Mùa thu là mùa của tình yêu. Mong chờ mùa thu hay mong chờ tình yêu tới, mong người mình yêu trở về. Trong tâm trạng bâng khuâng ấy của một mùa thu giữa thế kỷ 20, Đoàn Chuẩn – Từ Linh đã cho ra đời một tuyệt tác âm nhạc lãng mạn có sức sống mãnh liệt: “Thu Quyến rũ”.
Ai chẳng từng có những mùa thu đầy ắp kỷ niệm thân thương, của một thời tuổi trẻ, say mê, nông nổi, nồng nàn. Mùa thu đến, gắn liền với những biến đổi ngoạn mục của đất trời, vạn vật, con người. Từ cái nắng gắt của những ngày hè chuyển sang những ngày thu nắng vàng dịu nhẹ, tới những hoa trái ngọt lành dưới trăng tròn vành vạnh. Trong lòng ai chẳng đã từng mong chờ mùa thu tới, trong ắp đầy kỷ niệm của những mùa thu đã qua..
“Thu quyến rũ” – mùa thu của ước mơ, hy vọng và những kỷ niệm ngọt ngào
Mùa thu là mùa của tình yêu. Mong chờ mùa thu hay mong chờ tình yêu tới, mong người mình yêu trở về. Trong tâm trạng bâng khuâng ấy của một mùa thu giữa thế kỷ 20, Đoàn Chuẩn – Từ Linh đã cho ra đời một tuyệt tác âm nhạc lãng mạn có sức sống mãnh liệt: “Thu Quyến rũ”. Có thể có người nghĩ: Sao một bài hát mà lại hai tác giả? Có thông tin cho rằng Đoàn Chuẩn đã ghép tên một người bạn rất thân là Từ Linh vào làm tên tác giả bài hát, chứ thực ra chỉ một mình ông sáng tác. Mùa thu đẹp năm ấy đã đi vào bài hát này bằng một nốt thu cao vút đầy mê hoặc, thử thách chất giọng của bất kỳ ca sĩ nào muốn thể hiện.
Đoàn Chuẩn là một nghệ sĩ thuộc loại hào hoa, giàu có và “ăn chơi” bậc nhất ở Bắc Kỳ, thuộc hàng “công tử Bạc Liêu đất Bắc” vào những năm 40 của thế kỷ trước. Ông sáng tác không nhiều và không dài (chỉ khoảng 20 bài trong vòng khoảng 8 năm: 1948-1956) nhưng hầu hết các bài hát của ông đều trở nên nổi tiếng. Chất nghệ sĩ và “chất chơi” trong con người ông mạnh tới mức có chuyện kể rằng, ông đã đổi cả một chiếc ô tô (thời đó ô tô còn quý hiếm hơn vàng) để lấy một chiếc đàn ghi ta Hawaii. Có tác giả cho rằng trong giai điệu của “Thu quyến rũ” cũng có phảng phất âm hưởng của ghi ta Hawaii. Ông còn là người đa tình, nghe nói rằng màu áo xanh trong nhạc phẩm này cũng là màu áo của một nữ ca sĩ mà ông thầm thương trộm nhớ; ông đã đưa chi tiết đó vào bài hát như một điểm nhấn duy nhất về người tình trong mộng.
Bài hát này đã đi cùng năm tháng, qua những thời kỳ biến động của lịch sử. Tuổi của bài hát đã cao nhưng trong đó chưa có nét già; mùa của lá rụng, nhưng lại thấy như không gian ấy tràn đầy một thứ nhựa sống lung linh. Rất nhiều ca sĩ nổi danh thuộc nhiều thế hệ đã thể hiện ca khúc này (Khánh Ly, Lệ Thu, Thu Phương, Bằng Kiều, Thu Hà, Anh Thơ, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Sĩ Phú v.v..). Ca sĩ thuộc thế hệ sau cũng rất thành công với bài hát này. Khi nghe ca sĩ Thu Hà hát “Thu quyến rũ”, một thính giả đã phải thốt lên rằng: “Có lẽ đây là ca khúc ra đời vào thời điểm thăng hoa nhất của âm nhạc đất Việt…”
Đặc biệt, nghệ sĩ cao tuổi Phạm Ngọc Lân, thuộc thế hệ cha chú, hiện đang sinh sống tại Pháp, là người đã thể hiện một cách xuất sắc đến mức đáng ngạc nhiên cái hồn của bài hát gốc: chuẩn nốt, trong sáng, rõ ràng, nhẹ nhàng, mộc mạc và đặc biệt quyến rũ, đúng như tên bài hát; càng đặc sắc hơn vì ông tự đệm ghi ta rất quyện, rất mượt. Tiếng hát ông như lời ru ngủ êm đềm, như thì thầm, thủ thỉ, như lời nói chuyện tâm tình, qua ca khúc mà nổi bật được cả cái đẹp của Việt ngữ truyền thống. Nghe ông hát ta nhận thấy những kỷ niệm của mùa thu xưa trong lòng ông dường như chưa bao giờ phai nhạt.
Tài tử Ngọc Bảo, nghệ sĩ cùng thời với Đoàn Chuẩn; khi nghe giọng ca của ông trong “Thu quyến rũ” ta vẫn cảm nhận được sức trẻ dồi dào, như thể đó không phải là một mùa thu của trước đây nửa thế kỷ. Cách luyến láy của ông cũng trẻ trung, mà vẫn du dương, gợi nhớ về một thời sôi nổi của các điệu nhảy cổ điển u châu tại Hà thành ở nửa đầu thế kỷ 20.
Bài hát của những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc và những rung động nhẹ nhàng
Cái khéo của Đoàn Chuẩn là đã đưa chúng ta vào một không gian hư hư thực thực của nhạc và tình, như tỉnh như mơ. Tác giả sử dụng các hình tượng điển hình của mùa thu: lá vàng, mưa thu, mây bay, cánh chim ngập ngừng.. Mùa thu được ví như cõi tiên, “dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai”, vì chưng thu có một sắc thái rất đặc trưng là mơ màng lãng đãng, có đôi chút ngập ngừng dè dặt, như một cô gái vừa bước vào tuổi mộng mơ, bâng khuâng đợi chờ những điều kỳ diệu.
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi
Bài hát thực ra không quá khó để thể hiện, nên nhiều ca sĩ đã hát rất thành công, thậm chí còn đưa vào những luyến láy, thậm chí thay đổi cả nốt nhạc, mà vẫn không làm bài hát bị phô, hơn nữa còn tạo được nhiều thú vị cho người nghe. Ca khúc này đã mở ra rất nhiều đất diễn cho ca sĩ và phối âm của các loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi cách phối đệm lại tạo cho thính giả một cảm giác khác lạ nhưng vẫn đáng yêu, phải chăng là vì mùa thu trong đó quá rộng, quá bao dung, và quá đỗi thân thương. Nói cách khác, cả ca sĩ và dàn nhạc đệm đều có thể qua ca khúc này mà trình diễn tất cả những gì là sở trường nhất, xuất sắc nhất trong năng lực biểu diễn âm nhạc của mình. Như vậy, chẳng phải tác giả Đoàn Chuẩn – Từ Linh đã để lại cho các thế hệ tiếp nối một món quà nghệ thuật vô giá rồi sao?
Cách thể hiện tình yêu trong bài hát cũng khá tế nhị: yêu và nhớ người con gái qua màu áo xanh của nàng; đó cũng là hình ảnh duy nhất của cô gái được nhắc tới trong bài hát; không có nét mặt, không có nụ cười, chỉ còn màu áo vương vấn lại trong hồn. Trời đất kia cũng ngả màu xanh lơ. Người yêu và mùa thu trong bài của ông dường như hòa trộn vào làm một, khi ông liên tưởng màu áo xanh của cô gái với màu trời xanh, chờ mùa thu đến cũng là chờ người yêu đến, dù cảm nhận rõ mùa thu đang đến, thế nhưng “người mơ không đến bao giờ”. Câu kết này để lại cho người nghe một niềm băn khoăn, day dứt, khó lý giải được tâm trạng của nhân vật; có một sự ngập ngừng hay quyết đoán trong viễn vọng?
Nội dung bài hát như một mô tả chuẩn mực về mùa thu trong hình thức nghệ thuật, chọn ra những chi tiết đắt nhất, quen thuộc nhất với mọi người để tạo sức nặng cho bài hát, với nhịp chậm và da diết. Kết hợp cảnh sắc mùa thu để bộc lộ một cách khéo léo tâm tư thầm kín của bản thân, trong đó có cái se se lạnh, cái mưa chỉ đủ làm rung lá vàng, nhẹ nhàng đến thế, cái buồn buồn chầm chậm dâng trào, gợi nên một niềm mong nhớ, giống như nội tâm của người trai trẻ đang mong chờ người yêu vậy.
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui bên muôn hoa
Ngay cả cảnh đàn bướm đùa vui bên muôn hoa cũng làm nhân vật chạnh lòng nghĩ tới tình cảnh cô đơn của bản thân mình: đàn bướm vui với hoa hồng đẹp xinh, còn ta vui với ai? Nhân vật mong chờ điều gì?
Anh mong chờ mùa thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Màu áo xanh là màu anh trót yêu
Mùa thu của tình yêu say đắm đã qua rồi, chỉ còn lại niềm thương nhớ và những kỷ niệm ngọt ngào, chỉ còn màu áo xanh vương vấn trong tâm, “còn đâu những chiều dệt cung đàn yêu”. Nhưng sâu trong tâm hồn nhân vật, có lẽ tình yêu cũng giống như quy luật của đất trời; mùa thu cũ qua đi, nhưng mùa thu sau sẽ tới; tình yêu mới rồi cũng sẽ bù đắp cho những khoảng trống mà mùa thu xưa để lại. Tác giả đã gắn tình yêu của nhân vật với mùa thu, phải chăng cũng là một ngầm ý rằng trong cuộc đời này, trong vòng quay vô tận của vũ trụ và cuộc sống này, không phải niềm tuyệt vọng mà là hy vọng mới chính là dấu ba chấm (…) của một đời người; “thu quyến rũ” chắc chắn sẽ còn quay trở lại với chúng ta.
Bản thân thông điệp của bài bát – mùa thu lại tới, nhưng người ta yêu của mùa thu cũ không quay trở lại – phải chăng cũng chính là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của tác giả, để cho các ca sĩ của các thế hệ tiếp nối sẽ vẫn còn hát mãi ca khúc này trong mê say, như là một sự tiếp nối vô tận của đợi chờ và hy vọng, của bốn mùa, của tình yêu thiên nhiên và con người hòa quyện mãi không rời.
Hoài Ân