Đến ngày thứ 5 là ngày hạn nộp bài cuối cùng, hàng trăm bài thơ, phú được đệ trình lên Hoàng đế. Sau khi Minh Thần Tông và các quan to trong triều chấm và xếp loại, thì bài “Phi Lai tự phú” của Nguyễn Đăng làm là hay nhất, không bài nào bằng.

Bài phú của Nguyễn Đăng giai điệu du dương trầm bổng, khi nhặt khi khoan, thi trung hữu hoạ, tựa như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Sau đây là một trích đoạn của “Phi Lai tự phú” (cụ Long Cát Nguyễn Thế Đống dịch nghĩa, năm 1938):

“Trong chùa thì:

Hoa sen toả ngát;

Hương xạ thơm rơi.

Kinh Bối diệp tụng khuây niềm tục;

Ngọn từ đăng soi sáng đường đời.

Khoá lễ sớm, tiếng kệ vừa im, ngỏ cửa sổ tiểu đi thấp thoáng;

Hồi chuông chiều, chén trà đã cạn, vào phòng trai sư ngủ thanh thơi.

Trên vách đề thơ đen nét mực;

Trong nhà sửa lễ trắng mâm xôi.

Ngoài cửa thơm tho, hoa Bát Nhã bốn mùa đỏ ối;

Trước thềm mát mẻ, trúc Chân Như nghìn thuở xanh tươi.

Ngoài chùa thì:

Đông Tây cửa tía;

Cao thấp bia xanh.

Mau gót ngọc trèo lên bậc đá;

Leo thang mây bước tới cung Quỳnh.

Đài bả truyền trên nền cao, con hiên viên hai voi cùng dấu kín;

Đình bán vân trong ghi tích cổ, vở Tôn Khác một vượn kết duyên lành.

Đưa khách hoa cười tươi trước gió;

Đón xuân chim hót váng trên cành.

Rửa sạch bụi trần, nước khe biếc rồng phun bay phơi phới.

Tránh qua mây khói, ngọn thông già hạc đỗ nhẹ tênh tênh.

Cảnh trí ấy từ khi bay đến;

Giang sơn này bởi đó lừng danh”.

Chùa Phi Lai. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Tất cả các sứ thần của các nước và các quan văn võ trong triều đình nhà Minh đều rất cảm phục tài văn chương của Nguyễn Đăng. Hoàng đế Minh Thần Tông phong cho ông học vị “Lưỡng quốc Trạng nguyên” và mở tiệc yến chiêu đãi.

Trong bữa tiệc, Hoàng đế lại thử tài ông, ra cho ông một vế đối:

“Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu”.

Ông ứng khẩu đối ngay là:

“Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương”.

Đôi câu đối này đối chọi từng chữ. Vế trên ba chữ “khẩu”, “thập”, “tâm” ghép lại thành chữ “tư” nghĩa là “nhớ” (nhớ nhà, nhớ nước, nhớ cha mẹ). Vế đối của Nguyễn Đăng thì ba chữ: “thốn”, “thân”, “ngôn” ghép lại thành chữ “tạ” (tạ trời, tạ đất, tạ nhà vua). Hoàng đế nhà Minh khen là rất hay, và cho phép Nguyễn Đăng trở về nước trước thời hạn 7 năm.

Trước khi ông về nước, Hoàng đế Minh Thần Tông còn cho thợ chế tác ra một loại độc bình bằng sứ có hoa văn trang trí thật đẹp và viết bài Phi Lai tự phú của ông lên xung quanh lọ độc bình, để làm kỷ niệm tặng ông mang về nước, và trưng bày ở các biệt thự, lâu đài, danh thắng ở trong nước, không bán cho nhân dân mua.

Đương thời có câu ca ngợi về tài thơ phú của Nguyễn Đăng rằng: “Phú ông Tỏi, hỏi làm chi?”.

Với đức độ, tài năng của mình, Nguyễn Đăng đã có nhiều cống hiến cho dân, cho nước. Ông luôn làm việc hết mình và được người đương thời ca ngợi, các quan trong triều nể phục. Đến khi về trí sĩ, ông lại mang nốt phần tâm lực của mình ra để giúp đỡ làng xóm quê hương. Ông mở lớp dạy học ở làng Hán Đà, Hán Quảng, học trò theo học rất đông. Nhiều người trong số đó đã hiển đạt. Có thể nói ông đã có công xây đắp cho truyền thống giáo dục tại xứ Bắc trong quãng đời xế bóng.

Ông mất năm Đinh Dậu (1657), hưởng thọ 81 tuổi. Sau khi qua đời, ông được triều đình phong tặng danh hiệu “Tế thế trạch dân Đại Vương”.

Đoàn Phạm (tổng hợp và biên soạn)