Vào kỳ nghỉ hè lần thứ 2 tại Tolo, một ngôi làng biệt lập của Hy Lạp nằm trên bờ biển phía Đông Peloponnese. Andreas Deffner, một chuyên gia hành chính công người Đức đồng thời là một nhà văn tận tuỵ đã ngẫu nhiên phạm một lỗi văn hóa, và việc này dẫn ông tới một khái niệm nổi tiếng của người Hy Lạp gọi là Philotimo.
Câu chuyện bắt đầu khi bà Vangelió – chủ của khách sạn nhỏ nơi Andreas Deffner đang ở trong kỳ nghỉ hè, đã ấm áp hỏi thăm ông: “Xin chào, hôm nay anh thế nào rồi?” – “Cũng bình thường thưa bà” Deffner trả lời một cách uể oải vì còn buồn ngủ.
Điều tiếp theo mà người du khách Đức nhớ là ông đang toát mồ hôi vì thưởng thức một bát súp gà nóng hổi ngon lành. Ông chợt nhận thấy đôi mắt bà Vangelió và Irini – cô con gái của bà đang dán chặt vào mình. Khi anh trai của Irini là Pericles đến, cô gái bắt đầu đấm mạnh vào anh. Deffner hoảng hốt sợ hãi và hỏi: “Liệu tôi đã làm điều gì không phải?” với thái độ rất đề phòng. Pericles trả lời: “Ông đã nói với Vangelió rằng ông không được khoẻ”
“Xin thứ lỗi cho tôi? Tôi chỉ nói rằng cũng ‘thường thường’”
“Nếu ông trả lời ‘thường thường’, người bản địa sẽ nghĩ rằng ông ốm và cảm giác Philotimo của họ là muốn chữa lành bệnh cho ông thông qua món súp gà” – Pericles trả lời với nụ cười rổn rảng.
“Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi với Philotimo, và chắc chắc đây không phải là lần cuối” – Andreas Deffner, người đầu tiên viết một cuốn sách về chủ đề Philotimo cho biết.
Ý nghĩa chính xác của khái niệm Philotimo được thảo luận khá gay gắt. “Tình yêu đối với danh dự” là ý nghĩa chính thức khi được truyền tải sang ngôn ngữ khác, là một cách giải thích có vẻ thực tế hơn cả nhưng vẫn không đủ ý nghĩa bao hàm của một chuỗi các đức tính nằm bên trong từ Philotimo. Khi tôi hỏi nhiều người Hy Lạp về nhận thức của họ với khái niệm Philotimo, tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.
“Làm điều đúng đắn”, bác sĩ Pinelopi Kalafati nói. Nghệ sĩ Kostis Thomopoulos lại giải thích đó là “Cố gắng hết mức có thể để đạt tới sự hoàn hảo”. Trong khi đó, Tatiana Papadopoulou – một tình nguyện viên tại trại tị nạn Malakasa cho rằng Philotimo là “Bước ra ngoài vùng an toàn của bạn và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn”.
Dường như khái niệm này không chỉ khó chuyển tải một ý nghĩa cụ thể, mà thậm chí đối với người Hy Lạp bản xứ đây cũng là một vấn đề đầy rắc rối khi định nghĩa Philotimo.
Có một giải thích rõ ràng hơn rằng, khi bạn có Philotimo nghĩa là bạn ý thức được rằng hành vi của bạn không chỉ là phản ánh bản thân mà còn là sự phản ánh của gia đình, cộng đồng và quốc gia của bạn. Tự hào về những gì bạn làm chỉ vì bạn đã dành thời gian và nỗ lực để làm điều đó. Giúp người khác đơn giản chỉ vì họ cần giúp đỡ. Làm đúng vì bạn có nghĩa vụ phải làm đúng. Hay là những trách nhiệm của bản thân mình với tư cách là con người để luôn hành động phù hợp với sự công bình và danh dự.
Bất kể là người giàu có, có cuộc sống an toàn, tự do, hay đang trong tình trạng gặp nguy hiểm, thiếu thốn…Một người nhân đức sẽ luôn luôn chọn làm điều đúng và chọn danh dự bất kể hậu quả. Philotimo là hành động thiện chí, không cần một lý do có lợi nào cho bản thân mà đơn giản đó là điều đúng đắn cần phải làm. Đây cũng là thuật ngữ duy nhất trong tiếng Hy Lạp có thể áp dụng cho các cá nhân, nhóm, hoặc ngay cả xã hội Hy Lạp như một tổng thể, và có thể là bất kỳ hành động hoặc hành vi nào. Philotimo giữ cho cộng đồng Hy Lạp gần gũi mạnh mẽ và sôi động trong hàng ngàn năm qua.
Ông Vassilios P Vertoudakis, giảng viên về triết học cổ đại Hy Lạp tại Đại học Quốc gia Kapodistrian Athens giải thích rằng Philotimo bắt nguồn từ Philotimia (φιλοτιμία) – một từ Hy Lạp cổ đại, lần đầu tiên xuất hiện vào buổi bình minh của thời kỳ văn học cổ điển Hy Lạp (Thế kỷ thứ 6 và 7 trước Công nguyên) trong tác phẩm của nhà thơ Pindar. Đối với Pindar và những người viết lách thời kỳ đó, từ này có nghĩ là tình yêu thương vói lòng tôn kính hoặc danh dự, khát vọng… nhưng thường được hiểu theo ý nghĩa tiêu cực.
Chỉ sau khi sự hợp nhất nền dân chủ thời kỳ Athens cổ đại vào khoảng thế kỷ thứ 4 và thứ 5 trước Công Nguyên, khi mà cuộc tranh đấu đã được thay bằng sự hợp tác thì khái niệm Philotimo lúc này mới đạt được ý nghĩa bao hàm rất rộng lớn về trạng thái tích cực. Vào thời điểm này, “một người đàn ông đạt được Philotimo có nghĩa là đã được chứng thực rằng người đó xứng đáng để nhận được những lời khen ngợi từ thành phố của mình bởi sự phụng sự xã hội và cộng đồng của anh ta”, ông Vertoudakis giải thích.
“Khái niệm này thực sự bắt đầu khoảng thế kỷ 15 thời Trung cổ, khi đế chế Ottoman thống trị đã nô hóa người Hy Lạp, buộc một bộ phận lớn dân cư phải tự canh tác và nuôi sống bản thân với thuế rất nặng và hạn chế giáo dục. Những người Hy Lạp bị nô dịch và hướng nội nên chịu ràng buộc bởi niềm tự hào, cộng đồng của mình và các mối quan hệ giữa các cá nhân. Chính vì thế các cộng đồng Hy Lạp đã thấm nhuần Philotimo, điều này đã được kích hoạt không phải bởi luật pháp và logic mà là cảm xúc mãnh liệt và mức độ gần gũi nhất định”.
Trong tháng 5 năm 1941, khi Đức Quốc xã phát động một cuộc công kích vào hòn đảo huyền thoại Minoan của Crete, người dân địa phương không chỉ lấy dao nhà bếp hoặc vũ khí thô sơ để chiến đấu với kẻ thù mà còn băng qua những ngọn núi cao chật hẹp và những hẻm núi dốc đứng để tìm nơi ẩn náu tốt nhất cho lính Anh và Úc. Lúc đó, không phải tình trạng một nửa số người trong số họ đã bị chết đói trong nạn đói do phát xít gây ra, cũng không phải án tử hình đang chờ sẵn, mà chính nghĩa vụ của họ, danh dự và dũng cảm là điều được ưu tiên hàng đầu.
Cũng trong thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã, Thị trưởng Karrer và giám mục Chrysostomos của hòn đảo Zakynthos đã bị ra lệnh phải cung cấp danh sách những người Do Thái trong thị trấn. Bất kỳ người Hy Lạp nào giấu giếm người Do Thái, sẽ bị xử tử. Thay vì chuẩn bị danh sách này, thị trưởng và giám mục đã bảo người Do Thái trong vùng trốn đi. Họ trả lại chỉ huy một danh sách với chính hai cái tên của họ. Họ đã cứu mạng sống của 275 trong khi biết chắc rằng mình có thể bị hành quyết. Đó là hành động Philotimo.
Gần 76 năm sau, những người bản xứ trên các hòn đảo của Lebos, những điểm đến nổi danh tuyệt đẹp và thu hút nhiều khách du lịch – trong những năm chìm sâu vào suy thoái – đã trở thành những người cứu trợ người tị nạn tại bờ Đông Aegean.
Bà Emilia Kamvisi 86 tuổi cùng những người bạn cao tuổi của bà, Efstratia Mavrapidou 90 tuổi và Maritsa Mavrapidou 86 tuổi mới đây đã được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2016 vì hành động tới bờ biển Lesbos mỗi ngày để cứu giúp những người phụ nữ tị nạn đã kiệt sức và những đứa con của họ.
Khi được các nhà báo phỏng vấn, bả hỏi ngược lại: “Tại sao con lại khen ngợi bà lão này, bạn trẻ?”, “Điều đặc biệt ta đã làm ư? Liệu các bạn có thể không làm điều tương tự hay không?” bà nói tiếp.
Cũng được đề cử giải Nobel Hoà bình là một ngư dân 41 tuổi, Stratis Valiamos, người thường chèo chiếc thuyền gỗ tí hon của mình tới vùng biển Aegean để giải cứu mọi người.
“Tôi đi câu cá, tôi thấy mọi người la hét để được cứu giúp. Tôi có thể làm gì đây? Liệu tôi có thể giả vờ là mình không nghe thấy? Đó không phải là điều đúng đắn để làm”.
Chúng tôi không thể trở về với những cái lưới đầy cá, nhưng chúng tôi trở về với những trái tim ấm áp”, Diamantis Zannikos – một ngư dân – người giải cứu từ Chios đã nói, “Chúng tôi có Philotimo.
Chắc rằng, Kamvisi, Valiamos và Zannikos hay hàng trăm người dân Hy Lạp chờ đợi trên bãi biển mỗi ngày để mang lại quần áo khô ráo, nước uống, thực phẩm và sự che chở, thậm chí mở rộng vòng tay và những cánh cửa ngôi nhà của họ cho những người chạy trốn khỏi chiến tranh và khủng bố – sự thấu cảm và phẩm hạnh đạo đức từ Philotimo vượt xa khỏi những nỗ lực để khái niệm hoá nó. Đối với họ, Philotimo chỉ đơn giản là một cách sống.
Thật đáng buồn khi hình ảnh người Hy Lạp bị ảnh hưởng xấu bởi giới truyền thông do khủng hoảng kinh tế. Khách du lịch đã giảm bớt bởi họ sợ hãi. Thế giới có vẻ khác khi chúng ta tự khám phá nó. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ gặp được nhiều người ấm áp và tràn đầy tình yêu thương ở Hy Lạp và biết được khái niệm Philotimo! Hãy tưởng tượng nếu tất cả chúng ta sẽ hành động với tinh thần Philotimo.
Chúng ta sẽ biết rằng hành vi của chúng ta không chỉ là phản ánh bản thân mà còn phản ánh về gia đình, cộng đồng và đất nước của mình. Hãy tưởng tượng rằng chúng ta sẽ tự hào về mọi thứ chúng ta làm chỉ vì chúng ta đã dành thời gian và nỗ lực để làm điều đó. Chúng ta sẽ giúp đỡ những người khác đơn giản chỉ vì họ cần giúp đỡ.
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta hiếm khi làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác mà không mong đợi được đền đáp hoặc ghi nhận. Khi phẩm chất tốt đẹp của sự hy sinh cá nhân đang mờ nhạt dần. Công nghệ đang tạo ra những quả bóng khép kính nhốt con người trong đó với trọng tâm là bản thân mình. Chúng ta không muốn dừng lại hỏi ai đó có cần sự trợ giúp không khi xe họ hết xăng hoặc xịt lốp bằng lời tự huyễn hoặc rằng: “Họ có điện thoại di động. Họ có thể tự gọi trợ giúp”. Chúng ta không muốn mua những gói tăm của Hội người mù vì nhiều tổ chức từ thiện không minh bạch đã làm chúng ta mất niềm tin. Khi thấy rác bẩn trên đường chúng ta không nhặt lên vì chúng ta không phải là người làm rơi chúng. Chúng ta không nghĩ tới hình ảnh của người Việt khi có những hành vi thiếu văn minh tại các nước bạn. Chúng ta không thấy tự hào về những gì mình có thể đóng góp cho công ty mà thay vào đó, chúng ta đi làm chỉ để kiếm kế sinh nhai và công ty nào trả lương cao hơn thì đương nhiên là tốt hơn…
Có rất nhiều điều trong xã hội ngày nay đang ngày càng trở nên phổ biến mặc dù nó đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng, đi ngược lại với quan niệm truyền thống về cái tốt cái xấu, đi ngược lại với luân thường đạo lý. Nhưng ở mảnh đất của những thần thoại, những vị anh hùng và những cảnh sắc tuyệt đẹp như thiên đường, vẫn tồn tại một sợi dây neo giữ phẩm hạnh và đạo đức của con người. Philotimo không chỉ là một phong cách sống, một bản sắc dân tộc mà là niềm tin vào cái thiện, điều đúng đắn và trách nhiệm với người khác. Philotimo là một từ không thể dịch nghĩa, nhưng nó lại mang rất nhiều ý nghĩa vào cuộc sống của chúng ta.
Stav Dimitropoulos
An Tịnh
Xem thêm:
- Quốc gia nhỏ và nghèo nhất châu Âu đã dạy cả thế giới về lòng tin trong thời kỳ khủng hoảng như thế nào?
- Chủ nghĩa ‘hoàn hảo’: Bí quyết đưa Đức trở thành cường quốc số 1 Châu Âu
- 21 điều gây sửng sốt chỉ có ở Trung Quốc