Johann Sebastian Bach (1685-1750) là nhà soạn nhạc người Đức, được hậu thế coi là một thiên tài âm nhạc lớn lao nhất trong thời đại Baroque.
Trong các sáng tác âm nhạc, J.S. Bach đã đưa các kỹ thuật âm nhạc như đối điểm (counterpoint) và tẩu khúc (fugue) lên các trình độ cao nhất. Đối điểm là cách trình diễn hai hay nhiều tiết điệu (melodies) đồng thời với nhau còn tẩu khúc là cách sáng tác trong đó các nhạc cụ khác nhau lặp lại cùng một tiết điệu với một chút biến đổi (variations).
Không có một lĩnh vực nào của nghệ thuật sáng tác âm nhạc mà Bach lại không cống hiến tài năng của mình và bất cứ ở đâu ông cũng đều vĩ đại như nhau: Hoặc viết cho clavexanh hay Oocgan, cho dàn nhạc hay hợp xướng, những bản nhạc chính biên, phát triển, biến tấu, chuyển biên trên giai điệu của chính mình hoặc những người đương thời – tất cả đều là những mẫu mực, đều là những viên ngọc quý giá.
Trong tác phẩm của mình, Bach là người biết tổng kết những thành tựu của nghệ thuật âm nhạc quá khứ và hiện tại, cả nhạc thế tục lẫn nhạc giáo hội, từ nhạc dân gian đến nhạc chuyên nghiệp. Vì thế toàn bộ tác phẩm âm nhạc của Bach là một cuốn từ điển sống về âm nhạc của Châu Âu các thế kỷ XVII – XVIII. Trong lĩnh vực nghệ thuật khi có một người biết tổng kết quá khứ thì đó cũng chính là người đặt cơ sở nền móng cho sự phát triển của nó về tương lai.
Bach là nhạc sĩ của trường phái, của chủ nghĩa nào?
Sở dĩ có câu hỏi đó, là vì khi nghiên cứu lịch sử âm nhạc châu Âu hoặc bất cứ loại lịch sử nào ở châu Âu người ta đã quen với phương pháp chia gọn nó ra thành những thời đại, những chiều hướng dường như là thay thế dần cho nhau theo các bậc thang ngày càng cao hơn. Sự thật thì không phải hoàn toàn như vậy. Nếu cho Bach là tiền cổ điển với ý nghĩa là sự manh nha, là bước chập chững trước khi vào âm nhạc của các nhạc sĩ cổ điển thì dĩ nhiên là hoàn toàn sai lầm. Còn với ý nghĩa là đặt nền móng cho chủ nghĩa cổ điển thì lại chưa đầy đủ, vì thật không quá phóng đại khi nói Bach đặt nền móng cho mọi thứ trường phái, mọi loại chủ nghĩa trong âm nhạc.
Bach ngày nay được nhắc tới trong mọi lĩnh vực của âm nhạc, là tác giả của tác phẩm đầu tiên trong chương trình thi cử từ lớp nhạc của trẻ em tới phòng thi quốc tế của các nhạc sĩ biểu diễn tài ba khắp hoàn cầu, là danh hiệu của nhiều viện nghiên cứu, nhiều tổ chức âm nhạc, là đối tượng thảo luận của vô vàn sách báo và hội thảo, là sư tổ của các trường phái âm nhạc giọng điệu, phi giọng điệu, ấn tượng và hiện thực . . là cha đẻ của nhạc hiện đại, là người sáng lập ra tất cả âm nhạc Châu Âu.
Beethoven nói: Bach không phải là con suối, Bach là đại dương…
Người đầu tiên biết đánh giá âm nhạc của Bach là Mozart. Tính chất sâu sắc trong âm nhạc của Bach đã ảnh hưởng tới những tác phẩm của Mozart và đặc biệt tác phẩm “Requiem” nổi tiếng của ông xứng đáng được coi như là sự kế tục của bản “Mass in B minor”.
Tiếp theo Mozart là Bethoven với câu nói nổi tiếng đã trở thành châm ngôn “Erist kei Bach – er ist sin ozean” có nghĩa là :”Bach không phải là con suối, Bach là đại dương”. Trong tiếng Đức chữ “Bach” có nghĩa là “con suối”, Bethoven đã chữa nghĩa của chữ đó để nói lên lòng hâm mộ vô bờ của mình đối với âm nhạc Bach.
Bach là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các nhạc sĩ ngày nay…
Tuy nhiên, tất cả những cái tất cả ấy về Bach, trừ một vài nhạc sĩ lỗi lạc, còn thì mới được khám phá và đồng cảm từ đầu thế kỷ XIX, cụ thể hơn là từ năm 1829 (gần 100 năm sau khi Bach viết Mass in B minor và 80 năm sau khi Bach mất) nhờ Mendelson chạy vạy, trình diễn được Passio – “Khổ hạnh của Chúa theo Matvay kể”.
Chỉ có từ các nhạc sĩ thời lãng mạn mới bắt đầu biết tuyên truyền và nghiên cứu sâu sắc âm nhạc Bach. Hai tập “Bình quân” là những cuốn sách gối đầu giường của Sô-Panh (Chopin). Âm nhạc Bach là tiết mục không thể thiếu được trong chương trình biểu diễn của Su-man, của Liszt.
Ở thế kỷ của chúng ta âm nhạc Bach giữ một chỗ đứng chói lọi nhất. Bach là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các nhạc sĩ, các nhà biểu diễn âm nhạc tiêu biểu nhất thời đại ngày nay.
Dưới đây là minh họa tác phẩm “Air” vĩ đại của Johann Sebastian Bach.
Bach viết 4 bản Suite cho dàn nhạc, trong đó nổi tiếng nhất bản số 3 (D-dur BWV.1068) nhờ sự hùng vĩ, sức mạnh và đặc biệt là vẻ đẹp phi thường của chương II vẫn được biết đến với cái tên Air on G-string. Chương này được chuyển biên cho các loại nhạc cụ khác nhau độc tấu, nhưng không có bản nào có được âm thanh trọn vẹn đầy đặn bằng bản gốc cho dàn dây của chính tác giả:
Kim Cương