WoO 7 – Twelve Minuets là một tuyển tập gồm 12 bản Minuets dành cho dàn nhạc của Beethoven viết vào năm 1795. Toàn bộ tác phẩm thể hiện sự hài hước, tinh thần lạc quan, bay bổng, vui tươi, giống như tiếng hót đến từ chốn thiên nhiên thấm đượm tình yêu cuộc sống.
Các Minutes được sáng tác trên những cung nhạc như sau:
1. Minuet (D major) Cung Rê trưởng
2. Minuet (B♭ major) Cung Si giáng trưởng
3. Minuet (G major) Cung Sol trưởng
4. Minuet (E♭ major) Cung Mi giáng trưởng
5. Minuet (C major) Cung Đô trưởng
6. Minuet (A major) Cung La trưởng
7. Minuet (D major) Cung Rê trưởng
8. Minuet (B♭ major) Cung Si giáng trưởng
9. Minuet (G major) Cung Sol trưởng
10. Minuet (E♭ major) Cung Mi giáng trưởng
11. Minuet (C major) Cung Đô trưởng
12. Minuet (F major) Cung Fa trưởng
Về sau này có những tác giả khác đã chuyển soạn tác phẩm cho độc tấu piano, hoặc piano 4 tay…
Clip là trọn vẹn 12 Minuets biểu diễn bởi dàn nhạc Kammerorchester der Staatskapelle Weimar và nhạc trưởng Friedemann Bätzel:
Minuet No. 1 bùng lên một khí thế của chủ nghĩa anh hùng mà đi kèm với nó là những màu sắc lãng mạn và cảm hứng mạnh mẽ của tình yêu.
Minute No. 2 vẽ nên một màu thanh bình phóng khoáng rất cổ điển, được kết hợp bởi bút pháp nảy staccatto và legatto liền mạch đi kèm với màu sắc giọng trưởng thứ hoán đổi gây tương phản nhẹ, tạo lên sự hấp dẫn liên tục với thính giả.
Minute No. 3 toát lên sự lãng mạn thiết tha của tình yêu với những câu chủ đề ngọt ngào nối tiếp nhau như những vần thơ, và những câu luyến mạnh mẽ của dàn đàn dây violon trở nên đầy cá tính, khiến sự vui tươi ngập tràn trong không giản thưởng thức.
Minuet No. 4 gần như tái hiện lại sinh khí của anh hùng ca lãng mạn, và chất liệu tuyệt vời ấy luôn sưởi ấm trái tim tâm hồn của thính giả.
Minuet No. 5 tạo nên những nấc thang thiên đường bằng những hợp âm rải được chơi nẩy staccatto bằng dàn đàn dây và kèn, vừa gợi cho thính giả sự hài hước, vừa gợi sự lãng mạn bay bổng. Dĩ nhiên hình thức Minuet đã phần nào mặc định tính tích cực cho tác phẩm.
Minuet No. 6 là một sắc thái lãng mạn ngọt ngào khác mà tác giả sáng tạo cho âm nhạc. Trong Minuet này, không chỉ là sự lãng mạn như vậy, còn là biết bao những màu sắc tinh tế lạc quan của nội tâm được thăng hoa qua bút pháp tuyệt vời của tác giả. Từ những điểm nhấn của bè trầm, bè cao, tới những câu luyến dịu dàng đi vào lòng người mà không trở ngại.
Minuet No. 7 là sự thăng hoa muốn bộc phá, muốn bùng nổ tất cả những nét cá tính, nhưng tác giả đã chọn bè cao là nét nhạc chủ đạo chính cho toàn bộ No. 7, và những câu hát của dàn violon 1 với sức phụ họa của trống giao hưởng là ấn tượng tuyệt vời nhất trong Minuet, nét nhạc ấy đã được tái hiện để kết chương No. 7.
Minuet No. 8 được chơi với nhịp độ chậm lại và toát lên tất cả những tính chất đặc thù của hình thức Minuet, mọi câu nhạc đều xúc tích và nhanh chóng quay về hợp âm chủ để tiếp tục bùng lên những biến tấu vui tươi mới. Ở đây sự lãng mạn đã được phác họa ngay từ đầu.
Miunet No. 9 vẽ lên những giai điệu ngọt ngào tuyệt vời, đậm chất của miền quê thiên nhiên Châu Âu. Trong đó thính giả sẽ nếm những giai điệu chủ đề quen thuộc mà tác giả đưa vào một vài bản phối nổi tiếng khác.
Minuet No. 10 không đặc sắc hay nổi bật hơn những minuet khác, nhưng phong thái yên bình trong sáng tuyệt vời của nó được tô điểm bởi sự vui tươi đã luôn chinh phục trái tim thính giả.
Minuet No. 11 tạo được sự hấp dẫn đầy tính hình tượng bởi những hợp âm rải của câu chủ đề, khiến thính giả dâng tràn niềm tìn hy vọng và cảm hứng cuộc sống. Đồng thời motif đệm những biến tấu hoàn toàn quen thuộc cũng làm cho nét nhạc đặc trưng ấy của chủ đề trở nên hoàn toàn nổi bật trong No. 11.
Minuet No. 12 nổi bật bởi tiếng sáo Flute lảnh lót trên quãng cao, giống như tiếng hót đến từ chốn thiên nhiên thấm đượm tình yêu cuộc sống. Sự thân thuộc lãng mạn, sự du dương và bay bổng tâm hồn mà No. 12 mang lại là vô giá.
Đôi nét về tác giả
Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Ông được coi là người dọn đường (Wegbereiter) trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.
Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.
Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.
Kim Cương
Ghi chú:
Trong thuật ngữ âm nhạc Opus nghĩa là tác phẩm, số Opus là số thứ tự theo ngày xuất bản của tác phẩm, nghĩa là Opus nào có số thứ tự lớn hơn thì tác phẩm đó được xuất bản sau. Có những tác phẩm vì lý do nào đó đã không được in ra, thất lạc, hay không được chính nhà soạn nhạc lưu tâm tới, người ta đánh dấu nó bằng WoO (Werk ohne Opuszahi).