‘Bát thập thất thần tiên quyển’ là một bức tranh thủy mặc nổi tiếng của Ngô Đạo Tử dưới thời thịnh Đường. Đây là bức họa được cho là tác phẩm nghệ thuật kinh điển vẽ về 87 vị thần tiên từ trên trời giáng hạ. Khung cảnh trong tranh diễm lệ phi phàm, đường nét thanh thoát chuẩn xác, là một tác phẩm thể hiện tài hoa của Đạo Tử…

Ngô Đạo Tử là một danh họa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tài năng hội họa của ông được người đời mệnh danh là họa thánh. Có rất nhiều giai thoại thần kì về việc vẽ tranh của ông.

Một trong những tác phẩm được cho là kiệt tác kinh điển là bức ‘Bát thập thất thần tiên quyển’. Là bức tranh thủy mặc mà số lượng nhân vật rất nhiều. Bức họa được vẽ trên khổ 292×30 centimet trên chất liệu lụa.

Là một tác phẩm khắc họa cảnh tượng nguy nga tráng lệ của 87 vị thần tiên.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

‘Bát thập thất thần tiên quyển’ mang theo giá trị của nghệ thuật hội họa

Bức họa được thể hiện dưới dạng tranh cuốn. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử mà nó vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu, được coi như đại danh tác hội họa đi cùng dấu ấn phát triển của nghệ thuật thời nhà Đường.

Bức tranh với số lượng nhân vật lên tới 87 vị thần tiên, khi vẽ trên khổ tranh lớn đòi hỏi sự sắp xếp về kết cấu bố cục, tỉ lệ kết cấu của từng nhân vật phải chính xác, hài hòa và cân đối. Bức tranh không bị loạn hay rối khi phân bổ nhân vật dày đặc. Tạo lên cảnh tượng rất hùng vĩ tráng lệ.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

Đường nét vẽ mềm mại uyển chuyển, nhưng cũng rất mạnh mẽ. Toàn bộ nhân vật trong tranh đều vẽ bằng nét. Nét bút hoàn chỉnh lên xuống rất tự nhiên, bút pháp trong tranh thủy mạc là kĩ xảo tì chổi nặng nhẹ khắc hoạ tính cách nhân vật. Kĩ thuật này tạo chất cảm và tạo không gian cho bức tranh. Đây được gọi là kĩ thuật bạch miêu nhân vật.
Nét vẽ của Ngô Đạo Tử được người đời gọi là “lan diệp miêu” tức vẽ nét như lá lan, lối vẽ này tạo điểm độc đáo là tự nó thành tranh mà không cần màu sắc. Người ta nói Ngô Đạo Tử là người khai sáng loại tranh sơn thuỷ thuần tuý Trung Quốc.

Ngô Đạo Tử- họa thánh trong lịch sử hội họa Trung Hoa

Ông là một hình ảnh điển hình trong lịch sử và minh chứng cho câu nói: nhân tài là khổ luyện. Đạo Tử xuất thân trong gia thế bần hàn trong những năm niên hiệu Khai Nguyên dưới thời nhà Đường. Mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ngay từ khi còn nhỏ ông đã phải bươn chải để kiếm kế sinh nhai.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

Lên tám tuổi ông được theo học một người thầy tạc tượng dân gian, sớm bộc lộ tố chất thông minh và ham học hỏi. Cậu bé Đạo Tử dậy rất sớm để mài mực, cậu học tập rất khắc khổ và sớm tiếp thu được những nét nghệ thuật qua người thầy.

Sau này ông theo học những thư pháp nổi tiếng như Trương Túc, Hạ Tri Chương, đây là quãng thời gian mà giúp ông ươm mầm cho tài năng về hội họa của ông về sau.

Đối với hội họa, Ngô Đạo Tử tỏ ra ham thích từ bé. Tới năm 17 tuổi, ông đã giỏi vẽ tranh, nắm vững kỹ xảo cao siêu của hội họa. Do có tài năng, ông được Vĩ Tự Lập, một sủng thần của Đường Trung Tông, đồng thời là người ham mê nghệ thuật, chú ý đến và thu nhận làm tiểu lại.

Ngô Đạo Tử không chỉ giỏi vẽ chân dung truyền thần mà ông còn giỏi các môn sơn thủy, điểu ngư, thảo mộc, ông vẽ cũng hết sức xuất sắc.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

Tương truyền rằng Đạo Tử đều uống rất nhiều rượu để mình thật say sau đó mới vẽ. Sau khi say, nét họa của ông như xuất thần. Và người ta nói rằng những cảnh tượng mà ông vẽ dường như siêu phàm nhập thánh. Đó là lí do mà ngay cả khi ông vẽ Thần tiên thì thế giới thần tiên như hiện ra trước mắt người xem. Hay ông vẽ về địa ngục dẫu trong tranh ông chẳng có hình ảnh của ma quỷ thì cũng khiến người xem rùng mình mà kinh hãi.

Có nhiều người xem bức tranh “Địa ngục biến tướng đồ” xong, đều sợ phải xuống địa ngục chịu tội, nên dốc tâm làm việc thiện; có những người đồ tể và chài lưới bỏ nghề sang làm nghề khác. Nói như vậy để thấy được rằng, bút pháp như thần của ông không chỉ khắc họa chân thật cảnh tượng mà còn có sức cải biến quy chính con người.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

Có nhiều người tự hỏi, tại sao ông vẽ thần tiên mà chân thực tới vậy? Phải chăng ông đang tận mắt nhập cảnh giới thần tiên – để lí giải cho việc tại sao ông cứ phải uống say thì mới vẽ.

Người ta cho rằng, khi rượu làm đầu não ông thật sự mất đi kiểm soát bởi những nhân tình thế thái, khi tâm thái ông không còn bị điều khiển bởi những tác động người thường thì lúc đó bút pháp của Đạo Tử xuất phàm và phần bản tính tốt đẹp tiên thiên của ông làm chủ nét họa của ông. Do vậy mà ông có thể vẽ bất kì cảnh tượng nào mà một họa sĩ bình thường không thể vẽ.

Trước khi trở thành một họa sĩ cung đình, họa sĩ của những bức bích họa chùa chiền, ông đã nổi tiếng về những phong cảnh mà mỗi khi ngao du ông ngẫu hứng mà vẽ.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

Có câu chuyện rằng: Đường Huyền Tông muốn có bức tranh về cảnh đẹp sơn thủy ở Gia Lăng thuộc Tứ Xuyên, bèn phái ông đi Gia Lăng xem cảnh để vẽ. Sau một thời gian ông trở về tay không, không có bản thảo mà ghi nhớ hết phong cảnh trong đầu.

Huyền Tông ra lệnh cho ông vẽ cảnh Gia Lăng lên tường trong thời gian không quá 3 tháng. Kết quả chỉ sau gần 1 tháng Ngô Đạo Tử vẽ xong bức tranh hùng vĩ mô tả thực cảnh Gia Lăng 300 dặm thu nhỏ trên 1 bức tường, được Huyền Tông ca ngợi hết lời.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

Qua đó có thể nói rằng Ngô Đạo Tử là một tài năng hội họa kiệt xuất. Điều đó làm nên danh tiếng và vị thế của ông trong lịch sử hội họa truyền thống Trung Quốc. Ông được tôn lên làm một vị tổ sư của một thời. Suốt trong cuộc đời, ông đã không ngừng sáng tác và để lại cho đời kho tàng nghệ thuật đồ sộ đặc biệt giá trị.

(Ảnh: Dkn.tv. Nhấp vào ảnh để phóng to)

Đạo Tử đã sáng tác hơn 300 bức bích họa, hơn 100 bức họa cuộn thành trục. Sau triều đại Đường đời nào cũng có người vẽ phỏng theo cách hội họa của Ngô Đạo Tử và cho tới ngày nay người ta vẫn còn áp dụng bút pháp vẽ như thế. Các họa sĩ dân gian trong các thời đại đều tôn Ngô Đạo Tử là tổ sư. Tại các hội quán của các hàng hội ngành họa đều có bầy thần vị của Ngô Đạo Tử và tôn xưng ông là “Họa tổ” (tổ sư của ngành hội họa).

Tịnh Tâm