Chuyên mục Văn Hoá – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Những bức thư để đời”. Trong loạt bài này, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu những bức thư nổi tiếng của các danh nhân tự cổ chí kim, hoặc từ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc. Ấy là những lời tâm huyết nhất của những người trong cuộc gửi trao cho nhau biết bao nỗi niềm tâm sự và tư tưởng tình cảm tốt đẹp, nhân văn, cao thượng; qua đó cung cấp cho ta một tham khảo tốt để xử lý những tình huống trong cuộc sống; hay đơn giản là mang đến một góc nhìn mới mẻ về con người và sự kiện.

Kỳ 4: Tổng thống Lincoln chân thành thừa nhận mình đã sai

Sự thành thật ấy, dù không phải để mưu cầu tư lợi, vẫn đem lại cho Lincoln sự ngưỡng mộ của hậu thế hơn bất kỳ một toan tính khôn ngoan nào khác…

Ulysses Simpson Grant là vị tướng nổi tiếng nhất của quân đội miền Bắc Hoa Kỳ, đối thủ chính của tướng Robert E. Lee của quân đội miền Nam Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ (1861 – 1865). Ông là người góp công rất lớn trong chiến thắng của quân miền Bắc, chấm dứt cuộc nội chiến, từ đó nước Mỹ tái thiết và trở nên hùng mạnh. Trong bức thư đặc biệt dưới đây, tổng thống Abraham Lincoln chúc mừng tướng Grant cho một chiến thắng quan trọng, nhờ đó mà quân miền Bắc giành được Vicksburg, Mississippi ngày 4/7/1863. Lincoln có quan điểm khác tướng Grant về việc điều khiển chiến dịch, nhưng khi Grant theo đuổi cách làm riêng và thành công, Lincoln thẳng thắn thừa nhận rằng Grant đã đúng.

Vị tướng nổi tiếng Ulysses Simpson Grant. (Ảnh: wikipedia.org)

Lincoln chưa từng gặp mặt Grant cho tới năm sau đó, nhưng ông đã viết về Grant với những lời lẽ đẹp đẽ. Ngày 26/5/1863, trong lá thư gửi bạn ông là Isaac Arnold, Lincoln nhắc đến chiến công Vicksburg của Grant rằng: “Chiến dịch của ông ấy từ đầu tháng cho tới ngày thứ hai mươi hai, là một trong những điều xuất chúng nhất trên thế giới”.

Vào tháng 12 năm 1866, một năm sau khi Lincoln chết, Joseph Gillespie – một đồng nghiệp theo ngành luật của Lincoln từ Illinois, đã đề cập đến lá thư này khi viết cho cộng sự luật của Lincoln. “Ông ấy chẳng cần có một cố gắng nào để thừa nhận sự vượt trội của người khác đối với mình, và sự thừa nhận của ông ấy rằng tướng Grant đã đúng và ông đã sai về việc vận hành chiến dịch ở Vicksburg không có ý là để gây ấn tượng như quan điểm của một vài người mà nó tuyệt đối là do cá tính tự nhiên của ông ấy”.

Qua lá thư này, chúng ta sẽ hiểu được vì sao Lincoln vẫn hay được gọi là Lincoln thành thật (Honest Abe). Chúng ta thấy ông không những thành thật mà còn dũng cảm nữa. Và sự thành thật ấy, dù không phải để mưu cầu tư lợi, vẫn đem lại cho ông sự ngưỡng mộ của hậu thế hơn bất kỳ một toan tính khôn ngoan nào khác, nhất là của những người ở trong giới hay ở địa vị của ông.

Qua lá thư, chúng ta sẽ hiểu được vì sao Lincoln vẫn hay được gọi là Lincoln thành thật. (Ảnh: cafef.vn)

Nội dung thư như sau:

“Kính gửi thiếu tướng Grant

Thiếu tướng thân mến

Tôi không nhớ rằng chúng ta đã có lần nào gặp nhau mang tính cá nhân hay chưa. Tôi viết thư này để thừa nhận cho sự phục vụ hầu như vô giá mà ông đã dành cho đất nước. Tôi ước gì có lời nào giúp mình nói hay hơn thế nữa. Khi ông lần đầu tiên tới vùng phụ cận của Vicksburg, tôi đã nghĩ rằng ông sẽ làm, điều mà ông cuối cùng đã làm – hành quân qua eo đất, vận chuyển đại bác bằng xe cộ, và theo cách đó đi xuống thấp; và tôi chưa từng có bất cứ lòng tin nào, trừ một hy vọng chung chung rằng ông biết việc hơn tôi, rằng cuộc viễn chinh Yazoo Pass và điều tương tự có thể thành công. Khi ông đi xuống thấp và chiếm cảng Gibson, vịnh Grand và vùng phụ cận, tôi đã nghĩ ông sẽ xuôi xuống sông và gia nhập với tướng Banks mất [1]; và khi ông ngoặt hướng bắc vùng Đông Big Black, ông đã e rằng đó là sai lầm. Giờ đây tôi mong muốn được thừa nhận một cách cá nhân rằng ông đã đúng và tôi đã sai.

Thân ái!

A.Lincoln”

Bình Nguyên

Chú thích:

[1] Chiến dịch sông Hồng của tướng Bank là một thất bại thảm hại của quân đội miền Bắc và tướng Nathaniel P. Banks. Ý của Lincoln rằng Grant có thể sẽ mắc lại sai lầm của Banks.

Nguồn: http://www.abrahamlincolnonline.org/lincoln/speeches/grant.htm