Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
… Nhạc Dương nói: “Nàng xem ta nhặt được thỏi vàng này”. Vợ ông nói: “Thiếp nghe nói kẻ sĩ không uống nước từ ‘suối kẻ trộm’, người liêm khiết không nhận ‘cơm thương hại’. Chàng sao lại đi lượm thứ của người khác đánh rơi chứ, như thế phẩm hạnh chẳng phải đã ô nhiễm rồi ư?”. Nhạc Dương nghe thấy vậy vô cùng hổ thẹn, đặt thỏi vàng về chỗ cũ, sau đó quyết tâm tu chí học hành hy vọng ngày sau đạt thành tựu.
Ngụy Văn hầu giữ tín khéo dùng người
Sau khi “ba nhà phân Tấn”, Trung Quốc tiến vào thời kỳ Chiến Quốc. Trong ba nhà Hàn – Triệu – Ngụy thì Ngụy là quốc gia mạnh nhất. Quân chủ của nước Ngụy lúc bấy giờ là Ngụy Văn hầu. Ông là cháu của Ngụy Hoàn Tử. Nước Ngụy nằm ở vị trí trung tâm của Chiến Quốc thất hùng, với phía tây là nước Tần, phía Nam là nước Hàn và Sở, phía bắc là nước Triệu, phía đông là nước Tề và nước Yên. Ngụy quốc nằm ở lưu vực sông Hoàng Hà vốn là vùng đất màu mỡ của Trung Nguyên, đây là lợi thế của nước Ngụy. Nhưng nguyên nhân then chốt khiến nước Ngụy cường thịnh chính là nhân tài. Ngụy Văn hầu là bậc quân chủ “biết người khéo dùng”, đã khiến nước Ngụy cường thịnh trong hơn nửa thế kỷ.
Tên của Ngụy Văn hầu là Ngụy Tư, trong “Sử ký” cũng gọi thêm là Ngụy Đô, ông tại vị 38 năm. Nhưng “Chiến Quốc chí khảo đính” lại nói Ngụy Văn hầu làm vua trong 50 năm tức từ năm 446 TCN đến năm 396 TCN.
Có một câu chuyện rất nổi tiếng liên quan đến Ngụy Văn hầu. Trong một lần dùng tiệc với quần thần, bên ngoài mưa rất to, mưa đến giữa trưa, thì đột nhiên ông muốn ra ngoài một lát. Bề tôi khuyên ông nói: “Hiện tại bên ngoài mưa rất to, ngài đội mưa ra ngoài là vì cớ gì?”. Ngụy Văn hầu trả lời rằng: “Ta có hẹn với ‘Ngu nhân’”. Thời Chiến Quốc, “Ngu nhân” là chức quan nắm giữ trông coi núi rừng điền trạch, tương đương với Bộ trưởng Nông nghiệp ngày nay.
Ngụy Văn hầu nói: “Ta đã hẹn rồi, lúc này đây là phải đi săn với anh ta”. Đại thần lại hỏi: “Lúc này trời mưa to như thế, ngài làm thế nào mà đi săn được?”. Ngụy Văn hầu trả lời: “Đúng là vì bên ngoài trời mưa quá to nên ta không thể đi săn, nhưng đã hẹn trước rồi, cho nên quả nhân đích thân gặp anh ta để hủy cuộc hẹn đó”. Thế là Ngụy Văn hầu ra khỏi cung dưới trời mưa lớn như vậy. Bách tính thấy quân vương đội mưa ra khỏi cung đều không biết ngài ấy đi đâu. Sau này nghe nói quốc vương đi đến chỗ vị quan kia để hủy hẹn, mọi người đều cảm thấy rằng Ngụy Văn hầu là vị quân chủ rất có uy tín.
Ngụy Văn hầu rất coi trọng học thuyết Nho gia. Trong “Sử ký – Ngụy thế gia” nói rằng Ngụy Văn hầu là học trò của Tử Hạ, mà Tử Hạ lại là học trò của Khổng Tử – người khai sáng Nho giáo. Tử Hạ là một người rất khó tiếp xúc. Trong sách “Tuân Tử” có ghi chép, nói rằng Tử Hạ rất nghèo nên có người khuyên ông: “Ông nghèo như thế tại sao không mưu cầu phú quý?”. Tử Hạ đáp: “Nếu vua kiêu ngạo với tôi, tôi sẽ không làm bề tôi của ông ấy. Nếu đại thần ngạo mạn với tôi, tôi sẽ không gặp ông ta nữa”. Làm mưu sĩ cho vua nhưng nếu ông không được tôn trọng thì ông không làm dù có được phú quý.
Dù là thầy của Ngụy Văn Hầu nhưng Tử Hạ không dạy Ngụy Văn hầu được lâu bởi vì lúc Ngụy Văn hầu mời Tử Hạ đến địa khu Tây Hà là năm 407 TCN, trong khi Tử Hạ sinh năm 507 TCN, nghĩa là Tử Hạ khi đó đã là ông lão 100 tuổi, hơn nữa vì ông mới mất người con trai nên đã khóc mù hai mắt. Do đó Ngụy Văn hầu chủ yếu học cùng với hai người học trò của ông, một người tên Cốc Lương Xích, người còn lại là Công Dương Cao.
Phàm những ai nghiên cứu Nho giáo, có thể rất ấn tượng với tên của hai vị này. Như ta biết, Khổng Tử đã viết cuốn “Xuân Thu”. Cốc Lương Xích và Công Dương Cao chính là người chịu trách nhiệm giảng dạy và truyền thụ sách “Xuân Thu”. Những bài giảng giải của họ được hậu thế ghi lại thành “Xuân Thu Cốc Lương truyện” và “Xuân Thu Công Dương truyện”. Hai cuốn này về sau cũng trở thành kinh điển trong Nho gia, điều này cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của hai vị này.
Ngụy Văn hầu còn lấy lễ của bậc khách khanh (1) để đối đãi với Đoàn Can Mộc – Nho sinh nổi tiếng và là học trò của Tử Hạ. Mỗi lần Ngụy Văn hầu xa giá đến làng của Đoàn Can Mộc, ông đều đứng ngay ngắn và vịn đòn ngang trước xe mà cúi mình kính cẩn chỗ ở của Đoàn Can Mộc.
Ngụy Văn hầu coi trọng Nho giáo, ông cũng rất chú trọng pháp luật. Ông có một thủ hạ tên là Lý Khôi. Trong “Sử ký” cũng viết về Lý Khôi, nói rằng ông từng làm tướng quốc cho Ngụy Văn hầu trong 10 năm. Lý Khôi là người đầu tiên chế định ra sách luật – sách viết các luật lệ thành văn bản một cách có hệ thống. Quyển sách này là “Pháp kinh” (Bộ sách về pháp luật). Do đó Lý Khôi là người rất chú trọng pháp luật. Nhiều người coi ông thuộc trường phái Pháp gia, nhưng cách nói này có vẻ không đúng vì ông chỉ là người rất xem trọng pháp luật.
Một chủ trương của Lý Khôi là “chỉ giáo người dân cố gắng tận dụng độ màu mỡ của đất” (2), trên thực tế là khuyến khích phát triển nông nghiệp. Một chủ trương nữa là bình ổn giá lương thực. Như vậy bách tính mới có thể giàu có sung túc. Lý Khôi còn có một cách làm rất có ý đồ, chính là khi ông quản lý một địa phương nào đó, đối với những vụ kiện tụng hết sức nhỏ, ông bèn để nguyên đơn và bị đơn so tài bắn cung, người nào bắn tốt hơn thì người đó thắng. Điều này đã cổ vũ khích lệ người dân tập luyện võ nghệ và bắn cung, khiến cho sức chiến đấu của Ngụy quốc nâng cao.
Ngụy Văn hầu thông qua việc coi trọng Nho học đã thực hiện được việc trị nước bằng văn hóa (văn trị), thông qua Lý Khôi để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Về phương diện khai mở biên cương đất đai, Ngụy Văn hầu cũng là người đóng góp lớn thông qua việc khéo dùng người. Ông bổ nhiệm Nhạc Dương chiếm lĩnh Trung Sơn, dùng Tây Môn Báo cai quản Nghiệp thành, để Ngô Khởi đánh chiếm Tây Hà… Vậy thì một thế hệ danh thần danh tướng này đã kiến lập nên sự nghiệp của họ như thế nào?
Vợ Nhạc Dương khuyên chồng đạt thành tựu
Chúng ta trước tiên nói về Nhạc Dương Tử. Cuộc đời ông có ba phương diện rất tốt. Thứ nhất ông có một người vợ tốt; hai nữa ông có hậu duệ giỏi; và thứ ba, bản thân ông là người giỏi chiến trận.
Nói về người vợ tốt của Nhạc Dương, trong “Nhạc Dương thê tử” trích từ “Hậu Hán thư – Liệt nữ truyện” nói rằng, có một lần khi Nhạc Dương đi dã ngoại thấy thỏi vàng của người nào đó để quên, ông bèn nhặt lên sau đó đưa cho vợ. Ông nói: “Nàng xem ta nhặt được thỏi vàng này”. Vợ ông nói: “Thiếp nghe nói kẻ sĩ không uống nước từ ‘suối kẻ trộm’ (3), người liêm khiết không nhận ‘cơm thương hại’ (4). Chàng sao lại đi lượm thứ của người khác đánh rơi chứ, như thế phẩm hạnh chẳng phải đã ô nhiễm rồi ư?”. Ý nghĩa cả câu chính là phải giữ gìn tiết tháo, không dùng những đồ bất chính phi nghĩa, những thứ có nguồn gốc không rõ ràng. Nhạc Dương Tử cảm thấy rất hổ thẹn bèn đem thỏi vàng để lại chỗ cũ.
Sau đó Nhạc Dương Tử bèn từ giã vợ sang học ở nước Lỗ và nước Vệ. Ông học được một năm rồi quay lại. Vợ ông quỳ ở cửa hỏi: “Sao chàng về nhanh thế?”. Nhạc Dương Tử đáp: “Thực ra cũng không có việc gì, chỉ là ta xa nhà đã lâu nên rất nhớ nàng và con thôi”. Vợ ông bèn cầm kéo cắt tấm vải, sau đó đi đến trước khung dệt, chỉ vào tấm vải đã bị cắt rồi nói: “Đây là tấm vải do từng sợi tơ tằm dệt thành, từng sợi từng sợi mới có thể dệt thành một tấc, từng tấc từng tấc mới dệt thành tấm vải một trượng. Tấm vải như thế mới dùng được, mới có thể may được y phục. Nếu thiếp chỉ dệt được một ít, vậy thì với tấm vải như thế có thể làm được gì? Chẳng phải bỏ đi sao? Người quân tử học tập cũng như tấm vải này vậy, mỗi ngày biết một chút những điều trước đây chưa biết, tích lũy qua ngày tháng mới có được thành tựu”. Thế là Nhạc Dương Tử nghe lời khuyên của vợ đi học thêm bảy năm nữa, cuối cùng hoàn thành được việc học.
Nhạc Dương lãnh binh tấn công Trung Sơn
Năm đó Ngụy Văn hầu muốn chiếm Trung Sơn mới hỏi đại thần Trạch Hoàng rằng: “Ai có thể công hạ Trung Sơn”. Trung Sơn vốn không tiếp giáp với nước Ngụy, nó nằm ở phía bắc nước Triệu. Ngụy Văn hầu cho rằng nếu nước Triệu thôn tính được Trung Sơn thì lãnh thổ của Triệu sẽ càng lớn, thực lực càng hùng mạnh. Do đó ông muốn mượn đường sang nước Triệu để tiến đánh Trung Sơn. Khi Ngụy Văn hầu hỏi vậy thì Trạch Hoàng mới tiến cử Nhạc Dương.
Sau khi Nhạc Dương nhận mệnh lệnh, rất nhiều thủ hạ của Ngụy Văn hầu không phục. Vì sao? Là vì một người không có danh tiếng gì lại đột nhiên nắm binh quyền của một quốc gia, do đó họ đều khuyên can Ngụy Văn hầu rằng: “Muôn nghìn lần không thể để Nhạc Dương lãnh binh, bởi vì con trai Nhạc Dương đang là Đại phu ở Trung Sơn”.
Quốc vương nước Trung Sơn là Cơ Quật, người này vui chơi hưởng lạc ngày đêm. Hơn nữa thiên tai dị tượng thường xuất hiện ở quốc gia này, cho nên bàn dân trăm họ nơi đây vô cùng cực khổ. Ngụy Văn hầu cảm thấy đây là cơ hội tốt để đánh hạ Trung Sơn, thế là ông giao binh quyền cho Nhạc Dương. Thế quân do Nhạc Dương dẫn đầu mạnh như chẻ tre, rất nhanh đã đến được đô thành của Trung Sơn.
Khi đó vua của Trung Sơn rất sợ hãi, Đại phu Công Tôn Tiêu đưa ra một ý kiến nói: “Con trai Nhạc Dương là Nhạc Thư hiện nay đang làm quan ở Trung Sơn, chúng ta để Nhạc Thư giảng hòa với cha hắn. Nếu không thể giảng hòa sẽ giết Nhạc Thư đi”.
Sau khi nhận lệnh từ Cơ Quật, Nhạc Thư bèn lên thành, nhưng chưa kịp đợi Nhạc Thư mở miệng, Nhạc Dương đã mắng con trai: “Đứa con chẳng ra gì kia! Đã làm một đại trượng phu mà nói thì không ở nước đang nguy, không vào nước đang loạn. Ở một quốc gia như thế này, vua không đoái hoài chính trị, ngươi lại không rời đi, bản thân chẳng phải đang ‘đổ thêm dầu vào lửa’ sao? Hiện nay ta chưa công thành, nhưng ngươi hãy nhanh chóng khuyên quân vương lập tức đầu hàng đi!”.
Con trai của ông nói: “Đầu hàng hay không đầu hàng không phải là việc một đại thần như con quyết định. Cha hãy cho con thời gian để thương lượng với quốc vương”. Nhạc Dương nói: “Được, ta cho ngươi một tháng”. Nhạc Thư quay về. Qua một tháng, Nhạc Dương lại hỏi con trai: “Thương lượng thế nào rồi?”. Nhạc Thư nói: “Còn chưa thương lượng xong”. Nhạc Dương lại cho con trai thêm một tháng nữa. Tổng cộng ba lần như vậy, chính là trong thời gian ba tháng đó Nhạc Dương chưa tấn công.
Sau khi tin tức này đến nước Ngụy, lúc đó các đại thần lần lượt dâng sớ lên Ngụy Văn hầu muốn Nhạc Dương không cầm binh nữa, họ nói: “Hiện tại nước ta đang tác chiến bên ngoài, phải đi qua chặng đường rất xa, mỗi ngày chuyển lương thực từ nước Ngụy đến Trung Sơn tốn rất nhiều tiền. Nếu Nhạc Dương không công hạ thành trì, chính là đang làm việc ‘mệt binh tốn tiền’. Hơn nữa vì sao không tấn công? Chính vì con trai ông ta ở đó. Cho nên hy vọng chủ công thay Nhạc Dương bằng một vị tướng khác”.
Ngụy Văn hầu hỏi Trạch Hoàng là người tiến cử Nhạc Dương: “Nhạc Dương vì sao không tấn công?”. Trạch Hoàng đáp: “Ông ấy nhất định có lý trong quyết định của mình”. Vì Trạch Hoàng nói như vậy nên Ngụy Văn hầu bỏ qua những lời ra tiếng vào, hơn nữa còn phái người đến tiền tuyến ai ủi quân đội của Nhạc Dương, sau đó lại xây một căn nhà lớn ở thành đô chờ Nhạc Dương ca khúc khải hoàn.
Nhạc Dương sau khi nghe những tin này thì vô cùng cảm kích. Ông nói với thủ hạ: “Sở dĩ ta đình chỉ việc công thành là vì quân vương ở đây vốn không quan tâm đến sống chết của người dân. Nếu ta tấn công gấp, thương vong sẽ rất nhiều. Ta hy vọng thông qua phương thức này mà nhận được lòng dân nơi đây”.
Liệu Nhạc Dương có tấn công và số phận vùng đất Trung Sơn sẽ ra sao? Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Ghi chú:
(1) Khách khanh là chỉ những người ở các nước chư hầu làm quan ở bản quốc.
(2) Nguyên gốc là: Tận địa lực chi giáo – 盡地力之教.
(3) Nguyên gốc là ‘đạo tuyền’ – 盜泉, tên của một dòng suối ở đông bắc huyện Tứ Thủy, tỉnh Sơn Đông trong thời Xuân Thu. Người ở đó nói rằng năm xưa một toán ăn trộm đã chiếm dụng con suối này, nên gọi nó là ‘suối của kẻ ăn trộm’. Khổng Tử qua ‘suối của kẻ ăn trộm’ dù khát nhưng không uống nước nơi đó vì cái tên đã làm cho người ta thấy chán ghét.
(4) Nguyên gốc là ‘ta lai chi thực’ – 嗟來之食. Trong “Lễ ký” ghi lại câu chuyện xảy ra vào thời Xuân Thu. Năm ấy nước Tề mất mùa, người chết đói nằm la liệt. Kiềm Ngao nấu cơm cứu đói rồi bày ra đường ban phát. Một ngày nọ, Kiềm Ngao thấy có người thất thểu đi tới, người đó đã bị đói lâu ngày. Kiềm Ngao bèn đưa cơm rồi quát: “Này, lại đây mà ăn!”.
Không ngờ người đói ngẩng đầu lên nhìn Kiềm Ngao rồi trả lời: “Ta cũng vì không ăn cơm của loại người có giọng điệu như ông nên mới ra nông nỗi này”, nói xong liền hiên ngang bỏ đi, sau đó đã chết đói.