Có những câu thơ đi suốt cả một đời người. Nó như nhắc lại những kỉ niệm bắt cá giữa đường khi con sông quê đục ngầu nước lũ tràn qua mảnh ruộng, ao làng. Nó như một gương mặt bè bạn bất chợt gợi ta nhớ thuở bắt cào cào châu chấu, đào dế ven đê…

Tiếp theo Phần 1

Bài thơ tôi nhớ đến, thường nhẩm đọc trong những đêm mất ngủ đất phương Nam vọng về đất Bắc khi vừa nghe tin Ngoại ra đi… Bao nhiêu năm sau, tiễn Mẹ về với ông bà, có lúc thẫn thờ bạc phơ con mắt, thức giữa đêm muốn thố lộ cùng trang giấy. Kỳ lạ chưa, ngày mai đọc lại vẫn là bài thơ Đăng U Châu Đài ca của Trần Tử Ngang.

Chợt nhớ một ngày Đông mang mang trong quá khứ, chui trong lòng mẹ ngủ vùi. Nửa đêm chợt giấc nhìn mẹ còng queo ngủ mệt nhọc và …chợt khóc. Mẹ dậy dỗ dành, đứa bé là tôi lúc ấy không thôi mếu máo: “Mẹ ơi! Mẹ sống mãi nha Mẹ”… Bài thơ này hôm nay lại làm mắt tôi tuôn lệ. Mẹ đã ra đi. Và rồi tôi hôm nay? Bao giờ có cuộc viễn du trong thân phận kiếp người?

Bài thơ của họ Trần lại hiện lên nối thời gian dằng dặc bao nhiêu thế hệ. Cái hiện tại có ông bà cha mẹ ngày xưa giờ đã là quá khứ. Cái thế giới thiêng liêng ấy vốn Có, vốn hiện hữu, giờ trống không. Nhưng hoài niệm không cho quá khứ ngủ yên. Chúng vẫn hiện hữu cho bước chân chập chững tuổi thơ đi tìm thời gian đã mất.

Lạ thật, cứ mỗi lúc buồn không thể nói được dù là trang nhật ký, dù là một bài thơ lục bát lan man, hồn vía của Trần Tử Ngang lại tái hiện bốn câu thơ có sức sống hơn ngàn năm. Vâng, đã 13 thế kỷ trôi qua rồi, Đăng U Châu Đài ca đã trường tồn cùng năm tháng như thế đấy…

Một số bản dịch Việt ngữ “Bài ca lên đài U Châu”

*Người trước chẳng thấy ai

Người sau thì chưa thấy

Ngẫm trời đất thật vô cùng

Riêng lòng đau mà lệ chảy.

(Tương Như dịch)

Hay bản dịch của Thái Quang Vinh:

Người xưa đâu chẳng thấy!

Kẻ tới sau chẳng hay!

Dài dặc kia trời đất,

Rưng rưng lệ rỏ đầy.

Cái tên của tác phẩm “Bài ca khi lên đài U Châu”: từng chữ từng chữ ẩn chứa những điều thâm sâu

Chữ “đăng” ở đây là đi lên, leo lên từ chỗ thấp lên cao: “đăng phong tạo cực 登峰造極 ” là lên tới tuyệt đỉnh; “nhất bộ đăng thiên 一步登天 ” là một bước lên trời. Phân biệt như vậy, bởi nếu ở đây tác giả dùng chữ “thượng” thì cũng là đi lên nhưng chỉ mang nghĩa trung hòa.

Chữ “đài” là chỉ kiến trúc cao, có thể nhìn ra bốn phía. Nó quy mô và có ý nghĩa hơn “lầu các”. Thời nhà Hán, người ta gọi Thượng thư, Ngự sử, Yết giả là “Tam đài”. Sau cũng gọi là Tam công. Vì thế lên tới chức vị Tam công gọi là đăng đài 登臺. Cũng phiếm chỉ sung nhậm chức quan cao. Trần Tử Ngang đã làm chức quan to trong triều. Nhưng với ông, “đăng đài” này mới thực sự là nơi ông nhận thức được giá trị chính mình, tự mình phong “tam đài” cho chính mình vậy!

Ảnh: Thi Viện

Còn U Châu là địa danh nào?

Thực ra, các nhà thơ Đường luôn dùng các địa danh cụ thể để gửi gắm vào đó những ẩn dụ sâu kín nhất. Tập hợp các tài liệu tản mát, ta biết được rằng: Là đài U châu do Yên Chiêu vương (?-279 trước CN) xây dựng ở đất Yên thời Chiến quốc nên còn gọi là Yên đài. 

Vậy là U Châu thuộc đất nhà Yên thời Chiến Quốc. Theo “Tấn thư địa lý chỉ” thì vua Thuấn lấy Ký Châu. Phía nam, bắc còn khá rộng, liền lấy phía Tây làm Tịnh Châu; phía bắc nước Yên sau này làm U Châu. Thời nhà Chu vẫn giữ nguyên như thế.

Cũng như Lý Bạch chia tay cố nhân Mạnh Hạo Nhiên của mình: ông lựa chọn địa điểm là lầu Hoàng Hạc; Sầm Than ngắm những bông hoa nở mỗi độ “xuân lai” trong vườn nhà Lương từ núi cao… Trần Tử Ngang gặp được địa vị Tam Đài của mình chỉ khi đi lên Đài U Châu mà thôi.

Ảnh: pinterest.com

Mỗi địa danh trong thơ Đường đều có thể làm cho độc giả trở về với những triều đại thịnh suy, những con người hiền đức hoặc gian hùng; những giai thoại bát ngát trong khu rừng văn hóa Thần truyền 5000 năm đất nước Trung Hoa vĩ đại…

Sẽ mất quá nhiều thời gian để chúng ta đọc về Nghiêu, Thuấn; về vua Vũ trị thủy; về anh em nhà Chu diệt Trụ với Khương Tử Nha…

Chỉ cái đất U Châu ấy cũng gắn bó với bao người muốn nhìn lịch sử như những kinh nghiệm về lẽ thịnh suy, thời thế; về anh hùng bất hủ và hôn quân bạo chúa..

Bốn dòng thơ không chỉ kiệm lời, mà kiệm chữ tới mức tối đa. Nó dồn nén tới mức khó ai dám nói hết những ý tứ mà hơn 1300 năm người đời thưởng thức. Hai dòng đầu nói về thời gian (trụ). Hai dòng sau là không gian (vũ).

Xâm nhập năng lượng vào trong cả 4 dòng đều có thấp thoáng bóng dáng, tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Con người ấy, trong cái nhìn nhân thế thì rất cô đơn. Cô đơn cả trong thiên địa, không gian và cả trước/sau của thời gian vô thủy vô chung…

Đặc trưng của thơ Đường là hàm súc. Để cho ý ở ngoài lời, các chữ phải được lựa chọn rất công phu. Chữ nào cũng chắc, không “lép”.

Con người ấy, trong cái nhìn nhân thế thì rất cô đơn (Ảnh: pinterest.com)

Riêng bài thơ này, các chữ nhiều lúc đứng riêng rẽ như một câu, một thông báo hoàn chỉnh. Đúng hơn, nó là một câu thơ lan truyền và hấp thụ trường năng lượng của một tứ thơ hoàn chỉnh. Có thể tách những con chữ này thành những hình tượng rất độc đáo. Tất cả các chữ mở đầu 4 dòng thơ đều đứng rắn rỏi và tự tin một mình. Nó như cái cột trụ vững vàng thể hiện một thế đứng “duy ngã độc tôn” của nhân vật trữ tình để cho các ý tứ bám vào đây như dây leo mướt lá, sai nụ, rực rỡ những bông hoa…

Về nhịp có lẽ phải cắt như thế này mới thể hiện được thần thái bài thơ :

TIỀN// bất kiến / cổ nhân///
HẬU // bất kiến / lai giả ///
NIỆM// thiên địa chi du du//
ĐỘC // thương nhiên nhi thế hạ///

Có thể thấy 2 dòng đầu cảm xúc hướng ra ngoại giới. Hai dòng sau, cảm xúc hướng vào Tâm giới. Nó như một quan hệ nhân quả lo-gic.Lên cao, theo lo-gic thông thường là để có một nơi để phóng tầm mắt nhìn cảnh đẹp dưới chân mình, tìm được những cảm xúc kỳ thú để có thể nâng chúng lên thành những hình tượng nghệ thuật gửi gắm tư tưởng tình cảm thi nhân.

Ảnh: pinterest.com

Thật bất ngờ, họ Trần lên cao là để nối ba chiều của thời gian theo một chiều dọc. Có phía trước, phía sau; có quá khứ, tương lai. Và có chỗ đứng của mình trên đài U Châu là hiện tại. Phóng tầm mắt ra phía trước (chứ không phải phía dưới) để nhìn quá khứ. Và ngoảnh lại tìm tương lai, tìm cái vị lai theo một véc-tơ ngược hướng. Lên cao là để nhìn thời gian trôi chảy, là nối tương lai, hiện tại và quá khứ.

Nhưng hình như đây là cái nhìn ngược? Với người sáng tạo thì đây là sự khám phá độc đáo. Cái phía trước chẳng phải quan trọng hơn cái phía sau? Những gì đã trôi qua, những “cổ nhân” xưa kia đã từng tồn tại và có sự nghiệp như Nghiêu, Thuấn, Vũ; như nhà Chu rực rỡ… là những gì chúng ta đã biết.

Thời oanh liệt ấy đâu còn đâu. Cổ nhân và trí huệ vĩ đại của họ, công đức của họ như vừa từ điểm xuất phát từ đài U Châu đã đưa nhau đi về tít tắp chân trời. Họ và thời đại của họ chỉ là truyền thuyết, không gặp được nữa rồi.

TIỀN,

BẤT KIẾN CỔ NHÂN

(Nhìn về phía trước, không thấy cổ nhân, không thấy người xưa đã một thời vang danh Thánh Hiền và sự nghiệp rỡ ràng)

Mục đích lên đài cao là để tìm Người. Đúng hơn là tìm những CON NGƯỜI với những mẫu tự viết hoa. Họ đã vì chúng sinh, vì con người mà làm nên sự nghiệp…

Quá khứ vị lai của văn hóa Thần truyền rực rỡ

Trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa, những cái mà hôm nay người hiện đại gọi là truyền thuyết có rất nhiều. Các thi sỹ xưa, các trí thức xưa, họ sống trong trường năng lượng của văn hóa tu luyện, họ nhận thức được đó là thứ văn hóa Thần truyền. Không nhiều thì ít ai cũng cảm nhận điều này, thực chứng điều này rất cụ thể. Xưa, Thần Phật, Đạo đã xuống nơi này, xây dựng một thứ văn hóa bán Thần. Giờ tất cả chỉ còn trơ lầu Hoàng Hạc, trơ đài U Châu…

Nhưng không thất vọng. Còn có phía sau. Chiều của Vị Lai. Nhưng khi quay đầu lại, trạng thái trống trải vẫn như khi nhìn phía trước, nhìn về quá khứ :

HẬU,

BẤT KIẾN LAI GIẢ

(Nhìn phía sau, không thấy những bậc lai giả)

Hai chữ Bất Kiến lặp lại nhưng Lai Giả lại là một đối tượng hoàn toàn mới.

Khi dịch:

“Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa đẻ”

Đã đánh đồng 2 đối tượng. Có buồn, có cô đơn khi đứng trên cao ở một cái đài U Châu nhắc nhở rất nhiều về lịch sử, người ta dễ tầm thường hóa tầm tư tưởng và nhân cách Trần Tử Ngang. Không sai, nếu đặt bài thơ vào tâm trạng của kẻ sỹ bất đắc chí không được thỏa cánh chim Bằng. Trần Tử Ngang là một đại quan không dễ nghe lời Vũ Hậu. Ông là cái gai trong mắt của vị Nữ Hoàng Đế đầy quyết đoán này. Hãy thử so sánh hai hành vi.

Ảnh: pinterest.com

Võ Tắc Thiên vốn tên CHIẾU 照 nghĩa là soi sáng, soi rọi. Nhưng bà đã bắt thần dân phải viết chữ ấy theo một cấu trúc khác là  瞾. Phía trên là 2 chữ Mục, phía dưới là chữ Không. Ý nghĩa của chữ này là: Dưới hai con mắt của Võ Hậu không có ai, không có bất cứ cái gì được gọi là giá trị. Đúng là “Mục hạ vô nhân” Uy quyền của Võ cho đến hôm nay, thế kỷ 21 rồi vẫn còn ảnh hưởng. Trong từ điển người ta vẫn không bỏ được chữ do bà ban bố.

Nhưng dù sao thì cũng là cái nhìn, cái ngạo nghễ của người có quyền uy với những sinh linh trong triều đại mình. Những ai theo Đạo gia, theo Phật gia sẽ coi điều ấy như ‘tấm cám’.

Quyền lực là chốn Mê lầm tích được nhiều Nghiệp báo nhất. Không có vương triều như Nữ Hoàng Võ Hậu nhưng con mắt của Trần tiên sinh lại muốn kiểm soát, nói đúng hơn lại muốn tương thông, viên dung cùng thời – không, cùng  vũ trụ. Muốn làm bạn với “cổ nhân” như Nghiêu Thuấn đã là khí phách, hiên ngang. Nhưng muốn gặp Lai Giả thì tầm kích của con người này đã hòa vào trong vũ trụ.

Ảnh: pinterest.com

“Lai giả” khiến ta nhớ tới “Như Lai”. Nó được hiểu là “Người đã đến như thế” hoặc “Người đã đến từ cõi chân như”. Như Lai là danh hiệu chỉ một Thánh nhân đã đến bậc giác ngộ cao nhất.

Như vậy, “Lai Giả” ở đây là những Giác Giả, thậm chí họ là những Đại Giác Giả, những sinh mệnh cao tầng, có trí huệ, có pháp lực vô tỷ, có sứ mệnh thiêng liêng xuống độ nhân như Thích Ca Mâu Ni; hoặc xuống dạy con người Đạo và Đức như Lão Tử…

Sau khi Đức Thích Ca nhập Niết Bàn, hàng ngàn năm nay người ta thấp thỏm chờ đợi vị Như Lai của tương lai. Gặp được Đấng ấy phải có cơ duyên ngàn năm vạn đại mới có cơ duyên. Người ta chờ đợi dấu chỉ của Ưu Đàm hoa nở theo tiên tri của Đức Thích Ca…

Muốn gặp Lai Giả? Gặp Như Lai? Liệu có ngông cuồng quá chăng?

Thực ra, một người Thiện lương tu luyện thấu hiểu những huyền vi của Tạo Hóa như Khổng Minh, như Lưu Bá Ôn, như Trạng Trình… hoàn toàn có thể tiếp xúc và có những cảm nhận siêu thường về sự “gặp gỡ” ấy. Đây là điều mà khoa học hôm nay giải thích không được, bèn gọi nó là Mê Tín.

Khổng Minh (Ảnh: Vietjet.net)

Hóa ra trong hai tiếng BẤT KIẾN ấy đã chứa sẵn phản đề và bộc lộ cái mơ ước cao cả của một người thường muốn trở thành Thần Thánh, trở thành phi thường. Họ Trần vào thời điểm này “không thấy” nhưng trong khát vọng ông muốn mình “sẽ thấy”.

Hai dòng sau bất ngờ thêm mỗi câu 1 chữ. Chuyển thể Ngũ Ngôn thành Lục Ngôn. Nó mềm hóa câu thơ, nó len vào đó tâm trạng. Càng buồn, khát vọng càng dào lên mãnh liệt.

Câu ba:

NIỆM,

THIÊN ĐỊA CHI DU DU.

Chính hai hư từ CHI và NHI với thanh bằng đứng vị trí thứ 4 trong dòng thơ đã làm cho tâm trạng đi vào chiều sâu thẳm. Chữ NIỆM ở đây là đặc trưng của tín ngưỡng. Nó có nghĩa là: nghĩ, nhớ, mong; chuyên tâm nghĩ ngợi; đọc tụng thì thầm. Đó là những điều tâm can được xuất phát từ trái tim thành kính đối thoại, câu thông của tiểu vũ trụ là cá nhân con người mình với vũ trụ rộng lớn là thiên địa, đất trời.

Con người với thiên địa đất trời (Ảnh: pinterest.com)

Người ta dường như muốn cắt ngang chữ “Niệm” cho vào một thế giới. Họ Trần niệm gì, nói gì với Thần linh? Có bao nhiêu người đọc câu thơ thì sẽ có bấy nhiêu đáp án. Tuy nhiên, khi đọc liền mạch, ta có thể hiểu một cách giản dị:

Sao mà thiên địa vô cùng vô tận, “chi du du” như vậy? Ta là ai mà đứng trong cuộc bể dâu này?

Câu thơ có 3 chữ NIỆM, DU, DU đều có chữ Tâm ở dưới. Nó làm cho sự ưu tư, sự suy niệm được tăng cấp.

Hai chữ “du du” dù hiểu như thế nào thì các không gian thiên địa cứ chập chùng mang mang khiến lòng người không yên.

Khi Thôi Hộ cho đám mây trắng ngàn năm tĩnh tại “không du du” thì tâm của ông đã chớm chạm cõi Tiên rồi!

Từ láy “du du” khiến nghĩ tới sự thong dong tự tại, nhàn hạ, là xa xôi, vô tận; là liên miên, bất tận. Nó còn có nghĩa là lo lắng, phiền muộn, ưu tư…

Thiên địa trước sau đều trống không. Nhưng thử làm được đám mây trắng ngàn năm thung dung bay vào muôn ngàn thế giới thì đâu phải là trống rỗng? Muốn tìm gặp những cảnh giới hiện hữu cao tầng thì phải một Niệm thay cho vạn niệm. Phải dùng cái Không của Phật, cái Vô của Đạo mới có thể “không du du” trước đất trời thăm thẳm nhiều bí mật.

Câu bốn:

ĐỘC,

THƯƠNG NHIÊN NHI THẾ HẠ

(Một mình ta cô đơn, cô độc đứng giữa thời – không bao la. Niềm thương xót cứ tự nhiên mỗi lúc một nhiều. Vì thế mà nước mắt rơi xuống)

Lý Bạch sau này cũng “Độc tọa Kính Đình Sơn”. Con đường “Ngộ” nhận ra chân lý gọi là Huệ Ngộ. Nó chỉ một mình tự chịu trách nhiệm, tự khám phá, chẳng cầu được ai. Tiểu vũ trụ là cá nhân mình hẳn nhiên là câu thông khăng khít với vũ trụ rộng lớn.

Nhưng trong Mê, có cách nào để tìm ra và thấy những mối quan hệ nhân duyên ấy? Và Trần Tử Ngang đã có những niệm đầu lóe sáng ánh vàng kim.

Ảnh: pinterest.com

Hết phần 2. Mời đọc giả đón đọc tiếp phần 3