Beethoven sáng tác tổng cộng 10 bản violin sonata, trải dài từ năm 1797 đến năm 1812. Nổi tiếng nhất trong số đó là “Violin Sonata No. 5 giọng Fa trưởng Op. 24”, còn được gọi là “Sonata Mùa xuân”.
Trong số những sonata của Beethoven (gồm 32 piano sonata; 10 violin sonata và các sonata cho cello, kèn cor), có nhiều sonata mang biệt danh do người khác đặt (“Ánh trăng”; “Báo táp”; “Đồng quê”…). “Violin Sonata No. 5 giọng Fa trưởng Op. 24” cũng có hoàn cảnh tương tự, nó được trao cho cái tên “Spring Sonata” “Sonata mùa xuân” (Frühlingssonate) sau cái chết của Beethoven. “Sonata mùa xuân” được xuất bản năm 1801, dành riêng cho Bá Tước Moritz von Fries. Toàn bộ sonata mất khoảng 22 phút để thực hiện.
Tác phẩm gồm 4 chương:
Chương 1: Allegro
Chương 2: Adagio molto espressivo
Chương 3: Scherzo: Allegro molto
Chương 4: Rondo: Allegro ma non troppo
Chương 1 với sự biểu diễn của 2 nghệ sỹ: Henryk Szeryng (violon), Arthur Rubinstein (piano)
Chương 1 đã vẽ lên không gian sự ngọt ngào vô tận của tình yêu ngay từ những câu nhạc đầu tiên. Phải nói rằng 2 nhạc cụ violon và piano đã kết hợp với nhau hoàn hảo dưới tài năng soạn nhạc thiên tài bậc thầy của Beethoven. Từng câu nhạc đều mượt mà, sắc bén, trong sáng như ngọc ngà lấp lánh trong tâm hồn thính giả. Và tác phẩm được chơi trên giọng Fa trưởng với sự cân đối đến mức có thể khiến thính giả quên hẳn những suy luận bài bản của cổ điển, chỉ còn lại những phẩm chất lãng mạn ngọt ngào như cuồng phong vẫn vũ mỗi khi chủ đề được tái hiện
Chương 2 với sự biểu diễn của 2 nghệ sỹ: Henryk Szeryng (violon), Arthur Rubinstein (piano)
Chương 2 phát triển trên nhịp chậm với trạng thái lãng mạn đầy tình yêu được dâng lên gấp bội. Cũng nhờ trạng thái nhịp Adagio mà tiếng đàn piano bỗng ngập tràn nỗi bâng khuâng mộng mơ xa thẳm, và tiếng violon véo von tha thiết hòa quyện cùng khiến trào lên niềm thương cảm ản ủi sâu sắc. Mặc dù là chương nhạc chậm, nhưng được tô điểm khá nhiều những câu chạy dồn nhịp tốc độ, tạo nên những nhịp thở sống động cho cả chương
Chương 3 với sự biểu diễn của 2 nghệ sỹ: David Oistrakh (violin), Lev Oborin (Piano)
Chương 3 mặc dù rất ngắn, nhưng là một bước đệm vô cùng quan trọng cho toàn bộ tác phẩm, bởi với tính chất vui tươi, yêu đời có thể khiến thính giả tan hòa cùng hơi thở của thiên nhiên khoáng đạt, như bừng tỉnh và lãng quên mộng mơ
Chương 4 với sự biểu diễn của 2 nghệ sỹ: David Oistrakh (Violin), Lev Oborin (Piano)
Thưởng thức qua chương 4 thì thính giả mới có thể hiểu được vì sao Beethoven lại để chương 3 bùng lên sự vui tươi trên chủ đề Scherzo, bởi vì bản thân chương 4 cũng phát triển trên nhịp nhanh Allegro, cũng mang màu sắc vui tươi ngọt ngào, nhưng lãng mạn, tinh tế, giàu sắc thái và mạnh mẽ hơn. Chính vì lẽ đó nên rất cần một sự chuyển đầy trong sáng giữa chương 2 Adagio và chương 4 để thính giả không sốc khi tiếp xúc với sự mạnh mẽ giàu cảm xúc của chương kết
Đôi nét về tác giả
Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.
Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.
Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như:
Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.
Kim Cương