Có một chữ ‘Đức’ thấm đẫm trong văn hóa cổ xưa, xuyên suốt cả Đông Tây kim cổ. Đức sáng, tâm sáng, đó chính là nền tảng của một phẩm giá thanh cao và một nhân cách cao thượng.
Năm 1793, tại Quảng trường Cách mạng ở Paris, vị vua và hoàng hậu nước Pháp bị đưa lên đài tử hình. Khi bước chân đến đoạn đầu đài, hoàng hậu Marie Antoinette vô tình dẫm lên chân của kẻ đao phủ, ngay lập tức bà nói: “Tôi xin lỗi, thưa ông”. Cũng cùng ngày hôm ấy, chồng bà, cựu vương Louis XVI đã để lại những lời nói điềm tĩnh và cao thượng trước đông đảo công chúng Paris:
“Ta chết một cách vô tội bởi những tội danh được gán cho ta. Ta tha thứ cho kẻ đã gây ra cái chết của ta, và cầu Chúa rằng máu của ngươi sẽ không bao giờ rơi trên đất Pháp.”
Tại nước Nga xa xôi, vào năm 1910 một người đàn ông 82 tuổi đã quyết định tặng toàn bộ tài sản của mình cho người nghèo để giải thoát họ khỏi cuộc sống đau khổ. Ông bước ra khỏi tòa biệt thự của mình, và rồi cuối cùng phải chết như một người vô gia cư trong nhà ga nhỏ hoang vắng. Người đàn ông ấy tên là Lev Tolstoy, tác giả cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” nổi tiếng. Nhiều năm sau, nhà văn Áo Stafan Zweig đã ca ngợi rằng: “Nếu ông không chịu đựng đau khổ thay cho chúng ta thì ông không có được tiếng thơm toàn nhân loại như vậy”.
Trở lại với phương Đông để cùng nhìn lại phẩm hạnh cao quý của các bậc tiền nhân. “Tả truyện” kể rằng, vào năm Tống Tương Công 15, có một người nhận được miếng bạch ngọc không tì vết liền mang đến tặng cho đại phu Tử Hãn. Tử Hãn không nhận mà trả lời rằng: “Ngọc bội là bảo bối của ngươi, còn ‘không tham’ lại là bảo bối của ta. Nếu như ta nhận bảo bối của ngươi thì cả hai ta đều bị mất bảo bối rồi. Ngươi hãy cầm đi đi!”
Có một câu chuyện về tướng quốc Án Anh của nước Tề như sau: Khi được vua Tề Cảnh Công ban tặng lụa là châu báu, Án Anh đều nhất mực khước từ. Sau, vua Tề lại có nhã ý ban cho ái nữ, bởi phu nhân của Án Anh khi đó đã già nua xấu xí. Án Anh chắp tay mà rằng: “Lúc trẻ người ta lấy mình là mong về già có nơi nương tựa. Thần thiếp của thần tuy già xấu nhưng vẫn đáng trân trọng, thần không dám phụ bạc”. Câu nói ấy của Án Anh khiến vua Tề vô cùng nể phục, lại thêm tin tưởng và trọng dụng vị hiền thần của mình hơn nữa.
Nói đến cốt cách thanh cao, những tấm gương sáng, đức sáng của người Việt ta không phải là hiếm. Sách sử vẫn còn ghi chép về những vị vua anh minh, những vị quốc thần liêm chính, những nàng công chúa hiếu thảo, và những bậc cao tăng giữ lòng trong sạch, không vướng bụi trần. Ở đây chỉ xin kể lại câu chuyện về một vị thiền sư vào thế kỷ 19.
Thiện Thành Liễu Đạt là vị sư ở ngôi chùa Đại Giác, nổi tiếng với dung mạo tuấn tú, tư chất thông minh, phẩm hạnh cao quý, và kiến thức Phật học uyên thâm. Tài năng và đức độ của ngài đã khiến công chúa Ngọc Anh rung động, người vẫn thường hay lui tới Phật đường để được gặp mặt thiền sư.
Thế nhưng, vì tấm lòng kiên định theo Phật Pháp mà nhà sư tìm mọi cách tránh né. Ngài thậm chí còn nhập tịnh thất hai năm, đóng cửa để gõ mõ tụng kinh.
Công chúa Ngọc Anh với mối tình đơn phương đã lặn lội khắp chốn để đi tìm thiền sư. Cuối cùng, khi tìm được tới tịnh thất, nàng vẫn không thể gặp mặt ngài.
Không còn cách nào khác, công chúa bèn quỳ trước cửa tịnh thất và thưa rằng: “Nếu hòa thượng không tiện ra tiếp, xin hãy cho con nhìn thấy bàn tay của hòa thượng, đệ tử sẽ hân hoan mà ra về”. Im lặng vài phút, thiền sư đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất. Công chúa vội ôm bàn tay rồi sụp xuống lạy và khóc.
Đêm hôm ấy vào khoảng canh ba, khi mọi người đang yên giấc, bỗng tịnh thất của thiền sư bốc cháy. Chỉ còn lại bài thơ của thiền sư trên vách chánh điện viết rằng:
THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.
Nhục thân hòa tan vào ngọn lửa, nhưng vẫn còn đó tấm lòng kiên định vào Phật pháp cùng con đường tu hành không vướng bụi trần của thiền sư.
Hồng Liên tổng hợp
Xem thêm: