Tám loại cổ vật tuyệt vời nhất thuộc về nước Yên (Thời Chu, ngày nay thuộc phía Hà Bắc và phía nam Liêu Ninh, Trung Quốc), bao gồm: Hoa khảm, khảm nạm sơn kim, đồ men Cảnh thái lam, ngọc bội, chạm khắc ngà voi, sơn khắc, thảm hoàng cung, và thêu thủ công. Tám tuyệt kỹ nghệ thuật thủ công này đã hấp thu hết thảy tinh hoa của nghề thủ công dân gian; đến thời Thanh triều đã lên đến đỉnh cao, cũng dần dần hình thành một trường phái nghệ thuật đặc sắc trong cung đình gọi là “Kinh tác”. Hết thảy đều thiện mỹ, chỉ có thể chiêm ngưỡng, không thể nói lên lời.

Khái quát về lịch sử nguồn gốc đặc trưng của thảm hoàng cung

Thảm hoàng cung là một chế phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc cung đình cũng như vùng đất của thủ đô Bắc Kinh, được bắt nguồn từ thời Ninh Hạ. Vì bề măt được đan dệt rất chắc chắn, mặt thảm mềm mại nên nó được gia đình hoàng tộc quyền quý vô cùng xem trọng. Hưng thịnh trong thời nhà Nguyên, nghề dệt đan thuần thủ công tinh khiết này mang lại cho thảm hoàng cung một giá trị cao cùng với nghệ thuật có nội hàm phong phú bên trong. Hình vẽ của thảm rất đa dạng nhiều màu sắc, vì quá khứ là dụng phẩm chuyên dùng của hoàng cung, nên người ta gọi nó là “cung thảm”.

Thảm kim thu

Thảm hoàng cung của Bắc Kinh có một lịch sử rất lâu đời. Trong thời nhà Nguyên đã đặc biệt thành lập một xưởng chuyên dụng để dệt thảm cho cung điện. Đến thời kỳ vua Văn Tông thời Thanh (1851 – 1861), một số lượng lớn các nhà sản xuất thảm tại Tây Tạng đã vào Bắc Kinh khiến cho nghề thủ công này ngày càng phát triển mạnh, bắt đầu lan ra khỏi hoàng cung đi vào trong từng ngôi nhà của người dân. Thảm dệt ở Bắc Kinh có: thảm trải sàn, thảm tường (bích thảm), thảm nằm v.v. rất nhiều chủng loại. Nguyên liệu của thảm hoàng cung chủ yếu là lông cừu và tơ tằm, rất ổn định, chắc chắn hơn nữa mặt thảm lại mềm mịn. Hoa văn của thảm cũng rất phong phú, đa sắc thái như phong cách cổ xưa, phong cách dân tộc, văn hoa cổ điển, mây trời v.v. Các hoa văn trên thảm chú trọng sự đối xứng, nhằm tạo cho con người một cảm giác ổn định, bình an.

Quy trình chế tạo thảm hoàng cung

Quá trình sản xuất thảm hoàng cung được chia làm ba công đoạn chính: Giai đoạn chuẩn bị, hình thành dệt thảm và sửa sang tô điểm lại cho thảm. Giai đoạn chuẩn bị gồm có bốn phần: cắt lông, kéo sợi, nhuộm màu, chế họa tiết. Quá trình tiếp theo là bệt dệt thành hình thảm cũng được chia thành các bước: buộc xoắn, kết lại thắt nút, làm thành những sợi ngang, cắt phần lông thừa. Phần cuối là chỉnh lý tô điểm, gồm có gọt bằng phẳng bề mặt, giặt thảm, kéo duỗi, tu bổ cắt sửa lại. Công cụ chế tạo đều chia làm hai bộ phận, một là dụng cụ dệt thảm, hai là các công cụ chuyên dùng để đo lường cho thảm.

Khung dệt thảm Hoàng cung (Ảnh: feiyicheng)

Thảm hoàng cung sử dụng rất nhiều các loại kỹ thuật thủ pháp, thể hiện đầy đủ được truyền thống văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của cung đình Bắc Kinh xưa, cũng là căn bản cho hướng phát triển rộng đến người dân. Nó vừa tồn tại một khí phái hoàng gia, lại có ý vị dân gian, khiến cho người người phải suy nghĩ về dư vị vô tận của nó. Đặc điểm nổi bật của thảm hoàng cung là việc thiết kế tận tâm, ý tưởng hoàn mỹ, chú trọng việc phối hợp các đường viền và vật liệu, đặc biệt cần sự xử lý tỉ mỉ, luôn luôn hướng tới một sản phẩm ngày càng hoàn mỹ.

Cận cảnh chi tiết thảm hoàng cung

Thảm hoàng cung chiếm một vị trí cao trong văn hóa cung đình 

Trong thời đại nhà Nguyên, tất cả các đế vương đều có những yêu cầu cực kì nghiêm ngặt trong việc sử dụng, trải lót, dệt đan hay đến cả việc phối hợp màu sắc cho thảm. Các chi tiết, nguyên liệu, màu nhuộm, kích thước, số lượng và vị trí được sử dụng trong hoàng cung đều phải trực tiếp tuân theo ý chỉ của hoàng đế. Thảm hoàng cung trong văn hóa cung đình có một vị thế rất cao vì ba lí do chính:

Thứ nhất, do thời đó rất thiếu thốn vật liệu để trải trên sàn nhà, thảm lại được làm từ lông cừu và tơ tằm, nên có công dụng chống lại cái lạnh mùa đông, trở thành một đồ dùng cực kỳ hữu dụng.

(Ảnh: xuehua)

Thứ hai, thảm có nhiều sự biến hóa về màu sắc lẫn hoa văn hình vẽ, nên ngoài giá trị sở dụng, nó còn có một giá trị trang trí, giá trị nghệ thuật mạnh mẽ.

Thứ ba, việc sử dụng thảm là không thể tách khỏi những nghi lễ của cung đình. Trong những thời tiết khác nhau, tại các vị trí đặt thảm khác nhau, hình vẽ cùng màu sắc đều có quy tắc riêng của nó. Ví dụ, trong đại hôn lễ của hoàng đế, ở giữa cung Khôn Ninh sẽ được đặt một tấm thảm có tên là “Hồng địa tú song hỷ long phượng thái vân tử tôn vạn đại mao ni kháng thảm“, với màu sắc chủ đạo của thảm là màu đỏ, ngụ ý cát tường, còn có rồng và phượng đối xứng nhau hai bên trái phải, thể hiện sự cao quý tột bậc.

Mâm kim thảm – thể hiện đậm nét phong cách hoàng gia

Bắc Kinh cung thảm” là vật phẩm tôn quý tao nhã, kết cấu tinh mỹ, phối hợp màu sắc tươi sáng, cách cắt xén ba chiều lồi lõm tạo cảm giác có nhiều lớp xếp chồng, kiểu dáng thiên biến vạn hóa. Tùy theo việc phân loại chất liệu của thảm, thảm hoàng cung có “ti thảm” (thảm bằng tơ), “nhung thảm” (thảm vải nhung), và “mâm kim thảm” (thảm vàng). Trong đó “mâm kim thảm” thể hiện giá trị nghệ thuật đặc biệt cùng phong cách hoàng gia.

Mâm kim thảm

Mâm kim thảm sở dĩ có cái tên này là vì khi dệt thảm, những người thợ thủ công đã dùng những sợi tơ vàng để phối hợp, từ đó thảm hoàng trở nên nguy nga lộng lẫy, lấp lánh rực rỡ. Vào thời kỳ đầu vua Càn Long triều đại nhà Thanh, loại mâm kim thảm này đã được đặt trong bộ sưu tập những đồ vật thượng đẳng của cung đình, cùng hàng với đồ men Cảnh thái lam, ngọc bội, điêu khắc ngà voi, và khảm nạm sơn kim.

Mâm kim thảm

Để duy trì và tăng cường sản xuất sản phẩm truyền thống, nhà máy làm thảm đầu tiên ở Bắc Kinh được thành lập năm 1956 bởi một công ty tư nhân liên doanh. Ngành công nghiệp thảm của Bắc Kinh đạt đỉnh cao vào những năm 1980. Nhưng sau những năm 1990, nhiều nhà máy thảm quốc doanh lần lượt đóng cửa, chỉ còn lại duy nhất một cơ sở duy trì dệt thảm theo cách thủ công. Hiện nay, thảm hoàng cung đã nằm trong danh sách di sản văn hóa phi vật thế quốc gia của Trung Quốc.

Theo sohu.com
Ảnh trong bài: sohu.com

Uyển Vân biên dịch