Trong lịch sử nghệ thuật, cái tên Nicolas Poussin đồng nghĩa với chủ nghĩa cổ điển. Và đúng là ông đã tạo ra hương vị cổ xưa cho cả một thế hệ họa sĩ. Chủ nghĩa cổ điển của Poussin chịu ảnh hưởng rất nhiều của các bậc thầy Italia, nhưng sự chặt chẽ trong nghệ thuật của ông cũng khiến chính người Ý phải kinh ngạc, khi coi ông như một người kế nhiệm cho Raphael.

Poussin. Điệu múa của cuộc sống con người (1633-34) (Phóng to để xem tranh)

Nicolas Poussin chỉ vẽ những cảnh trong các câu chuyện truyền thuyết tôn giáo, cảnh quan với các nhân vật nổi tiếng, chứ không vẽ chân dung hay tranh hiện thực: Người nghệ sĩ tìm kiếm hình mẫu của mình trong các tác phẩm điêu khắc cổ đại và trong các bậc thầy vĩ đại của thời Phục hưng;

Ông không giống Caravaggio, người đã chọn gái mại dâm và những cậu bé đường phố ở Rome làm hình mẫu.

Sự quyến rũ của Poussin là trong bố cục chặt chẽ, cân đối, sự tinh tế của các đường viền, sự lựa chọn màu sắc rất cẩn trọng, sự xuất hiện của các nhân vật thiên thần, khiến những bức tranh của Poussin mang đậm chất vĩnh hằng. Như chính ông nói, chủ đề phải “cao quý” và hình dáng phải “xuất sắc”:

“Chủ đề thì phải cao quý; để người họa sĩ thể hiện ý tưởng của mình, nó phải được thể hiện với dáng hình tuyệt vời nhất. Cần phải bắt đầu bằng cách sắp đặt, sau đó là nét hoa mỹ, trang trí, phối cảnh, vẻ đẹp, ơn trên, nét sống động, những trang phục, sự đồng điệu… “(Thư gửi M. de Chambrai, 1665).

Dưới đây là những tác phẩm minh họa cho phong cách của người họa sĩ tài năng này, người đam mê học hỏi, khuôn khát khao thể hiện cho đời sau vẻ đẹp vĩnh cửu của thiên quốc và thiên nhân:

Bức Renaud và Armide (1624-25):

Tranh dầu trên vải, khổ 80 x 107 cm, Phòng tranh Dulwich, London. Phóng to để xem tranh

Bức tranh này là câu chuyện lấy ra từ tác phẩm “Jerusalem được cứu thoát” của Tasse, xuất bản năm 1581. Kỵ sĩ thập tự chinh Renaud, trên đường đến Jerusalem, đã bị nàng Armida quyến rũ, đây là một cô gái khiến tất cả những người lính thập tự chinh đều phải lòng, trừ chàng thanh niên Renaud. Nhờ phép thuật, cô đã làm cho Renaud đem lòng yêu mình và giữ được anh nhờ sự quyến rũ của cô, nhưng sau đó cô đã ân hận và giằng xé giữa tình yêu chân thành dành cho chàng trai trẻ và việc sử dụng phép thuật để đạt được mục đích của mình. (Ghi chép của bảo tàng Louvre)

Bức Venus và Mercure (1626-27): 

Venus và Mercure (1626-27). Tranh dầu trên vải, khổ 78 x 85 cm và khổ 57 x 51 cm, Phòng tranh Dulwich, London và Bảo tàng Louvre, Paris (Phóng to để xem tranh)

Trong thần thoại La Mã, Venus là nữ thần của tình yêu, của sự quyến rũ và sắc đẹp, còn Mercury là thần giao thương và là sứ giả của các vị thần khác.

Bức Cái chết của Germanicus (1627): 

Tranh dầu trên vải, khổ 148 × 198 cm, Viện Nghệ thuật, Minneapolis. (Phóng to để xem tranh)

Germanicus (15 TCN – 19 SCN) là một vị tướng La Mã nổi tiếng với nhiều chiến thắng. Ông qua đời ở phương Đông, có lẽ bị đầu độc theo lệnh của chú ông, Hoàng đế Tiberius.

Bức Cảm hứng thơ ca (1627): 

Cảm hứng thơ ca (1627). Tranh dầu trên vải, 94 × 70 cm, Niedersächsisches Landesmuseum, Hanovre. (Phóng to để xem tranh)

Cảnh thần thoại này cũng là một câu chuyện ngụ ngôn về sáng tác thơ. Giếng nước Castalie (hay Castalia, thần suối trong thần thoại Hy Lạp), có đặc điểm là mang cảm hứng thơ ca cho những người uống nó. Ở đây chúng ta thấy Apollo, vị thần của nghệ thuật, biếu nước uống huyền diệu này cho nhà thơ. Bên trái là Euterpe, vị thần về âm nhạc và thơ trữ tình. Các thiên sứ chuẩn bị vinh danh thi sĩ được truyền cảm hứng.

Dịch hạch của Ashdod (1631): 

Tranh dầu trên vải, khổ 148 × 198 cm, Bảo tàng Louvre, Paris. (Phóng to để xem tranh)

 Chủ đề lấy từ Kinh thánh. Những người Phi-li-tin (kẻ thù của Israel trong thần thoại Thiên chúa giáo) bị mắc dịch hạch bởi họ đã mang đến cho Ashdod con tàu của Liên minh lấy được từ Israel và đặt nó vào đền thờ của họ. Thần tượng này đã bị vỡ vụn bởi cơn thịnh nộ của thần linh và các mảnh vỡ của nó tung tóe trước mặt mọi người.

Đế chế của Flora (empire de Flore) (1631):

Tranh dầu trên vải, khổ 131 × 182 cm, Gemäldegalerie, Dresden. (Phóng to để xem tranh)

Flore (Flora trong tiếng Latinh) là một vị thần La Mã cổ đại, tạo thuận lợi cho mùa vụ, cho hoa và sự nở hoa. Trong tranh của Poussin, vây quanh Flore là những người trẻ tuổi mà cái chết của họ hình thành các loại hoa. Bên trái, Ajax đang tự sát và máu của anh làm đâm chồi hoa cẩm chướng. Bên phải, ở phần trước: Crocus và Smilax đã biến thành hoa (nghệ tây và thổ phục linh). Đằng sau họ, với ngọn giáo, Adonis nhận ra mình sẽ chết vì vết thương trên đùi; máu tóe ra cỏ chân ngỗng. Bên cạnh đấy là Hyacinthe đang để tay trên đầu: từ đầu người này nảy ra một vòng hoa huệ. Thần Flore nhảy múa ở giữa, bà đang trị vì vòng đời ngắn ngủi và mong manh của hoa.

Chiến thắng của David (1631-32): 

Chiến thắng của David (1631-32) Tranh dầu trên vải, khổ 117 x 146 cm, Phòng tranh Dulwich, London (Phóng to để xem tranh)

David đánh bại gã khổng lồ Goliath, chiến thắng với cái đầu trên tay. Theo Kinh thánh, Goliath là một người khổng lồ cao khoảng 2,90 m. Goliath bước ra khỏi trại Philistine và thách thức đội quân Israel tìm một người đủ mạnh để có thể thắng trong trận đấu tay đôi để quyết định kết quả cuộc xung đột giữa hai quốc gia. David, một người chăn cừu trẻ được Chúa chấp thuận, đã nhận lời thách thức của Goliath; Sau khi tuyên bố chống lại Goliath với sự hỗ trợ của Chúa trời, David dùng ná bắn một viên đá trúng trán Goliath, khiến Goliath ngã xuống đất. David lấy thanh gươm của mình cắt đầu của gã khổng lồ.

 Điệu nhảy sự sống của con người (1633-34):

Điệu nhảy của sự sống con người (1633-34). Tranh dầu trên vải, khổ 83 x 105 cm, Bộ sự tập Wallace, London. (Phóng to để xem tranh)

Bức tranh ngụ ngôn tập trung vào điệu nhảy vòng tròn của ba người phụ nữ và một người đàn ông (với vòng nguyệt quế sau lưng). Từ trái sang phải, ba người phụ nữ biểu trưng cho sự giàu có (vương miện), công việc (sợi dây bện thắt), nghèo đói (khăn). Người đàn ông đang múa biểu trưng cho sự nghỉ ngơi, giải trí. Poussin đưa một câu chuyện ngụ ngôn về xã hội loài người nơi những điều kiện khác nhau cùng tồn tại. Trên trời, thần Mặt Trời với Bánh xe lớn và các thiên nữ trải hoa cùng các thiên thần bay xung quanh.

Chiến thắng của Neptune (1635-36):

Triumph of Neptune (1635-36). Tranh dầu trên vải, khổ 114,5 × 146,6 cm, Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Philadelphia. (Phóng to để xem tranh)

Thần thoại Hy Lạp-La Mã. Neptune (Poseidon trong tiếng Hy Lạp) là thần biển cả. Các tiểu thiên thần, xe tam mã và các nữ thần, suốt nhiều thế kỷ sau đã trở thành biểu tượng của sự giàu sang và lãng mạn. Hình ảnh Neptune hân hoan trên chiếc xe ngựa của mình, cùng với chiếc đinh ba, theo sau là Nereides. Trên không trung là các thiên sứ có cánh vui đùa bay lượn và trải hoa, bắn mũi tên tình yêu mừng chiến thắng của Neptune.

Thức ăn của Jupiter (1636-37):

Thức ăn của Jupiter (1636-37). Tranh dầu trên vải, khổ 96,2 × 119,6 cm, Phòng tranh Dulwich, London. (Phóng to để xem tranh)

Thần thoại Hy Lạp. Để bảo vệ đứa con sơ sinh Jupiter khỏi người cha phàm ăn, Saturne, người mẹ đã giao phó Jupiter cho hai nữ thần là Amalthee và Melissa, để nuôi dưỡng bằng mật ong và sữa dê.

Phong cảnh với người đàn ông uống rượu (1637-38):

Phong cảnh với người đàn ông uống rượu (1637-38). Tranh dầu trên vải, khổ 63 x 78 cm, Phòng triển lãm Quốc gia, Luân Đôn (Phóng to để xem tranh)

Poussin cũng là một họa sĩ lớn vẽ phong cảnh, đôi khi ông vẽ phong cảnh để minh họa trang trí cho một câu chuyện thần thoại hay tôn giáo. Cảnh quan như kéo dài vô tận với hàng đầu là những nhân vật với những công việc thường ngày, thường được họa sĩ nhiều lần sử dụng.

Phong cảnh với Thánh Jean ở Patmos (1640):

Tranh dầu trên vải sơn dầu, khổ 102 × 133 cm, Viện nghệ thuật Chicago, Chicago. (Phóng to để xem tranh)

Thánh Jean bị lưu đày trên đảo Patmos, nơi ông đã viết cuốn Khải huyền vào cuối thế kỷ thứ nhất.

Moise được cứu khỏi làn nước (1647):

Môise được cứu khỏi làn nước (1647). Tranh dầu trên vải, khổ 20 × 195 cm, Bảo tàng Louvre, Paris. (Phóng to để xem tranh)

Theo Kinh thánh, Pharaon đã ra lệnh trừ bỏ tất cả những bé trai sơ sinh của người Do Thái, mẹ của Moise đã giấu đứa trẻ 3 tháng tuổi, sau đó bỏ cậu vào một cái giỏ lềnh bềnh gần bờ trên sông Nile. Con gái của Pharaon, đang tắm với thị thần, tìm thấy đứa trẻ và quyết định nuôi nó.

Phong cảnh với một phụ nữ đang rửa chân (1650):

(Phóng to để xem tranh)

Tranh dầu trên vải, khổ 114 x 175 cm, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Canada, Ottawa. Cảnh đường chân trời trải dài vô tận, trên nền đó là người phụ nữ đang rửa chân.

Cảnh thời tiết tĩnh lặng (1651):

(Phóng to để xem tranh)

Cảnh thời tiết tĩnh lặng (1651). Tranh dầu trên vải, khổ 99 × 132 cm, Trung tâm Getty, Los Angeles. Cảnh quan tuyệt vời này là sự tương ứng với cảnh cơn bão được Poussin vẽ trong cùng năm. Sự tĩnh lặng được thể hiện trong bố cục: Những con vật hiền hòa, mặt nước phẳng lặng trong hơi sương. Họa sĩ bậc thầy về phong cách cổ điển đã gợi nên một cảm xúc.

Gia đình Thánh (1655):

(Phóng to để xem tranh)

Tranh dầu trên vải, khổ 172 × 133,5 cm, Bảo tàng Hermitage, St Petersburg. Gia đình Thánh là tên được những người cơ đốc giáo đặt cho gia đình của Giêsu Nazareth và cha mẹ của Người, Maria và Giuse

Khóc than trước cái chết của Chúa (1657-58):

(Phóng to để xem tranh)

Tranh dầu trên vải, khổ 94 x 130 cm, Phòng trưng bày Quốc gia của Ireland, Dublin. Chủ đề chung này của tranh phương Tây thường được gọi là Than khóc Chúa. Chúa đã chết, nằm đó và mọi người đang than khóc Ngài. Mantegna (1431-1506), Botticelli (1444-1510), Spada (1576-1622) và nhiều người khác đều vẽ một sự than khóc như vậy.

Bốn mùa, mùa Thu (1660-64):

(Phóng to để xem tranh)

 Tranh dầu trên vải, khổ 116 x 160 cm, Bảo tàng Louvre, Paris. Vẽ bốn mùa là dịp để Poussin sáng tạo ra những cảnh quan cổ điển đẹp nhất. Bốn mùa, bốn bức tranh dầu trên vải cho bốn mùa, thể hiện thời gian trong hội họa. Những sáng tác này, một vật báu rất hiếm hoi, kết hợp cảnh quan, hoạt động của con người và thần thoại, hoặc tôn giáo.

Bốn mùa, mùa Hè (1660-64): 

(Phóng to để xem tranh)

Tranh dầu trên vải, khổ 116 x 160 cm, Bảo tàng Louvre, Paris.

Các mùa của Poussin thể hiện qua con người và thiên nhiên, công việc hàng ngày, mà không quên những yếu tố thần thánh. Để biểu thị mùa Hè, họa sĩ đã chọn một câu chuyện trong Cựu Ước liên quan đến Ruth và Booz. Ruth nghèo khổ, làm việc cho Booz, một nhà nông giàu có. Booz bị cô gái hấp dẫn và đánh giá cao sự giản dị của cô (chúng ta thấy ở đây cô ấy đang quì trước Booz). Hai người lấy nhau và cô gái sinh cho Booz cậu con trai Obed, là cha của Jesse và ông nội của vua David. Lần theo cây gia phả sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Jêsus Christ.

Về tác giả Nicolas Poussin (1594-1665)

Nicolas Poussin sinh ra ở Villers, gần Andelys (Seine-Maritime hiện nay). Trong cuốn “Phỏng vấn về cuộc đời và tác phẩm của các họa sĩ cổ đại và hiện đại vĩ đại nhất (1666-1688)”, Felibien (1619-1647) kể rằng cha của Poussin là một quý tộc bị phá sản vùng Picardi, đến định cư và lập gia đình ở Andelys.

Cậu bé Nicolas, dường như, đã có được dậy những kiến thức sơ đẳng về tiếng Latinh, nhưng ông chỉ có hứng thú với hội họa. Khoảng những năm 1611-1612, ông ở nhà họa sĩ Quentin Varin (1570-1634)- người gốc Beauvais, nhưng định cư ở Andelys.

Cũng trong khoảng thời gian đó (khi 18 tuổi), ông đã lén tới Paris. Ông làm việc một thời gian ngắn dưới sự dẫn dắt của họa sĩ vẽ chân dung người xứ Flamand Ferdinand Elle (1580-1637) và của họa sĩ theo lối kiểu cách Georges Lallemand (1575-1636) và tại đây ông đã gặp Philippe de Champaigne (1602-1674), quen biết Alexandre Courtois, nhà toán học của nhà vua và là người yêu nghệ thuật, người đã giúp ông phát hiện ra Raphael.

Poussin. Renaud và Armide (1624-25)

Nicolas Poussin nếm trải sự khốn khó ở Paris, sống nhờ vài đơn hàng của giới quý tộc và nhà thờ. Ước mong cháy bỏng nhất của ông là đến được Rome và ông đã nỗ lực nhiều lần trước khi đến được đó. Ở Paris, ông đã gặp nhà thơ người Ý Giambattista Marino (1569-1625), còn gọi là Cavalier Marin, người mà ông đã vẽ cho một loạt các bức tranh với chủ đề lấy từ Metamorphoses của Ovid (những biến thái của Ovide).

Marino định đưa Poussin tới Rome, nhưng họa sĩ đã chậm trễ và phải một mình đến thủ đô nước Ý vào mùa xuân năm 1624.

Khi đó, Marino lại vừa đi Napoli, nơi ông qua đời năm 1625. Poussin sống khó khăn, vất vả ở Rome, nhưng bị hấp dẫn bởi hội họa ở đây và đã tìm cách học vẽ: ông nghiên cứu về hình học và về phép phối cảnh, tham dự trường của họa sĩ trường phái baroc (hoa mỹ) Andrea Sacchi (1599-1661) và của Domenichino (1581-1641); ông thậm chí còn thực hành phẫu tích xác chết cùng với bác sĩ phẫu thuật Nicolas Larche.

Vào cuối những năm 1620, ông bị bệnh, phải nằm viện và sau đó được Nicolas Dughet, một chủ tiệm bánh người Pháp ở Roma thu nhận. Năm 1629, ông kết hôn với con gái của Dughet, Anne-Marie, nhưng không có con. Ông đã nhận nuôi hai người em của vợ, mà một trong số đó là Gaspard Dughet, còn được gọi là Guaspre Poussin (1615-1675), người đã trở thành một họa sĩ vẽ phong cảnh nổi tiếng ở Rome.

Được Đức Hồng Y Barberini bảo trợ, danh tiếng của họa sĩ tăng lên và, trong những năm 1640, thiên tài của ông đã được khẳng định. L’Empire de Flore (1631) có thể được coi là đại diện đặc trưng cho tính phức tạp của bức tranh, sự tinh tế trong nét vẽ, sự nhẹ nhàng của màu sắc (mà không được khuyến khích theo phong cách chính thống cổ điển), là những phong cách gần với lối kiểu cách.

Sự nổi tiếng của Poussin lan đến tai triều đình của Pháp. Năm 1639, Louis XIII (1601-1643) và François Sublet des Noyers (1588-1645), Tổng Giám sát xây dựng, đã yêu cầu ông trở lại Paris; nhưng chỉ đến khi Roland Fréart Chambray (1606-1676) và anh trai Jean, lãnh chúa ở Chantelou, đến tìm ông ở Rome năm 1640 thì ông mới chuyển về theo mong muốn của hoàng gia. Ông đã được chào đón với sự trọng vọng lớn nhất: một ngôi nhà trong khu Vườn Tuileries, tiền lương của hoàng gia 3000 livres.

Ông được phong là họa sĩ của nhà vua. Với những đơn hàng dồn dập: trang trí các căn phòng của nhà vua, phòng trưng bày lớn của Louvre…. Nhưng những vinh dự đó kéo theo sự ghen tị và mưu đồ của những người cùng trang lứa. Để thoát khỏi những phiền nhiễu, Poussin quay trở lại Rome vào năm 1642. Ông ở lại đó cho đến khi qua đời năm 1665, ông là người duy nhất được ngưỡng mộ và so sánh với Raphael.

Theo Rivage de Poemes
Xuân Hà biên dịch