Trong lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên được nhắc đến như một vị nữ hoàng chuyên quyền và độc đoán. Nhưng có phải vì Đường Cao Tông Lý Trị quá ư nhu nhược nên mới để triều chính rơi vào tay hoàng hậu của mình không?

Ngày nay, khi bình phẩm hay đánh giá chúng ta vẫn thiên về cảm tính. Ví như “Tam Quốc diễn nghĩa” từng bị một nhà văn phê là “tường thuật lòng nhân đức của Lưu Bị gần như ngụy tạo, miêu tả mưu trí của Gia Cát Lượng gần như yêu tà”; cao tăng Đường Huyền Trang đi Tây Thiên lấy kinh thật sự cũng không hề nhu nhược giống như người đời sau kể lại. Cũng như vậy, vì để làm nổi bật cường thế ác độc của Võ Tắc Thiên, nhiều người đã ví von Đường Cao Tông Lý Trị là giống như A Đẩu, bản tính nhu nhược yếu đuối, không thể làm chủ vận mệnh bản thân mình…

Kể từ khi Lý Trị được phong ngôi vị Thái tử, đại thần trong triều là Trưởng Tôn Vô Kỵ dốc toàn lực ủng hộ ông. Trưởng Tôn Vô Kỵ cho rằng Lý Trị do dự thiếu quyết đoán nên sẽ dễ dàng bị ông ta khống chế, nhưng lại không ngờ rằng chính người cháu ngoại mà mình dốc hết tâm cơ ủng hộ ấy cuối cùng đã kết thúc tính mạng và gia tộc của ông ta.

Nhìn lại lịch sử, nhiều vị hoàng đế khi mới lên ngôi một cách khó nhọc, thì sau khi thật sự nắm hết quyền lực sẽ tàn sát các công thần khai quốc. Thế nhưng, với Đường Cao Tông Lý Trị, thì không phải là trường hợp này.

Trưởng Tôn Vô Kỵ (594-659), tự Phụ Cơ, người Lạc Dương, Hà Nam, một đại thần trong triều đại nhà Đường. (Ảnh: Internet)

Tấn Vương Lý Trị cả đời chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi giáo huấn thân truyền của Thái Tông. Khi Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời, Lý Trị chịu tang mẹ từ nhỏ, cùng em gái Minh Đạt (nhũ danh Hủy Tử) được vào phủ Thái Tông, do Thái Tông tự mình nuôi nấng. Trong lịch sử, Hoàng đế tự thân dạy dỗ hài tử ngoài Thái Tông ra là rất hiếm thấy, đủ thấy ân nghĩa sâu nặng với Lý Trị và Minh Đạt như thế nào. Thậm chí khi Thái Tông bận bịu việc triều chính, trong lòng còn ôm Minh Đạt nhỏ tuổi, với Lý Trị đứng ngay bên cạnh.

Sau khi Lý Trị trưởng thành, Thái Tông viết mười hai chương “Đế phạm” giao cho thái tử Lý Trị, dạy chuẩn tắc hành vi làm một Hoàng đế tốt. Lý Trị đăng cơ năm 22 tuổi, kế thừa nguyện vọng và phong cách của Thái Tông, lấy nhân đức trị thiên hạ, bốn biển thái bình, Phật Pháp quảng truyền, tôn Nho sùng Đạo tín Phật, đồng thời dung hòa tam giáo, thúc đẩy phát triển văn hóa thịnh Đường.


Đường Cao Tông Lý Trị, một vị vua nhân đức được đích thân Lý Thế Dân chọn và dậy dỗ từ bé. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Và đó mới chính là con người thật của Đường Cao Tông, không phải hình ảnh bóp méo về vị vua nhân đức này. Và đương nhiên, với 1 con người thấm nhuần tư tưởng của cha, tôn sùng các tín ngưỡng tôn giáo như thế, thì việc Trưởng Tôn Vô Kỵ bức ông vào đường cùng nên mới dẫn đến hoạ sát thân, chứ không phải là ông muốn thế. Ngược lại, ông đã cho Trưởng Tôn Vô Kỵ nhiều cơ hội nhưng Vô Kỵ lại không biết quay đầu là bờ, mới có kết cục như vậy.

Vậy nên tuyệt đối đừng nghĩ rằng Võ Tắc Thiên có thể dễ dàng thao túng Lý Trị, mà hoàn toàn trái lại, bà rất e dè Lý Trị, một con người có chính kiến với một tấm lòng rộng mở, nhưng quyết đoán.

Năm 2 niên hiệu Long Sóc (năm 662), Võ Tắc Thiên 38 tuổi, là năm thứ 10 sau khi bà từ Cảm Nghiệp tự trở về hoàng cung, Lý Trị suýt chút nữa đã nghe lời Tể tướng Thượng Quan Nghi phế truất bà, ngay đến cả chiếu thư phế truất hoàng hậu cũng đã soạn thảo xong. Tính cách của Lý Trị khiến cho Võ Tắc Thiên không dám buông lơi dù chỉ một khắc, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, hết sức nâng cao cảnh giác.

Mấy năm đầu khi Cao Tông lên ngôi, Trưởng Tôn Vô Kỵ mượn vụ án của Cao Dương công chúa giết liền hai thân vương, hai vị công chúa và lượng lớn quan lớn cùng hoàng tộc trong triều; sau khi Trưởng Tôn Vô Kỵ thất thế, hàng loạt các nguyên lão đại thần đều bị thanh trừ chỉnh đốn… điều này đã nói với Võ Tắc Thiên không ngừng nâng cao cảnh giá. Ngoài ra, chính tình trạng sức khỏe của Cao Tông mới cho bà một cơ hội được nắm chặt quyền lực.

Làm hoàng đế là một công việc thể lực, tiêu tốn thời gian, tổn hao tinh lực, một khắc cũng đều không thể buông lơi. Cao Tông Lý Trị nguyên có thể làm một hoàng đế đạt tiêu chuẩn, khi mới đầu lên ngôi ông mỗi ngày đều chuyên cần lo việc triều chính, mỗi ngày phải tiếp kiến 10 vị quan thứ sử, dần dần đoạt lại quyền lực từ trong tay nguyên lão Trưởng Tôn Vô Kỵ, giành được thành tích “Vĩnh Huy chi trị”, chỉ riêng việc bình định Cao Câu Lệ càng nói rõ ông có năng lực làm Tùy Dạng Đế tốt, chuyện mà Đường Thái Tông muốn làm nhưng lại không thể làm được. Tuy vậy, một cơn bệnh nặng đã thay đổi tất cả, đó chính là “thiên thời”, thế sự xoay vần, không phải vì ông không tài năng, mà là vì thời thế nó là như thế, không thể thay đổi khác đi được.

Năm thứ 5 niên hiệu Hiển Khánh (năm 660), Cao Tông Lý Trị mắc bệnh phong hàn, không thể lo liệu chính sự. Bệnh này là bệnh di truyền của hoàng tộc Lý Đường, nhìn từ tư liệu lịch sử, trong ghi chép rõ ràng của hoàng tộc Lý Đường có 7 vị hoàng đế có mắc chứng bệnh này, tức Cao Tổ, Thái Tông, Cao Tông, Thuận Tông, Mục Tông, Văn Tông và Tuyên Tông.

Lý Trị phát bệnh lần đầu tiên là vào năm thứ 5 niên hiệu Hiển Khánh, lúc phát bệnh choáng váng ù tai, mắt không nhìn thấy, thậm chí đầu nhức như muốn nứt ra. Bệnh thành như vậy, việc chính trị nặng nhọc ngày thường đương nhiên không thể tự mình đi làm. Hơn nữa lúc đó Trưởng Tôn Vô Kỵ chuyên quyền, ông không thể hoàn toàn tin tưởng bề tôi, mà hoàng thái tử Hoằng lúc đó chỉ mới chỉ có 8 tuổi, làm sao có thể giao cả một đất nước cho một đứa trẻ được? Nói một cách so sánh, giao việc chính sự quốc gia cho mẹ của đứa trẻ, cũng tức là vợ của mình, thì yên tâm hơn nhiều.


Võ Tắc Thiên, người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Hoa, lắm mưu, nhiều kế. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Nhìn từ lịch sử, hậu phi các triều đại can dự triều chính tuy nhiều, nhưng tuyệt đại đa số đều không trở ngại đại cục. Khi hoàng tử hoặc hoàng đế còn nhỏ nắm quyền một thời gian, đợi đến khi hoàng tử trưởng thành rồi, người mẹ dù có tình nguyện hay không cũng đều sẽ phải trao lại quyền lực, chỉ khác biệt là  bàn giao lại lúc còn sống hay chết rồi mới bàn giao lại, con trai dù sao vẫn sống lâu hơn mẹ. Và trong lịch sử, trên cơ bản cũng là hậu phi chấp chính đất nước không rối loạn, con cháu hoàng tộc vẫn còn có thể kế thừa vương vị. Còn quan to lạm quyền, thì rất có khả năng sẽ phải thay đổi triều đại.

Trong mấy trăm năm kể từ khi Hán triều kết thúc đến khi nhà Đường thành lập, phần lớn đều là quan to lạm quyền đã kết thúc và thay đổi triều đại của hoàng đế. Xa thì không nói, chỉ nói gần thôi, Tùy Văn Đế là bề tôi thay thế Bắc Chu mà lập nên nhà Tùy; hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Đường Lý Uyên cũng là đại thần của nhà Tùy, vậy nên Lý Trị đề phòng Trưởng Tôn Vô Kỵ hơn là đề phòng vợ mình.

Và các triều đại sau đời nhà Đường, mặc dù tấm gương lịch sử của Võ Tắc Thiên vẫn còn  đó, nhưng vẫn có rất nhiều hoàng đế thà giao quyền lực cho vợ mình cai quản giùm, chứ không giao cho quyền thần trong triều.

Thiện Sinh

 Xem thêm: